Sức hấp dẫn của những câu chuyện ven đô

Năm 2022 là một năm khá trầm lắng của phim truyền hình Việt khi không có nhiều bộ phim dậy sóng dư luận, thay vào đó là những bộ phim truyền hình về đề tài gia đình, tình mẫu tử, tình yêu hôn nhân được Việt hóa hay phim hình sự gay cấn... Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt vẫn luôn có một dòng chảy riêng biệt, tuy ít tác phẩm trở thành “bom tấn” song cũng rất hấp dẫn khán giả. Đó là phim về đề tài làng ven đô với những câu chuyện mang màu sắc rất riêng, tuy chỉ là những câu chuyện đời sống bình dị nhưng chứa đựng không ít nỗi niềm, luôn tạo được sức hút kì lạ với khán giả truyền hình.

Dàn diễn viên trẻ của phim

Khi bộ phim truyền hình xúc động về tình phụ tử Mẹ Rơm sắp kết thúc, bộ phim Dưới bóng cây hạnh phúc của đạo diễn Vũ Trường Khoa sẽ tiếp nối mạch phim về tình cha con với những câu chuyện gia đình luôn mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Từng khiến khán giả tốn nhiều nước mắt với hình ảnh người cha khắc khổ trong Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, lần này bộ phim Dưới bóng cây hạnh phúc của Vũ Trường Khoa vẫn lấy nhân vật chính là một người cha. Góa vợ, một mình nuôi ba cậu con trai khôn lớn, ông Công là một người cả đời chăm chỉ, cần kiệm, tham công tiếc việc. Tuy thương yêu con theo cách của mình nhưng nhiều khi, sự vụng về, thô kệch của người đàn ông khiến ông không thể gần gũi với con mình. Thậm chí có lúc sự vô tâm, “tuy không xấu bụng nhưng xấu nết” của ông Công khiến gia đình xáo trộn bởi những bất hòa. Đỉnh điểm là khi Son - cô con dâu cả của ông phải bỏ nhà ra đi dù rất yêu thương chồng con và hết lòng vì gia đình. Người cha đơn độc ấy đã dốc sức nuôi con nhưng không thể dốc lòng với chúng. Ba cậu con trai của ông, thảy đều sai lầm, vấp váp trong hôn nhân và công việc nhưng không mấy khi chia sẻ được cùng cha. Và câu chuyện Dưới bóng cây hạnh phúc không chỉ là câu chuyện hàn gắn những mối quan hệ trong gia đình, giữa chồng với vợ, giữa anh với em mà còn chính là hành trình tìm lại yêu thương, gắn kết giữa người cha và các con của mình. 

Là bộ phim gia đình lấy bối cảnh ở một làng ven đô, sự độc đáo của Dưới bóng cây hạnh phúc trước tiên đến từ câu chuyện của những con người bình dị, những câu chuyện rất đời thường được đặt trong bối cảnh của các làng xã nằm cận kề đô thị. Với đặc điểm nổi bật là sự trái ngược giữa một bên là những giá trị truyền thống của cảnh quan làng xóm, cốt cách người nông thôn với những nếp nghĩ của đời sống thôn quê, một bên là sự hấp dẫn của tiện nghi đô thị, “cơn bão” dịch vụ thương mại tràn về cùng nếp sống của người thành phố. Ở làng ai cũng biết nhau, bởi vậy mà những bất hạnh khó mà giấu giếm. Chính vì thế mà những rắc rối của Đạt ở công sở ngay lập tức khiến người làng xôn xao, hay những bất hòa của gia đình Son, mâu thuẫn trong nhà ông Công cũng thành câu chuyện của cả làng. 

Sức hấp dẫn của phim là những câu chuyện của làng xã nằm cận kề đô thị 

Nếu đô thị đông đúc, ồn ào, bụi bặm, đắt đỏ thì các làng ven đô vắng vẻ, yên tĩnh, thuần khiết hơn. Đời sống nơi đây không hoàn toàn tiện nghi nhưng dễ sống. Con người cũng vậy, không hẳn văn minh hiện đại nhưng khép kín như người trên phố mà vẫn chân chất quê kiểng, tuy có lúc hơi suồng sã mà vẫn gần gũi dễ mến. Chính bởi sự độc đáo của đất và người ở những làng ven đô mà ngày càng có nhiều bộ phim truyền hình Việt lấy bối cảnh này để kể những câu chuyện rất đặc trưng của mỗi vùng ven đô. Có thể kể đến Mùa hoa tìm lại, Phố trong làng hay Lối về miền hoa… Tuy vậy, những bộ phim này rất khó khăn để tạo chất riêng, đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo của các đạo diễn. Sự thay đổi nhanh chóng của đời sống người dân vùng ven đô hôm nay đòi hỏi biên kịch, đạo diễn phải thực sự “sống với làng” thì mới có thể chuyển tải câu chuyện hấp dẫn tới người xem.

