Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hội An hiện nay và những vấn đề đặt ra

Tóm tắt: Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, là một trong những mô hình tiêu biểu về việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực từ “vốn văn hóa” ở hệ thống di sản đặc sắc. Bài viết làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy và những đóng góp của di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Hội An hiện nay, từ đó chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hội An là thành phố “Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”.

Từ khóa: giá trị, di sản văn hóa, bảo tồn, phố cổ Hội An.

Abstract: Hoi An City (Quang Nam Province) stands out on the tourism map of Vietnam and the world, serving as a notable example of effectively leveraging resources from its rich cultural heritage. This article examines the current state of conservation, promotion, and socio-economic contributions of cultural heritage in Hoi An. It also identifies remaining challenges and proposes solutions, aiming to support the city’s vision of becoming a hub for “Ecology - Culture - Tourism”.

Keywords: value, cultural heritage, preservation, Hoi An ancient town.

1. Những giá trị đặc sắc, đa dạng của hệ thống di sản

Chỉ với diện tích tự nhiên khoảng 62 km2, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) có đến 2 di sản thế giới là khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới (năm 1999) và Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009). Có thể thấy, Hội An là nơi tập trung mật độ di tích lịch sử, văn hóa dày đặc với hơn 1.360 di tích. Riêng ở khu vực I - vùng lõi của khu phố cổ chỉ rộng 4km2 nhưng có đến 1.273 di tích kiến trúc nghệ thuật. Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng với sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan xen các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - phương Tây, tạo tính phong phú, đa dạng văn hóa, phản ánh sinh động những sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất và sáng tạo của người dân nơi thương cảng xưa. Với kiến trúc đặc trưng là kết cấu không gian mở và hài hòa, các ngôi nhà cổ 2 tầng hình ống mang sắc vàng cổ điển với mái ngói âm dương nhấp nhô, bờ nóc giật cấp mềm mại, ngõ hẻm thâm trầm rêu phong, đôi mắt cửa huyền bí, hoa văn chạm trổ tuyệt nghệ... Con đường Hội An được bố trí ngang dọc theo kiểu bàn cờ với những con phố ngắn, nhỏ, uốn lượn, ôm lấy những ngôi nhà. Nét hoài niệm mang dấu ấn thời gian của phố cổ được thể hiện trọn vẹn qua hình ảnh chùa Cầu - linh hồn của phố cổ, qua những công trình kiến trúc nổi tiếng, như nhà cổ Quân Thắng, Tấn Ký, Đức An… hay các hội quán Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông… (1). Có thể nói, Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; đồng thời là điển hình về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Là một thành phố nhỏ nhưng Hội An luôn mang tính quốc tế cả trong quá khứ lẫn hiện tại, là nơi hội nhập (nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc), hội thủy (hợp lưu của 3 nguồn sông lớn xứ Quảng), hội văn (kế thừa văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa, văn hóa Việt và sự hội nhập văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây).

Cùng với tiến trình phát triển lịch sử, trong quá trình lao động, sản xuất, người dân Hội An đã xây dựng nhiều làng nghề truyền thống và hiện còn bảo tồn được khoảng hơn 50 nghề với nhiều giá trị văn hóa độc đáo, là kết quả của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa từ hàng trăm năm của đô thị thương cảng, nổi tiếng là làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), làng tre - dừa nước Cẩm Thanh, làng chiếu Bàn Thạch, làng đúc đồng Phước Kiều, làng lụa Hội An, làng nghề truyền thống làm đèn lồng… Cùng với đó là hệ thống di sản phi vật thể đặc sắc, như lễ hội, văn học dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian… mà tiêu biểu là loại hình hát bài chòi đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2023, thành phố Hội An được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian (uccn) (2). Đây là cơ hội tốt để thành phố Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2. Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội

Trên cơ sở xác định lợi thế so sánh của địa phương, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng Hội An trở thành thành phố “Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới trên cơ sở khai thác nguồn lực văn hóa và tự nhiên, trong đó không thể không kể đến nguồn lực di sản văn hóa đa dạng và đặc sắc.

Thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg, ngày 12-1-2012, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012-2025, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong đó nhấn mạnh: Đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, hình thành vùng động lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và gắn kết với phát huy tiềm năng, lợi thế trong quá trình phát triển. Đặc biệt cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù; lấy sinh thái và văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế, xã hội theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn” (3).

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung, thành phố Hội An nói riêng đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, phát huy nguồn lực di sản văn hóa. Các chủ trương, chính sách của thành phố Hội An qua các giai đoạn đều tập trung phát triển thành phố theo định hướng gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống kết tinh ở hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đầu tư mạnh hơn cho văn hóa, giữ gìn những giá trị nhân văn và tài nguyên tự nhiên. Bảo tồn và phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn (4).

