PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRONG GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

Hồ Chí Minh đã từng nói: Thi đua là yêu nước và những người thi đua là những người yêu nước nhất, tư tưởng đó thật thấm thía và càng sáng tỏ trong mọi giai đoạn, thời kỳ, có đẩy mạnh các hoạt động thi đua yêu nước thì mới phát huy được tính năng động, sáng tạo của mỗi người, đối với hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc lại càng phải phát huy cao độ các phong trào thi đua yêu nước. Do vậy, phát huy vai trò của những phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội hướng tới phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đấu tranh loại bỏ những yếu tố lai căng, phản văn hóa.

Ở nước ta có rất nhiều các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức với những nội dung, hình thức rất phong phú, đa dạng lôi cuốn được đông đảo mọi người tham gia. Các phong trào thi đua yêu nước không chỉ có tác dụng trong việc làm sống dậy thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn giúp cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ thanh niên hôm nay có những hiểu biết nhất định về lịch sử dân tộc. Đó cũng là thông điệp của lịch sử mà thông qua các phong trào thi đua yêu nước sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc trân trọng, giữ gìn và không ngừng lan tỏa, phát triển các giá trị của nền văn hóa Việt Nam. Đại hội XII, Đảng ta đã xác định tư tưởng chỉ đạo phát triển văn hóa Việt Nam: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1). Vai trò của các phong trào thi đua yêu nước trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam về thực chất là hoạt động mang tính tích cực, chủ động của các tổ chức, lực lượng có liên quan và quần chúng nhân dân lao động trong việc xây dựng các chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân    tộc (2). Các phong trào thi đua yêu nước chính là sự thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa của Đảng thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Không hiểu được giá trị của các phong trào thi đua yêu nước thì không thể phát huy được tinh thần khí thế của nó trong việc huy động sức mạnh của tập thể để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc rất cần đến những hoạt động mang tính phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp để tôn vinh, biểu dương những hạng mục, công trình, thể loại đã có lâu đời trong lịch sử dân tộc, từ đó, góp phần vào việc giáo dục, xây dựng, bồi đắp nên những truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, củng cố ý chí quyết tâm cao cho mỗi người trong việc giữ gìn những gì là tiêu biểu cho cốt cách, tâm hồn của con người Việt Nam, quảng bá, lưu truyền những sản phẩm văn hóa tiến bộ, văn minh mang đậm chất dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Vì thế, vai trò của các phong trào thi đua yêu nước trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc sẽ không ngừng tăng lên theo cấp số nhân, đó không chỉ đơn thuần là những hoạt động mang tính phong trào bề nổi mà đằng sau đó là cả nền văn hóa của dân tộc, của cả những phẩm chất đặc trưng, bản chất tạo nên dấu ấn của 54 dân tộc anh em.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (3), trong thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, tổ chức các cơ quan, chức năng, ban ngành tiến hành các hoạt động khác nhau để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, mở cửa và phát triển nền kinh tế tri thức; các cấp, các ngành đã chủ động đẩy mạnh công tác sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; huy động nhiều nguồn hợp pháp, đẩy mạnh công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng. Nhiều di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của dân tộc được lưu giữ tại các bảo tàng, trong đó có cả những số di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của các dân tộc thiểu số; việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được chú trọng quan tâm nhằm tạo ra sân chơi vui tươi, lành mạnh, bổ ích cho các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước đã đi sâu, đi sát vào quần chúng nhân dân để lôi cuốn, động viên mọi người khắc phục khó khăn, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, phát huy dân chủ trong xây dựng cơ sở chính trị xã hội địa phương…

Hiện nay việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn chịu sự chi phối tác động bởi tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà thành tựu nổi bật là mạng xã hội, đã lan truyền đến mức chóng mặt bên cạnh những mặt tích cực, đang bộc lộ những hệ lụy, mà một trong những nguy lại lớn nhất là sự xâm lấn của văn hóa phương Tây lấn át văn hóa truyền thống của dân tộc, các sản phẩm văn hóa xấu độc đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đời sống của mỗi người. Vì thế, để các phong trào thi đua yêu nước thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, thì các phong trào thi đua yêu nước cần đi sâu tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân thấy được việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không phải là trách nhiệm của riêng một ai mà đó là trách nhiệm chung của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam cần đề cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, có những đóng góp nhất định vào những hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với các cơ quan, chức năng, ban ngành tiến hành các hoạt động tu bổ, sửa chữa, làm mới các công trình, hạng mục để tạo dấu ấn, sức lan tỏa của bản sắc văn hóa dân tộc với bạn bè năm châu thế giới. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng vùng, từng địa bàn sẽ là cơ sở, tiền đề để cho những phong trào thi đua yêu nước không ngừng phát triển thấm sâu vào mỗi người và qua đó càng nâng cao khả năng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi chủ thể thông qua việc thực hiện những phong trào thi đua yêu nước cũng chính là thể hiện tình cảm, niềm tin của mỗi người về sự trường tồn cùng với năm tháng thời gian của văn hóa truyền thống dân tộc, không chấp nhận những văn hóa ngoại lai, xâm lấn, cùng với những hủ lục lạc hậu, bảo thủ, trì trệ không đáp ứng được nhu cầu, khát vọng mong muốn của quần chúng nhân dân lao động. Do đó, mỗi người cần có sự tiếp nhận và chuyển hóa những yếu tố văn hóa tích cực, lành mạnh vì dân tộc, vì sự tiến bộ, phát triển của mỗi người.

