VĂN HÓA VIỆT NAM NHÌN TỪ BỘ TRANH KỸ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM

Đầu TK XX, người Pháp đã thiết lập được sự cai trị của họ trên xứ Đông Dương, gây ra một cuộc đảo lộn ghê gớm trong xã hội Việt Nam. Không thể không nhắc tới sự thiết lập các đô thị kiểu phương Tây với tầng lớp thị dân và trí thức kiểu mới xuất hiện trong xã hội từ thông ngôn, ký lục, ký giả... cho đến thợ cơ khí, thợ in ấn, những ngành nghề chưa từng xuất hiện trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Giữa bối cảnh của sự đứt gãy văn hóa, sinh hoạt xã hội đã diễn ra một tình trạng lưỡng phân lý thú, nhất là ở vùng đô thị... Cái mới từng bước, từng bước được du nhập, cái cũ còn phù hợp tiếp tục đời sống riêng của nó và cái cũ không còn thích hợp từng bước bị đào thải. Tất cả tồn tại đan xen với nhau, không triệt tiêu nhau mà cùng nhau làm nên một diện mạo mới của văn hóa.

Năm 1907, chàng thanh niên người Pháp Henri Oger, lần đầu đến Hà Nội, với sự tò mò cùng niềm khao khát khám phá cái mới, trên thực địa về nền văn minh vật chất của con người An Nam cùng các khía cạnh xã hội của mảnh đất này Dẫn theo những thợ vẽ như Nguyễn Văn Đặng, Phạm Văn Giai cùng một vài người khác, Henri Oger đi khắp các phố phường Hà Nội, ghi chép mọi khía cạnh của cuộc sống riêng tư và cộng đồng, của nghề buôn, của công nghiệp, và nhiều ngành nghề khác. Ông hỏi họ một cách tỉ mỉ về việc làm ra một công cụ hay một đồ nghề. Người thợ diễn tả chầm chậm động tác, cử chỉ để người vẽ phác họa tỉ mỉ trên giấy mọi công đoạn. Trong vòng một năm, họ đã có những hình ảnh phản ánh đời sống phong phú của người Bắc Kỳ, từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi hay tập tục… Cách thực hiện cũng thể hiện tính nghiêm túc, óc lý luận và tổ chức chặt chẽ của ông. Henri Oger đưa cho họa sĩ dàn ý ghi chép, được một số người Việt xem xét trước. Khi bức vẽ hoàn thành, ông lại đưa cho những người bản xứ có đầu óc phê phán tốt để thẩm định, bình luận. Tác giả chia tác phẩm thành hai phần. Xuất phát từ nguyên tắc nghiên cứu nền văn minh kỹ thuật của một dân tộc chính là nghiên cứu nền văn minh vật chất, phần đầu sách miêu tả chi tiết từng động tác của hoạt động hay từng công đoạn chế biến một sản phẩm. Phần thứ hai chỉ gồm hình ảnh minh họa. Mỗi công đoạn sản xuất hay hoạt động được ông miêu tả tỉ mỉ qua một loạt hình ảnh. Tiếp đó là tiêu đề hoặc chú thích ngắn gọn, nội dung được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.

Hơn 4.000 bản tranh khắc của hai phần này, một lần nữa được Henri Oger phân thành bốn nhóm kỹ thuật: những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên: nghệ thuật, nông nghiệp, đánh bắt, săn bắn, vận tải, hái lượm; các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, như giấy, kim loại quý, gốm...; các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế tác các nguyên liệu đã qua chế biến, như thương mại, chế tác đá, hội họa và sơn mài...; đời sống riêng và đời sống cộng đồng ở xứ An Nam, bao gồm nhạc cụ, phép thuật và bói toán, trò chơi và đồ chơi...

Những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên

Nông nghiệp là một ngành sản xuất vật chất cơ bản, nhất là trong xã hội Việt Nam những năm cuối TK XIX đầu TK XX. Nền nông nghiệp Việt Nam được miêu tả thông qua các dạng nông cụ trong canh tác, thu hoạch, chế biến ngũ cốc sau thu hoạch hay đánh bắt thủy hải sản. Sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, và trên thực tế, người ta hoàn toàn có thể sử dụng nông cụ ở nhóm này cho một mục đích sử dụng ở nhóm khác.

