Sự vận dụng tư tưởng Ph.Ăngghen về liên minh giai cấp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Với bộ óc thiên tài và trên lập trường duy vật lịch sử triệt để, Ph.Ăngghen đã để lại cho nhân loại những tư tưởng hết sức quý báu về liên minh giai cấp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tư tưởng này của Người được Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định thực hiện và không ngừng bổ sung, phát triển, góp phần thiết thực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh to lớn bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Là một nhà lý luận cách mạng lỗi lạc, Ph.Ăngghen đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu các vấn đề lý luận về cách mạng XHCN nói chung, về liên minh giai cấp trong cách mạng XHCN nói riêng. Trong đó, tiêu biểu là các tác phẩm bất hủ như: Cách mạng và phản cách mạng ở Đức; Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; Tình cảnh giai cấp công nhân Anh; Vấn đề nông dân ở Pháp và Ðức… Qua các tác phẩm của mình, Ph.Ăngghen đã trình bày sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về liên minh giai cấp công nông cả về tính tất yếu, nội dung cũng như phương thức bảo đảm thực hiện khối liên minh này.

Về tính tất yếu liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân: Ph.Ăngghen đã chỉ ra liên minh công nông do những cơ sở khách quan từ bản chất cách mạng XHCN và từ cơ cấu xã hội - giai cấp hiện thực trong xã hội quy định. Theo Ph.Ăngghen, giải phóng giai cấp và xây dựng chủ nghĩa xã hội là công việc đầy khó khăn gian khổ, lâu dài, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: “nhưng chủ nghĩa cộng sản còn đi xa hơn sự căm phẫn ấy, bởi vì nó không chỉ là sự nghiệp của riêng một mình công nhân mà còn là sự nghiệp của toàn thể loài người” (1). Mặt khác, trong cơ cấu xã hội hiện thực còn tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp với những đặc điểm, vị trí kinh tế - xã hội và vai trò khác nhau, trong đó nông dân chiếm đa số. Vì thế, để thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp vô sản tất yếu phải nắm bắt đặc điểm, vai trò, nhu cầu của các giai tầng trong xã hội, củng cố và tăng cường khối liên minh công nông làm nền tảng cho xã hội mới.

Về vai trò cụ thể của từng giai cấp trong khối liên minh công nông, Ph.Ăngghen cho rằng: do địa vị kinh tế - xã hội quy định nên giai cấp công nhân là giai cấp có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo, đi đầu trong việc giải phóng giai cấp, xã hội và con người. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại đó, giai cấp công nhân phải tập hợp, tổ chức và hợp tác rộng rãi với tất cả các lực lượng cách mạng, trước hết và chủ yếu là liên minh với giai cấp nông dân. Còn đối với giai cấp nông dân, Ph.Ăngghen khẳng định đây là lực lượng đông đảo của xã hội vàcó vai trò rất to lớn trong sự nghiệp cách mạng: “Từ Airơlen đến Xixin, từAnđaludia đến Nga và Bungari, người nông dân đều là một nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị” (2). Tuy nhiên, họ lại không thể tự mình giải phóng một cách triệt để, tự mình thoat́ khỏi ách áp bức, bóc lột của giai câṕ tư san̉ nếu không liên minh với giai cấp vô sản, không trở thành đồng minh, người bạn tự nhiên, gần gũi nhất của giai cấp công nhân.

Về nội dung của liên minh giai cấp công nông: Theo Ph.Ăngghen, liên minh công nông không chỉ dừng lại ở vấn đề liên minh về chính trị mà còn thể hiện rõ sự liên minh về kinh tế. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn của cuộc cách mạng XHCN thì hình thức liên minh này lại có những biểu hiện khác nhau. Trong đó, ở giai đoạn đấu tranh giành chính quyền thì nội dung liên minh chủ yếu là về chính trị, quân sự, tập trung lực lượng tham gia các hình thức đấu tranh chính trị chống kẻ thù chung nhằm giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Liên minh giai cấp về kinh tế biểu hiện ở việc lao động sản xuất, đảm bảo cung cấp “sức người, sức của” cho tiền tuyến lớn, tham gia xây dựng hậu phương vững chắc… Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thì liên minh về chính trị đóng vai trò định hướng mục đích, nội dung cho liên minh trên các mặt: kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội…; là điều kiện đảm bảo cho hệ thống chính trị và chế độ dân chủ XHCN được giữ vững và phát huy. Liên minh về kinh tế ở giai đoạn này giữ vai trò cơ bản, thường xuyên và trực tiếp tạo ra cơ sở nền tảng cho liên minh trên các lĩnh vực khác.

