Sự biến đổi của lễ hội đền Nghè (thành phố Hải Phòng)

Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng và yếu tố tâm linh sâu sắc. Lễ hội đền Nghè thể hiện những nét văn hóa đặc trưng trong lễ hội của cư dân nông, ngư nghiệp. Lễ hội đền Nghè diễn ra để tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị Thành hoàng làng - người đã khai phá ra vùng đất Hải Tần Phòng Thủ, có công giúp đỡ và bảo vệ dân làng chống lại giặc ngoại xâm. Việc tổ chức lễ hội là dịp để dân làng bày tỏ tấm lòng thành kính hướng về vị anh hùng dân tộc, về cội nguồn với tấm lòng biết ơn, cầu mong sự che chở, nhân dân no ấm hạnh phúc. Cùng nhịp với sự phát triển của nền kinh tế, với sự toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa quốc tế, lễ hội đền Nghè càng có ý nghĩa sâu sắc, bởi nó mang đậm tính nhân văn của văn hóa cư dân nền nông nghiệp lúa nước. Văn hóa vật thể kiến trúc nghệ thuật của ngôi đền cùng các di vật văn hóa cổ còn lại là một giá trị quý báu.

1. Nhận diện sự biến đổi

Biến đổi về cách thức tổ chức lễ hội

Trong xã hội cổ truyền, lễ hội đền Nghè được tổ chức bởi phe giáp ở làng xã, sự phân công mang tính cộng đồng, luân phiên từ giáp này đến giáp khác. Ngày nay, chính quyền trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lễ hội, phân công lực lượng tham gia các hoạt động trong lễ hội nhưng bên cạnh đó có sự tham gia rất đông đảo của con nhang đệ tử của Thánh Mẫu vào việc thực hiện lễ hội. Để tổ chức lễ hội, UBND quận Lê Chân đã phối hợp tích cực với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là với Sở VHTTDL xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình của lễ hội, trên cơ sở những nét truyền thống; thành lập ban tổ chức do Phó Chủ tịch UBND quận làm Trưởng ban, Trưởng phòng VHTTDL quận làm Phó ban thường trực; hai Phó ban là Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng và Trưởng ban quản lý khu di tích đền Nghè. Phần nghi lễ trong hội giao cho hội người cao tuổi quận Lê Chân, quận hỗ trợ kinh phí cho dân phường An Biên mua lợn làm lễ vật dâng cúng theo phong tục truyền thống; mời các đoàn tế trong vùng đến tham gia tế lễ; mời đoàn chèo Hải Phòng về biểu diễn; hỗ trợ kinh phí tổ chức các trò chơi dân gian, múa lân, múa võ, thi pháo đất, tổ chức hội thi cung văn, hội thi hoa Thủy Tiên, tổ chức hội chợ ẩm thực tái hiện lại chợ quê giữa lòng thành phố...

Trước đây, khi làng xã tổ chức lễ hội, mọi người tham gia một cách tự nguyện, cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng. Tùy vào những công việc quan trọng khác nhau trong diễn trình lễ hội, mỗi làng định ra tiêu chuẩn để lựa chọn người tham gia. Ngày nay, tuy có nhiều thay đổi trong quan hệ cộng đồng, chuẩn mực xã hội, nhưng việc lựa chọn các thành viên tham gia những phần việc quan trọng trong lễ hội vẫn đảm bảo một số giá trị truyền thống và phù hợp với giá trị mới như: trước đây, với những người tham gia rước kiệu, cầm cờ, việc quy định phải 18 tuổi đối với nam nữ, là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Ngày nay, độ tuổi đã có sự thay đổi, không phải nhất thiết là những chàng trai cô gái phải ở độ tuổi 18. Người tham gia đám rước có sức khỏe, nhan sắc, đạo đức tốt là được cộng đồng tín nhiệm.

Trước đây, trong những ngày lễ hội, sự tham gia chủ yếu là cộng đồng dân cư trong làng. Ngày nay, lễ hội còn có sự tham gia của đông đảo du khách thập phương.