Đầu tiên có thể kể đến nhóm nông cụ như cái nia, rổ, rá, mẹt, sàng, nong, hay nơm... Chúng là loại đồ đan tròn, định hình bằng cạp. Do việc hong khô nông sản sau thu hoạch chủ yếu trên nền gạch, đất nên người nông dân dùng những chiếc nong lớn để phơi chúng dưới nắng, rồi phân loại ban đầu hoặc sơ chế bằng các nông cụ kể trên. Xay lúa xong, người ta phải sàng bớt trấu, giã gạo xong phải dần, sàng để tách gạo khỏi tấm, cám. Nia là một loại nông cụ nhỏ hơn nong, sử dụng để sảy bụi, đưa tạp chất ra khỏi nông sản. Nong, nia được đan bằng nan ba, rất khó vì có nghề mới đan và lận tròn trịa được. Nan tre đủ tuổi được phơi trên giàn bếp cả năm, mang xuống rửa sạch, vót lại ánh lên màu cánh gián bóng loáng, chắc bền… Sàng cũng được đan bằng nan tre theo nan đôi. Có sàng thưa và sàng dày. Sàng thưa để chọn lựa những hạt ngô, đậu lớn, lọt xuống sàn là những hạt nhỏ hoặc hạt bị bể. Dùng sàng dày để sàng gạo, giữ lại những hạt gạo còn nguyên, làm cho những hạt tấm rơi xuống. Đây quả thật là những khám phá mới mẻ và lạ lẫm ở xứ thuộc địa.

Canh - tiều - ngư - mục là bốn việc ngày thường của nhà nông. Không thể không kể đến những bản khắc minh họa cho việc đánh bắt của người dân Việt Nam xưa như bắt lươn, đánh ống lươn, bắt trạch hay bắt ốc, tát cá, bắt ếch. Việc đánh bắt này được miêu tả trong sách khá đa dạng, có người làm đâu ra đấy như một nghề kiếm sống, có người làm tất chỉ đủ ăn hàng ngày, không cầu kỳ, chuyên chú, đôi khi như một thú vui lúc nông nhàn.

Riêng việc đánh bắt cá, được mô tả ngắn gọn, súc tích trong bản Tát cá với hình ảnh hai người đàn ông đứng ở hai đầu cầu ao, sử dụng gầu dây hình đầu trâu, một nông cụ quen thuộc. Mỗi người cầm hai dây song song, thế đứng hơi nghiêng, chân sau hơi choãi ra làm trụ vững, chân trước đặt ở một vị trí cố định. Phía dưới cầu ao là hình ảnh một người đang mò bắt cá. Trên thực tế, việc tát cá không nhất thiết phải có một người mò bắt cá đứng phía dưới, trong lúc hai người phía trên tát nước, nhưng để làm rõ tính chất của việc tát cá, người thợ khắc và tác giả đã sắp xếp một bố cục hợp lý để người xem có thể hình dung về một kiểu bắt cá của người nông dân.

Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Henri Oger dành rất nhiều sự quan tâm của mình đến các ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở xứ An Nam. Với một cái nhìn hào hứng, háo hức nhưng không kém phần cẩn trọng, tinh tế của một người châu Âu, những ngành nghề như nghề sơn, nghề làm giấy, nghề khảm trai, nghề khắc gỗ hay nghề sửa đồ làm bằng tre… đã được khắc họa khá đầy đủ.

