Họa sĩ Thành Chương (sinh năm 1949) vốn được cử đi nước ngoài du học. Nhưng trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, tinh thần yêu nước, mong muốn góp sức mình để bảo vệ Tổ quốc đã thôi thúc chàng thanh niên năm ấy ở lại, viết đơn xin lên đường lập ngũ. Để rồi hôm nay, ta được hiểu hơn về con người nghệ thuật của Thành Chương hào hùng và lãng mạn trong thời chiến qua những tác phẩm do ông thực hiện.
Họa sĩ Thành Chương đang vẽ ký họa ở Trường Sơn, 1970
Kí họa thần tốc trên đường hành quân
Thành Chương gắn bó với quân ngũ từ năm 1967 cho đến khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Ngày đó, ông là lính công binh ở tiểu đoàn D1, trung đoàn E239, trung đội 2, đại đội 1. Công việc hằng ngày của công binh là rà phá bom mìn, thông luồng, thông bến, bắc cầu, kéo phà chở vũ khí, đạn dược qua sông, làm hoa tiêu đưa các đoàn chở hàng hóa tiếp tế vào Nam. Những năm 1967-1968, Mỹ đánh bom hạn chế ở miền Trung, với mục đích cắt đứt huyết mạch, ngăn chặn sự tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho chiến tuyến miền Nam. Thời gian này, địa bàn hoạt động chủ yếu của ông là từ Nghệ An cho tới Hà Tĩnh. Từ năm 1971 đến năm 1973 - giai đoạn có tính chất quyết định thắng lợi của cuộc chiến, đơn vị của ông chuyển vào Quảng Trị hoạt động. Ông bộc bạch một cách đầy dí dỏm, chiến tranh ác liệt đã đành, nhưng những lúc hành quân đi ra, đi vào còn vất vả hơn. Nên bản thân ông còn sợ vất vả hơn sợ ác liệt. Bởi sau khi đánh xong một trận là ông cùng đồng đội lại được về nghỉ dài ngày. Còn nhiều khi đi bộ hành quân suốt một quãng đường dài, ông thấy 2 bên bẹn mình như rướm máu. Những lúc như vậy, hội họa cũng phần nào xoa dịu những tổn thương trên thể xác, tiếp thêm cho Thành Chương động lực. Bởi thế, trong những chuyến hành quân mệt nghỉ, bên cạnh những trang bị của một người lính công binh, Thành Chương lúc nào cũng mang theo bên mình chiếc cặp mỏng, làm bằng gỗ dán, với kích thước bằng tờ báo. Trong đó cất bút sắt, bút chì và giấy vẽ. Đó là những công cụ giúp thỏa mãn cảm hứng sáng tác trỗi dậy bên trong Thành Chương.
Đôi mắt dễ rung động trước vạn vật chưa bao giờ làm khó cho bàn tay tài hoa của Thành Chương. Vì vậy, những sự kiện đã diễn ra, những người ông gặp gỡ trong thời gian chiến đấu đều được ghi chép lại bằng ngôn từ hội họa. Trong tập ghi chép ấy, công việc, cuộc sống hằng ngày của người lính hiện lên thật thân thương. Đó có thể là lúc các anh lính đang gia sức đào hầm, hành quân, lái xe chở hàng. Hay là phút ngơi nghỉ ngơi trên võng sau một ngày mệt mỏi. Cam go hơn, đó còn là những trận đánh của quân ta áp sát vào cứ điểm Đầu Mầu, cao điểm Phu Lơ 544 (Quảng Trị). Đến ngày non sông liền một dải, niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội bởi những người lính được trở về từ trận địa miền Nam, người thân được đoàn tụ sau nhiều năm chia cách tại Đông Hà (Quảng Trị). Và những hận thù rồi sẽ nguôi ngoai dần trong lễ trao trả tù binh. Ông cũng không quên dành sự tôn vinh tới những con người thầm lặng qua các bức kí họa chân dung. Họ là những anh lính, những bà con, đồng bào dân tộc thiểu số luôn vác trên vai cây súng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Để những bức kí họa khiến cho người xem có cảm giác như mình xuất hiện trong bối cảnh mà ông vẽ, ông thường hoàn thiện ngay tại chỗ, nhân lúc rảnh tay. Nhờ vậy, từng bức tranh như gói trọn được nhiều cung bậc cảm xúc của chàng họa sĩ. Về tới đơn vị, nếu có chỗ nào chưa thực sự ưng ý, ông lại lấy ra chỉnh sửa một số chi tiết.
