Phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên các trường đại học thuộc Bộ Tài chính trong học tập môn Mác - Lênin

Phát biểu bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn” (1). Điều này cho thấy, tính cách mạng, khoa học của lý luận Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị, định hướng hoạt động cho mọi đường lối, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, viện nghiên cứu, đặc biệt là sinh viên các trường đại học (ĐH) thuộc Bộ Tài chính (BTC) phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học tập môn lý luận Mác - Lênin để nâng cao trình độ hiểu biết, từ đó kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện bằng được mục tiêu phấn đấu đến giữa TK XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

1. Một vài nét về sinh viên các trường ĐH thuộc BTC trong học tập môn lý luận Mác - Lênin

Các trường ĐH thuộc BTC gồm: Học viện Tài chính; ĐH Tài chính - Makerting; ĐH Tài chính - Kế toán; ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh. Đây là các trường ĐH đào tạo chuyên ngành cơ bản là tài chính, kế toán cho Nhà nước, doanh nghiệp, vì vậy, trong chương trình giáo dục, đào tạo của sinh viên bao gồm cả những môn lý luận Mác - Lênin, là những môn phụ, bổ trợ cho quá trình học tập, công tác sau khi ra trường nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng cho sinh viên. Đặc biệt, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, tăng cường niềm tin cho sinh nên vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, điều hành của Chính phủ, từ đó nâng cao nhân tố chủ quan bản thân trong học tập môn lý luận Mác - Lênin. Tại các trường ĐH thuộc BTC, sinh viên được học các môn gồm: Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị học Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học, đây cũng là ba bộ phận cấu thành nên chủ nghĩa Mác - Lênin, giúp sinh viên có thêm những tri thức lý luận để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, là yếu tố giúp sinh viên có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động, bất mãn, cơ hội về chính trị ở trong và ngoài nước.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc học tập môn lý luận Mác - Lênin, thời gian qua, sinh viên các trường ĐH thuộc BTC đã tích cực, chủ động phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong học tập, nghiên cứu để nâng cao chất lượng môn học. Mặc dù, không phải là môn học chính nhưng đa phần sinh viên đều có cảm nhận hứng thú với môn học, cho rằng học tập môn lý luận Mác - Lênin là rất quan trọng. Cụ thể, qua điều tra xã hội học 120 sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng năm thứ nhất (tháng 10-2020) với các nội dung câu hỏi: Học môn lý luận có vai trò như thế nào trong việc trang bị hệ thống tri thức lý luận đúng đắn, có 47 sinh viên cho rằng rất quan trọng, chiếm 39,16%; có 35 sinh viên cho rằng quan trọng, chiếm 29,16%; có 29 sinh viên cho rằng ít quan trọng, chiếm 24,16%; có 9 sinh viên cho rằng cũng không quan trọng lắm, chiếm 7,5%. Cũng ở nội dung khảo sát như trên về số lượng, nội dung câu hỏi với sinh viên ngành Kiểm toán Trường ĐH Tài chính - Kế toán, có 42 sinh viên cho rằng rất quan trọng, chiếm 35,0%; có 37 sinh viên cho rằng quan trọng, chiếm 30,83%; có 29 sinh viên cho rằng ít quan trọng, chiếm 24,16%; có 12 sinh viên cho rằng không quan trọng lắm, chiếm 10,0%.

Như vậy, phần nào cho thấy, việc phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên các trường ĐH thuộc BTC trong học tập môn lý luận Mác - Lênin đã được thể hiện rất tốt, chứng tỏ công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng ngay từ đầu của giảng viên rất được chú trọng, có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức. Các điều kiện bảo đảm cho việc phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên cũng được nâng cao như: tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình, đội ngũ giảng viên, giảm tải thời gian học các môn lý luận Mác - Lênin, bản thân mỗi sinh viên cũng nhận thức được vị trí, vai trò của môn học không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn mang tính lâu dài.

Tuy nhiên, việc phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên các trường ĐH thuộc BTC trong học tập các môn lý luận Mác - Lênin vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là một số sinh viên chưa thật sự coi trọng môn học, cho rằng đó là môn học phụ không cần thiết phải đầu tư thời gian, trong quá trình học tập chỉ cần nắm một số ý chính là có thể viết được bài. Một số giảng viên chưa thực sự đổi mới về nội dung, phương pháp trình bày, tổ chức lớp học còn đông, nặng về hình thức trình bày, chưa chú trọng đến việc giới thiệu kiến thức với thực tiễn xã hội đang vận động, phát triển. Ý thức học tập của một số sinh viên chưa tốt, còn ngại học, ngại khổ, chưa chiến thắng được bản thân, còn thích chơi hơn học. Một số giảng viên và cả sinh viên còn lạm dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thiết kế bài giảng, chưa chịu đầu tư suy nghĩ, tìm ra những chỗ yếu, điểm yếu mà sinh viên vẫn thường mắc phải. Việc bố trí số tiết học trên lớp với thời gian ôn tập ở nhà của sinh viên còn chưa đồng đều.

Trước tình hình đó, tư tưởng, tâm lý của sinh viên sẽ bị ảnh hưởng, làm họ mất phương hướng, không thiết tha, mặn mà với môn học, từ đó, niềm tin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa vào môn học cũng bị ảnh hưởng. Nhiều sinh viên vốn đã sợ, không thích các môn lý luận Mác - Lênin nay lại càng suy giảm động lực tiếp thu kiến thức môn học.

 2. Một số biện pháp phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên các trường ĐH thuộc BTC trong học tập môn lý luận Mác - Lênin thời gian tới

Một là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn lý luận Mác - Lênin cho sinh viên.

