Tóm tắt: Trên cơ sở khảo sát thực tế và tổng hợp tài liệu, nghiên cứu chỉ ra rằng dù sở hữu nhiều lợi thế, các sản phẩm du lịch tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (sau sáp nhập ngày 12-6-2025 thuộc tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa phát huy được tính độc đáo, riêng có của địa phương, sản phẩm thiếu sự liên kết. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp như: phát triển sản phẩm gắn với làng nghề và vườn cây ăn trái; xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm theo chủ đề; nâng cao vai trò cộng đồng; và đẩy mạnh truyền thông, định vị thương hiệu du lịch địa phương. Đồng thời, nghiên cứu cũng góp phần làm rõ hướng đi phù hợp để phát triển du lịch bền vững tại huyện Chợ Lách (trước đây) nói riêng và vùng nông thôn Nam Bộ nói chung
Từ khóa: xã Chợ Lách, sản phẩm du lịch đặc thù, làng nghề, miệt vườn, văn hóa truyền thống.
Abstract: Based on real-world surveys and a synthesis of documents, this study indicates that despite possessing numerous advantages, tourism products in Cho Lach District, Ben Tre Province (after the merger on July 1, 2025, becoming Vinh Long Province) have not yet leveraged the unique and distinctive characteristics of the locality, and products lack cohesion. Therefore, the article proposes several solutions, such as: developing products linked to traditional craft villages and fruit orchards; building themed experiential tourism routes; enhancing the role of the community; and boosting communication and local tourism brand positioning. Concurrently, the study also contributes to clarifying suitable directions for sustainable tourism development in the former Cho Lach District (before) in particular, and the rural areas of the Southern region in general.
Keywords: Cho Lach commune, distinctive tourism products, craft villages, orchards, traditional culture.
Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách - Ảnh: vnexpress.net
Tiềm năng và thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại huyện Chợ Lách (trước đây)
Huyện Chợ Lách (trước đây) là nơi có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù (SPDLĐT) dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm các yếu tố điều kiện địa lý tự nhiên, hệ sinh thái sông nước và cảnh quan miệt vườn. Vùng đất có điều kiện địa lý tự nhiên ba mặt giáp sông, được bồi đắp bởi phù sa của những con sông lớn như Hàm Luông, Cổ Chiên và hệ thống kênh rạch chằng chịt cung cấp nước ngọt dồi dào quanh năm là điều kiện sinh thái du lịch nông nghiệp rất thuận lợi. Nghề trồng cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng ở huyện Chợ Lách (trước đây) đã có từ lâu đời, được truyền dạy từ họ đạo Cái Mơn rồi lan tỏa ra cư dân trong vùng. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký là người có công mang hạt giống từ nước ngoài về quê hương Chợ Lách từ đó nghề trồng cây ăn trái ra đời, rồi trong quá trình nuôi trồng lai tạo ra giống mới điển hình như sầu riêng Cái Mơn cơm vàng hạt lép nổi tiếng khắp nơi, từ đó mà hình thành nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng, và trở thành nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cư dân, cũng từ đó hình thành nét đặc thù riêng có của vùng đất này với thương hiệu vương quốc cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng lớn nhất của cả nước. Hệ thống kênh rạch chằng chịt cũng chính là tài nguyên du lịch đường sông, khách du lịch có thể du ngoạn trên sông và ngắm vườn cây hai bên bờ thơ mộng. Ngoài ra hệ sinh thái sông nước còn tạo nên những cồn, bãi thuận lợi cho phát triển du lịch như cồn Phú Đa, cồn Cái Gà, cồn Phú Bình. Cảnh quan thoáng mát và xanh tươi ở những cồn, bãi luôn hấp dẫn khách du lịch bên cạnh nguồn hải sản tươi ngon, trái cây phong phú.
Huyện Chợ Lách (trước đây) là vùng đất “Tứ Long”, “Địa linh nhân kiệt”, là nơi có nhiều di tích, công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và đặc trưng, như các công trình tôn giáo: nhà thờ, chùa, đền, miếu cổ... Nơi đây là quê hương của Trương Vĩnh Ký - nhà khoa học, nhà bác học nổi tiếng, người biết trên 20 ngoại ngữ và có 118 tác phẩm được xuất bản, người có công lớn với nghề trồng cây giống ở Cái Mơn. Ở quê hương ông, có một trường Phổ thông Trung học mang tên Trương Vĩnh Ký và Nhà bia tưởng niệm.
