Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc

Ngày 20-4, tọa đàm Đối thoại về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức tại TP.HCM đã ghi nhận nhiều ý kiến và đề xuất hữu ích.

Chủ trì tọa đàm có: ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Nguyễn Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và bà Trần Thị Phương Lan- Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương). Cùng tham dự còn có đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, một số cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật tại các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc trong thời gian vừa qua.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Mở đầu tọa đàm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, cho biết, âm nhạc là một trong số lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của lĩnh vực âm nhạc là đến năm 2030 có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, quy đổi là 30 triệu USD, vì vậy cần có những đột phá trong phát triển âm nhạc. Trong thời gian qua, các chương trình, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc phát triển rất mạnh mẽ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam.

Đây là lần đầu Cục Bản quyền tác giả tổ chức đối thoại mở với các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Mục tiêu là nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn về cơ chế, thủ tục, đồng thời định hướng xây dựng các sự kiện âm nhạc có quy mô, giá trị văn hóa, kinh tế và khả năng xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tại tọa đàm, đã có 17 đại diện tổ chức, doanh nghiệp, nhạc sĩ, ca sĩ... phát biểu ý kiến, thẳng thắn chia sẻ, trao đổi xuất phát từ thực tiễn về những khó khăn, vướng mắc trong chính sách, hạ tầng kỹ thuật, bản quyền tác giả, xây dựng thương hiệu, thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc; đề xuất sự hỗ trợ của Nhà nước trong ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo nội dung, ban hành khung giá tác quyền, phổ biến và truyền thông về thói quen bán vé, trả tiền hưởng thụ sản phẩm âm nhạc, tổ chức các lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho những người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật...

Khó khăn về hạ tầng kỹ thuật

Ông Nguyễn Xuân An- CEO truyền thông của Tập đoàn Yeah1, đơn vị tổ chức Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió - cho biết, lo ngại lớn nhất là tìm kiếm địa điểm phù hợp để tổ chức những sự kiện tầm 40.000-50.000 người. Ở TP.HCM địa điểm này rơi vào các khu đô thị lớn có bãi đất trống lớn, cần phải dựng sân khấu mới hoàn toàn, liên quan đến chi phí, thủ tục, chính sách... Mong muốn có một địa điểm chuyên nghiệp tổ chức các sự kiện. Địa điểm là yếu tố then chốt, không chỉ giúp đảm bảo điều kiện tổ chức tối ưu, mà còn mở ra cơ hội đưa concert Việt Nam vươn tầm khu vực, thu hút nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển liên ngành, đặc biệt là du lịch. Ông An đề xuất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành nhằm xây dựng một môi trường tổ chức thuận lợi, rõ ràng về quy hoạch và thủ tục.

Ông Nguyễn Lâm Thanh- Đại diện Tiktok Việt Nam phát biểu

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh- Đại diện Tiktok Việt Nam, có 4 trụ cột của ngành âm nhạc: sáng tác, hạ tầng biểu diễn, khán giả và khách hàng doanh nghiệp. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng sân khấu, địa điểm quan trọng nhưng giao thông cũng có vai trò quan trọng không kém. Cách đây 12 năm ông Thanh từng thỏa thuận với Công ty SM Town đưa nghệ sĩ Hàn Quốc về Việt Nam, nhưng sau khi đi khảo sát thì đối tác thông báo từ chối vì hạ tầng giao thông ở đây chưa đáp ứng được.

Ông Phạm Minh Toàn- Đại diện Vietfest, đơn vị đồng hành tổ chức Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP.HCM (Hozo) chia sẻ, Hozo diễn ra ở trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Q.1) rất chật hẹp. Trong khi một số lễ hội lớn ở nước ngoài tối thiểu 2-3 ngày hay hay như Thái Lan từ 2 tuần hoặc một tháng, thì hiện nay một số chương trình ở Việt Nam chỉ dừng lại ở việc diễn một đêm, khán giả đến xem rồi về nên không thu hút được du khách. Nếu không có địa điểm đủ để làm dài ngày thì không thể dùng âm nhạc phát triển kinh tế.