Kỹ thuật của người An Nam (1) là một bộ tranh khắc gỗ in trên giấy dó, nên không ngạc nhiên khi Henri Oger và các thợ vẽ dành tới xấp xỉ 40 bức khắc để mô tả các quá trình của nghề làm giấy. Mặc dù các bức vẽ nằm tản mát, rời rạc trong tập 2 và tập 3 của bộ sách, nhưng cũng đã thể hiện chi tiết các quy trình của nghề làm giấy ở làng Yên Thái, ngoại thành Hà Nội. Để làm ra được tờ giấy, người thợ Yên Thái, Hồ Khẩu phải có tay nghề thuần thục. Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó tươi, được mua về từ miền ngược dọc triền sông Thao, Vũ Ẻn. Vỏ dó tươi phải ngâm nước vôi loãng hai ngày rồi cho vào vạc nấu cách thủy liền trong bốn ngày. Xưa kia, người làng Yên Thái thường đắp lò nấu dó ngay bên bờ sông Tô Lịch để tiện việc vận chuyển cũng như ngâm, dặm, đãi vỏ dó.

 
 
 

Vỏ dó sau nhiều lần ngâm, nấu, tạo ra một loại xơ trắng muốt. Đây chính là nguyên liệu tinh khiết để làm giấy. Đem vỏ dó đã được xử lý cho vào cối giã thật mạnh, thật nhuyễn thành một thứ bột quánh, gọi là vữa dó, rồi thả vào tàu seo. Công việc giã dó vất vả nặng nhọc và thường do đàn ông đảm trách. Tàu seo giấy là một bể nước có pha sẵn loại keo bằng nhựa cây mò. Vữa dó thả vào đây sẽ thành một thứ nước sền sệt, khi đem tráng trên liềm seo sẽ hình thành nên những trang giấy. Khâu seo giấy tuy nhẹ nhàng hơn nhưng phải khéo léo, kiên trì nên thường do phụ nữ đảm nhiệm. Họ đứng bên tàu seo, hai tay dùng liềm seo múc bột giấy rồi gác lên “đòn cách” bằng tre trên mắt tàu seo cho nước rỏ xuống hết, chỉ còn bột giấy đọng lại trên liềm. Nước khô dần và bột giấy se lại, trang giấy hiện ra trên liềm seo. Giấy seo xong lại phải ép, uốn cho thật kiệt nước rồi bóc uốn, cuối cùng mới cho vào lò sấy. Sau đó, công đoạn cuối cùng là giấy được bóc rời từng tờ, miết lên tường cho khô và phẳng.

Henri Oger có nhận xét ngắn gọn về tầm quan trọng đáng kể của nghề khắc gỗ ở An Nam. Phố Hàng Quạt chỉ có thợ khắc gỗ làm việc; nghề khắc gỗ đã tạo nhiều công ăn việc làm ở xứ sở này. Nội thất của các ngôi chùa, các gia đình phong lưu, các đồ thờ tổ tiên đều có sự góp mặt của thợ làm nghề khắc gỗ. Về mặt nghề nghiệp, người thợ gỗ An Nam tỏ ra thực sự nổi trội. Những người thợ xứ An Nam, thường chỉ thiên về kỹ thuật khắc, tức là người thực hành theo các ý tưởng của chủ xưởng, họ hoàn toàn không có kiến thức, hiểu biết về hội họa và tạo hình. Các chủ xưởng thường có một bộ sưu tập mẫu khắc, thợ thể hiện lại trên các tấm gỗ phẳng. Các mẫu khắc thường được lưu truyền lại qua nhiều thế hệ. Trong vai trò người thực hành, người thợ An Nam đã thể hiện các phẩm chất khéo tay, uyển chuyển và cần mẫn của mình.

Tấm khắc gỗ Khắc đầu tượng Phật đã thể hiện tương đối đầy đủ về công việc khắc gỗ ở thời điểm đó với hình ảnh một người thợ đang khắc đầu tượng Phật bằng một chiếc tràng và chiếc đục nhỏ. Với đôi tay tài hoa và sự cần cù, khéo léo, từ một tấm gỗ nặng nề, hình tượng Phật đã dần được hiện ra đầy tinh tế và sống động, đây là một chi tiết khiến cho người châu Âu hết sức ngạc nhiên, thán phục.

