ẢNH HƯỞNG CỦA MẶT TRÁI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐẾN NHÂN CÁCH CÁN BỘ

Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt của sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc. Đó là thế hệ những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, nhanh chóng thích nghi với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Những năm qua, nền kinh tế thị trường ở nước ta được xây dựng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp chính là sự đánh thức cá nhân và xã hội Việt Nam, đồng thời tạo đà cho những chuẩn mực nhân cách mới của con người Việt Nam định hình và phát triển. Là một lĩnh vực đặc trưng cho nhân tính, nhân cách rất nhạy cảm trước tác động ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nó trở thành vấn đề cấp bách, là mối quan tâm không chỉ trên bình diện lý luận mà cả trên bình diện thực tiễn. Nhân cách của người cán bộ trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là sự tổng hòa các yếu tố về phẩm chất, năng lực và được hoàn thiện thương xuyên liên tục. Việc lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện nhân cách người cán bộ cần thấy rõ sự tác động ảnh hưởng bởi tính hai mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Về tác động tích cực, kinh tế thị trường đã mở ra khả năng tiềm tàng giải phóng mọi năng lực của con người, tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách của con người, đạo đức. Tham gia vào kinh tế thị trường, đội ngũ cán bộ có điều kiện phát triển nhân cách cá nhân như tính quyết đoán, độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tính tự giác, năng động sáng tạo trong lập thân, lập nghiệp được phát huy cao độ. Cơ chế thị trường khuyến khích các cá nhân có quyền bình đẳng trong cạnh tranh, giữ chữ tín trong trao đổi và tăng cường quan tâm phát triển lợi ích chung của toàn xã hội, tạo lập cơ chế đãi ngộ xứng đáng với sự cống hiến.

Về tác động tiêu cực, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ những mặt trái dễ làm cho người cán bộ sa ngã, biến chất về nhân cách. Những mặt trái của kinh tế thị trường như một thứ ma lực, đã làm cho một bộ phận cán bộ nảy sinh tư tưởng chủ quan, tự mãn, bảo thủ, mắc bệnh thành tích, sa vào chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân. Không ít người cán bộ thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu kém; lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân, tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm, lãng phí, quan liêu…Đảng ta cũng đã nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(1). Hiện nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến suy thoái về đạo đức, tha hóa về nhân cách đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Cần đặc biệt lưu ý, mặt trái của quyền lực kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường, tức sự kết hợp giữa quyền và tiền hoặc ngược lại, đã tạo thành một sự cộng hưởng gây nên những tiêu cực, suy thoái về đạo đức, suy đồi về nhân cách trong đội ngũ cán bộ hết sức nghiêm trọng. Dù những mặt trái kinh tế thị trường chỉ tác động đến nhân cách của một bộ phận cán bộ, nhưng tác hại lại rất lớn, làm cho nhân dân bất bình và giảm niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự là nguy cơ, là quốc nạn, như Đảng ta đã xác định trong những năm gần đây. Từ giặc nội xâm đến quốc nạn là một sự chuyển biến theo chiều hướng xấu trong xã hội không thể coi thường.

Tác động ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đến nhân cách người cán bộ, trước hết nguyên nhân khách quan đó là công tác tuyên truyền trong xã hội về nền kinh tế thị trường chưa được thường xuyên. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta còn nhiều bất cập, gây hoài nghi trong dư luận xã hội về tính hiệu lực, hiệu quả. Các thế lực thù địch tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trước đây, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đề cao quá mức đời sống tinh thần, xem nhẹ vật chất; khi chuyển sang cơ chế thị trường đầy tính khắc nghiệt, trong xã hội nổi lên sự sùng bái vật chất, sùng ngoại; trong một thời gian dài chúng ta chưa chú trọng xây dựng một nền tảng đạo đức cho xã hội, nên nhiều giá trị trước đây chúng ta tưởng sẽ bền vững, song khi va chạm với thực tế thì vỡ tan hoặc bộc lộ những yếu kém, bất lực.

Trong các nguyên nhân chủ quan nổi lên tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ có chức, có quyền, cán bộ trẻ thiếu tự giác rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên về đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; bị cám dỗ và sa ngã bởi lợi ích vật chất, quên mất các giá trị văn hóa, tinh thần và trở thành những con người cằn cỗi về tâm hồn, què quặt về nhân cách, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biến chất về phẩm chất chính trị. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Trong khi đó các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình còn dĩ hòa vi quý, dẫn đến một bộ phận cán bộ thiếu sự miễn dịch từ mặt trái của kinh tế thị trường. Việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức; một số nơi có tình trạng cán bộ, đảng viên tốt không được bảo vệ, nêu gương; người vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống không bị lên án và xử lý nghiêm minh, kịp thời...

