Sức hút của Tấm Cám - Bống bống bang bang qua ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc

Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi mùng 1-6 và mùa hè năm 2023, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có một món quà đặc biệt ý nghĩa dành cho các khán giả nhí: vở diễn Tấm Cám - Bống bống bang bang. Chỉ trong một thời gian ngắn, sân khấu tròn của Rạp Xiếc Trung ương đã công diễn vở Tấm Cám - Bống bống bang bang với hơn 30 buổi diễn, đón hàng nghìn khán giả. Lần đầu tiên, khán giả được xem nàng Tấm bay lượn trên không trung, hoàng tử phi bạch mã tìm cô gái đánh rơi chiếc hài; được chứng kiến những màn so tài của nam thanh nữ tú trong làng vào dịp hội xuân; vui thích với tài năng huấn luyện các con vật của cô chăn mèo, chăn lợn… Để hiểu rõ hơn sự sáng tạo và chuyên nghiệp của ê-kíp vở diễn, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã thực hiện cuộc phỏng vấn với NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN), tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu vở Tấm Cám - Bống bống bang bang.

Vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn chương trình này, vậy xuất phát từ đâu, anh bắt đầu xây dựng kịch bản vở Tấm Cám - Bống bống bang bang?

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam là vốn quý của dân tộc. Cũng như bao người Việt Nam, tôi cũng đã lớn lên từ những câu chuyện dân gian, từ lời ru của bà, của mẹ… Từ một câu đố được tuyển chọn trong SGK: “Lông vằn lông vệ mắt xanh/ Dáng đi uyển chuyển, nhe nanh tìm mồi” đã gợi cho tôi nảy sinh ý tưởng dựng vở Chúa tể rừng xanh. Chúa tể rừng xanh tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên, sự dũng mãnh của loài hổ, gửi gắm thông điệp về sức mạnh của sự đoàn kết.

Còn Tấm Cám là câu chuyện dân gian đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Từ câu chuyện gia đình nhưng mở ra bao điều về lẽ sống. Cô Tấm dịu hiền, chịu thương chịu khó, hiếu thảo, vị tha, biết vượt qua trở ngại, để đạt được hạnh phúc, rất phù hợp với tâm lý trẻ em. Tấm Cám đã được nhiều loại hình nghệ thuật khai thác như điện ảnh, kịch nói… 

Các  công chúa xiếc hóa thân vào vai các nhân vật rất thành công

Lần này, tôi muốn mượn ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc để trò chuyện với các em. Các em sẽ thấy không gian làng quê với cây cau, mái đình, cái giếng…, những nam thanh nữ tú trong làng với quần nâu áo vải, hay áo váy rực rỡ trong lễ hội làng. Đặc biệt, các em sẽ rất thích thú với những màn thi tài trong dịp hội xuân, hay màn trổ tài để được vào thử hài. Đây chính là những thời điểm thích hợp để các diễn viên xiếc thể hiện các kỹ năng, kỹ xảo như nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng trên dây, đu dây… được thể hiện thông qua những màn thi tài, diễn xuất.

Qua đó, khán giả nhí được trải nghiệm cảm xúc nghệ thuật, biết trân trọng cái đẹp, yêu lẽ sống trung thực, vị tha, biết ghét cái ác, cái xấu.

Mặc dù kịch bản vở diễn này đã chuẩn bị từ rất lâu nhưng chúng tôi đã chọn thời điểm thích hợp để công bố vở diễn này vào dịp hè 2023. Đây là dịp kết thúc một năm học vất vả, có thời gian để gia đình, nhà trường tổ chức cho học sinh những buổi ngoại khóa hữu ích. Vì vậy, Tấm Cám - Bống bống bang bang đã được khán giả hân hoan chào đón. 

Điều gì khiến anh tâm đắc nhất khi dàn dựng vở diễn này?

Vở diễn này kéo dài 70 phút nhưng các phần mở đầu, phát triển và kết thúc đều có sự liên kết, logic với nhau. Logic về sân khấu, nhưng vẫn đáp ứng được những chất liệu của nghệ thuật xiếc đưa vào không khiên cưỡng. Thời lượng và cách tiếp cận đều được khai thác để khán giả dễ hiểu nhất. Giữa các cảnh chuyển, vừa là thời gian giảm đèn để chuyển cảnh nhưng vẫn có lời dẫn để khán giả hiểu sâu hơn nữa về câu chuyện. Từ đó tăng hiệu quả cho cốt truyện. Lời rap cũng được nhạc sĩ chú trọng để làm sao lời rap đó phải phù hợp với tính cách của nhân vật. Ví dụ như cô Cám giới thiệu mình rất thông minh, chăm chỉ theo một cách đặc biệt: “Em đây là Cám xinh tươi. Cả ngày rong chơi, rất là chăm chỉ... Thông minh em nhất thế gian, tính 2 cộng 1 thế là bằng 5”, sẽ tạo ra tiếng cười khiến trẻ em thích thú. 