Xây dựng thói quen bán và mua vé

Theo ông Phạm Minh Toàn, trong lĩnh vực âm nhạc cần phải hướng đến kinh doanh để giúp nhà sản xuất và nghệ sĩ kiếm được tiền. Hiện tại nhiều hoạt động âm nhạc đang làm miễn phí, chưa có thói quen bán vé vì một số lý do như phát triển du lịch, truyền thông. “Rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài khi chúng tôi liên hệ mời về Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo, họ đều hỏi về chính sách bán vé như thế nào, họ không thích diễn free (miễn phí). Sản phẩm lao động họ muốn được bán vé, khán giả phải trân trọng bỏ tiền mua vé tới xem thì nghệ sĩ mới ưu tiên biểu diễn. Đó là mấu chốt để thay đổi quan điểm muốn ngành công nghiệp âm nhạc phát triển thì phải bán được vé. “Sống” được bằng vé sẽ giảm thiểu phụ thuộc vào nhà tài trợ”- ông Toàn cho hay.

Ông Phạm Minh Toàn- Đại diện Vietfest phát biểu

NSND Xuân Bắc cho rằng chương trình càng đông thì càng chứng tỏ đẳng cấp của nghệ sĩ, tuy nhiên không phải show nào cũng bán được vé. Ông Bắc lấy ví dụ, một show có Xuân Bắc với số lượng 10.000 vé nhưng bán mãi mới được 1.000 vé. “Đơn vị tổ chức show và nghệ sĩ thì cũng phải đông khán giả mới diễn được. Thế là lại mang vé đi giả vờ bán hạ giá hoặc cho tặng. Đây cũng là bài toán rất khó, cực kỳ khó. Có những khi đề giá 2 triệu nhưng bán combo mua 4 tặng 3 để đảm bảo uy tín, đây cũng là điều rất khó” – NSND Xuân Bắc chia sẻ.

Đại diện Công ty BH Media quan tâm đến việc đào tạo cho thị trường/công chúng có thói quen trả tiền cho văn hóa, đặc biệt là trên các nền tảng số. Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, trung bình mỗi người trả 70-80 ngàn đồng/tháng, Hàn Quốc hơn 100 ngàn/tháng, châu Âu hơn 30 USD/tháng. Do vậy cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền nhiều hơn, tạo thói quen bán vé, mua vé, trả tiền cho trải nghiệm âm nhạc trực tuyến.

Khung giá trả phí bản quyền  

Ông Châu Lê- CEO Bamboo Artists Agency cho biết, các hệ thống bán vé ở Việt Nam chưa liên kết với nhau nên chưa có “big data” (dữ liệu lớn) về số lượng khán giả sẵn sàng bỏ tiền cho âm nhạc. Thực ra con số 78.000 vé, 53.000 vé thông báo trên truyền thông là không có kiểm chứng, nên chúng ta thiếu “big data”. Thiếu “big data” thì không thể nào phát triển được công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần có dữ liệu ngầm, tốt nhất là hệ thống bán vé hoặc tất cả các đơn vị tham gia bán vé đăng ký. Mỗi code (mã số) vé bán được sẽ liên kết về hệ thống nhà nước hoặc một đơn vị kiểm tra. Chẳng hạn show này diễn 40 bài, bán được bao nhiêu vé... thì tính ra được tiền tác quyền. Và như vậy, chúng ta sẽ tính được số lượng vé bán ra cả nước trong một năm. Khi có được dữ liệu này thì sẽ có cơ chế hỗ trợ tốt hơn về chi trả tiền tác quyền. Nếu thống kê được ở Việt Nam có 10 triệu người có thói quen đi xem concert, đêm nhạc thì dữ liệu này sẽ rất có ý nghĩa với các đơn vị tổ chức.

