SÁCH GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THANH NIÊN HIỆN NAY

Những năm qua, các nhà xuất bản đã cho ra đời và đưa tới tay bạn đọc trẻ tuổi rất nhiều chủng loại sách phong phú, giúp họ nâng cao nhận thức về mọi mặt. Nhiều mảng sách, tủ sách đã được đông đảo thanh niên tìm đọc như một kho tàng về những lời giải đáp khoa học, lời tư vấn đầy hiệu quả trong hoạt động chuyên môn và các hoạt động xã hội khác. Số lượng đầu sách, bản sách tăng lên đều đặn hàng năm thể hiện sự nỗ lực cố gắng của hoạt động xuất bản trong việc thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần cho thanh niên.

Cùng với sự phát triển về mặt số lượng và chất lượng, nội dung hình thức của sách cũng ngày một nâng cao, đi đúng và trúng với mong muốn của độc giả về các khía cạnh: nâng cao kiến thức chuyên môn, tri thức hiện đại, kiến thức về truyền thống dân tộc Việt Nam. Nội dung sách được biên tập, xuất bản từ những kiến thức chung khái quát trong từng lĩnh vực đời sống đến các phương pháp, biện pháp xử lý trong từng tình huống cụ thể, giúp cho thanh niên có thể vận dụng linh hoạt trong điều kiện riêng của mình.

Bên cạnh những ưu điểm về nội dung, hình thức, phương thức chuyển tải, vẫn còn không ít các đầu sách không đáp ứng được nhu cầu về nội dung chất lượng, hình thức và phương thức đáp ứng còn yếu. Trong số các ý kiến bàn về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả của sách dành cho thanh niên hiện nay mà chúng tôi đã điều tra, thì cứ 1000 người được hỏi có 61,2% cho rằng cần đổi mới về nội dung, 16,6% cho rằng cần cải tiến hình thức đổi mới khâu trình bày, mỹ thuật, 10,0% cho rằng nên tăng cường các biện pháp phát hành, 12,2% cho rằng nên đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu.

Sách là cầu nối giúp cho thanh niên kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của người Việt Nam. Sinh viên tài năng với những phần thưởng cao quý trong nước và quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều. Thanh niên, sinh viên đã và đang tạo nên những gương mặt đẹp, hiện đại của đất nước qua sự hiện hiện của họ ở các vị trí công tác xã hội, với phong cách giao tiếp ứng xử mang cá tính, tâm hồn Việt Nam. Song còn không ít sinh viên không biết quan tâm đến việc trau dồi kiến thức dẫn đến tình trạng ngại, lười đọc sách, đua đòi, mải chơi. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng như: giá của mỗi cuốn sách còn quá cao so với điều kiện chu cấp của gia đình, một số cuốn sách hình thức thiếu tính giáo dục có nội dung xấu do sự quản lý, nhận thức yếu kém của cán bộ biên tập xuất bản chạy theo lợi ích cá nhân đã tung ra thị trường, tạo mầm mống tò mò, ích kỷ, cho thế thệ trẻ. Điều này đặt ra cho ngành xuất bản trách nhiệm không chỉ in ấn, phát hành sách mà còn chuyển tải phổ biến sách như thế nào đến với từng nhóm đối tượng thanh niên, để thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần ham đọc sách của tuổi trẻ.

Để hoạt động xuất bản đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của sách dành cho thanh niên, góp phần thiết thực hơn nữa trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, chúng tôi xin nêu một số giải pháp sau.

 

Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xuất bản

Nhiệm vụ hàng đầu của xuất bản là bảo vệ cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực vào việc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoạt động xuất bản phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thực, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng, góp phần hình thành dư luận xã hội lành mạnh, tăng cường đoàn kết và sự nhất trí về tư tưởng, chính trị, tinh thần trong nhân dân; phê phán các quan điểm sai trái, thù địch và các tiêu cực lạc hậu; tích cực biểu dương người tốt, việc tốt trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập và đời sống tiêu biểu cho thế hệ trẻ của đất nước thời kỳ đổi mới; tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và nâng cao nhận thức, tình cảm, tri thức của nhân dân.

