Ấn tượng với màn trình diễn nghệ thuật và trang phục truyền thống của đồng bào Ê-đê tỉnh Đắk Lắk

Hòa trong không khí tưng bừng của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị, đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk đã mang đến cho khán giả những thanh âm, giai điệu đậm chất núi rừng cao nguyên. Các tiết mục diễn tấu cồng chiêng; độc tấu nhạc cụ dân tộc; hát kể khan… và màn trình diễn trang phục của đồng bào Ê-đê đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.

Đắk Lắk là một tỉnh trung tâm Tây Nguyên, có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ, với những dòng sông xen lẫn núi đồi ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên những thác nước đẹp nổi tiếng, cùng với cộng đồng 49 dân tộc anh em, đã tạo ra cho nơi đây nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã… những sản phẩm thủ công nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc, và những lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống độc đáo cùng với âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng, những lời ca, điệu múa của cộng đồng.

Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng Knah với bài "Drông tuê" và "Pah Kngân Drông tuê", cùng với màn múa của đồng bào Ê-đê

Mở đầu chương trình chương trình nghệ thuật của đoàn Đắk Lắk khán giả được thưởng thức những thanh âm vang vọng của diễn tấu cồng chiêng Knah, cùng với màn múa phụ họa, các nghệ nhân đã thể hiện hai bài Drông tuêPah Kngân Drông tuê, đây là hai bài quen thuộc của đồng bào Ê-đê trong các lễ hội, nghi thức cúng lễ.

Cùng trong chương trình, khán giả còn được nghe liên khúc độc tấu nhạc cụ bộ dây của đàn Brố và đàn Goong 18 dây với bài Gur Ru Tuk (Những năm tháng chúng tôi mong muốn); hòa tấu Ching Kram với bài Kông Dar (Chim gõ kiến làm tổ). Ching Kram hay còn gọi là chiêng tre có thanh âm vui tươi, rộn ràng, rất quen thuộc, gần gũi, mộc mạc đem đến cho khán giả những cảm xúc nhẹ nhàng, thư giãn.

Biểu diễn hát đối đáp "Cùng anh đi hái rau rừng" qua phần trình diễn của nghệ nhân Y Djuăn Mjâo và H'Blim Kbuôr

Bên cạnh đó, người xem còn được nghe hát kể khan (sử thi) của các nghệ nhân với câu chuyện Bảy chị em. Truyện kể rằng, ở một buôn nọ có cặp vợ chồng nghèo sinh ra được bảy cô gái xinh đẹp, được ví như ngôi sao trên trời. Chúng ăn rất khỏe, lớn nhanh, trở thành những thiếu nữ xinh đẹp nhất vùng. Một hôm cả bảy chị em lên rừng kiếm củi gặp được một chàng trai thợ săn khôi ngô tuấn tú tên là Ksâk dliê. Đôi bên đã đem lòng yêu thương nhau và bảy chị em quyết định lấy chàng trai làm chồng. Nhưng họ lại không hề biết rằng chàng trai đó là con của quỷ Vương. Sau một thời gian sống chung với nhau thì bảy chị em phát hiện được chàng trai đó họ Quỷ, nên họ cùng nhau chạy trốn. Quỷ Ksâk dliê biết tin nên đã đuổi theo, với ý định bắt được sẽ giết và ăn thịt từng người…

Hòa tấu nhạc cụ đàn Brố kết hợp đàn Goong 18 dây do nghệ nhân Y Djưng Êban thể hiện

Tiếp nối là phần trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống tiêu biểu của dân tộc Ê-đê trong sinh hoạt thường ngày và lễ hội. Trong văn hóa của người Ê-đê, đàn ông, phụ nữ sẽ có trang phục truyền thống riêng nhưng vẫn giữ được nét đẹp chung của dân tộc. Theo truyền thống, trang phục của người Ê-đê thường là màu đen hoặc màu chàm

Trang phục truyền thống của phụ nữ Ê-đê đó là váy tấm, áo chui. Áo của phụ nữ Ê-đê có thiết kế khá đặc biệt, được xẻ ngang từ bờ vai trái sang vai phải, được mặc bằng cách chui. Khi mặc lên, áo ôm sát vào thân mình của các cô gái, được buông xuôi dài tới phần thắt lưng. Phần tay áo được thiết kế có phần ngắn và tương đối hẹp, phần cổ cao, rộng để có thể dễ dàng chui mặc. Trên nền màu chàm, áo được trang trí bằng các đường viền kết hợp với dải hoa văn nhỏ bằng sợi màu đỏ, trắng, vàng ở cổ áo, bả vai, cánh tay, cửa tay và gấu áo.

Người phụ nữ Ê-đê mặc váy, là các tấm vải choàng được quấn quanh eo thành nhiều vòng và được cố định lại với nhau bằng các sợi dây. Khi mặc lên mình, gấu của váy có thể dài chạm đến gót chân của người phụ nữ tạo nên sự kín đáo. Hoa văn trên váy của người phụ nữ Ê-đê cũng là những đường viền kết hợp những sợi chỉ đỏ, vàng, xanh và trắng tạo điểm nhấn.

Trang phục của đàn ông Ê-đê là áo và đóng khố. Áo của đàn ông có thiết kế rộng và dài hơn của phụ nữ. Phần cổ áo được khoét tròn có xu hướng nghiêng về phía trước và được xẻ thành một đường ở trước ngực. Phần tay áo dài, vạt áo sau dài hơn vạt trước. Trên nền màu sẫm của thân, ống tay áo, viền cổ, nơi xẻ tà gấu áo được trang trí vài viền đỏ, trắng. Đặc biệt, khu vực giữa áo có mảng kẻ ngang trong bố cục hình chữ nhật. Đây là loại áo khá tiêu biểu của nam giới người Ê-đê. Ngoài ra còn có loại áo cộc tay đến khuỷu hoặc không có tay.

Trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào Ê-đê

Đàn ông Ê-đê dùng khố để che chắn nửa thân dưới của mình. Thông thường khố có chiều rộng rơi vào khoảng 30cm. Tùy vào dịp lễ mà khố có độ dài ngắn khác nhau. Các loại khố đẹp nhất là ktêh, drai, đrêch, piêk, còn các loại bong, băl là khố thường…

Trang phục thổ cẩm truyền thống, làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống là một phần không thể thiếu trong văn hóa đặc sắc của người Ê-đê tại Đắk Lắk. Thông qua phần trình diễn ấn tượng của các nghệ nhân, khán giả được hiểu rõ hơn về đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo và quan niệm thẩm mỹ của đồng bào Ê-đê nơi vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.

BÍCH NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

;