Vở "Những người khốn khổ" trở lại với khán giả Thủ đô

Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) chính thức đánh dấu sự trở lại vào hai ngày 9 và 10-11-2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần công diễn này được kỳ vọng sẽ là một sự bùng nổ, sau thành công mà vở nhạc kịch đã đạt được trong thời gian qua.

Vở nhạc kịch có sự góp mặt của hơn 150 nghệ sĩ, diễn viên cùng ê-kíp sáng tạo

Với sự trở lại này, vở diễn có sự góp mặt của hơn 150 nghệ sĩ, diễn viên cùng ê-kíp sáng tạo, không chỉ là một vở nhạc kịch, mà còn là sự kết nối của các thế hệ nghệ sĩ. Từ những nghệ sĩ đã thành danh trên sân khấu quốc tế, đạt nhiều thành tích và mang đến đẳng cấp nhà nghề như: Tố Loan, Huy Đức, Thanh Bình, Anh Vũ, Bùi Trang, Kiều Thẩm… đến những gương mặt trẻ tài năng như Trường Linh, Bảo Yến, Minh Mẫn… trong các vai chính Fantine, Javert, Jean Valjean, Cosette, Fantine… Vở diễn cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam, từ kỹ thuật thanh nhạc theo phong cách hát Bel Canto, phong cách điệu nghệ của dàn nhạc cho tới kỹ năng phối hợp giữa hát, vũ đạo và diễn xuất trên sân khấu. Ngoài ra, vở nhạc kịch còn có sự hợp tác cùng dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Các diễn viên đa quốc tịch (Pháp, Ba Lan, Nga, Italy...), tạo thành tổng thể hài hòa giúp lôi cuốn khán giả từ khi mở màn tới cảnh cuối cùng. Đây cũng là điểm nhấn tạo nên tính quốc tế của vở diễn.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, những bản nhạc kinh điển như: Do You Hear the People Sing? One Day More, On My OwnI Dreamed a Dream lại được vang lên trong khán phòng Nhà hát Lớn. Những giai điệu quen thuộc gắn liền số phận của các nhân vật chính, được dàn dựng một cách công phu và chất lượng. Để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển, Những người khốn khổ do VNOB dàn dựng trên sân khấu Việt hoàn toàn bằng tiếng Anh, với phụ đề tiếng Việt qua màn hình LED.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, những bản nhạc kinh điển được vang lên trong khán phòng Nhà hát Lớn

Vở nhạc kịch Những người khốn khổ được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa lãng mạn. Qua hàng loạt nhân vật và bối cảnh điển hình, vở diễn đã khắc họa những số phận của nhiều tầng lớp trong xã hội. Từ trang sách của đại văn hào người Pháp, các nhân vật quen thuộc sẽ bước lên sân khấu, kể câu chuyện bằng âm nhạc đầy nhân văn về tình người, sự đoàn kết và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Vở nhạc kịch kể về cuộc đời của nhân vật Jean Valjean. Sau 19 năm tù đày vì ăn cắp một ổ bánh mì, Jean Valjean được thanh tra Javert trao giấy xác nhận được tự do. Nhưng vết xăm số tù 24601 trên tay vẫn khiến anh trở thành kẻ bị ruồng bỏ. Chỉ có vị Giám mục đối xử tử tế với anh, cho anh thức ăn và nơi ở. Valjean quyết tâm bỏ đi quá khứ, đổi tên và xây dựng một cuộc đời mới.

Nhiều năm sau, Jean Valjean thành người có quyền lực trong xã hội. Một trong những người làm công của ông, Fantine, có một đứa con ngoài giá thú - Cosette. Khi Fantine hấp hối, Valjean hứa sẽ tìm và chăm sóc bé Cosette. Lúc đó, Cosette đang ở tại nhà của vợ chồng chủ nhà trọ Thénardiers. Valjean đã chuộc cô bé và nuôi cô khôn lớn, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, ngây thơ và hạnh phúc trong tình yêu với chàng trai trẻ Marius, một nhà cách mạng trong giới sinh viên, cho dù cuộc đối đầu giữa chính phủ và quân kháng chiến đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Vở nhạc kịch với nhiều tình tiết gay cấn và có lúc sâu lắng

Éponine, vì yêu Marius, đã tham gia vào đội quân kháng chiến. Lang thang một mình trên đường phố trong nỗi đau khổ vì tình yêu đơn phương, Éponine bất ngờ bị sát hại và tắt thở trong tay của người cô yêu. Còn thanh tra Javert, lúc này đã trở thành gián điệp của chính phủ, tìm cách trà trộn vào đội quân kháng chiến. Valjean thương Cosette như một người cha ruột.  Khi biết được tình yêu lãng mạn của hai người, Valjean đã đi đến chiến hào để tìm Marius. Phát hiện ra Javert là gián điệp, nhưng thay vì hạ sát, ông lại tha cho viên thanh tra.

Trên đường đưa Marius đi cấp cứu, Valjean bị Javert bắt gặp. Ông cầu xin viên thanh tra cho mình thời gian đưa Marius đến bệnh viện. Javert chợt hiểu ra cuộc sống luôn tồn tại giữa cái tốt và cái xấu, trắng và đen. Là một con người vẫn luôn tin rằng mình đi theo chính nghĩa, đến giờ này, Javert trở nên trống rỗng. Không thắng nổi cuộc chiến nội tâm của bản thân, Javert đã tự sát.

Marius hồi phục trong sự chăm sóc của Cosette mà không biết ai đã cứu mình. Tình yêu của Marius và Cosette đơm trái bằng đám cưới lãng mạn. Nhưng vợ chồng Thénardiers đến phá đám khi nói rằng chính Valjean mới là người cứu sống Marius.

Marius và Cosette trở lại gặp Valjean đúng vào lúc ông đang hấp hối. Cũng tại đây, Valjean đã kể cho Cosette toàn bộ sự thật về thân thế của mình. Sự hy sinh và chuộc tội của Valjean đã được đền đáp. Linh hồn của ông đã được Fantine, Éponine và Giám mục ở thiên đường chào đón.

Hiệu ứng màn chiếu sân khấu hoành tráng kết hợp với phục trang và đạo cụ được đầu tư công phu đem đến cho các khán giả một trải nghiệm mãn nhãn chưa từng có. Những người khốn khổ đã đem đến nhiều trải nghiệm đắt giá, cảm xúc cho khán giả Thủ đô.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: VNOB

;