Để làm được điều đó, cần đảm bảo nội dung sách đúng định hướng. Công tác kế hoạch đề tài cần chú ý khai thác những đề tài thể hiện chủ trương nâng cao trình độ mọi mặt cho tầng lớp thanh niên. Cán bộ biên tập, cộng tác viên, phát hành sách cần thường xuyên nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị, phục vụ sự nghiệp giáo dục truyền thống cho thanh niên.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

Cộng tác viên là lực lượng nòng cốt để thực hiện tôn chỉ mục đích của hoạt động xuất bản. Để nâng cao chất lượng sách, trước hết cần phải tìm chọn đúng cộng tác viên cho mỗi đề tài, không chỉ những cộng tác viên chuyên môn mà cả những cộng tác viên thuộc nhiều thành phần đối tượng khác nhau để có thể cung cấp nhiều thông tin, nhiều đề tài hay. Tổ chức tập hợp đội ngũ cộng tác viên, viết sách, các cuộc thi sáng tác, thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, tổ chức các cuộc tọa đàm, triển lãm, hội thảo khoa học để phát hiện và tập hợp tác giả, thâm nhập thực tế để mở rộng đội ngũ cộng tác viên. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn bồi dưỡng cộng tác viên trong quá trình lựa chọn và xử lý đề tài về kỹ năng nghiệp vụ... Tổ chức các hội nghị cộng tác viên định kỳ hàng năm và hội nghị chuyên đề theo yêu cầu của từng loại sách, từng đề tài, qua đó, các cộng tác viên có thể học tập lẫn nhau về tri thức chuyên môn, kinh nghiệm thể hiện, những đề tài mới cần phối hợp làm sách. Tổ chức hội nghị bạn đọc là biện pháp giúp các tác giả hiểu biết thêm thị hiếu, nhu cầu bạn đọc ở một thời điểm cụ thể, về một loại sách nào đó. Hội nghị bạn đọc ngày nay còn là một hình thức tiếp thị phổ biến, qua tiếp thu ý kiến phê bình của bạn đọc, tác giả nâng cao chất lượng bản thảo. Đặc biệt, cần quan tâm khuyến khích động viên tạo điều kiện để các cộng tác viên tích cực cộng tác thông qua các chế độ đãi ngộ về vật chất cũng như tinh thần.

Mỗi nghề nghiệp đòi hỏi trình độ cũng như nhân cách cán bộ phù hợp. Trong thời đại bùng nổ thông tin và văn minh trí tuệ, dưới tác động của cơ chế thị trường, biên tập viên cần phải có năng lực và phẩm chất để trở thành một cán bộ biên tập thật sự.

Biên tập viên là người truyền đạt, phổ biến đường lối quan điểm thông qua công tác biên tập của mình. Bởi thế người biên tập phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận, một mặt để nâng cao nhận thức, mặt khác xem xét và giải quyết các vấn đề một cách khoa học. Ngoài ra, cán bộ biên tập cần phải phát huy phẩm chất chính trị, tư tưởng vững vàng để có ứng xử mềm dẻo, khôn ngoan trong hoạt động xuất bản.

Biên tập viên là cầu nối giữa tác giả và đông đảo bạn đọc nên phải có một trình độ cần thiết cho việc xác lập mối quan hệ đó. Là người đọc, đánh giá nhận xét và xử lý bản thảo, quyết định cho tác phẩm ra đời, biên tập viên cần am hiểu những vấn đề trong tác phẩm, cách đặt vấn đề và phương pháp giải quyết các vấn đề đó, phải có trình độ văn hóa, có khả năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học chuyên ngành mình phụ trách.

Tính chuẩn mực trong sách được thể hiện ở cả nội dung và phương pháp trình bày. Quy trình xuất bản sách rất chặt chẽ, lôgic đảm bảo cho việc biên tập nội dung tốt, trình bày đẹp, đúng tiến độ. Biên tập viên, người quản lý quy trình này, phải đề xuất được những đề tài hay, chọn đúng tác giả, bản thảo được biên tập kỹ. Điều đó đòi hỏi biên tập viên phải nắm vững nguyên lý phân tích biên tập, biết nhận xét đánh giá bản thảo trên nhiều mặt: nội dung, ngôn ngữ thể hiện, cấu trúc lôgic.