Nhà thờ cổ Cái Mơn, một kiến trúc Pháp được xây dựng vào năm 1872 cách đây gần 150 năm, họ đạo Cái Mơn được thành lập tháng 2-1872. Ngoài một nhà thờ lớn với số tín đồ đông đảo, ở đây còn có một tu viện của dòng Kitô Vua (dòng nam) và một tu viện dòng mến Thánh Giá (dòng nữ). Nơi đây còn có một nhà nguyện của tu viện Mến Thánh Giá, một trường học, một nhà dưỡng lão và một nhà trẻ mồ côi.
Chợ Lách cũng là nơi tụ hội nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Hòa Hảo. Đa dạng tôn giáo đã tạo nên nền văn hóa hòa hợp với nhau trên nền văn hóa cốt lõi của miệt vườn: chân tình, mến khách, thể hiện thật rõ nét ở câu slogan của Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách: “Tình đất, tình người”. Khách du lịch đến đây có cơ hội tìm hiểu các giá trị văn hóa tâm linh tại các không gian Phật giáo như chùa Kim Long, Thiên chúa giáo như nhà thờ cổ Cái Mơn...
Lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đã hình thành và định hình sự phát triển của ngành Du lịch huyện Chợ Lách, du khách đến đây có thể tìm hiểu nét đẹp văn hóa miệt vườn của xứ sở trái cây, hoa kiểng qua việc tham gia trải nghiệm loại hình du lịch homestay, farmstay... Tất cả các cơ sở lưu trú, homestay, farmstay ở Chợ Lách đều có cảnh quan thoáng mát, tọa lạc bên bờ sông hoặc giữa vườn cây ăn trái, vườn hoa kiểng, được thiết kế phù hợp với cảnh quan miệt vườn, xây dựng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, tạo cảm giác gần gũi, dễ chịu cho khách, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn cho lưu trú và ẩm thực.
Một số cơ sở lưu trú và điểm tham quan ở huyện Chợ Lách trước đây như: Farmstay Nguyễn Gia, Rooster Mekong Garden & Villas, Jardin du Mekong, Nhà vườn Năm Hiền, Hoa Vương Happy House, Nhà dân Mai Thanh Vân, Homestay Hạnh Phúc, Khu du lịch sinh thái Đại Lộc, Khu du lịch sinh thái Lan Anh, Khu du lịch sinh thái vườn Ba Ngói, vườn Bonsai Minh Thành, Minh Chánh, vườn sinh thái Bảy Thảo, vườn cây trái Tám Lộc, vườn ong mật Ba Phúc, vườn xoài Thanh Sơn, Bonsai Nguyễn Thương, Hoa Giấy Màu Hồng, Hoa Giấy Bảy Huyện, vườn chôm chôm Hai Lèo, vườn kiểng thú Năm Công…
Với tiềm năng phát triển du lịch, ngành Du lịch tại Chợ Lách đang định hình những SPDLĐT mang đậm bản sắc địa phương.
Du lịch sinh thái tham quan trải nghiệm vườn cây ăn trái: đây là SPDLĐT tiêu biểu gắn với đặc sản độc đáo và riêng có của Chợ Lách - là vương quốc cây ăn trái nổi tiếng với thương hiệu Cái Mơn. Nghề trồng cây ăn trái được truyền dạy từ Nhà thờ và nhà khoa học Trương Vĩnh Ký, những trái cây ngon, hạt giống tốt được ông mang về và người dân nơi đây biết cách ươm mầm, chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, ra trái ngon quả ngọt. Họ còn biết sáng tạo ra những giống mới cho trái chất lượng hơn, kháng sâu bệnh tốt hơn, năng suất cao hơn, kéo dài mùa vụ trái cây, áp dụng, sáng tạo kỹ thuật nuôi trồng cây ăn trái, lai tạo giống mới, kỹ thuật chiết ghép để cho ra đời những giống cây có năng suất cao, cải tiến chất lượng quả gia tăng lợi ích kinh tế. Những loại trái cây ở Chợ Lách như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, bưởi, quýt, cam… nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và sản lượng.