Biến đổi về thời gian, không gian tổ chức lễ hội

Không gian tổ chức lễ hội trước đây là không gian làng xã. Không gian này hiện nay có nhiều thay đổi, do điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường sống thay đổi. Lê Chân là một quận nội thành, trung tâm thành phố, do đó, các hoạt động kinh doanh phát triển, đường phố đông đúc nên hoạt động rước của lễ hội được thay đổi về thời gian cho phù hợp. Xưa kia, lễ rước được diễn ra vào chiều ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch, lễ rước được tiến hành từ đền Nghè rước bài vị của Thánh mẫu về đình An Biên, sau đó lại rước từ đình về Nghè. Nhưng lễ hội hiện nay được ban tổ chức tiến hành lễ rước vào tối ngày mồng 8 tháng 2. Địa điểm khai mạc của lễ hội cũng được lựa chọn nơi thuận lợi, tập trung và thu hút đông đảo người dân tham gia, đó là khu tượng đài Nữ tướng Lê Chân tại dải trung tâm thành phố.

Biến đổi về nghi lễ

 Trong lễ hội truyền thống, một khâu quan trọng là nghi lễ tế thần, sau nữa là nghi lễ rước nước. Đây là những nghi lễ được cộng đồng coi trọng bởi việc tế thần là việc thiêng, không được sai phạm, từ động tác hành vi, lời văn, đến các nghi trượng, lễ vật... Các nghi lễ trong lễ hội truyền thống được thực hiện tuần tự theo quy định của cộng đồng. Hiện nay, nghi lễ của lễ hội đền Nghè đang biến đổi theo hướng giản đơn và trần tục hóa. Nếu như trước đây, mở đầu cho các nghi lễ là lễ rước nước từ sông Tam Bạc để làm lễ mộc dục thì ngày nay, nghi lễ này được tổ chức vào dịp cuối năm, sửa soạn cho năm mới, dân làng đun nước ngũ vị hương để lau bài vị, đồ thờ và làm lễ phong y. Cho đến gần ngày tổ chức lễ hội, dân làng tập trung quét dọn vệ sinh, sửa sang kiệu rước, cờ quạt. Người tham gia lễ mộc dục là những cụ ông, cụ bà trong hội những người cao tuổi hoặc ban khánh tiết.

Hiện nay, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng sau nhiều năm tổ chức và định hình, hoạt động khai mạc lễ hội được đan xen trong nghi trình lễ hội. Phần khai mạc lễ hội được thực hiện như sau: Một vị đại diện cho ban tổ chức nêu lý do tổ chức lễ hội và giới thiệu đại biểu (lãnh đạo chính quyền, ban tổ chức nêu lý do tổ chức lễ hội); đại diện lãnh đạo quận Lê Chân đọc tóm tắt công trạng và tiểu sử của Nữ tướng Lê Chân, rồi đánh trống khai mạc hội. Cùng với việc đánh trống khai hội là sự chuẩn bị công phu của người dân với một đội tiêu binh nữ mặc áo nâu vàng, thắt lưng đỏ cầm cờ và đội tế nam cùng với dàn trống chuẩn bị biểu diễn sau khi một hồi ba tiếng trống vừa dứt.

Tiếp sau là lễ dâng hương của đại diện lãnh đạo thành phố, quận và các đơn vị tham gia thực hiện chương trình lễ hội. Lãnh đạo quận Lê Chân đọc Chúc Văn, các nghi lễ trong đọc chúc văn cũng được chuẩn bị theo lệ cổ: lễ độc chúc; lễ nghệ chúc tiền vị; chuyển chúc: phụ lễ lấy chúc văn; mạnh bái lễ và đưa cho người đọc; phẩn chúc (đốt chúc văn); bình thân phục vị (3 vị về vị trí ban đầu); lễ tạ Nữ tướng cúc cung bái - đọc xong lễ tạ và hóa chúc.

Tế thần là việc quan trọng nhất trong phần nghi lễ. Trước đây, trong lễ hội đền Nghè, chỉ có đội tế nam quan nhưng sau khi lễ hội đền Nghè được khôi phục trở lại thì đội tế nữ quan đền Nghè cũng được hình thành. Hôm trước tổ chức tế nam quan thì hôm sau sẽ tổ chức tế nữ quan. Sự xuất hiện và vai trò ngày càng đề cao của đội tế nữ trong lễ hội truyền thống tại đền Nghè đã nói lên sự biến đổi trong cách thức tổ chức lễ hội. Thông qua sự biến đổi này, quan niệm trọng nam khinh nữ, coi thường phụ nữ trong tư duy cổ truyền đã bị xóa nhòa trước tín ngưỡng tôn kính Thánh thần.

