THƯ VIỆN VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VĂN HÓA ĐỌC CHO THIẾU NHI

Giáo dục định hướng đọc lành mạnh, đúng đắn trong thiếu nhi

Văn hóa đọc với tư cách văn hóa hành vi của mỗi cá nhân có thể được xem xét ở năng lực định hướng của chủ thể tới tài liệu, năng lực lĩnh hội, thái độ ứng xử với tài liệu.

Thiếu nhi là độ tuổi đang trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách nên các em cần được bổ sung tri thức ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Thư viện cần định hướng cho thiếu nhi trong việc tiếp cận, lựa chọn được tài liệu có tác dụng tích cực đối với sự phát triển đời sống tinh thần, trí tuệ của các em; giúp các em rèn luyện nhân cách, phát triển năng lực, bản lĩnh.

Trong quá trình hướng dẫn các em đọc tài liệu, thư viện cần chú ý phát triển những nhu cầu, hứng thú đọc lành mạnh, đồng thời điều chỉnh những hứng thú lệch lạc, phiến diện. Đối với những nhu cầu đọc lành mạnh, thư viện cần giúp các em lựa chọn tài liệu thích hợp, có hệ thống. Đối với những nhu cầu đọc lệch lạc, thể hiện thị hiếu không lành mạnh, cần phải khéo léo sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều chỉnh theo hướng lành mạnh, hài hòa. Thư viện cần định hướng cho các em thiếu nhi lựa chọn những tài liệu có giá trị nội dung tư tưởng tốt, có giá trị khoa học, nghệ thuật cao đồng thời phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thiếu nhi cũng như trình độ hiểu biết của các em. Thư viện giới thiệu cho các em tài liệu phù hợp với mục tiêu giáo dục như lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc, các gương học tập tốt, lao động tốt…

Tri thức phong phú, các quan hệ xã hội đa dạng được phản ánh trong nhiều đề tài, loại hình tài liệu dành cho thiếu nhi. Mỗi tài liệu cung cấp cho các em tri thức, thông tin ở một số lĩnh vực nhất định: truyện lịch sử bồi dưỡng cho các em thái độ trân trọng, tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc; sách khoa học cung cấp cho các em kiến thức, nuôi dưỡng ước mơ chinh phục thiên nhiên; truyện về danh nhân giúp các em hiểu, thêm yêu vẻ đẹp của những người đã vượt lên trên khó khăn gian khổ, đạt đến đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau... Vì vậy, thư viện cần khuyến khích các em thiếu nhi đọc tài liệu về nhiều đề tài, ở nhiều thể loại khác nhau mà không hạn chế trong một vài đề tài, thể loại nhất định.

Tuyên truyền trực quan

Có hai hình thức tuyên truyền trực quan thích hợp với lứa tuổi thiếu nhi là triển lãm tài liệu, biểu ngữ thư viện.

Triển lãm tài liệu có tác động tích cực đến quá trình lựa chọn tài liệu của thiếu nhi. Triển lãm tài liệu có tính chất giới thiệu, hướng dẫn đọc; mang tính cơ động, mềm dẻo, linh hoạt, có khả năng bổ sung, thay đổi kịp thời những tài liệu mới, phù hợp hơn. Các thư viện có thể tổ chức triển lãm tài liệu theo đề tài (nhân vật lịch sử Việt Nam, thiếu nhi với khoa học…), triển lãm tài liệu của một tác giả (Tô Hoài, Trần Đăng Khoa…). Việc lựa chọn hình thức triển lãm nào phụ thuộc vào nhu cầu, hứng thú đọc của từng nhóm bạn đọc thiếu nhi nhất định cũng như yêu cầu giáo dục các em trong từng thời điểm cụ thể.

Cần tổ chức triển lãm tài liệu mới theo định kỳ hàng tháng nhằm giới thiệu đến các em thiếu nhi những tài liệu mới nhập về thư viện, tạo điều kiện cho các em nhanh chóng tiếp cận được nguồn tài liệu mới của thư viện. Ngoài ra, thư viện có thể tổ chức triển lãm tài liệu theo chủ đề phục vụ những ngày lễ lớn, những sự kiện chính trị, xã hội trọng đại.

Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, trước hết nhân viên thư viện cần xác định đề tài cụ thể, tên đề tài phải được thể hiện chính xác, rõ ràng. Sau đó tiến hành sưu tầm các tài liệu phù hợp với đề tài, nghiên cứu tài liệu, phát hiện ra những khía cạnh quan trọng nhất của đề tài để lập đề cương cho triển lãm. Cần lưu ý lựa chọn các tài liệu vừa phản ánh những vấn đề chung, các khía cạnh khác nhau của đề tài, vừa phải có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao, phải mới mẻ, phù hợp với trình độ của thiếu nhi. Trong công việc này, nhân viên thư viện cần tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan đến đề tài cuộc triển lãm.

Biểu ngữ thư viện là hình thức thể hiện trực quan bằng hình vẽ bìa của một hoặc vài tài liệu theo chủ đề nhất định cùng với một số dẫn giải ngắn gọn về nội dung tài liệu. Khi thực hiện biểu ngữ thư viện, nhân viên thư viện sẽ lựa chọn tài liệu, thể hiện nội dung, phần hình thức nên mời các họa sĩ chuyên nghiệp thể hiện để đạt hiệu quả cao.

Biểu ngữ thư viện cần được trình bày sinh động, hấp dẫn cả về hình thức, nội dung. Về hình thức, biểu ngữ phải có bố cục rõ ràng, mạch lạc. Biểu ngữ giới thiệu tài liệu nên lựa chọn khoảng từ 3 đến 5 tài liệu. Hình vẽ phải bố trí hài hòa, màu sắc tươi sáng rực rỡ phù hợp với thị hiếu của các em thiếu nhi. Về nội dung, biểu ngữ thư viện phải thể hiện ngắn gọn nhưng đầy đủ những giá trị tiêu biểu của tài liệu đồng thời kích thích được trí tò mò của các em. Đối với biểu ngữ dành cho lứa tuổi nhi đồng nên có vài dòng dẫn giải dưới dạng câu đố. Các biểu ngữ này được đặt ở những nơi công cộng hoặc ngay trước mặt tiền của thư viện hay phòng đọc thiếu nhi.

Giới thiệu tài liệu

Giới thiệu tài liệu là cung cấp những thông tin cơ bản về hình thức, nội dung của tài liệu nhằm lôi cuốn, kích thích các em thiếu nhi tìm đọc những tài liệu có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, nghệ thuật đồng thời phù hợp với sở thích của mình. Đây là một hình thức hướng dẫn các em lựa chọn tài liệu một cách tích cực, có tác dụng củng cố, phát triển nhu cầu, hứng thú đọc lành mạnh cho các em.

Các thư viện có thể tiến hành giới thiệu một hoặc vài tài liệu trong một buổi. Tài liệu sẽ được giới thiệu theo chủ đề, theo thể loại hoặc là tài liệu mới nhập vào thư viện. Người giới thiệu tài liệu phải am hiểu về lĩnh vực mà tài liệu đề cập tới, phải nắm vững đặc điểm tâm sinh lý thiếu nhi; có khả năng phân tích, gợi mở những vấn đề trong tài liệu phù hợp với nhu cầu, hứng thú của các em.

Giới thiệu tài liệu cho bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi cần nhấn mạnh các chi tiết điển hình, phản ánh giá trị nội dung, lôi cuốn sự chú ý của các em. Chất lượng buổi giới thiệu tài liệu không chỉ phụ thuộc vào giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật của tài liệu được lựa chọn mà còn phụ thuộc vào sự hiểu biết, kinh nghiệm cũng như khả năng cảm thụ, diễn đạt, thuyết phục của người giới thiệu tài liệu.

