Xây dựng môi trường văn hóa để nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7

Giờ giải lao của chiến sĩ mới. - Ảnh: baoquankhu7.vn

1. Đặt vấn đề

Đối với Trường Quân sự Quân khu 7, bên cạnh nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục - đào tạo, đấu tranh tư tưởng, lý luận cũng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và hướng dẫn của cơ quan chức năng cấp trên về đấu tranh tư tưởng, lý luận. Qua đó, chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận của nhà trường không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận có mặt còn hạn chế, kết quả đấu tranh tư tưởng, lý luận chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nhà trường.

Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa bàn Trường Quân sự Quân khu 7 đóng quân cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày càng cao. Nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng Đảng bộ nhà trường trong sạch, vững mạnh, nhà trường vững mạnh toàn diện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận, đảm bảo Trường Quân sự Quân khu 7 luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của Quân khu. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7.

2. Tác động của môi trường văn hóa quân sự đến chất lượng đấu tranh tư tưởng lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7

Môi trường xã hội là tổng thể toàn bộ những điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa tạo nên hoàn cảnh hiện thực, trực tiếp chi phối đến sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Nó là sản phẩm của quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng, hoạt động của con người bao giờ cũng diễn ra trong một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, trong một môi trường xã hội nhất định. Con người là sản phẩm của lịch sử, đồng thời cũng chính là chủ thể sáng tạo ra quá trình lịch sử ấy. Nhân cách con người được hình thành và phát triển trong một môi trường xã hội nhất định. Đến lượt nó, tính chất của môi trường xã hội sẽ quy định đến sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người. Nói về vấn đề này, C.Mác đã khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy” (1).

Là một bộ phận của môi trường xã hội, môi trường văn hóa quân sự là tổng thể các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần được hình thành từ thực tiễn hoạt động quân sự, nó được gắn liền với tổ chức và hoạt động quân sự trong một không gian, thời gian xác định; tác động đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách quân nhân. Theo đó, môi trường văn hóa quân sự thực chất là môi trường sống và hoạt động của quân nhân được nhìn dưới góc độ văn hóa, có vai trò to lớn trong việc hình thành, phát triển nhân cách quân nhân. Môi trường văn hóa quân sự vừa là nơi rèn luyện, vừa là nơi thử thách để người quân nhân có điều kiện phát triển toàn diện. Đây là nơi xây đắp nên tình cảm đồng chí, đồng đội; bồi dưỡng, hun đúc lý tưởng, niềm tin, sức mạnh, ý chí phấn đấu cho mỗi quân nhân, thôi thúc họ vươn tới cái tốt, cái đẹp, cái cao cả, loại bỏ cái sai, cái xấu, cái thấp hèn tiềm ẩn trong mỗi quân nhân.

Môi trường văn hóa quân sự ở Trường Quân sự Quân khu 7 là tổng thể các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được hình thành qua thực tiễn hoạt động quân sự của các chủ thể. Môi trường văn hóa quân sự ở Trường Quân sự Quân khu 7 tác động đến hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận được thể hiện thông qua các quan hệ xã hội - quân sự mà các chủ thể thường xuyên duy trì, đó cũng chính là những yếu tố mà thông qua đó các giá trị văn hóa, phẩm chất đạo đức của các chủ thể được phát huy. Trong quá trình đấu tranh tư tưởng, lý luận các chủ thể luôn phải giải quyết các mối quan hệ như: quan hệ cấp trên, cấp dưới; quan hệ thày, trò; quan hệ đồng chí, đồng đội; quan hệ với gia đình, bạn bè… Qua đó, các chủ thể tiếp nhận một cách trực tiếp các tác động, chủ yếu là tác động tích cực từ môi trường văn hóa quân sự, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, có động cơ, thái độ đúng đắn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Mặt khác, với tư cách là “chủ thể sáng tạo”, mỗi chủ thể trong quá trình tiếp nhận tác động của môi trường văn hóa quân sự luôn có sự tác động trở lại môi trường văn hóa quân sự, làm cho môi trường văn hóa quân sự ngày càng phong phú, đa dạng.

Quá trình tiếp nhận tác động của môi trường văn hóa quân sự đến các chủ thể bao giờ cũng thông qua lăng kính chủ quan của mỗi cá nhân, do đó nó phụ thuộc vào ý chí, năng lực nhận thức, tình cảm cùng sự trải nghiệm cuộc sống, nhất là cuộc sống trong môi trường quân sự của mỗi người. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh ở Trường Quân sự Quân khu 7 là nhân tố khách quan có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường. Môi trường văn hóa quân sự ở Trường Quân sự Quân khu 7 điều chỉnh hành vi ứng xử của các chủ thể bằng dư luận tập thể tích cực trong đơn vị và bằng truyền thống. Bên cạnh đó, do môi trường văn hóa quân sự mang tính đặc thù nên nó có phương thức tác động đến hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường bằng phương thức mang tính đặc thù của một tổ chức quân sự, đó chính là tính tổ chức và tính kỷ luật cao của văn hóa quân sự. Dưới sự tác động của môi trường văn hóa quân sự, tính kỷ luật quân sự thấm sâu vào nhận thức và hành động của mỗi chủ thể. Môi trường văn hóa quân sự ở Trường Quân sự Quân khu 7 tác động đến hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận bằng nhiều phương thức khác nhau: phương thức giáo dục và rèn luyện hành vi ứng xử cho các chủ thể; phương thức điều chỉnh hành vi bằng dư luận tập thể; thông qua tính kỷ luật quân sự và hoạt động quân sự... Trong đó, phương thức điều chỉnh hành vi bằng dư luận tập thể là phương thức mang dấu ấn đặc thù của hoạt động quân sự và có ý nghĩa đặc trưng của môi trường văn hóa quân sự, phương thức giáo dục và rèn luyện hành vi ứng xử cho các chủ thể là phương thức cơ bản nhất.

