Kết quả cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025 đã được giới thiệu tới người xem tại triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Km6+500 Đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với số lượng đông đảo các tác phẩm trưng bày đã cho thấy sức hấp dẫn của đề tài mang tính đặc thù này.
Đại tá, AHLLVT nhân dân Lê Duy Ứng (thứ ba từ trái sang) cùng các đại biểu bên tác phẩm điêu khắc Trọng điểm của ông trưng bày tại Triển lãm
Đông đảo các nghệ sĩ tham gia cuộc vận động
Mỹ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội. Qua đó, thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hướng tới kỷ niệm 80 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019-2024).
Triển lãm giới thiệu tới công chúng 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc tiêu biểu của 193 họa sĩ, nhà điêu khắc đã sáng tác giai đoạn 2019 - 2024. Về hội họa, triển lãm giới thiệu 150 tác phẩm đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và nội dung. Các tác phẩm tập trung phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ý chí quyết tâm giành độc lập và tình đoàn kết quân dân gắn bó. Tiêu biểu là: Tranh sơn dầu Ðất và nước của họa sĩ Ngân Chài; tranh lụa Bác Hồ với Hải quân trên vịnh Hạ Long của họa sĩ Ðặng Ðình Nguyễn; tranh sơn dầu Ðường vào chiến dịch của họa sĩ Ðỗ Kích. Ði sâu phản ánh hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới, có các tác phẩm tiêu biểu như: Siêu thanh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long; Cứu dân vùng lũ của Trịnh Hoàng Tân; Bình minh nhà giàn DK1 của họa sĩ Trần Tuấn Long.
Vũ Đại Bình, Những chiến sĩ Điện Biên, composite, 2024
Về điêu khắc, triển lãm giới thiệu 30 tác phẩm với các chất liệu đa dạng như: tác phẩm Ký ức đường Trường Sơn của tác giả Hoàng Văn Tùng đã tái hiện tuyến vận tải quân sự chiến lược chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam; Tác phẩm Trọng điểm của Ðại tá, AHLLVT Nhân dân Lê Duy Ứng đã tái hiện hình ảnh nữ Thanh niên xung phong tại bến phà Long Ðại (Quảng Bình) trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; Tác phẩm Người mẹ quê hương Ðồng khởi của nhà điêu khắc Châu Trâm Anh với chất liệu đá trắng tổng hợp đồng lá.
Về đồ họa, có 20 tác phẩm tiêu biểu như: Huyền thoại ngã ba Ðồng Lộc của tác giả Trịnh Bá Quát; Trên thao trường của tác giả Nguyễn Ngần.
Dưới góc nhìn của người nghệ sĩ tạo hình, mảng đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng phản ánh xuyên suốt về truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí quật cường, quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do; nêu bật hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Ðồng thời, nhiều tác giả cho thấy niềm say mê, đổi mới sáng tạo nghệ thuật thông qua các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ngân Chài, Mặt đất và bầu trời sơn dầu, 2024
Các tác phẩm trưng bày lần này là kết quả của cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2021-2025). Triển lãm nhằm biểu dương hoạt động sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội, động viên các tác giả không ngừng say mê sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Cái khó là tạo nên tác phẩm đỉnh cao
Ðể giúp các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội có cái nhìn cụ thể về đời sống sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ quân đội, Ban Tổ chức đã tổ chức nhiều đợt đi thực tế, các trại sáng tác phong phú, đa dạng. Nhờ đó, số lượng tác phẩm gửi về dự thi đã tăng hơn 150 tác phẩm so với giai đoạn 2014-2019, tất cả có 644 tác phẩm của 407 tác giả trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tác phẩm về tham dự.
Trần Tuấn Long, Bình minh nhà giàn DK1 sơn mài, 2024
Trở về từ chuyến đi thực tế tại quần đảo Trường Sa, họa sĩ Trần Tuấn Long đã sáng tác nên tác phẩm Bình minh nhà giàn DK1 vào tháng 4/2024. Trong suốt chuyến đi ông ấn tượng nhất với khủng cảnh bầu trời tối đen xa xa có 2 đốm đèn của nhà giàn DK1 hiện dần trong ánh bình minh. Với bố cục tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, cái rộng lớn của biển cả và cái nhỏ nhoi của nhà giàn DK1 làm nổi bật lên hình ảnh nhà giàn giống như những con mắt canh giữ chủ quyền. Chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm, vậy mà có những người lính đã, gắn bó với nhà giàn DK1 vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đêm ngày bám trụ kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ, sau chuyến đi này ông đã thấm thía hơn được câu nói của Ðại tướng Phan Văn Giang rằng “Những ai đi Trường Sa về sẽ yêu Tổ quốc hơn rất là nhiều”.