Để nâng cao chất lượng giới thiệu tài liệu, thu hút đông đảo các em thiếu nhi đến với thư viện, cần mời các chuyên gia có uy tín, có kỹ năng tuyên truyền giới thiệu tài liệu đến thuyết trình. Những buổi giới thiệu tài liệu hay, sâu sắc, hấp dẫn sẽ để lại trong tâm trí các em những dấu ấn khó phai mờ, khơi dậy trong các em lòng yêu quê hương đất nước, thiên nhiên, con người, bè bạn; yêu thư viện, sách báo, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Rèn luyện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi

Hoạt động đọc của thiếu nhi thực chất là quá trình tương tác giữa người đọc với tài liệu. Các em tìm trong tài liệu những gì đáp ứng được nhu cầu, hứng thú của mình, mỗi loại tài liệu cũng đòi hỏi phải có phương pháp đọc thích hợp cùng với những điều kiện cần thiết cho việc cảm thụ, lĩnh hội được nội dung của chúng. Do đó, thư viện cần hiểu rõ các em thiếu nhi muốn đọc những tài liệu nào, cách đọc như thế nào, ghi nhớ, vận dụng những kiến thức trong tài liệu ra sao…

Thư viện cần thực hiện các công việc cụ thể sau đây:

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch đọc tài liệu. Thư viện có thể giúp các em vạch ra một kế hoạch đọc cụ thể như: đọc những tài liệu nào, thời gian đọc cụ thể... Việc đọc có kế hoạch sẽ giúp các em thiếu nhi chủ động thời gian đọc, nâng cao khả năng lĩnh hội, cảm thụ nội dung tài liệu. Kế hoạch đọc tài liệu của thiếu nhi phụ thuộc mục đích, yêu cầu đọc của các em. Trên cơ sở đó, nhân viên thư viện sẽ hướng dẫn các em cách lựa chọn tài liệu từ các nguồn thông tin khác nhau như: mục lục thư viện, thư mục, kho tự chọn, yêu cầu đọc từ phía nhà trường, thày cô giáo, sự tư vấn của gia đình, bạn bè các em… Tùy vào năng lực nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ của các em, nhân viên thư viện sẽ hướng dẫn các em đọc có hệ thống, hợp lý, toàn diện: từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp… để các em dễ dàng tiếp thu, lĩnh hội tri thức trong tài liệu, vận dụng có hiệu quả trong sinh hoạt, học tập, giải trí…

Hướng dẫn phương pháp đọc. Thư viện cần giúp các em rèn luyện khả năng, thói quen hệ thống hóa những kiến thức đã đọc, nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ kiến thức. Giáo dục phương pháp đọc còn là việc hướng dẫn các em biết cách tìm hiểu sơ bộ một tài liệu thông qua nhan đề, tác giả, mục lục, lời nói đầu… của tài liệu đó. Ngoài ra, thư viện cũng cần giúp các em biết liên hệ, ứng dụng những kiến thức đã đọc trong sách báo vào thực tiễn học tập, rèn luyện bản thân trong sinh hoạt hàng ngày của các em. Thư viện cần khuyến khích các em độc lập suy nghĩ, tập trung chú ý cao độ khi đọc nhằm ngẫm nghĩ thấu đáo, tư duy tích cực để tiếp thu sâu sắc nội dung tri thức trong tài liệu. Khi đọc, cần suy nghĩ xem tác giả muốn nói gì, có những ý chính nào tác giả phát triển, diễn biến tư tưởng của tác giả… Lúc tìm hiểu những điều đã đọc, phải nhớ những họ tên nhân vật, ngày tháng, sự kiện, con số thống kê, những kết luận chủ yếu, quan trọng.

Các em thiếu nhi cũng cần nắm được phương pháp ghi chép trong, sau khi đọc. Việc ghi chép sẽ giúp kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, tạo cơ sở để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu vì những gì được ghi chép sẽ ăn sâu vào trí nhớ bền vững hơn. Ghi chép giúp tránh được những trường hợp nhớ không chính xác, giúp tích lũy có hệ thống, lập kho kiến thức trong trí nhớ của của các em. Với thiếu nhi, những việc này cần được hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ.