Công việc biên tập đòi hỏi năng lực phân tích, tổng hợp và sự cẩn thận, tỉ mỉ chu đáo. Biên tập viên cần có tư duy nghiên cứu, tinh thần sáng tạo, biết tổ chức mạng lưới cộng tác viên, ngoài ra phải hiểu biết thực tiễn, có vốn sống, khả năng lịch lãm, trung thực trong quan hệ giao tiếp.

Người biên tập cần có năng lực, am hiểu sâu sắc về sách và các mảng sách mà mình phụ trách, nắm vững các kỹ năng trong quá trình biên tập, tuân thủ đầy đủ trình tự các bước trong quá trình biên tập đồng thời cũng phải biết linh hoạt và sáng tạo. Người biên tập phải có tinh thần tập thể và ý thức trách nhiệm cao, bởi quá trình biên tập có nhiều loại sách tính chất nội dung khác nhau, đội ngũ biên tập có quan hệ chằng chịt với nhiều trình độ chuyên môn khác nhau. Do đó việc nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, ý thức tổ chức và tinh thần đoàn kết sẽ giúp cho công tác biên tập diễn ra nhịp nhàng, đều đặn, có hiệu suất lao động cao. Khi đã có những cuốn sách hay, một trong những công việc hết sức quan trọng đó là đưa đến được tay các bạn đọc.

Cán bộ phát hành sách là một trong những người cần được quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, khâu xuất bản có làm tốt đến đâu, chất lượng sách có cao đến mấy, song sách không đến được với thanh niên kịp thời, đầy đủ thì chưa thể khẳng định được hiệu quả của xuất bản.

 Người làm công tác phát hành sách phải là người có trình độ và thường xuyên nâng cao kiến thức. Trước kia, cán bộ phát hành xuất bản phẩm bị ảnh hưởng nhiều bởi cơ chế xin cho, không có sự năng động sáng tạo và càng không có kỹ năng bán hàng. Chuyển sang kinh thế thị trường với rất nhiều thành phần tham gia, người cán bộ phát hành xuất bản phẩm không thể ỷ lại. Bởi sự cạch tranh trên thương trường sẽ phân định ai là người thắng cuộc. Muốn xuất bản phẩm của mình đến được tay bạn đọc một cách nhanh nhất, nhiều nhất, người làm công tác phát hành không những phải năng động, sáng tạo mà còn phải là người có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, yêu nghề, và đặc biệt phải có kỹ năng bán hàng. Công việc quan trọng nhất của cán bộ phát hành sách là phải thuyết phục được khách hàng của mình, giúp họ hiểu về ý nghĩa nội dung của các tác phẩm. Chính vì thế họ phải nghiên cứu và biết đúc kết cô đọng các tác phẩm đã được xuất bản. Ngoài ra họ phải có kiến thức về luật pháp để tránh phát hành các sách nằm ngoài chủ trương đường lối. Họ phải được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn như các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về nâng cao nhận thức về kinh doanh xuất bản phẩm, hay tham gia các chuyên đề về nghệ thuật tiêu thụ xuất bản phẩm…

Nâng cao khả năng xuất bản sách giáo dục truyền thống cho thanh niên

Nhằm đáp ứng nhu cầu đông đảo của bạn đọc trẻ tuổi, và để thích ứng, tồn tại, phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay, ngoài các mảng đề tài truyền thống, hoạt động xuất bản cần khai thác thêm các mảng đề tài mới phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nhu cầu của xã hội.

Để công tác kế hoạch đề tài ngày càng sát thực và có hiệu quả, cần phải chủ động tìm chọn và đề xuất nhiều đề tài hay có hiệu quả tốt nhất về công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay. Trong đó, đặc biệt chú trọng các đề tài bao quát được các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội: sách tuyên truyền về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sách biểu dương những tấm gương về người tốt việc tốt trong học tập, lao động, sản xuất, sách giới thiệu những gương vượt nghèo, vượt khó trong cuộc sống. Kế hoạch đề tài phải có tính linh hoạt, có khả năng đáp ứng, phục vụ kịp thời những thay đổi và đòi hỏi của thực tiễn đời sống của thanh niên.