Về nghề in sách, Henri Oger có những nhận định riêng, đây là nghề kéo dài suốt thời phong kiến, sách in bằng ván khắc các chữ Hán, Nôm. Một người giỏi thi pháp viết lên tờ giấy bản xứ, giấy này trong suốt. Các tờ sách được giao cho một thợ khắc gỗ. Người thợ này dán các tờ sách lên một tấm gỗ thị, rất cứng, không bị côn trùng làm hỏng, tạo ra bản in rõ nét, ăn mực rất đẹp. Một ít dầu bôi trên tấm gỗ làm hiện ra các nét chữ chưa rõ. Người thợ bắt đầu loại bỏ các phần trắng, sau đó tấm gỗ được giao cho thợ in.

Đời sống riêng và đời sống cộng đồng ở xứ An Nam

Nhiều sinh hoạt cộng đồng, hay đời sống riêng của người dân nơi đây, đều được người thanh niên Henri Oger quan sát tỉ mỉ và đưa vào bộ tranh khắc, như tục cải táng, kèm mô tả khá chi tiết: “Cháu đích tôn để tang bà nội thì kết bằng dây thừng, để tang ông nội thì kết bằng sợi vỏ cây chuối”, hoặc tục vẩy cháo cúng chúng sinh.

Một chi tiết cho thấy quan sát tinh tế và có những am hiểu sâu sắc nhất định về đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân An Nam của tác giả sách là ba bức tranh khắc hình tượng hổ phù, một hình tượng linh vật thường xuất hiện ở các công trình đền, chùa, miếu ở Việt Nam. Hình khắc hổ phù có mắt quỷ tròn, mũi sư tử, miệng nhe, răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm nở rộng, ngậm mặt trăng, hai chân bành ra hai bên bám chặt vào những đám mây. Henri Oger dành hẳn một bản khắc để mô tả má hổ phù làm bằng giấy trang kim.

Đặc biệt, có lẽ nhận thức được giá trị tinh thần rất to lớn đối với người dân Việt Nam của Truyện Kiều, Henri Oger dành nhiều bức tranh khắc để minh họa lại một nội dung nào đó trong truyện, như bản khắc Kim Vân Kiều tái hợp, Kim Kiều tự tình, Thúy Kiều báo ân báo oán, Thúc Sinh và Kiều tự tình, Kim Vân Kiều tương ngộ. Những bản khắc minh họa này đều là những bức tranh nhiều chi tiết, thể hiện sự am hiểu về nội dung, cũng như sự tỉ mẩn, cầu kỳ trong kỹ thuật thực hiện.

Kỹ thuật của người An Nam được coi là một cuốn sách giàu giá trị lịch sử, ghi dấu lại những đặc điểm lao động và sinh hoạt của người Việt trong một giai đoạn phát triển đặc biệt của xã hội Việt Nam. Qua đó, người Việt hôm nay có thể khám phá những nghề có một không hai, hoặc chưa bao giờ nghe nói tới. Đây cũng là ý kiến đánh giá của GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử, tôi đánh giá đây là cuốn sách rất có giá trị đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu và hệ thống lại văn hóa, đời sống sinh hoạt của người Việt đầu TK XX. Đối với thế hệ trẻ, đây là dịp để hiểu biết về quá khứ, ông cha đã sống, làm việc như thế nào, biết được văn hóa Việt Nam, từ đó biết bảo tồn, gìn giữ”.

_______________

1. Nguyên bản Technique du peuple Annamite được xuất bản lần đầu tiên năm 1090, với chỉ 60 bản in trên giấy dó khổ lớn. Năm 2004, bản in duy nhất nguyên vẹn, lưu trữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, được chọn để biên soạn lại và tái bản trong một dự án khôi phục kho tàng dữ liệu di sản văn hóa thuộc địa của chính phủ Pháp. Bản sách này được chuyển ngữ sang tiếng Việt, Anh và Pháp, định dạng sách in và đĩa DVD, do Nxb Thế giới xuất bản lần đầu tiên năm 2009. Nguồn: nhanam.com.vn

2. Hạnh An, Cuộc sống mới của 4.000 bức tranh quý, toquoc.vn ngày 10 - 9 - 2009.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : VŨ THỊ VIỆT NGA

;