Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam - Nhật Bản

Ngày 3-11-2023, tại giảng đường Ngụy Như Kon Tum của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các nhà nghiên cứu Nhật Bản - Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ - hiện tại - tương lai”. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Hội thảo đã thu hút hàng chục nhà khoa học hàng đầu đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ, với 33 tham luận đa dạng các lĩnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện nay có thể nói tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Quan hệ ấy đã có truyền thống lịch sử lâu đời từ thời cổ trung đại. Và năm 1973, hai nước đã chính thức ký kết văn bản ngoại giao, thiết lập mối quan hệ giữa hai nước, đến nay đã tròn 50 năm. Đây là mốc rất quan trọng, cả hai nước tiến hành nhiều hoạt động để kỷ niệm sự kiện này. Tôi đánh giá rất cao ý nghĩa của Hội thảo khoa học quốc tế ngày hôm nay được tổ chức với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo được tổ chức như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp đó, đồng thời góp phần mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và hoạt động giáo dục giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản”.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio gửi lời chúc mừng đến Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS  Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: “Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử quan hệ bang giao lâu dài và kể từ khi hai nước chính thức ký kết văn bản thiết lập quan hệ đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm, Hội thảo khoa học hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu Việt Nam của các học giả Nhật Bản và đánh giá kết quả nghiên cứu Nhật Bản bởi các học giả Việt Nam. Đặc biệt, nhằm tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh của hai nước được trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Kết quả của Hội thảo hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục lịch sử ở hai nước trong thời gian tới”.

GS, TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn phát biểu khai mạc hội thảo

Là chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Việt Nam cũng như mối quan hệ bang giao giữa hai nước, GS, TS Nguyễn Văn Kim (ĐHKHXH&NV) cho biết 50 năm qua, các trào lưu và khuynh hướng chính trong nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam được tập trung ở các lĩnh vực sau: “Trong lĩnh vực lịch sử: xu thế chủ đạo là nghiên cứu về mối quan hệ truyền thống giữa hai nước; diễn chuyển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản qua các thời kỳ; một số vấn đề về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và hậu quả của cuộc chiến đến Việt Nam, Nhật Bản và khu vực Đông Á. Trong lĩnh vực kinh tế: Xu hướng được quan tâm là nghiên cứu và làm rõ mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản; Về chính sách công và kinh tế Nhật Bản; Mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và các quốc gia; Vai trò, ảnh hưởng của kinh tế Nhật Bản với châu Á và thế giới… Trong quan hệ quốc tế, chính trị: Chủ yếu tập trung vào những năm đầu TK XXI; Các vấn đề trọng điểm là chính sách đối ngoại của Nhật Bản và các quốc gia; Mối quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Việt Nam qua các thời kỳ; Tương quan Việt Nam - Nhật Bản trong mối quan hệ đa cực của thế giới. Trong nghiên cứu về văn hóa, xã hội: Những chủ đề được khai thác nhiều nhất là hệ thống giáo dục, giá trị xã hội và cách thức tổ chức xã hội của Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu đã mang lại nhiều cái nhìn sâu sắc về đặc trưng xã hội, văn hóa Nhật Bản”.

GS, TS Nguyễn Văn Kim đã chỉ ra những khuynh hướng trong nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam

Theo GS, TS Nguyễn Văn Kim đánh giá, nghiên cứu Nhật Bản có thể thành công hay không là do 6 nhân tố sau quyết định: 1) Xác định rõ các định hướng nghiên cứu trọng điểm của chung ngành Nhật Bản học Việt Nam và của mỗi cơ sở khoa học để phát huy thế mạnh riêng có; 2) Phối hợp chặt chẽ và tổ chức tốt hơn nữa lực lượng giữa các cơ quan đào tạo, nghiên cứu; 3) Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo; 4) Gia tăng sự hỗ trợ của tổ chức khoa học, chuyên gia Nhật Bản; 5) Có chiến lược lâu dài đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu ngành cho ngành Nhật Bản học tại Việt Nam; 6) Sự hỗ trợ đầu tư, quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Bài phát biểu của GS, TS Furuta Motoo và GS, TS Momoki Shiro thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu

Hội thảo được chia làm 2 tiểu ban: Tiểu ban 1 nghiên cứu, trao đổi về quan hệ Việt - Nhật trong thời cận hiện đại và Tiểu ban 2 nghiên cứu, trao đổi về quan hệ Việt - Nhật trong thời tiền cận đại.

Nhiều bài tham luận đã nghiên cứu những vấn đề rất thú vị và rất mới về sự biến thiên của nhận thức về Nhật Bản của Phan Bội Châu; Thời cận đại của Nhật Bản qua cách nhìn nhận của người Việt Nam; Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản: Chủ trương và kết quả trong hợp tác giáo dục (2009-2020)… hay sự hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực khảo cổ học; Gốm Hizen TK XVII phát hiện ở Việt Nam; Sự lưu thông tiền đồng Nhật Bản ở Việt Nam; Dấu ấn văn hóa Đông Nam Á trên quần đảo Ryukyu - hệ quả của quá trình tiếp biến văn hóa thời trung đại…

Đặc biệt, từ tháng 4-2024, Đại học Việt Nhật sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu là Kho lưu trữ số Nhật Bản – Việt Nam, nơi lưu giữ hồ sơ của các dự án khác nhau được thực hiện trong khuôn khổ dự án kỷ niệm 50 năm và các tài liệu liên quan đến quan hệ Nhật Bản - Việt Nam và sự hợp tác của Đại học Việt - Nhật.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản

Nhìn lại quá trình hợp tác hơn nửa thế kỷ qua, các đại biểu cho rằng Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng hướng đến mục tiêu chung vì hòa bình ổn định, sẽ còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội. Về tương lai quan hệ hai nước, các đại biểu khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác bình đẳng cùng hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng và sự phát triển của Nhật Bản cũng gắn kết với sự phát triển của Việt Nam. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển thời gian tới.

Thông qua các nghiên cứu chuyên sâu, công phu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ góp phần hệ thống hóa và cập nhật các tư liệu và kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua của giới học giả Việt Nam và Nhật Bản về lịch sử hai nước (nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản và nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam), qua đó chia sẻ và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Cũng tại Hội thảo lần này, các nhà khoa học đã gợi mở những hướng nghiên cứu mới, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới ở cả Việt Nam và Nhật Bản, qua đó thúc đẩy sự phát triển, nghiên cứu khoa học ở cả hai nước.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;