Tháng 6 trẩy hội đền Hàn Sơn

Đến hẹn lại về, trong những ngày nắng chính hạ, từng đoàn khách muôn phương lại nối chân nhau về Hà Trung (Thanh Hóa) trẩy hội đền Hàn Sơn, thỏa mãn niềm tin tâm linh.

Đền Hàn Sơn, ngôi đền uy nghi, cổ kính với tuổi thọ hàng trăm năm

 

Hà Trung - vùng đất cổ linh thiêng, nơi mỗi ngọn núi, dòng sông đều góp phần dệt nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, ghi đậm dấu ấn lịch sử, thấm đẫm văn hóa - tín ngưỡng ẩn chứa bao trầm tích. Đó là niềm vinh dự, tự hào mà không phải nơi nào cũng có được, đất trời đã ban tặng cho Hà Trung một nét độc đáo riêng nơi hội tụ của bao hồn thiêng sông núi, đất khoa bảng lừng danh ngàn đời truyền thống, đất anh hùng, đất của thi ca. Vốn được biết đến là một miền văn hóa tâm linh, Hà Trung có tới 342 di tích, trong đó có 9 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 63 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Từ thuở lập quốc đến nay, dân tộc Việt vẫn coi mình là con Rồng cháu Tiên với người mẹ có công sinh thành là Mẫu Âu Cơ. Trải qua quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, người Việt và một số tộc người khác hình thành nên tục thờ nữ thần thờ Mẫu và Tam phủ, Tứ phủ gọi là “Đạo Mẫu”. “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mười hai tháng Sáu rủ nhau mà về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mười hai tháng Sáu nhớ về Hàn Sơn”. Câu ca ấy đã ăn sâu bám rễ vào trong tâm thức mỗi người dân đất Việt. Lễ hội đền Hàn Sơn là lễ hội lớn bậc nhất nơi vùng sông nước xứ Thanh. Quần thể di tích đền gồm có đền Hàn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc Đệ tam thoải phủ) và đền Ba Bông (hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc Cô Ba thoải phủ). Cả hai đền đã được cấp bằng Di tích cấp tỉnh năm 1992 và có niên đại hơn 500 năm.

Đền Cô Bơ tọa lạc ở vị trí địa lý rất đặc biệt, thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, vùng đất thanh kê ngũ huyện “Một tiếng gà gáy 5 huyện cùng nghe”. Nơi con sông Mã trước khi vươn mình ra với biển, đã kịp “tách dòng” tạo nên một ngã ba sông nước sơn kỳ thủy tú, nơi linh khí đất trời ngàn năm hội tụ, thắm đượm huyền tích, truyền thuyết dân gian và mênh mang tình người.

Vào khoảng những năm đầu triều Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “rừng thiêng nước độc”. Trong một trận chiến kéo dài, tình thế nguy cấp, đêm hôm ấy, danh tướng đã mơ thấy một tiên nữ mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Thác Hàn Sơn dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại. Thác Hàn Sơn lừng lẫy chiến công, nức tiếng muôn phương, oanh liệt một thời. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Bơ và đền thờ mẫu Đệ Tam ở vùng này.

Người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực là con gái Ngọc Hồng thượng đế (Công chúa Mai Hoa) mà nay gọi là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một. Hàn Sơn tụ khí trung linh/ Có cô Bơ thoải giáng sinh phù đời/ Dù ai đi ngược về xuôi/ Sông bao nhiêu nước cô thương người bấy nhiêu/ Nhớ xưa tích cũ Lê triều/ Có Cô Bơ thoải mỹ miều thanh tân. Cô Bơ Bông hay còn gọi là cô Bơ Thoải cung, con Vua Thủy Tề, được phong là Thoải cung Công Chúa. Vốn người nết na, xinh đẹp tuyệt trần, dáng ngọc thướt tha, mắt sáng long lanh, má thắm, môi đỏ, tài sắc vẹn toàn.

Hàng nghìn người dân, du khách thập phương đã về đây vãn cảnh, cầu may mắn

 

Chuyện xưa kể rằng: Cô Bơ được lệnh cha dáng trần để giúp vua, giúp dân “phong điều vũ thuận” đến kỳ mãn hạn, cô được xe loan lên rước về Thủy Cung. Dẫu vậy, vì vấn vương cuộc sống trần gian nên cô thường xuyên linh ứng giúp dân chúng qua vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió. Nhớ ơn cô, nhân dân đã lập dựng đền thờ nhằm bày tỏ sự tôn kính và cả gửi gắm ước vọng được cô Ba Bông linh ứng phù trợ. Công đức của cô được người dân lưu truyền: “Lê triều sắc tặng gia ban/ Anh hùng thục nữ trung can muôn đời”.

Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hằng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Mẫu chính là mẹ, Cô so với Mẫu là ngôi con, nên rước Cô về hầu Mẫu như con về thăm mẹ là đạo nghĩa tốt đẹp, về với đền thờ các Thánh Mẫu để được chở che tiếp thêm động lực và sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bến dưới thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể. Chính bởi những công đức vô lượng của cô Bơ đã tạo cho đền Hàn Sơn vẻ uy nghiêm sự linh thiêng đặc biệt. Đỉnh non cao thạch bàn chúa ngự, dưới thác hàn sóng vỗ reo ca, vẫn luôn mời gọi du khách gần xa vui cùng.

Lễ hội đền Hàn Sơn thực sự trở thành nơi ước đến mong về của mỗi du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với huyện Hà Trung. Đất và người nơi đây đã cùng hòa điệu, hòa thanh cho bản tình ca hướng về cội nguồn để rồi từ đó mỗi người lướt qua ngọn núi cao, sông dài đều mang trong mình ngày vui như đang trong mùa lễ hội bất tận, bồng bềnh giữa cảnh sắc bốn mùa tốt tươi.

Thoảng trong gió mùi trầm hương hòa cùng tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng hát Chầu văn như khảm vào bức tranh nơi vùng ngã ba sông nước những nét vẽ của thời gian. Ai về Thanh Hóa quê mình/ Hà Trung ngày mới vươn mình đổi thay/ Quê hương đổi mới từng ngày/ Ngân vang câu hát đắm say lòng người. Về xứ Thanh, ta hãy về thăm đền Hàn Sơn để lắng lòng nghe câu hát Văn ngân vang như kể chuyện một thời và mãi mãi về con người Hà Sơn ân tình và mến khách.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;