Hay họa sĩ Ngân Chài đã sáng tác tác phẩm Ðất và nước từ chuyến đi thực tế tại sư đoàn Tăng thiết giáp. Từ hình ảnh những đoàn quân đi tập ở thao trường cùng mảnh đất miền Trung đầy khó khăn gian khổ, khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ vẫn ngày đêm trên thao trường luyện tập hăng say, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó là hình ảnh thác nước ở trên thao trường đã khiến cho tác giả vô cùng ấn tượng để sáng tác nên tác phẩm Ðất và nước khắc họa rõ nét hình ảnh lực lượng vũ trang Việt Nam ngày nay, với nhân tố là người chiến sĩ được trang bị đầy đủ những trang thiết bị hiện đại.
Nguyễn Dương Đình, Chiến binh thầm lặng, sơn dầu, 2024
Ðánh giá về chất lượng các tác phẩm tại triển lãm lần này, PGS, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam - thành viên Hội đồng Giám khảo cho biết, đề tài chiến tranh cách mạng là đề tài xuyên suốt trong sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng với số lượng tác giả tham gia đông đảo và số lượng tranh dự thi lớn cho thấy, đây vẫn là đề tài nhận được sự quan tâm của các họa sĩ và nhà điêu khắc, từ các nghệ sĩ trẻ cho tới các nghệ sĩ đã thành danh. Mỗi thế hệ mang tới cái nhìn riêng ở mảng đề tài đã đóng đinh trong lòng công chúng với không ít các tác phẩm đẹp mắt và được sưu tập tại các bảo tàng uy tín trên thế giới và trong nước. Nhiều cách làm đã được thể nghiệm nhằm tạo ra sự khác lạ, tươi mới trong tác phẩm. Trong khi đó, không ít tác phẩm vẫn đi vào lối vẽ quen thuộc nhưng đào sâu, tạo được sự hấp dẫn với người xem bởi cảm xúc chân thật cho người xem. Dù là cách vẽ mới hay nâng tầm cao hơn ở cách vẽ đã quen thuộc thì các tác phẩm được trưng bày lần này vẫn rất đáng để người xem tới thưởng lãm.
Trịnh Bá Quát, Những kỷ vật kháng chiến, acrylic, 2022
Họa sĩ Lê Anh Vân cho rằng, không phải cứ trừu tượng mới là hiện đại mà có khi lối vẽ hiện thực quen thuộc lại hấp dẫn hơn. Ðiều cốt yếu của nghệ thuật là chân thật, nói đúng tình cảm của con người. Họa sĩ Lê Anh Vân chia sẻ thêm, cái khó khi vẽ đề tài chiến tranh cách mạng là cần đạt tới đỉnh cao. Dù đây là mảng đề tài không dễ sống, không dễ vẽ nhưng một khi đã vẽ đẹp, vẽ tình cảm thì vẫn có các nhà sưu tập tìm mua. Do vậy, với các họa sĩ chuyên tâm cho mảng đề tài này cần sự tự thân, tự tìm hiểu sâu sắc về người lính và thể hiện sự am hiểu của mình trên mặt tranh. Bản thân họa sĩ Lê Anh Vân cũng là một trong các họa sĩ thành danh ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng với Ký ức những ngọn đèn (Giải Nhì, năm 2000), Khúc ngoặt (Giải Nhất, năm 2004) …
Nông Tiến Dũng, Gặp gỡ, sơn dầu, 2022
Ðại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá, dưới góc nhìn của người nghệ sĩ tạo hình, mảng đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” phản ánh xuyên suốt về truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí quật cường, quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do; nêu bật hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiều tác giả cho thấy niềm say mê, đổi mới sáng tạo nghệ thuật thông qua các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
THU CÚC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024