Du lịch tìm hiểu văn hóa, lễ hội: Khách du lịch về quê hương Chợ Lách sẽ có cơ hội tìm hiểu về nhân vật lịch sử nổi tiếng Trương Vĩnh Ký, được tham quan bia mộ của ông, đến thăm ngôi trường Phổ thông Trung học mang tên Trương Vĩnh Ký, hay tham quan tìm hiểu các công trình kiến trúc cổ như Nhà thờ cổ Cái Mơn mang lối kiến trúc kiểu Pháp, tu viện dòng Mến Thánh Giá, dòng Kito Vua, chùa Kim Long…
Cùng với tìm hiểu văn hóa là cơ hội trải nghiệm các lễ hội, phong tục tập quán truyền thống của người dân địa phương như lễ hội trái cây được tổ chức vào dịp Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 Âm lịch, lễ hội hoa kiểng được tổ chức vào rằm tháng Chạp Âm lịch, phong tục tập quán như: đám cưới Nam Bộ, đám giỗ, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên…
Du lịch làng nghề cây giống, hoa kiểng: huyện Chợ Lách (trước đây) có yếu tố đặc thù về cây giống và hoa kiểng, là trung tâm cây giống lớn nhất cả nước. Đến nay, trên địa bàn Chợ Lách phát triển 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng với trên 5.700 hộ tham gia. Thời gian qua, lượng du khách quan tâm đến làng nghề ngày càng tăng. Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ tham quan quá trình làm ra một sản phẩm cây giống, hoa kiểng mà còn được nhà vườn và nghệ nhân hướng dẫn tham gia thực hiện các công đoạn chiết cây, ghép cành, uốn sửa tạo dáng kiểng, bon sai, tự tay tạo ra tác phẩm nghệ thuật hoa kiểng làm quà lưu niệm dành tặng cho người thân và bạn bè, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho người dân, đặt biệt là vào các dịp lễ, Tết.
Về kỹ thuật chiết ghép, uốn cành bonsai thì những nghệ nhân ở Chợ Lách như Năm Công, Nguyễn Thương, Sáu Màu… đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, lai tạo những giống kiểng mới, chiết ghép, uốn cành thành hình thù kỳ dị độc lạ. Những cây sanh, cây si qua bàn tay nghệ thuật điêu luyện của ông Năm Công đã biến thành những linh vật rồng, rắn, trâu… vừa tạo cảnh quan độc đáo cho khu vườn vừa có yếu tố tâm linh mang đến an lành thịnh vượng cho gia chủ. Những yếu tố đặc sắc riêng có này là tài nguyên cho SPDLĐT học tập, nghiên cứu kỹ thuật trồng cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng tại Chợ Lách.
Các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững
Nâng cao nhận thức về du lịch đặc thù, tính liên kết giữa các bên liên quan
Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân, doanh nghiệp và chính quyền về tầm quan trọng của du lịch đặc thù: nâng cao nhận thức về du lịch đặc thù là một việc cần thiết để cho các bên liên quan như cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và chính quyền địa phương hiểu rõ vai trò giá trị của du lịch đặc thù trong phát triển kinh tế, yếu tố đặc thù tạo lợi thế cạnh tranh cho địa phương đặc biệt về phát triển du lịch. Bên cạnh sự phát triển kinh tế thì yếu tố bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng cần được song song thực hiện.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như cộng đồng cư dân, doanh nghiệp, chính quyền và nhà nghiên cứu: phối hợp giữa các bên liên quan cộng đồng cư dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nhà nghiên cứu cần phải được thể chế hóa bằng các văn bản thỏa thuận, kế hoạch hành động chung để đảm bảo được sự công bằng và lợi ích giữa các bên.