Đạo diễn Vũ Trường Khoa tiết lộ, tuy không sinh ra ở làng nhưng khi tiếp xúc với văn hóa làng xã anh đều rất xúc động. Nhất là mỗi khi về làng quê, đi ngang qua ngôi đình hay nhà văn hóa của xã, nghe văng vẳng những câu hát dân ca, anh thấy cuộc sống thật yên bình nên muốn chia sẻ cảm xúc này với khán giả. Chính vì vậy, điểm độc đáo thứ hai của Dưới bóng cây hạnh phúc chính là những giai điệu dân ca được khai thác khéo léo và tinh tế góp phần làm bật lên hồn cốt của làng và tính cách của nhân vật. Vũ Trường Khoa chia sẻ: “Phố trong làng hình thành ngày một nhiều, khi đô thị phát triển tiến dần về các làng ngoại ô. Điều gì đã níu kéo cho sự tồn tại hồn cốt của đất và người làng trong phố? Đó chính là sức mạnh bất tử xuất phát từ các giá trị nội tại độc đáo. Sức mạnh đó trước hết nằm ở văn hóa, dễ hiểu và gần gũi nhất là những giá trị văn hóa dân gian, văn hóa cộng đồng và văn hóa dòng họ luôn ẩn náu trong không gian làng xã truyền thống, trở thành nền tảng của nông thôn. Một trong những điều khiến xã hội Việt Nam đương đại tồn tại vừa vững bền vừa có sự phát triển chính là bắt nguồn từ văn hóa truyền thống. Trong phim này, tôi muốn tạo sự khác biệt với món ăn tinh thần từ những khúc hát dân ca, lồng ghép trong câu chuyện phim, dân ca và nhạc cổ truyền vừa là nơi để các nhân vật bộc bạch tâm tư, lại vừa neo giữ cảm xúc của khán giả”.

 Ông Lê Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình VN cũng đánh giá rất cao sáng tạo này của đạo diễn Vũ Trường Khoa: “Trong phim sử dụng một số chất liệu dân ca, nhạc dân tộc, đây là làn gió mới cho phim truyền hình với bối cảnh không gian cận đô thị. Pha trộn những câu chuyện gia đình bình dị trên nền những giai điệu dân ca đem lại một không khí rất đặc biệt cho bộ phim”.

Một điểm nữa được ông Lê Mạnh đánh giá cao là khả năng chọn diễn viên của đạo diễn Vũ Trường Khoa: “Chúng tôi đã cùng chia sẻ dự án từ khi phát triển ý tưởng đến khi phim hoàn thành. Sau khi xem những tập đầu, tôi rất hài lòng với hệ thống diễn viên, lâu lắm mới có một dàn diễn viên vừa lạ vừa quen vào những vai mới lạ so với họ, anh Khoa có sự lựa chọn rất phù hợp cho từng vai diễn”.

Dưới bóng cây hạnh phúc sẽ tiếp nối mạch phim về tình cha con với những câu chuyện gia đình luôn mang lại nhiều cảm xúc

Sự lựa chọn mới lạ và độc đáo đầu tiên là NSND Quốc Trị được chọn vào vai ông Công. Vốn quen thuộc với những vai bi và hình ảnh những người đàn ông chất phác, dù hiền lành hay dữ tợn đều có cuộc sống vất vả, khổ đau, lần này NSND Quốc Trị có thể sẽ khiến khán giả ngạc nhiên khi vào vai ông bố khó tính với con dâu, bất lực với con đẻ và tìm đủ mọi cách để kiếm vợ cho cậu con cả. Việc chọn NSUT Bùi Như Lai vào vai cậu con trai cả Tố cũng là một lựa chọn mới mẻ, khi đã lâu anh không đóng phim, kể từ khi về giảng dạy và phụ trách khoa Sân khấu của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tố nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, lầm lì và luôn khiến người khác khó chịu. Diễn xuất của Bùi Như Lai dù đã khá tiết chế cảm xúc nhưng đôi khi vẫn có thể khiến người xem “bùng nổ” cùng nhân vật. Việc chọn Kim Oanh vào vai nữ chính Son lại là một sự mạo hiểm của đạo diễn khi đây là vai chính đầu tiên của cô, lại là vai nặng về diễn xuất nội tâm. Son chân thành, có phần ngờ nghệch nhưng hành trình làm vợ, làm dâu của cô có thể gợi được nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Dàn diễn viên đa dạng về màu sắc, đặc biệt vẫn giữ được cảm xúc tươi mới với khán giả khi họ đã lâu mới xuất hiện trên phim hoặc lần đầu vào dạng vai này đã khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn. 

 Khi được hỏi liệu anh có kỳ vọng gì về Dưới bóng cây hạnh phúc không, đạo diễn Vũ Trường Khoa bộc bạch: “Bất cứ phim nào chúng tôi cũng động viên nhau cố gắng hết mình nhưng việc làm phim là một quá trình, không nên quá kỳ vọng vào một bộ phim nào. Việc làm phim như làm dâu trăm họ, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Thông qua câu chuyện về gia đình, bộ phim muốn gửi gắm tới khán giả thông điệp: Dù mỗi nhà mỗi cảnh nhưng điều quan trọng nhất là biết bỏ qua, chia sẻ, chấp nhận mọi điều đến với ta như cái duyên và nhìn vào ưu điểm của mỗi người trong gia đình. Có như vậy thì mới vun trồng được cây hạnh phúc!”

MINH VŨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;