Như vậy, nước ta bước vào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Song, kinh tế thị trường cũng làm phát sinh nhiều vấn đề tác động cả mặt tích cực và mặt tiêu cực đến phát triển nhân cách người cán bộ. Trong bối cảnh mới của đất nước, đòi hỏi đội ngũ cán bộ không những phải hội tụ phẩm chất nhân cách “vừa hồng, vừa chuyên”, mà còn phải luôn trau dồi, giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị tác động, ảnh hưởng của những yếu tố tiêu cực ngoài xã hội. Vì vậy, để góp phần ngăn ngừa, hạn chế những tác động ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đến nhân cách người cán bộ, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường cho đội ngũ cán bộ

Đây là một giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết nhằm làm cho người cán bộ luôn nhất quán với quan điểm đánh giá của Đảng ta về kinh tế thị trường. Nghị quyết của Đảng ta nêu rõ: “Đi vào kinh tế thị trường phải kiên quyết đấu tranh khắc phục, hạn chế tối đa những khuynh hướng tiêu cực…”(2). Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ có tính ưu việt mà còn hàm chứa không ít khuyết điểm, hạn chế. Do đó, cần phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng vấn đề này trong đội ngũ cán bộ nhằm tạo sự miễn dịch trước những tác động ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường.

Nội dung tuyên truyền giáo dục tập trung làm rõ mục đích, đặc điểm, nội dung phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay; nêu rõ những tác động ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến sự phát triển nhân cách người cán bộ. Đồng thời, phê phán những kẻ lợi dụng cơ chế thị trường để làm ăn phi pháp, trục lợi, làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân và mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Phân tích vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, nếu lơ là vấn đề này thì rất có thể mặt trái kinh tế thị trường sẽ cộng hưởng với mặt trái của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tác động ảnh hưởng đến phát triển nhân cách người cán bộ theo khuynh hướng không có lợi, không kiểm soát được. Cho nên, phải đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về nền kinh tế thị trường ở nước ta, thông qua các hình thức phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo viên, học tập chuyên đề… trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế thị trường cho đội ngũ cán bộ, làm cơ sở để mỗi người luôn hoàn thiện nhân cách.

Bổ sung, hoàn chỉnh định hướng chuẩn mực, thang giá trị phát triển nhân cách cán bộ trong nền kinh tế thị trường

Trước tác động của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, sự biến đổi thang giá trị nhân cách và các chuẩn giá trị nhân cách diễn ra rất nhanh chóng trong xã hội. Do đó, định hướng chuẩn mực, thang giá trị nhân cách cho đội ngũ cán bộ là điều kiện tiên quyết giúp người cán bộ chủ động ngăn chặn, khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.

Những năm qua, công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho đội ngũ cán bộ nhìn chung đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm thường xuyên; được triển khai sâu rộng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình phát triển kinh tế xã hội, chúng ta cần có tầm nhìn xa trông rộng và làm tốt hơn việc nghiên cứu điều chỉnh các định hướng chuẩn mực, thang giá trị nhân cách cho đội ngũ cán bộ và triển khai đồng bộ, thống nhất, với những yêu cầu, biện pháp cụ thể, hiệu quả.

Nội dung hoàn thiện định hướng chuẩn mực, thang giá trị nhân cách phải gắn với những chuẩn mực về phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ; gắn với các tiêu chí về trình độ, năng lực, có tư duy đổi mới, làm việc khoa học, hiệu quả, vì dân; đồng thời, chống lối làm việc tùy tiện, nặng về hành chính, quan liêu, thói cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ; phải “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”(3); trên cơ sở đó xây dựng định hướng chuẩn mực, thang giá trị nhân cách của cán bộ phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Tăng cường đổi mới phương thức, biện pháp, nội dung quản lý đội ngũ cán bộ

Thực tiễn hiện nay, trong bộ máy công quyền ở nước ta vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, nên có sự suy thoái về nhân cách. Để khắc phục tình trạng đó, một trong những biện pháp hữu hiệu là tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định; chú trọng hơn nữa việc đổi mới phương thức, biện pháp, nội dung kiểm tra, giám sát, kiểm soát để quản lý chặt chẽ, hiệu quả đội ngũ cán bộ.

Yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền phải hết sức chú trọng, tăng cường, đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát, kiểm soát đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ, quy định; phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển. Những trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo có vi phạm về lợi ích nhóm phải được chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế của nhà nước... gắn với đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm để trục lợi. Chú trọng việc kê khai trung thực, đầy đủ, chính xác tài sản của cán bộ và của gia đình họ và phải thực hiện kê khai thường xuyên theo quy định. Sử dụng những công cụ, biện pháp giám sát của cộng đồng, của nhân dân và xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường, bất minh nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của cán bộ.

Đẩy mạnh thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(4). Đây là một định hướng căn bản để mỗi cán bộ tự soi rọi phấn đấu, tự hoàn thiện nhân cách của mình, không để tác động trước mọi tác động ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng; phát huy tính tích cực tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; học tập phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương; phải xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được thực hiện một cách nghiêm túc, bền bỉ, thường xuyên là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi người cán bộ để phát triển nhân cách của mình trong cơ chế thị trường.

Đối với cán bộ là đảng viên còn phải gắn với việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12); căn cứ vào Quy định về những điều đảng viên không được làm để tự soi xét, nhìn lại bản thân, gia đình mình. Thực hiện nền nếp tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày” và phải được duy trì thật nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, thẳng thắn, chất lượng trong từng tổ chức và đối với từng cán bộ. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng tham gia đấu tranh phê bình với những biểu hiện sai trái để nâng cao hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đến nhân cách người cán bộ trong đẩy mạnh hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.

___________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.72.

3. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN VIỆT HÀ

;