Trong lễ hội đền Nghè, một vài tục hèm vẫn còn, nhưng đã mang bóng dáng của những sinh hoạt thường ngày mà người thực hành nó chỉ coi đó là việc làm theo truyền thống cổ. Trước kia, để chọn được những chậu hoa Thủy Tiên dâng lên Thánh Mẫu, những người yêu hoa trong hội hoa Tư Hữu chuẩn bị và chăm sóc kỹ lưỡng hoa trong suốt một năm để chọn những giò hoa đẹp nhất để bày tỏ lòng ngưỡng vọng với vị Nữ tướng - người khai sinh ra thành phố cảng. Nhưng ngày nay, sau một thời gian dài vắng bóng, hội thi hoa Thủy Tiên được khôi phục lại nhưng đã không còn được như xưa.

Biến đổi về trò chơi, trò diễn

Trong lễ hội cổ truyền có rất nhiều trò vui, trò diễn được tổ chức với nhiều mục đích khác nhau, như mang tính thiêng, trò vui đấu trí, đua tài thi khéo... Các trò chơi, trò diễn dân gian là một bộ phận cấu thành lễ hội đã bị thất truyền khá nhiều. Trong các lễ hội trước đây có nhiều loại trò phổ biến như: đấu vật, bơi chải, đánh phết, pháo đất, cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm..., các tục trò xưa còn lại rất ít trò được duy trì trong lễ hội. Hiện nay, do điều kiện sinh thái thay đổi, tại sông Tam Bạc trước kia diễn ra hội thi bơi chải, nay đã bị thu hẹp lại nên không thể tổ chức hội thi được nữa.

Tại lễ hội đền Nghè ngày nay, Ban Tổ chức đã bổ sung vào phần hội những trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, cờ người, múa lân...

2. Nguyên nhân của sự biến đổi

Sự thay đổi về kinh tế, xã hội

Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự nhập cư của những dòng họ khác, người làng khác mang theo những phong tục, tập quán mới. Nhu cầu về quỹ đất cũng ngay càng tăng nhanh nên không gian của đền ngày càng bị thu hẹp. Thêm vào đó, những người tứ phương chuyển về đây sinh sống, làm ăn, họ là những người không biết và cũng không mấy ai quan tâm đến phong tục tập quán, tín ngưỡng nơi họ đến định cư. Thành phần cộng đồng dân cư sống trong không gian tổ chức lễ hội thay đổi thì nhận thức về ý nghĩa lễ hội cũng khác đi. Người dân ở nơi khác đến lập nghiệp, định cư, công nhân của các khu công nghiệp di dân lao động... tham dự lễ hội chỉ nhằm xem sự kiện của địa phương.

Vai trò của người chủ đạo trong lễ hội không còn như xưa, bởi nhiều người dân trong làng đã đi làm ăn xa, đôi khi không về tham dự lễ hội được. Điều này làm cho công tác tổ chức lễ hội đã gặp nhiều khó khăn về huy động người tham gia hội. Trước kia, đội múa cờ hoàn toàn do người dân trong làng huy động thanh niên luyện tập, biểu diễn. Ngày nay, đội múa phải huy động các sinh viên, diễn viên của các đoàn nghệ thuật trình diễn.

Hải Phòng có những đổi thay rõ rệt thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, sau những năm đổi mới của đất nước. Nằm trong khu vực trọng điểm kinh tế Bắc Bộ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: cơ cấu nghề nghiệp đa dạng hơn theo hướng kết hợp sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoặc chuyên môn hóa mang tính chuyên nghiệp. Mức sống cao và ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng.

Trong bối cảnh chung đó, sự bùng nổ và phục dựng nhiều sinh hoạt văn hóa lễ hội diễn ra trên vùng đất cảng. Sự thay đổi tất yếu về điều kiện kinh tế, tác động mạnh mẽ đến thay đổi về nhận mặt thức, thực hành văn hóa của cư dân bản địa. Lễ hội đền Nghè xưa kia, lễ vật dâng tế thánh chủ yếu là lợn, được chọn và nuôi cẩn thận. Đến ngày vào hội lợn được tắm rửa sạch sẽ, thả riêng. Lợn nuôi phải đủ 70kg/ con. Nhưng sau này, xu hướng kinh tế thị trường đã làm thay đổi. Lợn không còn được phân cho cai đám nuôi mà được ban tổ chức lễ hội đặt mua, sau đó sử dụng vào việc tế Thánh.