Về phương pháp bảo đảm thực hiện liên minh giai cấp công nông, Ph.Ăngghen cho rằng: để tập hợp quần chúng nhân dân về phía cách mạng thì cần phải có sự thống nhất giữa lợi ích chung với mục đích và hành động. Trong chương nói về “nước Đức vào đêm trước cách mạng”, Ph.Ăngghen đã viết: “Ở đâu không có lợi ích chung thì ở đó không thể có sự thống nhất về mục đích và càng không thể có sự thống nhất về hành động được” (3). Cùng với việc thống nhất về lợi ích khi tham gia cách mạng XHCN, Ph.Ăngghen đặt ra vấn đề giai cấp công nhân cần tăng cường công tác giáo dục, giác ngộ giai cấp nông dân hiểu được rằng: “Chỉ có một chính phủ chống chủ nghĩa tư bản, một chính phủ vô sản mới có thể giải thoát nông dân khỏi tình trạng khốn cùng về mặt kinh tế và thoái hoá về mặt xã hội” (4).

Quá trình giáo dục, giác ngộ này theo Ph.Ăngghen cần tuân thủ các nguyên tắc: không được dùng bạo lực đối với nông dân, mà phải “... bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội”; bảo đảm sự tự nguyện, không được gò ép, bắt buộc đối với nông dân: “Chúng ta kiên quyết đứng về phía người tiểu nông... để cho họ có thời gian suy nghĩ với tư cách là người sở hữu mảnh đất của họ nếu họ chưa có thể quyết định như thế” (5); cần thực hiện tiến dần từ thấp đến cao, phải phát triển các hợp tác xã từ bậc thấp đến bậc cao, từ quy mô từng xã đến quy mô liên xã. Từ đó, làm cho “Người nông dân thấy rằng giai cấp vô sản thành thị, giai cấp có sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản là người bạn đồng minh, người lãnh đạo tự nhiên của mình” (6).

Những tư tưởng của Ph.Ăngghen về liên minh giai cấp trong cách mạng XHCN là hết sức cơ bản, đặt nền móng lý luận vững chắc cho thực hiện liên minh các giai cấp, tầng lớp nhân dân nhằm tạo ra ưu thế về sức mạnh trong tương quan so sánh lực lượng giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, bảo đảm cho giai cấp vô sản thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và tiến hành xây dựng cơ sở vật chất của XHCN. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cụ thể hóa một cách khoa học, sáng tạo tư tưởng về liên minh giai cấp của Ph.Ăngghen vào hoàn cảnh của Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến lên XHCN. Nhờ vậy, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được phát huy, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại. Điều này được thể hiện trên các nội dung sau:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên quan tâm tổ chức và xây dựng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức vững mạnh. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã khẳng định: công nông là gốc của cách mạng, trí thức, học trò, nhà báo là bầu bạn của cách mạng. Đảng ta khẳng định, phải “tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo” (7), để lực lượng này thực sự trở thành nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng của Nhà nước. Đảng đã nêu rõ: “Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ... Chính quyền đó dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí óc làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo” (8). Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) nêu rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền CNXHcủa nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” (9).

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định liên minh giai cấp với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng để thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.

Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Ph.Ăngghen về liên minh giai cấp trong điều kiện mới, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể là:

Một là, đổi mới xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị XHCN

Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi hệ thống chính trị”. Đây chính là nhân tố quyết định đến tăng cường liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và đại đoàn kết toàn dân tộc. Hệ thống chính trị có vai trò rất lớn trong việc củng cố khối liên minh này, vai trò đó được thể hiện: Là cơ sở tăng cường khối liên minh về chính trị; là nơi phát huy quyền làm chủ của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; là nơi tổ chức tập hợp, đoàn kết giáo dục phát huy sức lực, trí tuệ của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, đẩy mạnh dân trên các lĩnh vực đời sống, bảo đảm quyền dân chủ thực sự của nhân dân. Đây là vấn đề then chốt, tạo sự đồng thuận xã hội và động lực to lớn để tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Để tiến tới mục tiêu xây dựng nền dân chủ XHCN. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN(bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng khẳng định: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”.

Ba là, thực hiện chính sách giai cấp, chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn và phù hợp. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc nhằm tạo ra động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo động lực to lớn động viên khuyến khích các giai cấp, tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức hăng hái vươn lên trong lao động sản xuất và làm chủ khoa học - công nghệ, đồng thời tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa các giai tầng theo quan điểm, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân. Trong đó, đối với giai cấp công nhân, cần quan tâm phát triển về số lượng, chất lượng, tổ chức, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đối với giai cấp nông dân, cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo tốt chính sách về ruộng đất, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp nông dân chuyển mạnh sang lao động công nghiệp và dịch vụ.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Ph.Ăngghen về liên minh giai cấp ở nước ta hiện nay vừa là vấn đề cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài nhằm không ngừng nâng cao đờisống vật chất, tinh thần của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội; góp phần xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo ra khả năng có thể huy động cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

__________________

1. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.696 - 697.

2, 5. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.715, 738.

3, 6. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.21, 269.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.119.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.158.

8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.274.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.85.

Tác giả: Đoàn Nam Chung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;