Triển vọng của giao lưu và hợp tác ngành làm phim Ấn Độ - Việt Nam

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Xin chào Việt Nam 2024 nhằm kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2024), Hội thảo Giao lưu ngành làm phim giữa Ấn Độ và Việt Nam do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức tại TP.HCM ngày 27-8 đưa ra nhiều triển vọng phát triển cho hai nền điện ảnh.

Tham dự Hội thảo có: ông H.E. Dr Madan Mohan Sethi- Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM; ông Phạm Minh Toàn- Giám đốc LHP Quốc tế TP.HCM; cùng nhiều nhà quản lý, nhà làm phim, đạo diễn, quay phim, diễn viên của hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận như: Hợp tác sản xuất phim giữa Ấn Độ và Việt Nam - Khả năng, tiềm năng và thách thức; Tầm ảnh hưởng của điện ảnh đối với sự phát triển của quốc gia; Phát hành phim quốc tế - Toàn cầu hóa phim nội địa; Vai trò của phụ nữ trong điện ảnh và Tầm quan trọng của phụ nữ trong phim khi hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Madan Mohan Sethi cho biết: “Việt Nam là quốc gia có nhiều giá trị văn hóa cần lan tỏa. Chúng tôi muốn ghi lại những nét văn hóa, lịch sử, truyền thống Việt Nam để giới thiệu đến Ấn Độ và sẽ hỗ trợ các đoàn phim sang Việt Nam dễ tiếp cận các địa điểm quay phim hơn. Hy vọng sự giao thoa điện ảnh giữa hai nước sẽ tốt và sâu rộng hơn trong tương lai”.

Xung quanh những chủ đề về tầm ảnh hưởng của điện ảnh, liên kết, đẩy mạnh hoạt động hợp tác sản xuất phim và phát hành phim Ấn Độ-Việt Nam, các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên đến từ hai nước đều đánh giá cao cơ hội và tiềm năng trong thời gian tới. Ông Umesh Bansal- Trưởng phòng kinh doanh Zee Entertainment Ấn Độ cho biết, các bộ phim của Ấn Độ đã nổi tiếng tại Việt Nam từ những năm 1970. Thế giới ngày càng hướng về phương Đông, trong đó có cả văn hóa và không thể thiếu điện ảnh. Ông đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, nếu biết chọn nội dung phù hợp với thị hiếu thì sẽ được khản giả Việt Nam yêu thích. Ông Rahul Bali - Giám tuyển Lễ hội Xin chào Việt Nam, nhà sản xuất dự án Love in Vietnam khẳng định, sự kết nối điện ảnh mang lại hiệu quả rất lớn. Do đó, sự hợp tác giữa hai quốc gia sẽ mang đến cộng hưởng lớn.

Các nhà làm phim và quản lý của hai quốc gia tham gia thảo luận về hợp tác và phát hành phim

Ông Phạm Minh Toàn-Giám đốc LHP Quốc tế TP.HCM nhận định, thị trường của Việt Nam đang phát triển rất nhanh số lượng rạp phim; số lượng phim ra rạp ngày càng tăng; nền tảng phát phim trực tuyến của nội địa lẫn quốc tế đang phát triển rất mạnh, cũng giúp phim Việt Nam ra thị trường rộng hơn. Theo ông Toàn, Ấn Độ là thị trường cực lớn với hơn 1,4 tỷ dân, nếu biết khai thác nhà làm phim Việt sẽ đạt được nhiều thành công. Chi phí sản xuất phim ở Ấn luôn thấp hơn các nước phương Tây, đồng thời hạ tầng phát triển điện ảnh rộng khắp quốc gia, đó là lợi thế để họ thu hút được đầu tư hợp tác và sản xuất phim. Ấn Độ còn nhiều hãng phim ngoài Bollywood và đứng vào top thế giới về công nghệ, khi hợp tác phát hành phim sẽ giúp cho phim Việt tiếp cận được đông đảo lượt xem.

Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa đặt vấn đề về sự hợp tác làm phim, làm thế nào để điện ảnh hai nước có thể thu hút khán giả Ấn và Việt, cách chuyển tải phim Việt sang Ấn và ngược lại. Theo ông Hòa, điểm khó là làm sao có thể tiếp cận được với việc phát hành và thương mại hóa các bộ phim này. Ông Umesh Bansa cho rằng, việc phát hành phim Ấn Độ đến Việt Nam và ngược lại là “câu hỏi triệu USD” chưa thể trả lời được ngay; phải có sự thử nghiệm trong thời gian tới, thông qua các dự án phim hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Các nữ nghệ sĩ của hai quốc gia tham gia thảo luận về vai trò của phụ nữ trong điện ảnh

Avika Gor -nữ diễn viên chính phim Cô dâu 8 tuổi, nói: “Đây là lần thứ 5 tôi đến Việt Nam và rất yêu đất nước các bạn. Tôi cũng hiểu đôi chút về điện ảnh Việt. Tôi cũng đang là nhà sản xuất nên rất cần sự hỗ trợ của nhiều ngành. Rào cản duy nhất là xu hướng làm phim của Ấn khác Việt Nam nên hợp tác hai bên sẽ giúp hiểu nhau hơn. Tôi hy vọng sẽ tham gia một bộ phim Việt Nam trong tương lai”.

Đang hỗ trợ chỉnh sửa kịch bản cho Love in Vietnam, nhà sản xuất Tường Vi (phim Mai) cho biết, mặc dù ở lĩnh vực điện ảnh của hai quốc gia chưa có sự giao thoa nào nhưng các series phim truyền hình Ấn Độ đã chinh phục được đông đảo khán giả Việt, nhất là các bà nội trợ. Thời gian tới nếu hợp tác sản xuất, các nhà làm phim tập trung vào các đề tài: tình yêu, tình cảm, tình thân gia đình, vượt qua định kiến xã hội... có thể sẽ phù hợp. Theo bà Vi, quan trọng không kém việc sản xuất là khâu phát hành phải đưa nhiều thông tin đến cho khán giả.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý, nhà làm phim khác cũng chia sẻ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và phát hành phim hướng đến sự hợp tác và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Ông Madan Mohan Sethi nhận định, Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất các dự án phim. Việt Nam đã có  nhiều thay đổi về những chính sách để thu hút nhiều đoàn làm phim quốc tế hơn. Nhà sản xuất, phát hành Jame Sơn (BHD Star) cho biết: “Không có rào cản nào về việc phát hành phim tại Việt Nam. Việc kiểm duyệt cũng không gặp vấn đề gì, chỉ không vi phạm thuần phong mỹ tục, pháp luật Việt Nam là được chấp nhận”... Có thể nói, những ý kiến, chia sẻ thảo luận được đưa ra nhằm cùng cấp thông tin, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác để cùng khai thác thị trường hai bên, đẩy mạnh sự phát triển chung.

Ra mắt poster dự án phim hợp tác đầu tiên giữa Ấn Độ và Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Captain Rahul Bali- Giám đốc sản xuất còn giới thiệu poster của Love In Vietnam (Tình yêu ở Việt Nam) -dự án vừa được công bố chính thức tại LHP Cannes 2024. Có kịch bản dựa trên cuốn sách Madonna In A Fur Coat (Madonna trong chiếc áo choàng lông thú), đây là bộ phim đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ, có sự tham gia của các diễn viên Shantanu Maheshwari, Avneet Kaur (Ấn Độ) và Khả Ngân (Việt Nam). Phim được thực hiện bởi đạo diễn (kiêm biên kịch) Rahhat Shah Kazmi kể về câu chuyện giữa một chàng trai Ấn và cô gái người Việt, dự kiến quay 75% bối cảnh tại Việt Nam (Đà Lạt, Đà Nẵng, Quảng Nam) và 25% bối cảnh ở Ấn Độ vào tháng 9 tới, với kinh phí có thể lên đến 4 triệu USD và được phát hành đồng thời tại cả hai quốc gia trong năm 2025. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng công bố kế hoạch thực hiện hai dự án phim tiếp theo, gồm một phim hài và một phim hành động sẽ quay tại hang Sơn Đoòng.

XUÂN HƯỚNG 

;