Phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học: Cơ hội, thách thức

Ngày 9-11, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII), Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà làm phim, nghệ sĩ, các nhà hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

“Thách thức đến từ chính chúng ta!”

Phát biểu khai mạc Hội thảo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông - Trưởng Ban chỉ đạo HANIFF VII cho rằng, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử, đây cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.

Thứ trưởng cũng bày tỏ hy vọng, những nội dung trao đổi trong buổi Hội thảo sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Từ đó, giúp ngành Điện ảnh Việt Nam có được những nhận thức mới, những kinh nghiệm của điện ảnh các nước trong việc làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Hội thảo

Nhiều vấn đề được đặt ra và thảo luận tại buổi Hội thảo. Đó là những vấn đề xoay quanh việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; những nhận thức phù hợp khi làm phim khai thác đề tài lịch sử, những kinh nghiệm tham khảo từ chuyên gia quốc tế và những khó khăn thách thức nào đang đặt ra với hai dòng phim này.

Ở chủ đề đầu tiên: “Làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, những thách thức và cơ hội”, bà Đinh Thị Thanh Hương - Chủ tịch Điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio đặt vấn đề: Nền điện ảnh Việt Nam cũng là nền điện ảnh có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Chưa bao giờ phim Việt Nam chiếm tỉ lệ đến 50% thị trường điện ảnh trong nước. Nhiều khảo sát cho thấy, nhiều phim đề tài chuyển thể từ tác phẩm văn học, phim đề tài lịch sử rất được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, đối với nhà làm phim Việt, đây vẫn là những mảng đề tài còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đồng quan điểm, các diễn giả cũng đã chia sẻ về những thách thức từ thực tế đối với người làm phim đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Các diễn giả tại phiên thảo luận thứ nhất

Về phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, có hai nền điện ảnh đã chuyển thể văn học sang điện ảnh vô cùng thành công là Trung Quốc và Mỹ. Gần đây, phim Việt cũng có nhiều tác phẩm thành công như vậy. Tuy nhiên, phải thẳng thắn là điện ảnh Việt vẫn còn rất nhiều thách thức khi làm phim chuyển thể. Nhưng rào cản đầu tiên có lẽ lại đến từ chính người làm phim. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Thách thức đến từ chính chúng ta! Hơn ai hết, các nhà làm phim rất rõ, đôi khi chính họ lại ý tứ quá với tác giả văn học, hoặc sợ hãi mơ hồ với đề tài lịch sử. Chính sự sợ hãi, ngại ngần đó đã khiến các nhà làm phim lúng túng và tự ngăn cản mình sáng tạo… Lý do bởi chúng ta không ai biết rõ về những sự kiện lịch sử đã xảy ra”.

Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người làm phim có quyền sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, “tại sao chúng ta không được quyền “phiêu”?, vì tác phẩm điện ảnh là hư cấu, là những sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy, theo ông “để có phim về đề tài lịch sử hay thì nghệ sĩ phải sáng tạo hết mình, nhưng các nhà quản lý cũng phải có cái nhìn khác biệt và khán giả cũng vậy!”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm, đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ: "Từ góc độ của một nhà làm phim, tôi thấy đúng như anh Thiều nói. Mọi người có một nỗi sợ, hoang mang, lúng túng khi tiếp cận đề tài lịch sử, mặc dù đây là một đề tài hấp dẫn. Nếu làm phim điện ảnh như là phản ánh một sự kiện lịch sử thì câu chuyện sẽ rất khô khan, không có cảm xúc. Khó khăn của chúng ta là làm sao để có cái nhìn đúng đắn về một tác phẩm lịch sử. Ở khía cạnh nhà làm phim, vai trò để tạo nên một bộ phim lịch sử đúng đắn cần thể hiện được hai sự thật, đó là sự thật về thực tế và sự thật về tinh thần, cảm xúc, tâm lý hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của một nhân vật. Đây là điều không có trong lịch sử nhưng đó là trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ của nhà làm phim, nhà biên kịch trong việc cài cắm những ý nghĩa và thông điệp, kết nối với cảm xúc, với khán giả đương đại và xây dựng nhân vật lịch sử như một con người sống động. Nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh”.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, phim lịch sử là một dòng phim rất quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh cũng như nền văn hóa nghệ thuật nói chung. Đưa vấn đề này để bàn thảo là một việc cần thiết, với mục đích để có được những bộ phim lịch sử của người Việt Nam, cho người Việt Nam, chuyển tải nhiều thông điệp không chỉ về nghệ thuật mà còn về lịch sử, văn hóa.