 Lần đầu tiên, khán giả được xem nàng Tấm bay lượn trên không trung cùng hoàng tử

Vở diễn này đặt tên là Tấm Cám - Bống bống bang bang vì điểm nhấn ở đây là phần bống bống bang bang - phần câu chuyện xảy ra khi có cá Bống xuất hiện. Chính vì vậy, tôi đã đầu tư cả trang phục, lời thoại, màn biểu diễn thăng bằng cho nhân vật cá Bống thật ấn tượng. Tôi rất vui vì áp lực mình đặt lên cho các nghệ sĩ và các nghệ sĩ đã nỗ lực hoàn thành. Một nghệ sĩ xiếc mà vừa làm xiếc, vừa phải thoại, dẫn chuyện, diễn xuất đó hẳn là một kì tích.

Sự tương tác của các nghệ sĩ xiếc với khán giả rất tốt. Không còn đơn giản chỉ là biểu diễn xiếc mà các diễn viên xiếc đến với khán giả ngoài tài năng, kỹ năng, kỹ xảo, họ bắt đầu chinh phục khán giả bằng cảm xúc. Ấn tượng của các khán giả nhí là vô cùng thích thú. Cùng hòa đồng với sự giao lưu của diễn viên, càng thấm sâu vẻ đẹp của cái thiện. 

Các loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, múa rối cũng đã khai thác một số truyện cổ tích thiếu nhi, lần này ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc kể lại một câu chuyện khá quen thuộc với trẻ em Việt Nam, vậy anh và ê-kíp gặp phải những khó khăn gì? 

Ngoài áp lực về diễn viên xiếc vừa phải thành thục kỹ năng xiếc, vừa phải diễn có lời thoại, thì khó khăn dàn dựng vở này là bố cục với sự xuất hiện nhiều nhân vật. Ngoài nhân vật dẫn chuyện, Tấm, Cám, dì ghẻ, ông Bụt, cá Bống còn có các nhân vật thi tài như: cô chăn lợn, cô gái huấn luyện mèo hay bà bán nước mắm. Đây là những nhân vật dựa vào đó làm nổi bật đặc thù, khả năng biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc. Là đạo diễn sân khấu nên trong quá trình làm việc với các diễn viên, tôi đã truyền cho họ những kỹ năng để thể hiện ra đúng nhân vật mà các diễn viên đã nhập vai. Có một số nghệ sĩ do phải làm trái với sở trường, nên đôi khi gặp khó khăn. Nhưng ngược lại, có những nghệ sĩ, lại phát huy được sở trường, các kỹ năng, kỹ xảo xiếc và tính cách nhân vật thể hiện rõ. Ví dụ như hai nghệ sĩ đóng vai dì ghẻ và Cám. Đó chính là hai “công chúa xiếc Việt Nam”: nghệ sĩ Hồng Thúy và Phạm Hướng. Đây là hai nghệ sĩ vừa đoạt huy chương Vàng tại Nga trở về. Họ ở một sân khấu quốc tế mang phong cách đậm chất thi đấu quốc tế. Nhưng trong vở diễn này, họ hóa thân vào nhân vật dân gian rất dí dỏm và rất chủ động chiếm lĩnh được sân khấu, chiếm lĩnh được khán giả. Nhân vật Tấm, Cám, dì ghẻ... được các khản giả thích thú, chào đón.

Nhân vật cá Bống xuất hiện mới lạ trên sân khấu xiếc

Khó khăn tiếp theo là về đội ngũ diễn viên. Trong giai đoạn Tết thiếu nhi mùng 1 - 6, mở đầu mùa hè 2013, LĐXVN đã phải chia lực lượng diễn viên làm 4 ngả, diễn ở Rạp xiếc Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước. Lực lượng diễn viên lựa chọn cho vở Tấm Cám - Bống bống bang bang chưa phải lực lượng mạnh nhất nhưng Liên đoàn đã tận dụng được. Trong chương trình này, một diễn viên phải làm rất nhiều việc, họ không được lơi đi phần nào. Bình thường khi biểu diễn xiếc, họ hoàn thành xong một tiết mục là sẽ được nghỉ. Nhưng trong chương trình này, xong động tác, họ vẫn là nhân vật, họ vẫn cần diễn xuất, vẫn cần sự tập trung cao độ. Có nghệ sĩ ứng diễn rất nhanh nhưng sẽ khó khăn với các nghệ sĩ trẻ, nhiều khi lúng túng, cơ thể căng cứng, không biết xử lý hành động gì tiếp theo. Đó cũng là hạn chế mà thời gian tới, Liên đoàn sẽ trau dồi thêm kỹ năng sân khấu cho các diễn viên. Xu hướng bây giờ là các nghệ sĩ cần đa năng hơn, gần giống các ngôi sao điện ảnh. Kỹ năng xiếc chỉ là một phần tạo nên sự hấp dẫn trong vở diễn. Còn kỹ năng để truyền đạt tới khản giả chính là kỹ năng diễn xuất của người nghệ sĩ, cách xử lý sân khấu làm sao để tạo được sự tương tác. Đây là những kỹ thuật nghề mình phải tích lũy kinh nghiệm.