Thư viện có thể hướng dẫn các em thiếu nhi ghi lại những thông tin về tài liệu đã sử dụng như: tác giả, nhan đề, nhà xuất bản, năm xuất bản… kèm theo tóm tắt ngắn gọn về nội dung của tài liệu ấy. Phương pháp này giúp các em lưu trữ, hệ thống được những kiến thức trong quá trình khai thác tài liệu, sử dụng chúng sau này khi cần thiết.

Phát triển năng lực cảm thụ tài liệu, vận dụng tri thức đã đọc vào hoạt động thực tiễn

Đọc diễn cảm, kể chuyện là thể hiện nội dung câu chuyện bằng ngôn ngữ, với sự hỗ trợ của các phương tiện biểu cảm, trực quan sinh động như lời nói, điệu bộ, cử chỉ... giúp các em thiếu nhi hiểu sâu hơn, cảm thụ trọn vẹn hơn nội dung tài liệu, đồng thời làm cho các em yêu thích tài liệu hơn. Tài liệu dùng để đọc, kể chuyện cho các em phải có giá trị nội dung tư tưởng tốt, nghệ thuật cao, thường là các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng trong nước, trên thế giới.

Để triển khai hoạt động này đạt hiệu quả cao, nhân viên thư viện phục vụ thiếu nhi cần phải hiểu, nắm vững nội dung, có hứng thú thực sự với câu chuyện, xác định rõ đối tượng nghe để có thể tạo nên không khí tự nhiên, thoải mái cho người nghe. Trong quá trình đọc diễn cảm, kể chuyện, nhân viên thư viện cần phải biết thể hiện cảm xúc, sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp với từng thể loại hay chủ đề khác nhau. Riêng đối với nhi đồng, do khả năng tập trung chú ý kém hơn thiếu niên nên mỗi buổi đọc, kể chuyện không nên kéo dài quá 35 phút. Sau mỗi buổi đọc, kể chuyện, nhân viên thư viện nên có một cuộc trao đổi nhỏ về những điều đã truyền đạt tới các em.

Thi kể chuyện theo sách là hình thức rèn luyện các em lứa tuổi thiếu nhi kỹ năng đọc, lĩnh hội sách thông qua việc hiểu, diễn đạt lại nội dung sách bằng ngôn ngữ, cảm xúc của chính mình. Thi kể chuyện theo sách có thể diễn ra ở thư viện, lớp học, khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi; là hình thức hoạt động tập thể sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo các em tham gia, có tác dụng tích cực đối với việc đọc sách của các em. Cuộc thi kể chuyện là nơi các em thiếu nhi thể hiện năng lực thụ cảm sách của mình. Để kể lại một câu chuyện, các em không chỉ cần hiểu, nhớ nội dung mà còn phải biết rung động với tác phẩm, cảm thụ tác phẩm một cách trọn vẹn, đồng thời có năng lực diễn đạt ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc của mình thành lời nói, điệu bộ. Những tiết mục kể chuyện thành công, cảm xúc của người kể truyền đến người nghe có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu, hứng thú, thị hiếu đọc cũng như tình cảm, đạo đức của người nghe. Thư viện phục vụ thiếu nhi có thể tổ chức các buổi kể chuyện theo sách vào những ngày nhất định trong tuần, cho phép tất cả bạn đọc thiếu nhi của thư viện tham gia. Nội dung các cuộc thi kể chuyện theo sách rất phong phú, tùy theo từng lứa tuổi, thường gắn liền với các phong trào thi đua, các đợt vận động chính trị hoặc các sự kiện quan trọng của địa phương, quốc gia. Có thể sử dụng tranh vẽ, máy chiếu hình ảnh, các phương tiện kỹ thuật khác hỗ trợ cho người kể chuyện. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức sẽ tổng kết, họp đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để hội thi sau đạt kết quả tốt hơn.