Mô hình đề xuất: chính quyền định hướng và điều phối chung toàn bộ; doanh nghiệp tham gia đầu tư và tổ chức hoạt động du lịch; cộng đồng dân cư đóng vai trò chủ thể trực tiếp cung cấp dịch vụ, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo tồn tài nguyên du lịch tại địa phương; nhà nghiên cứu hỗ trợ cung cấp thông tin khoa học, giải pháp kỹ thuật và đánh giá tác động.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm du lịch
Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, yếu tố cần chú trọng nhất là phát triển các loại SPDLĐT dựa vào tiềm năng sẵn có và đặc trưng tại địa phương như du lịch sinh thái vườn cây ăn trái, du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề… Những sản phẩm du lịch này được xây dựng dựa trên nguồn tài nguyên du lịch đặc thù của địa phương là vườn cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng nổi tiếng cùng với di sản văn hóa Trương Vĩnh Ký, các công trình kiến trúc tôn giáo cổ và những làng nghề truyền thống tại địa phương.
Nhằm nâng cao sự trải nghiệm cho khách du lịch, địa phương cần đầu tư vào hạ tầng du lịch như hệ thống thông tin, biển báo du lịch, nhà vệ sinh công cộng, khu vực để xe… Bên cạnh đó, chú trọng tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn viên địa phương và thái độ của cư dân địa phương đối với khách du lịch. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cũng rất cần thiết để nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch, ví dụ như thẻ du lịch thông minh, thuyết minh số, bản đồ du lịch số, đặt dịch vụ du lịch trực tuyến… những yếu tố công nghệ kể trên hỗ trợ cho khách du lịch tối ưu hóa hành trình và làm tăng sự hài lòng, gia tăng khả năng quay lại của khách du lịch.
Yếu tố giáo dục cũng cần được lồng ghép vào sản phẩm du lịch để nhấn mạnh yếu tố học tập nghiên cứu, tạo ra sự hứng thú cho khách du lịch như là tổ chức các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp sản xuất cây giống, chiết ghép lai tạo uốn cành cây kiểng, hoa kiểng; các hoạt động giao lưu văn hóa như cải lương, đờn ca tài tử hoặc tham gia làm thủ công truyền thống như dệt chiếu, đan lát… Những hoạt động này giúp cho khách du lịch hiểu rõ hơn về văn hóa bản địa và góp phần giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương
Xúc tiến, quảng bá và liên kết với các điểm du lịch khác
Để nâng cao hình ảnh điểm đến và thu hút khách du lịch, công tác quảng bá đóng vai trò quan trọng tập trung vào việc xây dựng chiến lược truyền thông bài bản chuyên nghiệp qua các kênh như trang web, mạng xã hội, các video quảng cáo, các ấn phẩm in ấn. Song song đó cần tích cực tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh từ đó có khả năng cao thu hút khách du lịch.
Chú trọng xây dựng nội dung quảng cáo tập trung làm nổi bật đặc trưng, đặc thù riêng có khác biệt của địa phương và những trải nghiệm thực tế cho khách du lịch tại địa phương. Chợ Lách có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên trục đường giao thông đường bộ và đường sông dễ dàng kết nối với các địa phương lân cận thuận lợi cho việc liên kết du lịch với các điểm đến lân cận để hình thành các tuyến du lịch liên vùng như du lịch khám phá vẻ đẹp sông nước miệt vườn, du lịch trải nghiệm, khám phá cù lao, tour du lịch theo chủ đề… Liên kết vùng giúp kéo dài thời gian lưu trú và khuyến khích sự chi tiêu của khách du lịch, đồng thời tạo sức mạnh cộng hưởng giữa các vùng lân cận, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng tổng thể bền vững.
Đào tạo, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực địa phương
Nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện nay tại Chợ Lách chủ yếu là những cư dân bản xứ làm nông nghiệp, vì vậy nghề du lịch như là một nghề mang lại thu nhập kép tăng thêm thu nhập và lấp đầy thời gian rảnh rỗi giữa các mùa vụ. Họ là những người trực tiếp tiếp xúc và phục vụ cho khách du lịch, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế nhất định về quản lý, kinh doanh và nghiệp vụ du lịch, do vậy cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở địa phương. Cụ thể:
Về đào tạo: những lớp đào tạo về kỹ năng giao tiếp chuyên ngành Du lịch, các lớp học ngoại ngữ, đào tạo nghề hướng dẫn viên, các lớp nấu ăn, các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và những khóa học quản lý du lịch… Song song đó cần chú trọng xây dựng những câu chuyện phục vụ cho thuyết minh tại điểm đến, vì đây là một trong những yếu tố làm nên tính đặc thù cho ngành Du lịch Chợ Lách.