Hai là, tổ chức phong trào thi đua yêu nước sâu rộng hướng tới mọi đối tượng trong quần chúng nhân dân

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử và làm nên lịch sử, họ là chính là chủ nhân của những sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Vì vậy, các hoạt động của những phong trào thi đua yêu nước ở nước ta hiện nay cần hướng tới quần chúng nhân dân lao động, lấy quần chúng nhân dân là đối tượng chính của mọi hoạt động trong công tác của các cơ quan, chức năng, ban ngành. Xây dựng các chương trình, nội dung và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước cần căn cứ vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương và các đối tượng khác nhau để khơi dậy trong họ những tiềm năng, thế mạnh của bản thân, có những sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóacủa địa phương mình, dân tộc mình. Muốn vậy, các phong trào thi đua yêu nước cần đề ra những nội dung, chỉ tiêu thi đua yêu nước phù hợp với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ của từng lĩnh vực hoạt động, xác định rõ nhiệm vụ cần đạt được cho các chủ thể khác nhau, hướng tới nâng cao các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trong quá trình tham gia vào hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói: bất kỳ người đàn ông, đàn bà, già, trẻ, gái trai đều phải tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, phù hợp với từng lứa tuổi, địa bàn ai cũng phải tham gia kháng chiến, kiến quốc. Nhờ vậy, mà Người đã huy động được sức mạnh của cả dân tộc đưa sự nghiệp cách mạng đấu tranh của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Trong mọi giai đoạn, thời kỳ cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước đều phải hướng tới quần chúng và lấy đó là nguồn gốc, động lực cho hoạt động của mình, có như vậy, mới làm cho quần chúng nhân dân phấn khởi, nhận thấy được vai trò của mình trong xã hội, tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng cùng nhau xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ba là, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua

Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến chất lượng hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc hiện nay, vì các hoạt động xã hội muốn đạt kết quả tốt phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách. Do đó việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên. Nâng cao chất lượng của đội ngũ này, là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về thi đua đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Phải làm tốt công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ làm công tác thi đua nhất là những cán bộ đảm nhiệm ở những vị trí quan trọng. Tốt nhất nên lựa chọn những cán bộ có đủ điều kiện về phẩm chất, năng lực, được đào tạo cơ bản, đã trải qua thực tiễn, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu địa bàn, phong tục tập quán, yên tâm công tác, có kinh nghiệm; bên cạnh đó cần chú trọng đến tuổi quân, tuổi đời của đội ngũ này, nên chọn những đồng chí có tuổi đời nhiều hơn hoặc bằng cán bộ địa phương, có trình độ kiến thức tương xứng hoặc nhỉnh hơn với mặt bằng chung của cán bộ xã để thuận lợi trong quan hệ công tác cũng như phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ này ở địa phương. Chủ động phối hợp với địa phương và các ban, ngành tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn cho số cán bộ làm công tác thi đua, nhất là những đồng chí giữ các cương vị lãnh đạo nhằm nâng cao kiến thức toàn diện cho họ, trong đó chú trọng trước hết là kiến thức về công tác thi đua, năng lực, trình độ tuyên truyền, vận động cũng như năng lực tập hợp, đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng, tu bổ phát triển các di tích lịch sử văn hóa, các trò chơi dân gian truyền thống, những lễ hội… Trong quá trình bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, bên cạnh kiến thức về chuyên môn cần có những kiến thức về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Hiện nay, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đang diễn ra gay go, quyết liệt phức tạp càng đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ này, đảm bảo cho họ luôn phát huy vai trò là chiến sĩ văn hóa tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại những văn hóa xấu độc, bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở” (4).

Bốn là, coi trọng hoạt động tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

Mục đích của việc sơ tổng kết đánh giá là nhằm đánh giá các hoạt động tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách toàn diện để có những định hướng đúng đắn trong thời gian tiếp theo. Việc tổ chức đánh giá cần có sự tham gia của các tổ chức, lực lượng và đại diện trong quần chúng nhân dân lao động để xem xét, đánh giá mức độ tổ chức các hoạt động phong trào thi đua yêu nước đạt được ở mức độ nào, có bám sát quần chúng nhân dân hay không, có phát huy được tinh thần, khí thế của quần chúng nhân dân trong tham gia hiến kế, chung sức, chung lòng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc không… Qua đó, biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có nhiều tiến bộ trong hoạt động thi đua yêu nước, có những đóng góp nhất định vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đồng thời, cũng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm đã làm được qua việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để huy động sức mạnh của mọi người trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

___________

1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.131, 132.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,1998.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI,  ngày 9-6-2014, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 201

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : TRẦN THỊ LÊ

;