Đại diện Công ty Nam Việt Media chia sẻ khó khăn về bản quyền tác giả mảng âm nhạc online. Hiện tại tác giả bị phân bổ ở nhiều nguồn khác nhau, mỗi nguồn có sự định giá khác nhau. Giá tác giả không đồng bộ, đơn vị nào làm việc với tác giả thì đưa ra giá bấy nhiêu. Có những bài bỏ tiền ra làm rồi, sau đó phải trả phí bản quyền lần nữa. Sản phẩm sản xuất ra phát hành nhiều nền tảng, mỗi nền tảng là một khoản chi phí. Có khi doanh thu từ nền tảng trực tuyến không đủ để trả tiền tác giả. Có chung những khó khăn khi phí chồng phí và giá bản quyền còn bất cập, đại diện Công ty BH Media đề xuất cơ quan quản lý xây dựng bảng giá quy định về bản quyền tác phẩm.

Đại diện Công ty Metub Việt Nam đề cập đến vướng mắc của việc tìm kiếm đâu là chủ sở hữu tác giả của bản ghi âm. Gặp rất nhiều trường hợp thực tế là ký với một đơn vị, người ta cam kết là chủ sở hữu tác phẩm đó. Khai thác 2-3 năm sau, trả phí doanh thu mới phát hiện đơn vị đó không phải là chủ sở hữu. Xử lý tranh chấp tốn thời gian, tiền bạc hoặc không thể giải quyết vì không có đủ những giấy tờ, nhạc sĩ nhiều khi chỉ làm việc miệng. Đề xuất có cơ chế nào đó, có cơ sở dữ liệu nào đó là nơi có thể tham khảo, hoặc từ phía của Cục Bản quyền tác giả để có thể xem xét được đâu là tác giả, đâu là chủ sở hữu đang được ủy quyền hay không?

Đề xuất các khóa đào tạo  

Nhà sản xuất âm nhạc- ca sĩ Đoàn Minh Phúc (APJ) cho biết, nhiều nghệ sĩ trẻ như anh ban đầu làm nhạc không có ý thức về tác quyền, bản quyền, nên về sau mất quyền sở hữu những tác phẩm mình từng làm ra. Mong rằng các cơ quan, đơn vị trong ngành đào tạo cho nghệ sĩ trẻ về khía cạnh này để các tác giả, nghệ sĩ được bảo vệ tốt hơn. Đề nghị tổ chức các buổi workshop tìm hiểu về bản quyền, tập huấn, hội thảo, bản quyền rất quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Tổ chức chương trình tại địa phương có chi phí phát sinh quá lớn khi ca sĩ, ê-kíp sản xuất đều phải bay ra bay vào từ Hà Nội, TP.HCM nhưng “sức mua” ở thị trường lại không có, Châu Lê của show Huế Symphony đưa ra gợi ý các công ty lớn thường xuyên tổ chức liveshow như Yeah 1 nên tổ chức các buổi training (tập huấn), chia sẻ để các đơn vị tổ chức show ở địa phương đến học hỏi, sau này không cần phải đưa toàn bộ ê-kíp của Yeah1 ra đó. Đây là cách để truyền đạt, chia sẻ về công nghệ và hỗ trợ địa phương nâng cao chất lượng show mà giá vé phù hợp. Yeah1 làm concert 50.000 khán giả. Ở địa phương chỉ có 5.000 khán giả, nhưng 10 địa phương là 50.000 khán giả.

Đại diện VietFest cho biết, đã kết nối với một tổ chức ở Anh để làm dự án đào tạo về kinh doanh âm nhạc. Đề xuất về việc mở các lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho những người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật. Trong đó đào tạo dài hạn (2-3 năm) cho nghệ sĩ chuyên nghiệp; nghệ sĩ indie (độc lập) muốn khởi nghiệp, biểu diễn mà không có điều kiện học chuyên nghiệp thì sẽ có trung tâm đào tạo mở rộng, khóa học music online, học từ xa... được “may đo” cho từng nhóm đối tượng.

Tổng kết tọa đàm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến và đề xuất để tham mưu cho Bộ VHTTDL, Chính phủ, các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

XUÂN HƯỚNG - Ảnh: LÊ HOÀNG 

;