Xuất bản là công việc chiếm khá nhiều thời gian, vì vậy cần đầu tư thêm cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng các công nghệ chế bản, in hiện đại, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, nâng cao tính văn hóa thẩm mỹ cho các ấn phẩm để chủ động về thời gian, rút ngắn quy trình ra sách, đáp ứng đúng, kịp thời các chủ trương, chính sách và nhu cầu của thế hệ trẻ. Hơn nữa khi có đầy đủ bộ phận in sách, nhà xuất bản có thể giảm được tối đa chi phí trong khâu sản xuất, tạo điều kiện để tăng thêm số lượng, chủng loại sách phục vụ người đọc ngày một tốt hơn.

Nâng cao hiệu quả phát hành sách giáo dục truyền thống

Bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào cũng phải tiến hành công tác dự báo nhu cầu. Đây là công việc không những cần thiết đối với khâu phát hành mà còn không thể xem nhẹ trong việc tổ chức bản thảo, biên tập, in và hoạt động tổ chức quản lý kinh doanh. Để dự báo nhu cầu, người ta có thể sử dụng phương pháp thống kê, phân tích và các phương pháp toán mô hình dự báo... Trong đó, dựa vào các căn cứ chủ yếu là: mức độ sử dụng (đọc) sách của thanh niên hàng năm, số lượng thực tế các sách cho thanh niên đã phát hành từ trước, nội dung sách, các điều kiện về kinh tế xã hội và thị hiếu bạn đọc. Việc tổ chức công tác dự báo có thể tiến hành thông qua hệ thống tổ chức xã hội, qua hệ thống phát hành sách, hệ thống thông tin đại chúng. Tổng hợp số lượng nhu cầu cụ thể trên sẽ là căn cứ để xuất bản với số lượng nào đó và tổ chức phát hành tới tay bạn đọc. Việc tổ chức tuyên truyền giới thiệu và hướng dẫn đọc sách cho thanh niên phải được coi là một công việc quan trọng nhất hiện nay, giúp thu hút lực lượng bạn đọc đông đảo cũng như đội ngũ cộng tác viên.

Thông qua các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các cấp, thành lập các câu lạc bộ bạn trẻ yêu sách với nhiều hình thức tuyên truyền về sách, giao lưu với tác giả, giới thiệu, phê bình tác phẩm, tổ chức các cuộc thi đố vui, tìm hiểu về sách; khuyến khích bằng vật chất để thanh niên, sinh viên mua và đọc sách bằng cách sử dụng chiết khấu, hạ giá sách, tặng quà khi mua sách, rút thăm có thưởng. Cùng với việc tăng cường giới thiệu sách cho thanh niên, cần đẩy mạnh hướng dẫn các hình thức đọc sách cho họ. Có như vậy việc đọc sách (theo hướng dẫn) mới thực sự là một hoạt động tinh thần tự do, tự nguyện, việc tiếp nhận thông tin từ sách, vì thế mới có hiệu quả thiết thực. Điều quan trọng nhất ở việc giới thiệu sách và hướng dẫn đọc sách là phải làm thay đổi tâm lý ngại và lười đọc sách của một bộ phận thanh niên. Khắc phục được tâm lý này thì mới có cơ sở để sách dành cho thanh niên thâm nhập sâu vào mọi hoạt động của họ, trở thành sức mạnh nội sinh giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống và trở thành con người toàn diện.

 

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng sách

         Trong bối cảnh giao lưu, hợp tác khu vực và thế giới như hiện nay, sự phát triển ngành xuất bản của một đất nước không thể tách rời khỏi những yếu tố quốc tế, do đó hợp tác quốc tế có một ý nghĩa lớn trong việc xuất bản sách. Trong xu thế toàn cầu hóa và hợp tác mạnh mẽ, lĩnh vực xuất bản phải mở rộng cửa hội nhập thị trường sách thế giới. Trong đó cần lựa chọn nhà xuất bản để khai thác bản thảo phù hợp với thanh niên sinh viên Việt Nam. Khẳng định khả năng xuất bản, để có thêm nhiều mảng sách hay, hấp dẫn đối với thanh niên, sinh viên, cần đẩy mạnh hơn việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các nhà xuất bản ở các châu lục khác để trao đổi thông tin xuất bản, khai thác bản thảo có chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Đặng Thị Bích Phượng

;