XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA PHÁP LUẬT Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ QUÂN ĐỘI

Cấp trung đoàn và tương đương trong quân đội được xác định là đơn vị cơ sở thuộc các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường. Môi trường pháp luật ở đơn vị cơ sở sẽ trực tiếp, chủ yếu, có ý nghĩa quyết định đến nuôi dưỡng phát triển mọi mặt, định hướng toàn bộ các hoạt động của người quân nhân ở đó. Môi trường pháp luật ở đơn vị cơ sở sẽ tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển hoá các tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí pháp luật thành giá trị bền vững bên trong người quân nhân trong đơn vị. Môi trường pháp luật ở đơn vị cơ sở là một bộ phận trong môi trường pháp luật tổng thể xã hội, quân đội tác động đến mọi quân nhân trong đơn vị.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ trong quân đội đa số tuổi đời còn trẻ (từ 18 đến 27). Đây là lực lượng đông đảo trong quân đội, đang kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng; được tổ chức, giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm, thử thách qua thực tiễn quân sự; năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới, tiếp thu nhanh; luôn tiếp nối với các giá trị truyền thống của các thế hệ cha ông đi trước, nâng lên một tầm cao mới; từ đó đã hun đúc nên tình yêu quê hương, đất nước, thiết tha gắn bó với đơn vị; vì vậy họ luôn ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu mọi mặt, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời gian tại ngũ (thường là 2 năm); luôn đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở luôn mang tính đặc thù với hình thức tổ chức và thiết chế hoạt động riêng, bị chi phối bởi đặc điểm, nhiệm vụ của tổ chức, biên chế quân đội và hoạt động quân sự. Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ là tổng thể các hoạt động tích cực, sáng tạo, có mục đích của các tổ chức, các lực lượng trong toàn đơn vị, nhằm tạo lập, nâng cao các yếu tố, các giá trị chuẩn mực văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở, tác động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ; hoàn thiện phẩm chất, năng lực cần thiết, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành mọi nhiệm vụ đã giao.

Trong những năm qua, xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào hoàn thành nhiệm vụ của từng quân nhân và đơn vị. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc hiện nay; đòi hỏi hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở cần có ý thức chấp hành pháp luật vững chắc, sẵn sàng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Vì vậy xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ là hết sức cần thiết và cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:

Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật đi đôi với hoạt động giáo dục pháp luật

Công tác giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở thường khô khan theo điều khoản đã quy định sẵn, dễ gây nhàm chán ở đối tượng giáo dục. Do đó, tiến hành nhiều hoạt động giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở sẽ tác động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị. Cần kết hợp giữa giáo dục pháp luật với thực hiện dân chủ ở đơn vị cơ sở góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ tốt hơn. Bởi vì: “Khoa học cần có bầu không khí dân chủ, tự do tư tưởng, vì chỉ trong môi trường ấy nhà khoa học mới có thể suy nghĩ độc lập và đi đến cùng sự tìm tòi, sáng tạo; lý luận khoa học không thể phát triển nếu như tư tưởng không được giải phóng, nếu thiếu thảo luận, tranh luận”(1). Một khi dân chủ ở đơn vị cơ sở được phát huy sẽ tạo ra sự đoàn kết thống nhất cao, có tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ; tác động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị. Nếu thực hiện tốt dân chủ ở đơn vị cơ sở thì hạ sĩ quan, chiến sĩ có cơ hội trao đổi, bộc lộ khả năng, tâm tư, nguyện vọng thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Mặt khác, kết hợp giáo dục pháp luật với lợi ích quân nhân ở đơn vị cơ sở sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ có hiệu quả. Vai trò lợi ích luôn tác động đến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Một khi lợi ích phù hợp, xuất hiện thời điểm thích hợp, tác động tích cực đến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ và ngược lại. Khi giải quyết các quan hệ lợi ích, sẽ đụng chạm đến lợi ích cá nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị. Nếu sống, công tác trong môi trường pháp luật hạ sĩ quan, chiến sĩ sẽ nhìn nhận vào chính mình, biết hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân,  vì mọi người, sẽ tác động tích cực thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phong trào pháp luật ở đơn vị cơ sở sẽ thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ có chất lượng hơn. Các phong trào như: Toàn đơn vị sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của công dân; Tôn trọng và chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội là nét đẹp văn hóa của mỗi quân nhân... tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết cho hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện đúng pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật chính họ.

Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật gắn với xây dựng các quan hệ tốt đẹp

Các quan hệ ở đơn vị cơ sở rất đa dạng, phong phú, mỗi một quan hệ có vị trí, vai trò riêng luôn tác động nhất định đến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị. Sự tác động phụ thuộc các quan hệ đó sẽ tác động thường xuyên, liên tục đến nhận thức, hành động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Vì vậy quan hệ tốt đẹp ở đơn vị cơ sở sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi, tích cực thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị. Sự phối hợp thống nhất, nhịp nhàng giữa các tổ chức, lực lượng giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở sẽ thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Mỗi một tổ chức, lực lượng giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở, hoạt động theo chức trách, nhiệm vụ khác nhau, có quy chế, quy định hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ riêng. Nếu phối hợp thống nhất, nhịp nhàng giữa các tổ chức, lực lượng sẽ tạo động lực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ có hiệu quả.

Quan hệ giữa cán bộ giáo dục pháp luật với hạ sĩ quan, chiến sĩ là quan hệ cơ bản của môi trường pháp luật ở đơn vị cơ sở. Một khi quan hệ này được giải quyết, sẽ tác động đến toàn bộ các quan hệ khác, nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị. Đây là quan hệ trung tâm, chi phối trực tiếp các quan hệ khác, giải quyết tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ tốt hơn.

Quan hệ giữa cán bộ quản lý trực tiếp hạ sĩ quan, chiến sĩ với hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở là rất quan trọng. Cán bộ quản lý trực tiếp hạ sĩ quan, chiến sĩ được coi như là cán bộ giáo dục pháp luật “thứ hai” của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị. Cán bộ quản lý trực tiếp hạ sĩ quan, chiến sĩ vừa tổ chức quản lý, chỉ huy, duy trì đơn vị thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng đơn vị; vừa giáo dục pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch và kháng chiến nhất định thành công”(2). Do vậy để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ phải biết phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Bởi vì, hình ảnh, nhân cách của người cán bộ quản lý trực tiếp sẽ tác dụng, ảnh hưởng rất lớn đến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Nếu đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp, mẫu mực, thì có sức cảm hoá lớn đối với từng hạ sĩ quan, chiến sĩ trong nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân theo pháp luật một cách tự giác.

Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật cần khơi dậy và phát huy các yếu tố trong đơn vị cơ sở

Đơn vị cơ sở là nơi hạ sĩ quan, chiến sĩ sống, công tác và thực hiện nhiệm vụ theo pháp luật trong hệ thống tổ chức biên chế quy định của quân đội. Trong đơn vị cơ sở sẽ diễn ra các hoạt động của hạ sĩ quan, chiến sĩ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với quá trình công tác ở đơn vị cơ sở sẽ thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị. Tập thể quân nhân ở đơn vị cơ sở sẽ tác động đến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị. C.Mác viết: “Chỉ trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng mới có thể có tự do cá nhân”(3). Chính tập thể quân nhân là nơi diễn ra quá trình xã hội hóa cá nhân và cá nhân hóa xã hội thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị.

Ngoài ra cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ở đơn vị cơ sở bảo đảm tốt sẽ thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Cùng với quá trình phát triển đất nước, quân đội tạo ra đời sống vật chất, tinh thần, tác động tích cực đến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị. Việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt hơn sẽ tác động thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị hiệu quả hơn.