Cho đến nay, anh đã dàn dựng nhiều vở diễn đặc sắc kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như cải lương (Thượng Thiên Thánh Mẫu, Cây gậy thần trong dự án Huyền sử Việt) hay Hà Nội của những giấc mơ (các tiết mục xiếc được dàn dựng với câu chuyện, thông điệp cụ thể và liên kết với nhau bằng ca khúc về Hà Nội). Và lần này là Tấm Cám - Bống bống bang bang. Dàn dựng các tiết mục xiếc mang đậm nét văn hóa dân tộc phải chăng sẽ là xu hướng của LĐXVN trong thời gian tới?

Bằng tâm huyết và sự kiên định, khát khao tột đỉnh của tôi là làm sao thay đổi tư duy, cách nhìn nhận của xã hội với một nghề xiếc mang tính truyền thống. Các nghệ sĩ cần vượt qua chính mình, chinh phục đỉnh cao mới trong nghề, nâng cao những kỹ năng, kỹ xảo để xứng tầm với quốc tế. Với cách tiếp cận để tạo ra phong cách xiếc Việt Nam, hiện nay đang được khai thác, chúng tôi muốn khẳng định với thế giới đây không phải là người Việt Nam làm xiếc mà đây là xiếc của Việt Nam. Cái riêng của xiếc Việt Nam sẽ không giống bất cứ một đoàn xiếc nào trên thế giới. Người nước ngoài đến Việt Nam, được xem xiếc Việt Nam, trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Tôi mong nghệ thuật xiếc Việt Nam bản thân có thể phục vụ được người dân Việt Nam, đó là sự tự tôn dân tộc. Ngược lại, khi chúng ta biểu diễn xiếc Việt Nam ở những sân khấu nước ngoài, sẽ chiếm được cảm tình của khán giả thế giới. Tấm Cám - Bống bống bang bang là câu chuyện dân gian của Việt Nam nhưng chưa bao giờ được kể bằng ngôn ngữ xiếc. Lần này, tôi muốn tìm ra con đường tiếp cận khán giả bằng chính chất liệu nội sinh của dân tộc. 

 Hoàng tử phi bạch mã tìm cô gái đánh rơi chiếc hài

Xin anh “bật mí” thêm các tiết mục đặc sắc sắp ra mắt trong thời gian tới, đặc biệt các chương trình thu hút du khách quốc tế đến với Rạp xiếc Trung ương?

Trước hết, vở Tấm Cám - Bống bống bang bang sẽ tiếp tục được biểu diễn ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trong thời gian tới. Bên cạnh hơn 20 chương trình đã công bố tại Hội nghị khách hàng đầu năm nay, tôi đang ấp ủ một chương trình nghệ thuật, một sản phẩm du lịch để phục vụ du khách đến Hà Nội. Đó là Phở Show. Một vở diễn kể về phở Hà Nội bằng ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc. Văn hóa ẩm thực được lồng ghép vào trong nghệ thuật biểu diễn. Tôi chọn chương trình làm về phở vì theo tôi, phở có thể kết nối mọi người lại với nhau, không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài. Tôi dự kiến chương trình sẽ gồm 3 phần: phần 1 (tái hiện những giá trị của phở ở phố cổ Hà Nội), phần 2 (phở thời bao cấp), phần 3 (phở ngày nay).

. Khán giả nhỏ vô cùng thích thú với cái kết có hậu cho nhân vật Tấm

Tiếp tục khai thác chất liệu từ văn học dân gian, tôi có một khát vọng dựng một phiên bản Sơn Tinh - Thủy Tinh với quy mô sân khấu lớn. Phiên bản này dùng sân khấu nước thật sự, sử dụng công nghệ của nước, cũng như ứng dụng công nghệ về trình chiếu Hologram 3D. Và tôi ước mong show đó sẽ là món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập LĐXVN.

Xin cảm ơn NSND Tống Toàn Thắng! 

LIÊN HƯƠNG thực hiện

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

 

;