Thực tiễn cho thấy, chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7 phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng và phát huy vai trò của môi trường văn hóa quân sự. Môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận đạt chất lượng, hiệu quả. Ngược lại, môi trường văn hóa quân sự thiếu trong sạch, lành mạnh sẽ là cản trở lớn cho hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận. Do đó, muốn hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7 đạt hiệu quả cần xây dựng và phát huy vai trò môi trường văn hóa quân sự của nhà trường.

3. Một số giải pháp cơ bản xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7

Một là, thường xuyên quan tâm chăm lo, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong đơn vị.

Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong đơn vị là điều kiện để các chủ thể hiểu biết về nhau, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp với nhau trong hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận. Để xây dựng mối quan hệ đoàn kết thống nhất cần coi trọng việc xây dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong đơn vị để hiện thực hóa các quan hệ giao tiếp, ứng xử, định hướng thái độ, hành vi giao tiếp của các chủ thể một cách đúng đắn, phù hợp. Muốn vậy, phải thường xuyên quan tâm tới việc hình thành tâm trạng tích cực trong đơn vị. Bởi lẽ, tâm trạng tích cực trong đơn vị có vai trò quan trọng, tác động rất lớn đến tình cảm, ý chí, hành động của các chủ thể.

Bên cạnh đó, cần hình thành dư luận tập thể tích cực để định hướng, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của mỗi cá nhân. Đây là yếu tố hết sức quan trọng bởi lẽ, dư luận tập thể tích cực, lành mạnh sẽ định hướng tư tưởng, tình cảm, điều chỉnh hành vi giao tiếp, cách ứng xử phù hợp, đặc biệt là cách nhìn nhận, phán đoán và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình đấu tranh tư tưởng, lý luận. Thông qua sự biểu thị thái độ đồng tình, phản đối, khen, chê, lên án... bằng sức mạnh ám thị hay cưỡng bức mà buộc các chủ thể phải điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình để đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù.

Hai là, làm tốt việc phát huy dân chủ đảm bảo mọi hoạt động trong đơn vị đều tập trung thống nhất

Thực hiện tốt quy chế dân chủ là một nhân tố quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong đơn vị, đưa các chủ thể tham gia vào các hoạt động dân chủ trên mọi lĩnh vực, qua đó từng bước rèn luyện năng lực làm chủ của chính họ trong mọi tình huống. Thông qua hoạt động thực tiễn ở đơn vị giúp các chủ thể rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ tư duy, có động cơ, thái độ đúng đắn, tích cực, chủ động, tự giác tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cũng làm cho quan hệ quân nhân, quan hệ đồng chí, đồng đội trong đơn vị trở nên lành mạnh hơn, khắc phục những biểu hiện, hành vi sai trái trong nội bộ, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Ba là, xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật cho các chủ thể

Xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật là nét đặc trưng riêng của môi trường văn hóa quân sự. Quá trình xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật cho các chủ thể phải hướng đến mục tiêu hoàn thiện nhân cách “Bộ đội cụ Hồ”, xây dựng hình ảnh người quân nhân có phẩm chất đạo đức, lối sống cao đẹp. Thông qua xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật giúp các chủ thể ý thức đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi cá nhân, tự giác chấp hành kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị, làm chủ bản thân trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện, những hành động sai trái. Đồng thời, các chủ thể sẽ nhận thức đúng đắn mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, chủ động khắc phục khó khăn để tìm ra những hình thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận có chất lượng, hiệu quả.

Bốn là, thường xuyên đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo hướng thực chất, dân chủ nhằm nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhằm tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm cho tổ chức đảng luôn trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.

Khi tiến hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình phải chú ý mục đích, tính chất của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Mục đích phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết thống nhất nội bộ” (2). Trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận, tự phê bình và phê bình cần tập trung vào: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng; nhận thức, trách nhiệm, động cơ, thái độ và tính tích cực, chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có nền nếp. Hình thức tự phê bình và phê bình rất phong phú, sinh động, có thể thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Có thể tiến hành thông qua sinh hoạt chi bộ, đảng bộ thường kỳ, qua công tác kiểm tra, giám sát, qua sinh hoạt chính trị tập trung, qua hoạt động thực tiễn... Điều quan trọng nhất đối với hoạt động này là phải tạo ra được bầu không khí dân chủ, cởi mở để mỗi đảng viên nhìn nhận ra những hạn chế, khuyết điểm của bản thân và đồng chí, đồng đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận để kịp thời khắc phục, sửa chữa.

4. Kết luận

Môi trường văn hóa quân sự là nhân tố cơ bản quy định chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7. Để nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Trường Quân sự Quân khu 7 phải xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh với các giải pháp cụ thể: thường xuyên quan tâm chăm lo, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong tập thể đơn vị; làm tốt việc phát huy dân chủ đảm bảo mọi hoạt động trong đơn vị đều tập trung thống nhất; xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật cho các chủ thể; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo hướng thực chất, dân chủ nhằm nâng cao chất lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận.

____________________

1. C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,1995, tr.45.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.272

NGUYỄN TIẾN ĐẠT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;