Thi vui đọc sách là một cuộc trao đổi, thảo luận về những điều đã đọc thông qua việc trả lời những câu hỏi theo nội dung sách dưới hình thức trò chơi lý thú, bổ ích. Đây là hình thức rèn luyện kỹ năng lĩnh hội, vận dụng tri thức trong sách vào cuộc sống, thích hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Các thư viện nên lựa chọn đề tài cuộc thi gắn với những ngày kỷ niệm lớn hoặc tri thức về một lĩnh vực nào đó. Trước khi tổ chức cuộc thi, thư viện tiến hành công tác chuẩn bị bao gồm việc thông báo nội dung, chủ đề, thể lệ, thời gian tổ chức thi cho các bạn đọc thiếu nhi. Nội dung thi vui đọc sách có thể hạn chế trong một số sách nhất định được tập hợp theo đề tài hoặc theo tác giả. Thư viện cần chuẩn bị các câu hỏi cẩn thận, kỹ lưỡng, chuẩn xác với sự hỗ trợ của các chuyên gia về lĩnh vực có liên quan đến chủ đề cuộc thi. Các câu hỏi dùng cho thi vui đọc sách cần rõ ràng, dễ hiểu, vừa sức với từng lứa tuổi.

Vẽ tranh theo sách là một hoạt động giúp các em thiếu nhi thể hiện những cảm xúc, ấn tượng sâu sắc nhất của mình sau khi đọc sách bằng nét vẽ, bằng sự sáng tạo của chính mình; có tác dụng rèn luyện, phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ, sáng tạo ra cái đẹp ở lứa tuổi thiếu nhi. Các thư viện phục vụ thiếu nhi tạo điều kiện để các em vẽ tranh theo sách hàng năm là hình thức bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, đồng thời cũng là cách thức giáo dục văn hóa đọc cho các em đạt hiệu quả cao bởi mỗi bức tranh dự thi là kết quả sự lĩnh hội sách, sự thể hiện năng lực thẩm mỹ đang phát triển do hoạt động đọc sách đem lại. Đề tài của các cuộc thi vẽ tranh dành cho các em thường gắn liền với nội dung của sách hoặc những cuộc vận động văn hóa, xã hội. Các em có thể tham gia vẽ tranh bằng bút màu hoặc trên máy vi tính.

Giáo dục thiếu nhi thái độ ứng xử văn hóa với tài liệu

Thư viện cần giáo dục các em thiếu nhi hiểu được vai trò quan trọng của tài liệu đối với mình trong học tập, giải trí, các hoạt động khác. Các em cần xem tài liệu như người thày, người bạn của mình từ những điều tài liệu đã mang đến cho các em. Từ đó, các em sẽ hình thành ý thức giữ gìn tài liệu cẩn thận như: không viết, vẽ vào tài liệu; không cắt xé, gấp trang sách để đánh dấu; không cuộn sách, ngồi lên sách, không làm mất tài liệu trong quá trình sử dụng.

Thư viện cần hướng dẫn các em thiếu nhi đọc đúng tư thế bởi cơ thể các em đang phát triển, chưa hoàn thiện, tư thế đọc không đúng sẽ khiến cơ thể các em phát triển lệch lạc hoặc có những ảnh hưởng đáng kể về sức khỏe các em sau này như các bệnh về mắt, cột sống… Thư viện hướng dẫn các em ngồi đọc ở các bàn ghế có kích thước phù hợp với tầm vóc của mình, ở môi trường ánh sáng đầy đủ, thích hợp.

Phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực, nhân tố quyết định mọi thành công. Chấn hưng, phát triển văn hóa đọc với ý nghĩa hình thành thói quen đọc sách báo cho công dân là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng, Nhà nước, toàn xã hội.

Thiếu nhi được xem là giai đoạn đầu tiên của cuộc đời con người, giai đoạn chuẩn bị các phẩm chất, năng lực cần thiết để tham gia lao động xã hội. Thư viện với ưu thế vốn tài liệu phong phú, nhân viên thư viện tinh thông nghiệp vụ có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi thiếu nhi. Bằng các hoạt động chuyên môn của mình, thư viện góp phần định hướng, hướng dẫn phương pháp đọc, giáo dục thái độ ứng xử văn hóa với tài liệu cho các em thiếu nhi. Văn hóa đọc của các em sẽ hình thành, phát triển dưới tác động tích cực của các thư viện.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : CAO THANH PHƯỚC

;