Trước đây, mỗi làng có một số ruộng đất công nhất định để thu hoa lợi cúng thần quanh năm và tổ chức lễ hội. Ngày nay, hoàn toàn chủ yếu do phường, quận ủng hộ và sự đóng góp của dân làng hoặc là công đức của du khách thập phương chi cho lễ hội.

Tâm thức của người dân

Một yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi và phát triển lễ hội đó là tâm thức của người dân, những người được coi là chủ thể của lễ hội. Người dân địa phương là những người đứng ra tổ chức lễ hội, tự quyết định quy mô sự tồn tại của lễ hội. Cũng do ảnh hưởng của những tư tưởng lạc hậu, phong kiến mà giới nữ không được bước chân vào cửa đình, đền mà chỉ được vái vọng vào. Chính vì thế, trước đây, nữ giới không có mặt trong phần tế lễ mà chỉ được tham gia phần hội ở ngoài sân đình. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại tâm thức người dân đã thay đổi, cởi mở hơn, hiện đại hơn, nam nữ đã bình quyền nên nữ giới được tham gia trong mọi hoạt động chung của cả làng, thậm chí còn có mặt trong ban tế Thành hoàng làng.

3. Đánh giá về sự biến đổi lễ hội đền Nghè trong giai đoạn hiện nay

Các yếu tố tích cực

Khi các thói quen sinh hoạt văn hóa của con người đang dần thay đổi theo hướng “hiện đại hóa”, có nghĩa là nghiêng về việc hưởng thụ văn hóa thông qua các phương tiện truyền thông mới (truyền hình, phát thanh, internet…) hay các loại hình vui chơi giải trí mang đậm tính cá nhân hoặc nhóm, thì việc tổ chức, phục hồi và phát triển các lễ hội ở các địa phương mang đận bản sắc văn hóa dân tộc là tín hiệu đáng mừng cho văn hóa nước nhà.

Việc tổ chức các lễ hội đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân địa phương; góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; người dân vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong quá trình sáng tạo nên đời sống văn hóa của chính mình. Lễ hội đền Nghè được tổ chức đã góp phần làm tăng tình đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở các địa phương. Lễ hội giúp người dân ý thức về một truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ hội còn giúp người dân duy trì ý thức trách nhiệm của mình với cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên, trong lễ hội, các hoạt động từ thiện, góp công, góp của trùng tu xây dựng di tích... nhận được sự công nhận của nhiều tầng lớp nhân dân. Hiện nay, bối cảnh kinh tế, xã hội mới đã mang lại cho lễ hội chức năng mới. Lễ hội đền Nghè cũng được xem như là tác nhân kích thích sự phát triển kinh tế, du lịch của cộng đồng dân cư địa phương. Mỗi dịp lễ hội, các hàng quán, dịch vụ được mở ra phục vụ người dự hội, chính quyền địa phương đã quy hoạch cụm di tích thờ Nữ tướng Lê Chân, nâng lễ hội đền Nghè lên thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thu hút được một lượng lớn khách du lịch, kích thích sự phát triển các ngành dịch vụ, đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Nhờ có lễ hội được mở ra hằng năm, các đoàn nghệ thuật dân gian cổ truyền như hát văn, ca trù, chèo... có dịp được mời biểu diễn và thu hút đông đảo khán thính giả tham dự. Lễ hội là một hình thức bảo tồn và duy trì các loại hình dân gian vốn đi kèm với chúng và tạo ra môi trường sinh hoạt của các loại hình nghệ thuật khác.

Các yếu tố hạn chế

Trong thời gian qua, việc khôi phục lễ hội đền Nghè đã thu hút và nhận được sự quan tâm không chỉ của người dân Hải Phòng nói chung mà còn cả nhân dân các vùng khác trên cả nước đến tham dự. Việc người dân nô nức rủ nhau đi dự lễ hội ngày càng đông đúc chứng tỏ xu thế của xã hội đang phát triển về kinh tế và quan tâm thích đáng đến đời sống tâm linh. Thế nhưng làn gió thương mại hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến chốn tâm linh, với các trò lừa gạt bói toán, cờ bạc và “chặt chém” khách thập phương.