Đây là giải pháp rất quan trọng để phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên các trường ĐH thuộc BTC trong học tập môn lý luận Mác -Lênin. Có thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên thì mới kích thích niềm đam mê, sự hứng khởi, thích thú với môn học của sinh viên. Theo đó, về nội dung giảng dạy môn lý luận Mác - Lênin cho sinh viên các trường ĐH thuộc BTC phải gắn với chuyên ngành đào tạo của họ, trên cơ sở những nguyên lý, quy luật, phạm trù của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đặc biệt, cập nhật vấn đề thị trường tài chính thế giới, khu vực vận dụng vào từng chủ đề khác nhau để liên hệ, cung cấp cho sinh viên thông tin mới, chính xác, tin cậy; lấy dẫn chứng thực tiễn nhiều hơn để bổ trợ, luận giải cho những mệnh đề, luận điểm, tư tưởng mà lý luận Mác - Lênin đã chỉ ra trong các phần, mục của bài giảng. Về phương pháp giảng dạy, giảng viên cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học, chú trọng đến phương pháp phát huy tính năng động, sáng tạo của người học, đặt ra những tình huống, câu hỏi để sinh viên động não, suy nghĩ; hoặc trao đổi giữa giảng viên và sinh viên về một vấn đề xã hội có liên quan đến nội dung bài giảng để tạo sự kịch tính, sôi nổi trong lớp học; kết hợp nhuần nhuyễn giữa thiết kế bài giảng theo các slides với ngôn ngữ nói, động tác truyền cảm hứng đến cho sinh viên.

Hai là, nâng cao trình độ năng lực giảng dạy môn lý luận Mác- Lênin cho sinh viên.

Hiện nay, trình độ năng lực giảng dạy môn lý luận Mác - Lênin của giảng viên các trường ĐH thuộc BTC về cơ bản đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của từng nhà trường đặt ra. Thực hiện Thông báo số 363-TB/BTGTW ngày 31-5-2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương, theo hướng “giảng viên được đào tạo chuyên ngành nào, giảng dạy môn học đó, xây dựng đội ngũ giảng viên riêng cho từng môn học”, bảo đảm biên chế giảng viên theo từng môn học phù hợp với quy mô, cơ cấu và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của các môn học lý luận chính trị. Theo đó, các trường ĐH thuộc BTC đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên cơ hữu các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, giáo trình mới và nhu cầu thực tế của cơ sở đào tạo. Thực hiện nghiêm túc cấu trúc chương trình các môn lý luận chính trị đã được nghiệm thu. Các giảng viên ở các trường ĐH thuộc BTC có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; phải có khả năng thích ứng nhanh nhạy với những đổi thay của xã hội. Nếu như giảng viên hầu hết ở các trường đại học đang giảng dạy bằng máy chiếu, video, chia sẻ tài liệu trên mạng, thì trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tất cả dữ liệu của người học từ mã số, điểm số, thông tin cá nhân đều được số hóa. Giảng viên thay vì tập trung cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng trên lớp, phải định hướng cho sinh viên biết cách học tập sao cho thích hợp với nhu cầu, khả năng của mình, cách tư duy và xử lý các tình huống trong cuộc sống, qua đó hình thành năng lực tiếp cận và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, giảng viên phải là người hướng dẫn, điều phối, tổ chức hoạt động và đánh giá kết quả học tập, sáng tạo của sinh viên; giỏi về ngoại ngữ, tinh thông về công nghệ thông tin.

Ba là, từng sinh viên đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình phát huy nhân tố chủ quan trong học tập môn lý luận Mác - Lênin.

Đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình phát huy nhân tố chủ quan học tập môn lý luận Mác - Lênin tức là mỗi sinh viên phải kiên quyết thực hiện, làm theo kế hoạch đã xác định, có phương pháp, cách thức, biện pháp phát huy hiệu quả và có tinh thần vượt gian khó để học tập. Đó là quá trình tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, thiếu thốn phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch đã đề ra trong nội dung tự học môn lý luận Mác - Lênin. Có bản lĩnh vượt qua những cám dỗ, hào nhoáng, vui chơi ở bên ngoài, đặc biệt phải chiến thắng bản thân mình, không cho phép bản thân tự bằng lòng với kết quả hiện tại; xác đinh rõ đâu là nhiệm vụ mang tính trước mắt, đâu là nhiệm vụ mang tính lâu dài để có lộ trình, kế hoạch phát huy nhân tố chủ quan môn lý luận Mác - Lênin cho phù hợp, hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng giai đoạn, thời điểm đòi hỏi. Đồng thời, đặt ra cho bản thân những quy định khắc khe, nghiêm túc nhưng cũng rất mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo ở những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau trong quá trình phát huy nhân tố chủ quan, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện, phương tiện đầy đủ, chu đáo cho hoạt động phát huy nhân tố chủ quan.

Cũng thông qua việc đặt ra những yêu cầu cho bản thân trong quá trình phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên sẽ rèn luyện đức tính chịu khó, bình tĩnh, kiên trì, nhẫn nại để giải quyết có hiệu quả các tình huống, sự việc xảy ra trong học tập, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi cá nhân.

3. Kết luận

Sinh viên ĐH nói chung và sinh viên các trường ĐH thuộc BTC nói riêng là những chủ nhân tương lai của đất nước, họ không chỉ năng động, linh hoạt, nhạy bén mà còn đầy khát vọng, lý tưởng ở phía trước. Vì vậy, việc phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên các trường ĐH thuộc BTC trong học tập các môn lý luận Mác - Lênin sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn, phục vụ hữu ích cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả di nguyện của Bác Hồ kính yêu trong bản Di chúc: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (2).

_________________

1. Diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Báo Lao động, ngày 1-2-2021.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.622.

Tác giả: Ths Trần Thị Tuyết Nhung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;