Hơn nữa tổ chức, duy trì thực hiện nghiêm pháp luật ở đơn vị cơ sở thúc đẩy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Công tác tổ chức quản lý, duy trì thực hiện pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị, thể hiện nhận thức pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị. Đồng thời qua đó hạ sĩ quan, chiến sĩ bổ sung nhận thức mới, tác động trở lại thực tiễn thực hiện mọi nhiệm vụ theo đúng pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị.

Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật kết hợp chặt chẽ với đấu tranh các hành vi phi văn hóa pháp luật

Đây là giải pháp không thể thiếu trong nâng cao ý thức pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Bởi vì trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa pháp luật, phải đi đôi với đấu tranh chống lại các biểu hiện thiếu ý thức văn hóa pháp luật, cách sống ảnh hưởng, tác động xấu tới ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở là xây đi đôi với chống. Trong khi lấy xây làm chủ đạo, phải thường xuyên đấu tranh chống lại những hiện tượng ảnh hưởng xấu tới quá trình nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Tích cực đấu tranh chống lại mọi biểu hiện ý thức chấp hành pháp luật kém dẫn đến vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị; ảnh hưởng đến mô hình, nhân cách của hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Từ đó có thái độ kiên quyết, đúng đắn với mọi hành vi vi phạm pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ xảy ra trong đơn vị.

Trong quá trình đấu tranh chống lại mọi biểu hiện ý thức chấp hành pháp luật kém, vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị, cần phát huy vai trò các tổ chức, lực lượng. Bởi vì tổ chức, vừa là sản phẩm của con người, vừa là chủ thể quy định con người, điều khiển hành vi của con người, phát triển ở con người những phẩm chất, năng lực, tính cách cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của con người. Tổ chức giúp con người “xóa bỏ sự hạn chế do cá nhân mình gây ra và sẽ phát triển được năng lực cộng thể của mình”(4). Được sống trong tổ chức, hạ sĩ quan, chiến sĩ sẽ được nâng lên cả về nhận thức, năng lực, kinh nghiệm, hành động. Tổ chức tạo cho hạ sĩ quan, chiến sĩ một chất lượng mới, một năng lực mới, năng lực cộng thể. Tổ chức nhân sức mạnh hạ sĩ quan, chiến sĩ lên gấp bội, khắc phục được những yếu điểm, hạn chế của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Nếu không có tổ chức và không ở trong tổ chức thì hạ sĩ quan, chiến sĩ không thể khắc phục được những hạn chế của chính mình.

Đối với mỗi hạ sĩ quan, chiến sĩ trong đấu tranh chống lại mọi biểu hiện ý thức chấp hành pháp luật kém vững chắc dẫn đến vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân độ, quy định đơn vị. Hạ sĩ quan, chiến sĩ tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, công tác, tiếp tục nâng cao tri thức, từ đó bày tỏ quan điểm, thái đội rõ ràng trong đấu tranh phòng chống các hình vi, biểu hiện ý thức chấp hành pháp luật kém trong đơn vị. Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở vững mạnh để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của của hạ sĩ quan, chiến sĩ một cách vững chắc.

Xây dựng môi trường văn hóa pháp luật ở đơn vị cơ sở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hạ sĩ quan, chiến sĩ là hết sức cấn thiết hiện nay. Để mỗi hạ sĩ quan, chiến sĩ nhận thức đầy đủ pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị. Từ đó hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thiện tri thức pháp luật, củng cố tình cảm, niềm tin pháp luật, xây dựng ý chí pháp luật. Trên cơ sở đó hạ sĩ quan, chiến sĩ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngày một cao hơn. Để hạ sĩ quan, chiến sĩ có ý thức chấp hành pháp luật vững chắc, đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

_____________

1. Hoàng Chí Bảo, Nhân cách và giáo dục nhân cách, Tạp chí Triết học, số 1- 2000, tr.29.

2. C.Mác, Tư bản, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.27.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.108.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.486. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : ĐÀO VĂN MINH

;