Lễ hội còn có một số hạn chế như nghi lễ còn quá cầu kỳ phức tạp, hội còn chưa được tổ chức chặt chẽ, thiếu sự kết nối với người dân địa phương, nhiều trò chơi dân gian còn vắng bóng, còn có hiện tượng lãng phí như đốt vàng mã quá nhiều. Khâu quản lý cần phải được tăng cường để đạt hiệu quả văn hóa, xã hội.

4. Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội đền Nghè

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội đền Nghè cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục

Chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ thêm trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội. Chính quyền địa phương, ban quản lý di tích, hoặc cá nhân sưu tầm biên soạn các tư liệu dưới dạng tờ rơi, giới thiệu về công trạng của vị thần được thờ, nhằm cung cấp thông tin cho người dân trong cộng đồng cũng như khách dự lễ hội về sự hình thành của lễ hội và các nghi thức thờ cúng, ý nghĩa và chức năng của trò chơi, trò diễn.

Cần quan tâm tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những hoạt động tín ngưỡng tâm linh, từ xóa bỏ hủ tục đốt vàng mã quá nhiều với tâm lý “tán lộc” thì sẽ được hưởng nhiều lộc hay hiện tượng xem bói trong những ngày tổ chức lễ hội...

Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa cơ sở

Cán bộ văn hóa cấp cơ sở có vai trò trong việc quản lý, chỉ đạo tổ chức lễ hội. Đội ngũ cán bộ này lại có quan hệ trực tiếp gắn bó với nhân dân nên họ cũng chính là người kịp thời nhất trong việc phát hiện, uốn nắn những lệch lạc trong lễ hội. Tuy nhiên, số lượng cán bộ được đào tạo am hiểu về lĩnh vực này không nhiều. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở đáp ứng tình hình mới, trong đó có công tác quản lý lễ hội

Phát huy lễ hội phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Trong những ngày diễn ra lễ hội đền Nghè, có rất nhiều các hoạt động diễn ra như lễ rước, lễ tế, cùng nhiều trò diễn dân gian... thu hút sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng, tạo nên sự cộng cảm giữa các thành viên trong lễ hội, giúp con người giao hòa giữ quá khứ và hiện tại, mọi người cùng tham gia vào việc tái tạo và sáng tạo ra những giá trị văn hóa.

Với ý nghĩa như vậy, cần tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các nhà tài trợ tham gia bảo tồn phát huy lễ hội trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Đây là giải pháp chủ đạo trong việc bảo tồn lễ hội trong đời sống cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước ở các cấp để tổ chức lễ hội đền Nghè thực sự có nhiều giá trị văn hóa, có khả năng thu hút khách du lịch, mang lại lợi ích cho địa phương.

Phát triển mô hình du lịch văn hóa lễ hội

Các giá trị văn hóa lễ hội cần được tôn vinh và phát huy dưới góc độ kinh tế du lịch để thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài thành phố, cũng như khách quốc tế. Những năm qua, UBND thành phố Hải Phòng đã tập trung quy hoạch tôn tạo và bảo tồn di tích đền Nghè, bên cạnh đó cũng đầu tư cho việc nghiên cứu phục hồi lại những sinh hoạt văn hóa lễ hội như hội thi hoa Thủy Tiên, hội hát cung văn... UBND thành phố đã rất chú trọng đầu tư cho việc tổ chức lễ hội đền Nghè, coi đây là một lễ hội trọng điểm để thu hút khách du lịch.

Tổ chức lễ hội đền Nghè vừa là cơ hội để đoàn kết cộng đồng, giáo dục lịch sử, vừa là cơ hội để phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh cộng đồng. Hơn thế, người tham dự lễ hội từ nhiều nơi khác nhau nên cũng đã nảy sinh nhiều nhu cầu khác nhau. Chính vì vậy, bên cạnh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương một cách phù hợp cần được xem như một trong những phương thức cần thiết để thu hút du khách gần xa.

Ths HOÀNG THỊ HUÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

 

;