Phía sau những lỗi lầm

Con người sinh ra, dù là bậc vĩ nhân hay người bình thường, ai cũng có thể phạm phải lỗi lầm, dù ít dù nhiều, dù nhỏ dù lớn. Điều quan trọng là chúng ta sẽ chọn cách đối diện với lỗi lầm ấy và thay đổi bản thân như thế nào.

Ảnh minh họa

 

Lỗi lầm hay sai lầm là những suy nghĩ, hành động, việc làm sai trái, do vô tình hoặc cố ý, chúng ta gây ra, để lại hậu quả tiêu cực cho bản thân, cho người khác và toàn xã hội. Lỗi lầm dù xuất phát từ việc không có chủ đích, không lường trước được việc làm của mình gây ra hay biết trước được hậu quả của mình gây ra là xấu, nhưng vẫn làm thì đều đáng bị lên án, phê phán.

Một lời nói vô tình, một hành động, việc làm thiếu tế nhị khi nóng nảy, mất kiểm soát hoặc vì một lí do nào đó… cũng sẽ làm cho người khác bị tổn thương. Dễ thấy “Những lỗi lầm lớn thường bắt nguồn từ những lỗi lầm nhỏ” (Victor Hugo). Khi mắc lỗi, chúng ta sẽ mất đi niềm tin yêu, sự tôn trọng từ mọi người; sẽ không thể nào sống thanh thản, thoải mái, vui vẻ; sẽ sống trong sự áy náy, dằn vặt và cắn rứt lương tâm. Cảm giác tội lỗi sẽ đeo bám chúng ta suốt cả cuộc đời.

Phía sau những lỗi lầm, chúng ta biết điều chỉnh, khắc phục và sửa chữa khuyết điểm của bản thân; biết phân biệt đúng sai, phải trái; biết rút kinh nghiệm để không bao giờ tái phạm sai lầm tương tự; từ đó tiến lên phía trước và phát triển bản thân. Khi nhận thức được lỗi lầm và sửa chữa, thay đổi và tiến bộ, chúng ta sẽ được người khác nhìn nhận và đánh giá cao.

Cuộc sống quanh ta, có biết bao người sau khi phạm lỗi lầm đã biết cách chấp nhận cái sai và nhìn mọi thứ theo một hướng tích cực. Phía sau những sai lầm ấy là những giọt nước mắt ăn năn, hối lỗi; là những lời xin lỗi muộn màng nhưng chân thành và cần thiết; là những những cuộc đời “hoàn lương” chân chính đáng được cảm thông, trân trọng.

Thế nhưng, bên cạnh những người biết nhận ra lỗi lầm, vẫn còn nhiều người, dù gây ra lỗi lầm nhưng không không dám nhận lỗi, sửa lỗi. Nhiều người dù biết sai, nhưng chỉ vì ích kỉ, vụ lợi; vì ghen ghét đố kị; vì nhẹ dạ, cả tin mà cố tình  phạm sai lầm hết lần này đến lần khác. Có những lỗi lầm có thể tha thứ nhưng cũng có những lỗi lầm không thể tha thứ bởi nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an nguy, sự tồn vong của tập thể, cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Đừng vì những điều nhỏ nhặt mà viện cớ, lấp liếm để bao biện cho lỗi lầm của mình; cũng đừng vì lợi ích to tát nào đó mà bất chấp hoặc cố tình mắc lỗi lầm. Đừng để mọi thứ trở nên quá muộn, không thể cứu vãn. Đừng để cả đời mình phải sống trong cảm giác ân hận, tội lỗi; bị mọi người ruồng bỏ, xa lánh; bị xã hội lên án, trừng phạt. Nếu mắc lỗi lầm, hãy đối diện với nó, thay vì trốn tránh hay cố chấp, thay vì suy nghĩ và tiếp tục hành động lệch lạc. Khi chúng ta dũng cảm đối diện, nghiêm khắc nhìn nhận, bình tĩnh suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết thì lỗi lầm nào cũng sẽ được giải quyết.

Lỗi lầm giống như một người “giáo viên” tốt. Nó dạy cho chúng ta những bài học cần thiết để vững vàng hơn trong cuộc đời. Hãy cảm hóa lỗi lầm của người khác bằng tình yêu thương. Hãy nhìn vào lỗi lầm của người khác để rút kinh nghiệm và tự sửa chính mình.

 

XANH NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;