Từ 12-13/10: Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM trình diễn vở vũ kịch “Giselle” nổi tiếng

“Giselle” được xem là kiệt tác vĩ đại nhất trong nền ballet lãng mạn trên thế giới về câu chuyện tình yêu và sự phản bội, vào 20 giờ ngày 12 và 13-10-2024 tại Nhà hát Thành phố, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM (HBSO) sẽ trình diễn liên tiếp 2 đêm vở vũ kịch “Giselle” nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng kiệt tác này.

Vở vũ kịch không chỉ thu hút khán giả bằng diễn xuất tài năng cùng với kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp mà còn mang tới cho khán giả những giá trị truyền thống đẹp đẽ của tình yêu. Toàn bộ quá trình dàn dựng lại vở diễn đã được giám sát và thực hiện bởi nghệ sĩ người Nhật Bản Yuki Ohmori và nghệ sĩ người Pháp Chloe Glemot.

Nghệ sĩ Yuki Ohmori đã từng giành giải Nhất ở hạng mục Pas de Deux-1 trong cuộc thi khiêu vũ toàn Nhật Bản vào năm 1993, cùng năm đó cô giành được học bổng của trường Ballet Úc. Năm 1996, cô tham gia nhà hát New National Theatre Ballet ở Tokyo (Nhật Bản).

Chloe Glemot là diễn viên múa người Pháp. Cô học múa từ năm 4 tuổi và gia nhập trường Ballet Paris Opera khóa đào tạo chuyên sâu từ năm 2003. Cô theo đuổi sự nghiệp múa chuyên nghiệp từ Nhà hát Vũ kịch American ở New York, Nhà hát Les Grands Ballets Canadiens ở Montreal và Nhà hát Ballet Quốc gia Anh ở London. Năm 2006, Chloe hoàn thành khóa đào tạo chuyên ngành huấn luyện tại Trung Tâm Múa Quốc Gia tại Paris vả quyết định phát triển sự nghiệp tại Việt Nam năm 2013.

Các nghệ sĩ Đỗ Hoàng Khang Ninh, La Mẫn Nhi, Lê Đức Anh

Tham gia vở diễn còn có sự góp mặt các nghệ sĩ hàn lâm chuyên nghiệp của đoàn Vũ Kịch HSBO: Đỗ Hoàng Khang Ninh hóa thân thành nàng Giselle xinh đẹp, La Mẫn Nhi trong vai Myrtha - nữ hoàng của các linh hồn Wilis, Lê Đức Anh trong vai chàng quý tộc Albrecht và Đàm Đức Nhuận trong vai chàng Hilarion xấu số.

Vở vũ kịch khắc họa một cô nàng trẻ trung, xinh đẹp yêu thích khiêu vũ, Giselle đem lòng yêu một người đàn ông quý tộc - Albrecht mà không hề biết anh ta đã đính ước với một người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, Bathilde. Quá đau khổ, cô lên cơn đau tim và ra đi ngay trong buổi dạ tiệc.

Tương phản màn 1, màn 2 tạo nên dấu ấn đặc biệt bởi những “linh hồn trắng” chuyển động đầy mê hoặc bên mộ của Giselle. Cơn thịnh nộ được đẩy lên cao trào, cảm xúc điên cuồng trong từng vũ đạo đầy kịch tính của các Wilis - truyền thuyết cổ về linh hồn những người phụ nữ trừng phạt những vị hôn phu phản bội nhảy múa cùng họ cho đến chết. Sự hiện diện của Giselle ngay lúc này như một “sứ giả tình yêu”, tình yêu của cô trỗi dậy mạnh mẽ đã hóa giải, cứu Albrecht thoát khỏi án tử.

Một tình yêu trong sáng đầy cảm tính dẫn đến bi kịch tang thương, kéo theo sự trả thù... Nhưng ngay cả phép thuật hắc ám hùng mạnh nhất cũng phải dừng lại trước một tình yêu thuần khiết - đó là những thông điệp mà “Giselle” muốn truyền tải tới công chúng.

HƯƠNG GIANG

;