Thực tế cho thấy, Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An được phân cấp quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia phối hợp hiệu quả của các bên liên quan. Hệ thống quản lý trực tiếp tại khu di sản bảo đảm thống nhất trong điều hành quản lý. Hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng được tạo cơ chế thuận lợi tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản; tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước và với chủ di tích, chủ doanh nghiệp và người dân nói chung. Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An được quản lý nghiêm ngặt bởi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ ngân sách đầu tư tu bổ di tích xuống cấp trong nhân dân được chủ di tích đồng thuận; trong đó di tích tư nhân - tập thể trong khu phố cổ được ngân sách hỗ trợ từ 40% đến 75% kinh phí, di tích ngoài khu phố cổ được ngân sách đầu tư tùy theo giá trị và hình thức sở hữu. Nhờ đó, thành phố Hội An đã và đang huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; tích cực lồng ghép hiệu quả các nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, tranh thủ nguồn lực xã hội từ người dân và các doanh nghiệp, phát huy vai trò tích cực của người dân để góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Theo số liệu của UBND thành phố Hội An, riêng hoạt động tu bổ di tích, đã có hơn 500 trường hợp được đầu tư với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh Quảng Nam hơn 40 tỷ đồng, tài trợ khoảng 4 tỷ đồng, ngân sách thành phố Hội An hơn 100 tỷ đồng. Kinh phí tham gia đầu tư của người dân, doanh nghiệp là rất lớn với khoảng 2.500 hồ sơ được cấp phép tu bổ di tích nhà ở tư nhân, tập thể, trung bình mỗi công trình khoảng 50 triệu đồng (kinh phí đầu tư khoảng 125 tỷ đồng) (5).

Công tác kiểm kê, phân loại, xếp hạng di tích sớm thực hiện, đưa vào danh mục kiểm kê 1.439 di tích; trong đó ngoài di tích cấp quốc gia đặc biệt, Đô thị cổ Hội An còn có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh, 104 di tích thuộc Danh mục bảo vệ của tỉnh; còn lại là di tích nằm trong Danh mục kiểm kê của thành phố Hội An. Riêng di tích trong khu phố cổ được phân loại thành 5 mức độ bảo tồn kiến trúc tương ứng với quy định bảo tồn từng loại (đặc biệt, loại 1, 2, 3, 4). Cảnh quan kiến trúc của đô thị, nhất là các di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc được phục hồi và phát huy, kết nối khu vực bảo vệ Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống; qua đó gắn kết bảo tồn di sản văn hóa với bảo vệ môi trường văn hóa, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội tại di sản. Bên cạnh đó, thành phố Hội An đã ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, tu bổ di tích và thông tin tuyên truyền về di sản, như số hóa 3D di tích chùa Cầu, ứng dụng hệ thống dịch vụ tuyết minh tự động (Audio Guide) tại các bảo tàng, gắn mã QR Code tại di tích...

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng được nhận diện, kiểm kê để quản lý và phát huy giá trị một cách hiệu quả. Hội An là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật hô hát bài chòi đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (6). Thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Bên cạnh đó, thành phố Hội An tập trung công tác bảo tồn, phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, các nghề thủ công gắn kết với hoạt động du lịch. Từ năm 2015, khi tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 1222/QĐ-UBND, ngày 7-4-2015), thành phố Hội An đã tranh thủ nhiều nguồn lực, ban hành các văn bản thực thi công tác bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề. Ngày 12-7-2024, UBND thành phố Hội An đã xây dựng và ban hành Đề án 1956/UBND về “Xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030 (Lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian)”, nhằm triển khai thực hiện các nội dung trong hồ sơ cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (7). Ngoài những làng nghề/ nghề thủ công truyền thống đã được vinh danh, Hội An còn nổi tiếng với các nghề thủ công như: làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ…

Đặc biệt, thành phố Hội An là mô hình tiêu biểu trên cả nước trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch với nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống di sản văn hóa được bảo tồn hiệu quả là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của Hội An, có sức hấp dẫn lớn với du khách, như: Phố đi bộ, đêm phố cổ, biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, bài chòi, không gian văn hóa Nhật Bản, trải nghiệm tại các không gian làng quê, làng nghề, các sự kiện văn hóa, lễ hội... Năm 2023, Hội An đã thực hiện thành công bước đầu Đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” ra tuyến đường Phan Châu Trinh; triển khai có hiệu quả phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ; đồng thời tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như tổ chức thành công Hội Tết Nguyên tiêu năm 2023; Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ VII; Sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 19 năm 2023; Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An năm 2023; Festival Biển “Hội An - Vũ điệu mùa hè”; Trại sáng tác “Không gian sáng tạo Hội An”; Lễ hội văn hóa ẩm thực xứ Quảng lần thứ 1 năm 2023; tổ chức thành công Ngày văn hóa Hội An tại Paris (CH Pháp), qua đó góp phần xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Hội An đến với cộng đồng quốc tế.

Những năm gần đây, Hội An đã hình thành một số không gian văn hóa sáng tạo điển hình về công nghiệp văn hóa như: Đảo Ký ức Hội An - một tổ hợp du lịch giải trí trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật - trình nghề và các sản phẩm thủ công tiêu biểu, chế biến ẩm thực truyền thống; với sản phẩm văn hóa tiêu biểu là show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” quy tụ hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên, được bình chọn là chương trình nghệ thuật thực cảnh quy mô lớn nhất và hay nhất Việt Nam. Trung tâm biểu diễn Lune Hội An là nhà hát bằng tre duy nhất tại Việt Nam với các chương trình độc đáo kết hợp giữa xiếc và nghệ thuật dân gian. Đặc biệt trong năm 2024, kỷ niệm 25 năm đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4-12-1999 - 4-12-2024), thành phố Hội An tổ chức nhiều hoạt động vào nhiều thời điểm trong năm với chủ đề chung “25 năm - Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An”.

Không chỉ là một “thành phố văn hóa” tiêu biểu của cả nước, sức hút từ di sản văn hóa đã giúp Hội An trở thành điểm đến lý tưởng trên thế giới, được nhiều website, tạp chí có uy tín trên thế giới bình chọn; trở thành địa chỉ hấp dẫn để nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư, được giải thưởng du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu thế giới” liên tục trong 5 năm (2019, 2021, 2022, 2023, 2024). Trong năm, Giải thưởng World’s Best Awards 2024 của tạp chí du lịch hàng đầu Travel + Leisure vừa công bố danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất thế giới và danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất châu Á do độc giả bình chọn. Đáng chú ý, đô thị cổ Hội An lần lượt đứng vị trí thứ 4 và thứ 3 ở cả 2 hạng mục. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Hội An thuộc nhóm những điểm đến cao nhất cả nước với gần 13,5 triệu lượt khách tham quan giai đoạn 2018-2022. Du lịch di sản Hội An đã có những bước phục hồi ngày càng mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Theo số liệu của UBND thành phố Hội An, năm 2023, tổng doanh thu vé tham quan thành phố Hội An đạt khoảng 234 tỷ đồng, lượng khách ước đạt 4 triệu lượt (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, đạt 165,36% so với kế hoạch), trong đó, khách quốc tế đạt 3 triệu lượt (đạt 327,63% so với cùng kỳ). Năm 2024, Hội An đón hơn 4,4 triệu lượt khách (tăng 6,58% so với cùng kỳ); trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,5 triệu lượt (tăng 11,43% so với cùng kỳ), tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 5.231 tỷ đồng (tăng 24,38% so với cùng kỳ) (8). Doanh thu ngành thương mại, dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn thành phố Hội An, trong đó ngành Du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch di sản có vị trí quan trọng.

Như vậy, có thể thấy, Hội An là điểm sáng của cả nước trong việc phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có sự gắn kết di sản văn hóa với đời sống xã hội của người dân địa phương. Hệ thống di sản văn hóa ở Hội An được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tăng thu ngân sách địa phương, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, lan tỏa và bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất đa dạng văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương và cả nước.

3. Một số vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy thực tiễn bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội ở Hội An thời gian qua đang đặt ra một số vấn đề sau:

Một là, các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch thành phố Hội An chưa đạt được kết quả như mong đợi. Quy hoạch chung về xây dựng đô thị Hội An đến năm 2030, mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại 2 chưa có lộ trình cụ thể. Các dự án đầu tư xây dựng trung tâm đón tiếp du khách, bãi đỗ xe, lò đốt rác, kè chống xói lở, các tuyến đường giao thông chính… dù có cố gắng nhưng vẫn còn chậm. Phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bởi Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 12-1-2012 chưa được triển khai thực hiện hoặc kết quả đạt được còn ít.

Hai là, quá trình phát triển kinh tế, trong đó có du lịch dựa trên di sản văn hóa đang đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đối mặt với nguy cơ suy thoái di sản văn hóa, nguy cơ đánh mất bản sắc, nguy cơ biến dạng tính nguyên gốc của các di sản nếu không có các biện pháp bảo vệ hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường do mặt trái của hoạt động du lịch, hoạt động dân sinh, quá trình đô thị hóa nhanh chóng… cũng đặt ra nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Hội An.

