Sáng ngày 22-2-2025, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Thư viện Hà Nội tổ chức miễn phí buổi học trải nghiệm làm mặt nạ và múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc.
Buổi trải nghiệm do nghệ sĩ Kim Ji Yeon hướng dẫn các bạn trẻ là học sinh, sinh viên Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
Tham gia buổi trải nghiệm, các học viên được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của những chiếc mặt nạ và điệu múa mặt nạ
Mặt nạ trong tiếng Hàn là Tal (탈), là biểu tượng thiêng liêng của các vị thần và xuất hiện rất nhiều trong các hoạt động văn hóa truyền thống của người Hàn. Theo nghệ sĩ Kim Ji Yeon, mặt nạ trước đây thường được làm từ gỗ cây, một số nơi dùng giấy bồi. Chiếc mặt nạ truyền thống có nguồn gốc từ làng Hahoe ở thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk-do, nơi được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới.
Talchum (탈춤) là một hình thức sân khấu dân gian truyền thống của Hàn Quốc kết hợp giữa múa và diễn xuất khi đeo mặt nạ, thường được gọi tắt là: múa mặt nạ. Đây là một màn trình diễn vượt qua ngoài điệu nhảy đơn thuần và truyền tải thông điệp xã hội thông qua tiếng cười và kể chuyện, đồng thời giao tiếp với khản giả. Theo truyền thống, Talchum bắt đầu từ một sự kiện cộng đồng hoặc nghi lễ hiến tế. Cho đến nay, nó vẫn là một phần quan trọng của văn hóa Hàn Quốc.
Tùy thuộc vào nội dung của mỗi câu chuyện mà mỗi điệu múa sẽ sử dụng những chiếc mặt nạ khác nhau để thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau trong việc diễn đạt nội tâm, tính cách và đại diện cho từng nhân vật như: điệu múa mặt nạ Gangryeong sử dụng 14 chiếc mặt nạ ứng với 14 nhân vật: con khỉ, vợ lẽ, lão nhân, người hầu, người đánh xe ngựa, kỹ nữ, sứ giả, tầng lớp quý tộc… Mỗi chiếc mặt nạ đều có họa tiết khác nhau với màu sắc rực rỡ mang một ý nghĩa riêng, thể hiện những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố…
Nghệ sĩ Kim Ji Yeon hướng dẫn các bạn trẻ Việt Nam tự tay trang trí chiếc mặt nạ Hàn Quốc
Buổi trải nghiệm đã mang đến cho người tham gia những kiến thức căn bản về nguồn gốc, ý nghĩa của chiếc mặt nạ truyền thống của xứ sở kim chi. Các học viên được trực tiếp thực hiện đắp đất nặn từ 5 màu sắc cơ bản: đỏ, đen, trắng, vàng, xanh cho từng chiếc mặt nạ được làm từ giấy bồi. Từ chiếc mặt nạ màu trắng, sau khi được nghệ sĩ Kim Ji Yeon hướng dẫn, các học viên đã tạo nên nhiều chiếc mặt nạ rực rỡ sắc màu với những phong cách khác nhau.
Talchum là hình thức nghệ thuật múa dân gian thường được trình diễn trong những ngày lễ hội như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu… nhưng ẩn sau những điệu múa là tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn gửi gắm. Như ở thời Tam Quốc, múa mặt nạ là một nghi lễ để giao tiếp với các vị thần. Người ta tin rằng mặt nạ phản ánh hình ảnh các vị thần, còn người đeo mặt nạ mang sức mạnh nửa thần, nửa người giúp truyền tải những tâm tư của người dân đến thần linh và ngược lại. Đến thời Joseon, múa mặt nạ Talchum phát triển mạnh mẽ theo hình thức khác, phản ánh sự giận dữ, những nỗi bất công của người dân thường với tầng lớp quý tộc, quan lại thời phong kiến. Người biểu diễn đeo mặt nạ, giấu đi thân phận của bản thân và hóa thân vào một nhân vật bất kỳ, được phép nói ra những điều sâu kín, những điều bất bình mà người thường không dám nói.
Em Thảo Ngân chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tự tay trang trí chiếc mặt nạ Hàn Quốc. Buổi trải nghiệm đã mang lại cho em nhiều điều thú vị. Qua buổi trải nghiệm hôm nay, em mới biết người Hàn Quốc thường đeo chiếc mặt nạ này và nhảy múa để thể hiện những câu chuyện, những ước mong của họ trong cuộc sống”.
Các em nhỏ háo hức tham gia điệu múa truyền thống Hàn Quốc
Sau khi hoàn thành xong chiếc mặt nạ, các học viên được hòa mình vào điệu múa truyền thống Talchum. Những chiếc mặt nạ khi kết hợp với điệu múa truyền thống đã tạo nên một loại hình nghệ thuật múa mặt nạ độc đáo của đất nước Hàn Quốc. Mỗi vùng miền lại có những điệu múa mặt nạ được biểu diễn vào những mục đích khác nhau như thể hiện tình yêu quê hương đất nước hay cầu mong sự bình an. Chính vì vậy, loại hình nghệ thuật này trở nên phong phú và được giữ gìn, phát triển cho đến ngày nay.
Nghệ sĩ Kim Ji Yeon chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi có thể truyền cảm hứng và giới thiệu tới các bạn trẻ Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về văn hóa đất nước tôi. Hiện nay ở Hàn Quốc, các em nhỏ vẫn được tự tay làm chiếc mặt nạ này nên tôi cũng rất vui có thể giúp các em nhỏ Việt Nam có cơ hội tự tay làm những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh này. Tôi và các bạn trẻ Việt Nam hôm nay đã có những kỷ niệm thú vị, từ việc làm mặt nạ truyền thống, giới thiệu về âm nhạc, nhạc cụ Hàn Quốc đến việc cùng nhau múa điệu múa truyền thống Hàn Quốc trong khuôn viên của Thư viện Hà Nội”.
Lớp trải nghiệm làm mặt nạ và múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc tiếp tục được tổ chức vào ngày 24-2-2025 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội).
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG