V.I.LÊNIN BÀN VỀ ĐẢNG KIỂU MỚI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

V.I.Lênin, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Nga, người thày của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã kế thừa, phát triển một cách toàn diện, làm phong phú thêm các bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, V.I.Lênin đã có những cống hiến vô cùng to lớn về mặt lý luận và thực tiễn, mà việc quan trọng đầu tiên là đặt cơ sở về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời và hoạt động của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Những giá trị của những di sản lý luận đó đã được khẳng định trong suốt một thế kỷ qua và sẽ còn là cẩm nang, chỉ dẫn cho giai cấp vô sản trong xây dựng chế độ mới.

Những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân thể hiện trên các nội dung sau:

Tính tất yếu khách quan phải thành lập Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân

Trong cuộc đời hoạt động của mình, V.I.Lênin thường xuyên nhấn mạnh vai trò quyết định của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Người luôn coi đó là lực lượng cốt lõi, là vật chất để giải phóng nước Nga. Thực tiễn khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, chúng luôn tăng cường việc tuyên truyền những quan điểm tư tưởng tư sản vào phong trào công nhân, luôn ráo riết tìm mọi cách đẩy mạnh sự phát triển của chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong các Đảng công nhân, nhằm chia rẽ phong trào cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Trong khi đó, những người đứng đầu của các Đảng dân chủ xã hội chủ yếu ở các nước Tây Âu ngày càng lún sâu vào chủ nghĩa cơ hội, chúng đòi xét lại chủ nghĩa Mác. Trước yêu cầu đó, Người nhận thấy cần phải thành lập ra một Đảng kiểu mới, một Đảng thực sự cách mạng đủ sức lãnh đạo phong trào quần chúng giành chính quyền thực hiện cuộc cách mạng vô sản, cải tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức” và “Giai cấp vô sản vẫn có thể trở thành - và tất nhiên sẽ trở thành - một lực lượng vô địch là vì một lẽ duy nhất này” (1). Thực tiễn khi Đảng Cộng sản Nga ra đời, đã đánh dấu sự mở đầu của một giai đoạn mới trong sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là minh chứng của sự mẫu mực trong công tác xây dựng các Đảng mác xít của giai cấp công nhân.

Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng

V.I.Lênin đã khẳng định, học thuyết Mác là cơ sở tư tưởng để thành lập Đảng, để đoàn kết những người cộng sản, để xác định cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng. “Chủ nghĩa Mác là lý luận của phong trào giải phóng của giai cấp vô sản” (2). Người khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” (3) và “chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sỹ tiền phong” (4). Thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng V.I.Lênin luôn cho rằng, lý luận cách mạng chính là cơ sở để nâng cao trình độ cho quần chúng, làm cho phong trào đấu tranh của họ từ tự phát thành tự giác, đồng thời có lý luận cách mạng là có cơ sở cho Đảng của giai cấp công nhân chống chủ nghĩa cơ hội xét lại, chống lại hệ tư tưởng tư sản. Từ đó V.I.Lênin đòi hỏi Đảng Cộng sản phải luôn luôn kiên định với chủ nghĩa Mác, phải nghiên cứu nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác. Các Đảng công nhân phải tiếp tục phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác một cách toàn diện, đồng thời phải biết vận dụng những nguyên lý chung vào điều kiện cụ thể của nước mình để định ra cương lĩnh đường lối, sách lược đúng đắn, phân định rõ ranh giới về mặt lý luận và tư tưởng, giữa Đảng với chủ nghĩa cơ hội. Người đã nêu rõ: “Trước khi thống nhất và muốn thống nhất, trước hết, phải phân rõ ranh giới một cách rõ ràng và kiên quyết” (5).

Trong điều kiện đảng cầm quyền, đảng là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị và là một bộ phận của hệ thống đó

Theo V.I.Lênin đây là vấn đề có tính nguyên tắc, để chuẩn bị cơ sở lý luận cho giai cấp vô sản giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản. Khi Đảng Cộng sản cầm quyền, một trong những đặc điểm lớn nhất là nhiệm vụ chính trị của đảng đã thay đổi căn bản, từ chỗ chưa có chính quyền đến có chính quyền là một bước ngoặt căn bản của cách mạng, đó là một bước phát tiển về chất của sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Người khẳng định, chính quyền nhà nước là công cụ sắc bén, để thông qua đó đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với xã hội. Sự lãnh đạo của đảng tập trung ở nhà nước và nhà nước là tổ chức thể hiện sự tập trung nhất quyền lực của nhân dân để quản lý xã hội, V.I.Lênin chỉ rõ: “Về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không phải nghi ngờ gì nữa”(6). Trong hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội, nhà nước là một bộ phận hợp thành rất quan trọng, nhà nước gắn liền với đảng với đông đảo quần chúng trên tất cả các lĩnh vực quản lý xã hội. Vì vậy, Người yêu cầu đảng phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải chăm lo đến lợi ích và quan tâm phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tổ chức sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của đảng

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin tiếp tục phát triển và làm sâu sắc thêm tư tưởng tập trung dân chủ và coi đó là nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Theo V.I.Lênin, đảng phải được tổ chức theo chế độ tập trung dân chủ, chế độ tập trung dân chủ là nền tảng tổ chức của một đảng vô sản kiểu mới. Thực hiện chế độ tập trung dân chủ trong đảng sẽ làm cho đảng thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, củng cố tăng cường sức mạnh của đảng, làm cho chủ trương đường lối của đảng được thực hiện một cách có hiệu quả. Mặt khác, thực hiện chế độ tập trung dân chủ sẽ góp phần ngăn chặn sự phá hoại của các phần tử thiếu kiên định, cơ hội chủ nghĩa, vô chính phủ trong đảng. V.I.Lênin cho rằng, đảng muốn lãnh đạo giai cấp vô sản và quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản; muốn có sức mạnh đảng phải có sự thống nhất về ý chí và hành động, phải có một điều lệ thống nhất, có một cơ quan chỉ đạo thống nhất, phải có kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác nghiêm minh. Người khẳng định: “Hiện nay chúng ta đã trở thành một đảng có tổ chức, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tạo ra một quyền lực, khiến cấp dưới phải phục tùng cấp trên của đảng” (7).

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây, khi đề ra phương hướng, biện pháp xây dựng, chỉnh đốn đảng, Đảng ta luôn luôn nghiên cứu, quán triệt vận dụng đầy đủ những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và vận dụng một cách tổng hợp trong điều kiện, đặc điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và thu được nhiều thành quả to lớn. Vị thế, vai trò của Đảng được tăng cường, uy tín của Đảng ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật, tham ô, tham nhũng của không ít cán bộ, đảng viên nhất là đảng viên có chức, có quyền ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò, năng lực sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” (8).

Trước tình hình mới, với vai trò là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện. Trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo để nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả lãnh đạo của đảng; tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức của đảng từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, đúng thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của đảng bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ; kiên trì, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật... Có như vậy, Đảng ta mới thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.

______________

1, 7. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 8, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tr.171, 429.

2. V.I.Lênin, sđd, tập 26, tr.281.

3, 4. V.I.Lênin, sđd, tập 6, tr.30, 32.

5. V.I.Lênin, sđd, tập 4, tr.453.

6. V.I.Lênin, sđd, tập 31, tr.453.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.12.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN CƯỜNG

;