Ba là, tác động của thời gian, các yếu tố tự nhiên (nhiệt độ, độ ẩm…) cùng những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Có thể thấy, cùng với thời gian, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và biến đổi khí hậu (nhất là nguy cơ lũ do Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn… ngày càng có những tác động không nhỏ tới các di tích lịch sử, văn hóa cũng như các ngôi nhà cổ trong đô thị cổ Hội An, dẫn tới sự xuống cấp nghiêm trọng hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Bốn là, những vướng mắc khó tháo gỡ trong quá trình hạ giải các di tích thuộc diện không còn khả năng chống đỡ, như nguồn kinh phí, yêu cầu bảo tồn không gian di sản... Việc hạ giải những di tích này gặp khó khăn khi ảnh hưởng đến cảnh quan chung; đồng thời đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Một số di tích thuộc sở hữu tư nhân, tuy đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng rất khó hạ giải vì là nhà thờ tộc họ hoặc thuộc sở hữu chung của nhiều thành viên, nên việc tìm tiếng nói chung trong việc hạ giải và trùng tu là điều không đơn giản. Nhiều di tích trải qua quá nhiều chủ sở hữu, liên quan đến nhiều đời, chưa xác định rõ người đại diện pháp lý; dẫn đến tình trạng “có tiền vẫn không thể trùng tu nhà cổ”; hoặc Nhà nước có tiền nhưng chủ nhà không đối ứng nên tạo nhiều bất cập và gây khó khăn trong tổng thể bảo vệ không gian, quần thể khu phố cổ (trong khi hiện nay ở Hội An, di tích sở hữu nhà nước thì ngân sách cấp để trùng tu; các công trình sở hữu tư nhân thì Nhà nước hỗ trợ 45% - 75% kinh phí, số tiền còn lại thì chủ di tích đối ứng).

Năm là, công tác quản lý, đầu tư, tổ chức vận hành phát triển du lịch Hội An vẫn thiếu tính chiến lược. Tài nguyên du lịch, trong đó có di sản văn hóa chưa được phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, các nguồn lực phát triển du lịch còn phân tán và chưa mạnh. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình du lịch chuyên ngành và các chương trình phụ trợ, tương hỗ khác cho du lịch chưa được tập trung; lực lượng lao động trong lĩnh vực này còn nhiều người chưa qua đào tạo, một số loại hình dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp; sự phối hợp, liên kết, sức cạnh tranh còn yếu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã có những tác động làm thay đổi các phương thức dịch vụ truyền thống, đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành Du lịch để thích ứng và tạo nên hiệu quả cao hơn.

Sáu là, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, người dân thành phố Hội An cũng phải đối mặt với không ít vấn đề cần phải giải quyết, như nhu cầu sinh hoạt cá nhân cùng những tiện ích của cuộc sống hiện đại trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố cổ; sự chia sẻ lợi nhuận của cá nhân hộ gia đình, doanh nghiệp với chính quyền trong việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa… Người dân Hội An trong hành trình xây dựng, phát triển quê hương, bên cạnh việc đấu tranh để vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên còn phải thực sự “tự đấu tranh” với chính mình trước những nhu cầu cuộc sống để cùng chung sức giữ gìn, bảo tồn và nâng tầm giá trị của di sản văn hóa - tài sản chung quý giá của cộng đồng. Trong bối cảnh mới, vấn đề này cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An trong đời sống đương đại và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

_______________________

1. Đỗ Huấn, Hội An (Quảng Nam): Thúc đẩy du lịch từ giá trị di sản, vietnamtourism.gov.vn, 2-12-2022.

2. Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 11-2-2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về Phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030, hoianheritage.net.

3. Đề án số 16-ĐA/TU ngày 4-7-2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch đến năm 2030, quangnam.dcs.vn, 6-2023.

4. Nghị quyết số 31-NQ/TU, ngày 31-7-2023, của Tỉnh ủy Quảng Nam về Xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch đến năm 2030, quangnam.dcs.vn, 28-3-2025.

5, 8. Q.Tuấn, Hội An đón hơn 4,4 triệu lượt khách trong năm 2024, baoquangnam.vn, 16-12-2024.

6, 7. Công văn số 8243/UBND ngày 28-11-2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về Triển khai các cam kết với Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN), bvhttdl.gov.vn.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Huấn, Quảng Nam: Tập trung xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 15-9-2023 của UBND thành phố Hội An về Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 31-7-2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch đến năm 2030, vietnamtourism.gov.vn, 13-12-23.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 28-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-3-2025.

Ths ĐINH THỊ HƯƠNG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;