Lực lượng phục vụ khách du lịch hiện nay tại Chợ Lách đa số là những người thuộc tuổi trung niên, đang rất cần bổ sung lực lượng trẻ. Cần có chính sách khuyến khích lao động trẻ quay trở về quê hương mở mang phát triển kinh doanh du lịch. Đây là một nguồn lực quan trọng giúp làm mới, thay da đổi thịt ngành Du lịch Chợ Lách, tạo được sức hấp dẫn và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông
Hạ tầng giao thông tại Chợ Lách nhìn chung đã được nâng cấp và mở rộng theo các hạng mục của Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, đáp ứng được nhu cầu di chuyển cho khách du lịch và vận chuyển cây giống hoa kiểng phục vụ cho nông nghiệp. Để thuận lợi hơn nữa cần xây mới những chiếc cầu cho phù hợp với độ lớn, tải trọng và lưu lượng giao thông, bên cạnh đó cần cần thiết mở rộng thêm một số con đường giao thông trong làng xã, đặc biệt là những con đường đi ngang các chợ địa phương để việc lưu thông được thông thoáng, nhất là vào những mùa lễ hội như lễ hội trái cây, lễ hội hoa kiểng… Hệ thống biển báo giao thông cũng cần được trang bị đầy đủ cùng với hệ thống chiếu sáng cho những con đường làng xã đảm bảo an toàn dạo chơi buổi tối cho khách du lịch. Cần chú trọng phát triển hệ thống phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, xe đạp, xuồng ba lá trải nghiệm bơi xuồng trong những kênh rạch nhỏ của miệt vườn dưới bóng mát của vườn cây ăn trái. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch xe đạp, thiết kế tour du lịch có chương trình đi bộ vào buổi sáng tham quan cây kiểng, hoa kiểng, vừa vận động nâng cao thể lực, sức khỏe vừa tận hưởng đất trời mát mẻ vào những buổi sáng tinh khôi nơi không gian thoáng đãng của miệt vườn Chợ Lách.
Hỗ trợ chính sách từ chính quyền địa phương
Chính quyền địa phương cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch như miễn giảm thuế, hỗ trợ việc vay vốn cho doanh nghiệp du lịch, ưu đãi đầu tư cho các dự án du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, việc đơn giản các thủ tục hành chính và đảm bảo tính minh bạch cũng là những yếu tố hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào kinh doanh du lịch.
Công tác quy hoạch du lịch cần được chú trọng cho phù hợp với đặc điểm riêng có của địa phương về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, điều kiện dân cư và xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát đảm bảo hoạt động du lịch diễn ra đúng quy định đáp ứng được những tiêu chí bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Kết luận
Du lịch Chợ Lách đang dần định hình và phát triển theo định hướng phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Với lợi thế đặc thù sẵn có tại địa phương là cơ sở để phát triển các SPDLĐT mang đậm bản sắc riêng của địa phương, ngành Du lịch các địa phương thuộc huyện Chợ Lách (trước đây) sẽ cất cánh vững chãi và phát triển bền vững theo hướng khai thác thế mạnh đặc thù tại điểm đến.
________________________
Tài liệu tham khảo
1. Bảo Kha, Làng văn hóa du lịch Chợ Lách: “Đòn bẩy” phát triển du lịch Bến Tre, hanoimoi.vn, 22-9-2024.
2. Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, Trung tâm phát triển nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2020.
3. Huỳnh Quốc Thắng, Liên kết và đào tạo phát triển du lịch (từ tài nguyên đến sản phẩm), Nxb Khoa học Xã hội, 2024.
4. Huyền Thu, Xây dựng huyện Chợ Lách thành trung tâm cây giống, hoa kiểng quy mô quốc gia, baodongkhoi.vn, 19-8-2024.
5. Phan Thị Ngàn, Đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch Chợ Lách, tapchidulich.net.vn, 31-8-2019.
6. Quảng Đại Tuyên, Du lịch đặc thù, Nxb Khoa học xã hội, 2023.
7. Thạch Phương - Đoàn Tứ, Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, 2001.
8. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, 2017.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 22-5-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 12-6-2025; Ngày duyệt bài:20-6-2025.
PHẠM THANH BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 611, tháng 7-2025