Ngày 7-12-2024, tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Lần theo dấu chữ” của tác giả Trịnh Hùng Cường, do Nxb Thông tấn và Công ty Nhã Nam xuất bản. Cũng tại sự kiện còn diễn ra trưng bày và giới thiệu một số ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, từ điển… ra đời trong giai đoạn sơ khai của ngành in Việt Nam.
Tác giả Trịnh Hùng Cường phát biểu tại buổi ra mắt sách
Buổi giới thiệu sách có sự tham gia của các khách mời: TS văn học Mai Anh Tuấn, nhà văn Yên Ba, tác giả Trịnh Hùng Cường và các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cùng đông đảo độc giả. Đặc biệt, một số ấn phẩm của các nhà in đầu tiên tại Việt Nam cũng được trưng bày và giới thiệu tại sự kiện, gồm sách, báo, tạp chí, từ điển. Đây là những ấn phẩm quý giá thuộc sở hữu của hai nhà sưu tập: nhà văn Yên Ba và tác giả Trịnh Hùng Cường. Được tận tay chạm vào một cuốn sách, một tờ báo đã ra đời cách đây hơn một trăm năm, nhiều độc giả không khỏi xúc động trước những di sản đã góp phần làm nên một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.
Tác giả Trịnh Hùng Cường là cử nhân Vật lý Ánh sáng - Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng với niềm đam mê sưu tầm tư liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam, anh đảm nhiệm thêm vị trí Chuyên viên khai thác tư liệu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng. Với hiểu biết phong phú về sách báo xưa của Việt Nam, anh thường sưu tập, khai thác và phục chế tài liệu liên quan đến lịch sử, chính trị và văn hóa Việt Nam. Tại sự kiện, tác giả Trịnh Hùng Cường chia sẻ, nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên cho đến nay chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn Việt Nam thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm Lần theo dấu chữ đã được tác giả phác nên những nét cơ bản quan trọng đầu tiên trong việc nghiên cứu và bảo tồn những tài liệu có giá trị về thời kỳ đầu trong lịch sử in ấn nước ta trong khoảng thời gian từ 1862 đến 1920. Quá trình chuyển giao từ các nhà in của người Pháp sang sự xuất hiện của các nhà in do người Việt làm chủ và cung cấp cái nhìn tổng quan về vai trò của ngành in trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa.
TS Mai Anh Tuấn nhận định, là tập khảo cứu đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực in ấn, Lần theo dấu chữ đã lấp đầy một khoảng trống cần thiết trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam. Cuốn sách đi từ những ngày sơ khai của nghề in ấn ở Việt Nam, khi người Pháp mới vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, cho đến năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Cuốn sách tập hợp và phân tích nhiều nguồn tư liệu quý giá bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Việt. Tác giả đã dày công tìm kiếm thông tin từ các công báo, niên giám thời Pháp thuộc, và đặc biệt là các tài liệu thư mục quan trọng như Bibliotheca Indosinica của Henri Cordier hay Bibliographie de L'Indochine Orientale của Landes.
Toàn cảnh sự kiện
Nhà văn Yên Ba đánh giá, điểm nổi bật của cuốn sách là cách tiếp cận có hệ thống về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử ngành in ấn Việt Nam. Tác giả không chỉ ghi lại tên tuổi các nhà in chủ chốt, năm thành lập và quá trình hoạt động, mà còn khắc họa sinh động chân dung các nhân vật tiên phong, những câu chuyện đặc sắc về hoạt động in ấn thời kỳ đầu. Cũng nhà một nhà sưu tầm sách, nhà văn Yên Ba bày tỏ sự vui mừng vì một nhà sưu tầm sách như Trịnh Hùng Cường đã bắt đầu chia sẻ những hiểu biết của mình về sách qua những tập khảo cứu công phu, để các nhà nghiên cứu và độc giả có thêm nguồn tư liệu quý báu về giai đoạn đầu của ngành Xuất bản ở Việt Nam.
Tác phẩm Lần theo dấu chữ được phân chia thành bốn phần, trong đó phần một tập trung phác thảo những đặc trưng trong lịch sử in ấn ở Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa (1862-1920), ba phần còn lại của cuốn sách lần lượt đề cập đến: In ấn ở Nam Kỳ, In ấn ở Bắc Kỳ và In ấn của Công giáo.
Phần đầu tiên của cuốn sách phác họa toàn cảnh lịch sử in ấn thời kỳ đầu thuộc địa, khi được tiếp xúc với cả công nghệ in của Trung Quốc và phương Tây. Bước ngoặt quan trọng đến từ sự xuất hiện của các giáo sĩ phương Tây vào đầu thế kỷ XVII. Họ đã sáng tạo chữ quốc ngữ bằng cách sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt. Đến đầu thế kỷ XX, dưới sự ủng hộ của chính quyền thuộc địa Pháp, chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành in ấn. Nhà in đầu tiên được thiết lập tại Sài Gòn sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ. Đến năm 1884, khi Pháp hoàn tất việc chiếm đóng Việt Nam, công nghệ in được mở rộng ra Bắc Kỳ. Đến khoảng năm 1920, công nghệ in phương Tây đã hoàn toàn thay thế kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống và trở thành phương pháp in ấn chính tại Việt Nam.
Bìa tác phẩm "Lần theo dấu chữ"
Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả đã kỳ công sắp đặt và đưa vào rất nhiều tài liệu tham khảo, báo chí, trang quảng cáo và nhiều tài liệu quý giá khác với một số lượng đồ sộ để hoàn thiện bức tranh về bối cảnh lịch sử ngành in ấn ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đặc biệt, tác giả dành một phần sách gồm hai chương để đề cập đến in ấn của công giáo. Ngoài ra còn đính kèm ba phụ lục bao gồm: Danh mục các nhà in và hiệu sách khác ở Việt Nam (1862-1920), Thuật ngữ in ấn, Sơ đồ mối liên hệ giữa các nhà in ở Việt Nam giai đoạn 1862-1920).
Phát biểu tại sự kiện, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng: “Nếu nói về công nghiệp văn hóa, Hà Nội là một trong những nơi xuất hiện ngành công nghiệp văn hóa sớm nhất, trong đó có ngành công nghiệp in ấn. Bắt đầu từ khu Đồng Xuân, ra đến Hàng Bông, Hàng Gai, Văn Miếu và một số con phố của quận Hoàn Kiếm, các nhà in và nhà xuất bản xuất hiện dày đặc từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Có thể nói, ngành công nghiệp in ấn thời ấy đã góp phần làm nên một đô thị hiện đại, bởi không chỉ in sách báo, các nhà in này còn in rất nhiều thứ phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt và các ngành sản xuất, kinh doanh khác ví như in hóa đơn, bao bì. Hiện nay, sách về giai đoạn đầu của ngành in vẫn còn hiếm, bởi vậy, cuốn sách này không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, sinh viên ngành báo chí, xuất bản và những người quan tâm đến lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam”.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN