Cách nào đưa sản phẩm làng nghề vươn tầm thế giới?

Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát triển làng nghề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) phối hợp cùng UBND TP Hà Nội đồng tổ chức, vừa diễn ra hôm 10-11. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Festival bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023”.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có: Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan; Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh; Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn; cùng 250 đại biểu, khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội, các doanh nghiệp, Hiệp hội làng nghề và thủ công, đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng NN&PTNN Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Phát triển làng nghề không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm mà làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó, rất cần mở ra không gian mới cho làng nghề. Dư địa sẽ còn mở rộng nếu làng nghề được tích hợp thêm giá trị từ văn hóa, lịch sử địa phương, truyền thống, môi trường, cảnh quan,... Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để người dân trong làng, người trong nghề có thể kết nối với thế giới, vượt ra khỏi khuôn mẫu vốn có; đồng thời, mỗi nghệ nhân, người thợ và cơ quan quản lý nhà nước cần liên tục đặt ra mục tiêu cao hơn, xa hơn, đưa sản phẩm của làng nghề Việt Nam vươn tầm thế giới. Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về thực trạng, thách thức, kinh nghiệm và giải pháp để bảo tồn, phát triển làng nghề Việt Nam, qua đó góp phần đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển nghề thủ công, hoạt động liên quan đến các làng nghề trên cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng".

Tại Hội thảo, nhiều tham luận, trao đổi đã được đưa ra với những góc nhìn đa chiều, tập trung vào 2 nội dung: Hiện trạng, thách thức và xu hướng bảo tồn, phát triển làng nghề ở Việt Nam; Đổi mới nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề và kết hợp du lịch làng nghề tại Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nhận định: Hiện, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận. Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trình bày tham luận đầu tiên về Thực trạng bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết: Thành phố Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thủ đô hiện có 303 nghệ nhân, trong đó có 13 nghệ nhân nhân dân, 42 nghệ nhân ưu tú. Năm 2023, đang xét 46 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và đã trình Trung ương 38 hồ sơ đề nghị xét nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú”.

Bà Trần Thị Thu Oanh, Trưởng tư vấn kỹ thuật, đại diện Dự án của JICA chia sẻ kinh nghiệm làm việc với cộng đồng bà con dân tộc thiểu số về gìn giữ nghề truyền thống. Bà Oanh nhận định, để bảo tồn làng nghề truyền thống cần thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Mỗi thế hệ có một vai trò trong gìn giữ làng nghề. Còn người trẻ có kỹ năng, tiếp cận với những xu thế mới, cụ thể là thông qua các cách vận hành nhóm hoạt động, HTX, các dịch vụ marketing, tài chính, kế toán, kiến thức, kỹ năng về công nghệ.

Đại diện cho làng nghề Củi Lũ (Quảng Nam), ông Lê Ngọc Thuận nhấn mạnh về việc khôi phục làng nghề điêu khắc truyền thống sử dụng tài nguyên tái chế và phát triển du lịch làng nghề tại quê hương. Ông cho biết, dựa trên đặc thù ở Hội An, Quảng Nam mỗi năm đều có mùa mưa lũ; biến những thanh củi vô tri dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân trở thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật ứng dụng cao trong đời sống. Qua đó, cũng truyền đi thông điệp giáo dục và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.

Khôi phục làng nghề điêu khắc truyền thống là một trong những vấn đề được bàn thảo

Thảo luận về nhóm nội dung thứ 2: Đổi mới nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề và kết hợp du lịch làng nghề tại Việt Nam, cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Tham gia chia sẻ kinh nghiệm đào tạo thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Giáo sư Claus, Trường Thiết kế, Đại học Lund (Thụy Điển), cho rằng quá trình số hóa và áp dụng công nghệ mới là xu hướng quan trọng trong sản xuất tại làng nghề giúp bảo tồn, duy trì truyền thống và di sản làng nghề, tạo sự kết nối giữa truyền thống, di sản  và thế hệ trẻ.

Bà Inga Toal, Giám đốc Thương mại điện tử, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) cho biết, 76% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Come Home được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Thương hiệu này sẽ tiếp tục làm việc với nhãn hàng, nhà cung cấp, làng nghề để mang đến kệ bán nhiều sản phẩm hơn nữa trong năm sau và kết nối người tiêu dùng tới nhiều sản phẩm làng nghề Việt Nam. Mặc dù các nghệ nhân làng nghề, công xưởng của Việt Nam có chuyên môn tốt và sự chuyên nghiệp cao nhưng cần có một chiến lược marketing tốt hơn để đưa các sản phẩm của làng nghề Việt Nam ra thế giới và tiếp cận gần gũi hơn tới người tiêu dùng.

Trình bày tham luận Phát triển du lịch làng nghề bền vững của Việt Nam, ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) chia sẻ về mô hình phát triển du lịch làng nghề bền vững thông qua chuyển đổi số, và cho biết du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang là một xu hướng mới. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều loại hình du lịch nông thôn (với 3 nhóm cơ bản là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái). Để thu hút thêm khách du lịch tham quan, trải nghiệm, tại các làng nghề cần hướng tới áp dụng các công cụ số hóa bản đồ, video tương tác, hướng dẫn qua audio, công nghệ thực tế ảo,...

Ông Kevin Murray, Phó Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới phát biểu

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cho biết: “Tích hợp đa giá trị” là một trong những cụm từ khóa của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, câu chuyện làng nghề ngày càng quan trọng vì tại đây không chỉ có sản phẩm thô được bán ra mà còn có những sản phẩm trải qua sơ chế, chế biến, những sản phẩm trải qua bàn tay tài hoa của thợ thủ công, kết tinh giá trị về văn hóa, truyền thống, môi trường của các làng nghề.

TS Nguyễn Thị Thu Trang Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã đưa ra những khuyến nghị chính sách trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa  làng nghề và xây dựng nông thôn mới, đó là quản lý di sản sống dựa vào cộng đồng. Theo đó, cần tôn trọng cách diễn giải, chuyển tải và trình bày/tái hiện quá khứ của cộng đồng; tạo dựng sự công bằng, bình đẳng trong quá trình đưa ra quyết định liên quan đến sự tham gia của nhiều bên; và khả năng để có được những quyết định đáng tin cậy từ những thành viên có uy tín trong/đối với cộng đồng. Cần thiết quản lý trên cơ chế trao quyền và tương tác với cộng đồng chủ thể để kiểm soát, bảo vệ và chia sẻ các quan niệm của người dân về di sản và thúc đẩy theo cách của riêng họ trên cơ sở tôn trọng pháp luật về di sản; tương tác với cộng đồng để cùng thực hiện các chính sách về di sản và nông thôn mới,... Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng đề xuất 3 mô hình trọng tâm: Bảo tàng sinh thái lãnh thổ - di sản - ký ức - cộng đồng; Mô hình Kết nối hành trình du lịch di sản tương đồng; Mô hình Nông nghiệp xanh - Di sản sống.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việt Nam có không gian sáng tạo rất lớn đối với phát triển làng nghề, vì đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên để chúng ta đưa làng nghề vào không gian mới. Làm sao để người trong làng, trong nghề có thể bước ra giới hạn và kết nối với thế giới, có tầm nhìn vượt qua lũy tre làng, những khuôn mẫu đã định sẵn.

"Với sự hiệp lực, tư duy hệ thống, hành động hệ thống và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia nước ngoài, kỳ vọng của những nghệ nhân và người làm nghề truyền thống về bảo tồn và phát triển giá trị làng nghề sẽ được phát huy trong thời gian tới" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng khẳng định.

Cũng tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết các Biên bản thỏa thuận hợp tác: Thỏa thuận giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp với Công ty Hội chợ của Milan; Thỏa thuận giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp với HD Bank và Tiktok; Thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội và Trường Đại học Lund (Thụy Điển); Thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội và Hội đồng Thủ công thế giới (WCC).

Bài, ảnh: MINH HẰNG

;