Theo ông, nên khuyến khích làm phim lịch sử sao cho hấp dẫn hơn, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Việc tôn trọng sự thật lịch sử là trách nhiệm đạo đức của tất cả mọi người, trong đó có các nghệ sĩ. Lịch sử cần được tôn vinh, để trên cơ sở đó giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc. Nhưng lịch sử cũng có nhiều góc khuất không văn bản nào lưu giữ, khi làm phim, nghệ sĩ có quyền sáng tạo để tác phẩm hấp dẫn hơn, dễ đi vào trái tim khán giả hơn. Phải làm sao để vừa tôn trọng những giá trị lịch sử nhưng vẫn thỏa sức sáng tạo là một vấn đề đặt ra.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Để làm được điều đó, Nhà nước cũng đã khuyến khích sự sáng tạo qua những trại sáng tác kịch bản, nhiều cuộc thi kịch bản nhân các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng… Tất cả nhằm khuyến khích nghệ sĩ quan tâm đến đề tài lịch sử, qua đó tạo điều kiện cho công chúng được xem nhiều bộ phim lịch sử, để thêm hiểu về lịch sử dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Trách nhiệm của người nghệ sĩ – công dân là cần phải có nhận thức đúng đắn về lịch sử, để làm ra được những tác phẩm vừa tôn trọng sự thật lịch sử, vừa có chất lượng nghệ thuật.

Cùng tháo gỡ những khó khăn

Trong phiên thảo luận chủ đề: “Kinh nghiệm của điện ảnh các nước và các giải pháp về chính sách để phát triển dòng phim có đề tài về lịch sử, phim chuyển thể”, nhiều ý kiến sôi nổi cùng bàn thảo và đề đạt những kiến nghị để cùng tháo gỡ khó khăn.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, nghệ sĩ, nhà làm phim, giới chuyên môn trong nước và quốc tế

Ông Tiền Trọng Viễn – Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc) chia sẻ những kinh nghiệm từ thành công của điện ảnh Trung Quốc với nhiều bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển và phim lịch sử. Bên cạnh đó là những chính sách ưu đãi, khuyến khích của chính phủ Trung Quốc cũng như mỗi địa phương dành cho các đoàn làm phim.

Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cho rằng, đang có rất nhiều cơ hội để làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học. Bởi Việt Nam có một bề dày lịch sử hàng nghìn năm với nhiều vấn đề, nhân vật, sự kiện lớn và rất hấp dẫn để khai thác tạo ra sản phẩm giá trị và thu hút sự quan tâm từ công chúng. Đề tài về lịch sử là một đề tài quan trọng, có thể là tạo ra những sản phẩm giá trị rất lớn, thế nhưng để thực hiện dòng phim này rất tốn kém. Anh cũng đề nghị các cơ quan chức năng đứng ra để xây dựng trường quay, điều hành những đạo cụ, phục trang và bối cảnh của các đoàn phim để tránh lãng phí và tạo điều kiện tối đa cho nhà sản xuất.

Các diễn giả tại phiên thảo luận thứ hai

Một vấn đề nóng đang được nhiều nhà sản xuất, nhà làm phim quan tâm là dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi đề xuất tăng thuế VAT trong lĩnh vực sản xuất phim từ 5% lên 10%. Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan cho rằng, đề xuất tăng thuế lên 10%, với  sản xuất phim là điều không hợp lý, nhất là với những phim lấy đề tài lịch sử. Bởi làm phim về đề tài lịch sử vốn dĩ đã gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là tạo dựng bối cảnh, phục trang, đạo cụ… rất tốn kém. Cái khó thứ 2 là làm sao để thu hút công chúng mà vẫn phải đảm bảo tôn trọng lịch sử và có tính sáng tạo. Bên cạnh thách thức trong sáng tạo thì thách thức hơn cả chính là nguồn vốn, muốn làm một bộ phim lịch sử, cần hàng chục tỷ đồng. Khi nhà sản xuất đi vay vốn ngân hàng, cần ít nhất một năm để thu hồi vốn trong khi rủi ro làm phim rất cao. Theo anh, nếu không có chính sách cởi mở, tạo điều kiện thì sẽ rất khó để có những bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử thu hút như các nền điện ảnh trên thế giới.

Cùng chia sẻ những khó khăn trong việc đầu tư cho phim lịch sử, vừa tốn kém vừa mang tính rủi ro cao khiến phim lịch sử thiếu vắng trong nền điện ảnh Việt Nam, các nhà làm phim, đạo diễn, nhà sản xuất cũng bày tỏ thẳng thắn về việc mong mỏi có được những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phim về đề tài lịch sử, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có cơ hội phát triển.

NGÔ HỒNG VÂN - Ảnh: TRẦN HUẤN

;