Đồng chí Ngô Xuân Hòa, ký họa chỉ, 1970
Đánh chiếm căn cứ Ái Tử, ký họa chì, 1972
Chiều trên đường 9, ký họa chì, 1972
“Cơm Bắc, giặc Nam” là câu nói mà những chiến sĩ trẻ ngày ấy thường bảo nhau, Thành Chương chia sẻ. Tức là ăn cơm ngoài Bắc, rồi lại hành quân vào trong Nam, tiếp tục cuộc kháng chiến. Thời tiết trong ấy phân chia 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Khi mùa mưa, thời tiết không tạo điều kiện thuận lợi để chiến đấu, ông lại cùng đồng đội trở ra Bắc. Nhân chuyến ra Bắc, ông gửi các bức kí họa ở chiến trường cho Báo Văn Nghệ. Những bức vẽ ấy được ông sáng tác ở trong Nam với tư cách là một anh lính giải phóng, không phải một Thành Chương vốn quen mặt ở miền Bắc. Nên ông thấy, lấy tên thật thì không phù hợp. Ban đầu, ông cũng tinh nghịch muốn lấy bút danh là Trường Thăng, nói lái của từ Thằng Chương. Nhưng các cán bộ biên tập ở Báo Văn Nghệ mới bảo với bố của ông - nhà văn Kim Lân rằng: “Bác nói với anh Chương là đăng lên báo mà lấy tên Trường Thăng thì không được nghiêm túc”. Lúc ấy, ông lại đổi thành Trường Thanh, nói lái của tên Thành Chương. Họa sĩ cười và lí giải, Trường Thanh có thể hiểu là hơi dài. Bởi trong thời chiến, ông không lường trước được liệu mình có thể phải để lại tuổi xanh dưới làn mưa bom, bão đạn hay không. Vậy nên, còn thở ra một làn hơi dài là còn được sống, còn hi vọng trở về. Cái tên Trường Thanh được ông gửi gắm ước mong về sinh mạng, sức khỏe và sự đoàn viên cùng gia đình vào ngày đất nước thanh bình. Làn hơi ấy tiếp tục được nối dài khi sau này, cái ấy được ông đặt cho người con trai đầu tiên của mình.
Họa sĩ Thành Chương (trái) đang ký họa tại Quảng Trị 1972
Dựng tượng đài từ tinh thần không ngại khó
Chỉ nhắc đến kí họa, hẳn là thiếu sót lớn khi nói về hành trình sáng tác trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ của Thành Chương. Hay biết trong quân ngũ có một người họa sĩ tài năng, Bộ Tư lệnh Công binh đã bố trí cho chàng trai Thành Chương về thực hiện một số nhiệm vụ liên quan tới chuyên môn của mình. Sau khi hoàn thành, ông lại trở về với đơn vị, đồng hành cùng các anh em chiến sĩ. Năm 1968, Bộ Tư lệnh mở lớp vẽ cho anh em quân đội. Ông được cử tới đó hướng dẫn cho các quân nhân kẻ chữ, vẽ báo tường, áp phích tuyên truyền cho đơn vị của họ. Đến năm 1969, tiếp tục mở lớp điêu khắc và mời Thành Chương về làm trợ giảng. Lớp học ấy đào tạo ra những bộ đội có tay nghề nghệ thuật cao, nhằm tạo tác các tác phẩm điêu khắc trưng bày trong các căn cứ quân sự tuyệt mật dưới lòng đất. Công việc hằng ngày hẳn nhiên đã khắc sâu vào tâm trí Thành Chương. Chẳng trách, trong thời gian ấy, ông đã sáng tác bức tượng công binh kéo phà. Bức tượng ấy được ông gửi lại cho Bộ Tư lệnh Công binh.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất với lớp điêu khắc ấy có lẽ là vào tháng 11/1969, ông nhận được lệnh triệu tập gấp của Ban Tuyên huấn Trung ương. Phó Trưởng ban Tăng Văn Khiển nói với ông về việc Bộ Tổng Tư lệnh quyết định giao cho Công binh xây dựng một tượng đài lớn với chiều cao 14-15m ở sân bay Bạch Mai. Tượng đài này phục vụ cho triển lãm của toàn quân vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng năm, và hướng tới sự kiện kỉ niệm kết thúc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ ở miền Bắc sau 1 năm (năm 1968). “Vì thời gian quá gấp, nên không có ai và không nơi nào nhận. Vậy đồng chí có nhận nhiệm vụ này không”, Phó Trưởng ban hỏi lại họa sĩ. Bản thân Thành Chương cũng do dự, nên xin phép cân nhắc, rồi đưa ra quyết định.
Thành Chương, Đào hầm, ký họa chì
Nghe con trai kể lại, nhà văn Kim Lân khuyên con: “Con phải biết việc này không ai nhận làm thì mới đến lượt con. Đây là cơ hội trong muôn một. Nhận đi và thầy tin là con làm được". Nhờ sự động viên và kì vọng từ cha, ông đã đồng ý nhận nhiệm vụ. Ý tưởng ban đầu của ông là bức tượng phải hội tụ đủ các tầng lớp nhân dân gồm công, nông, binh, trí thức. Sau một tuần dựng phác thảo, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là người duyệt cuối cùng. Khi duyệt, Đại tướng góp ý rằng, bây giờ công nhân, nông dân, bộ đội đều có trí thức, nên không cần phải đưa anh trí thức đeo kính vào. Suy ngẫm những góp ý của Đại tướng, Thành Chương đã sửa lại bản thiết kế với các nhân vật xuất hiện trong bức tượng đài được lấy cảm hứng từ đủ độ tuổi, giới tính. Như anh chiến sĩ gợi nhớ đến hình ảnh anh hùng Nguyễn Viết Xuân với dáng đứng hiên ngang, như thể hô khẩu lệnh “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”. Người công nhân khi đặt cờ lê, mỏ lết xuống lại trở thành dân quân tự vệ. Chị nông dân “Ba đảm đang” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp sục sôi khí thế “tay cày, tay súng”. Tay chị đang cấy lúa, mà chân hiên ngang đạp lên xác bom. Lon ton đi bên cạnh là em học sinh đầu đội mũi rơm, trên vai mang theo túi thuốc phòng không. Hình ảnh mẹ Suốt tay giữ chắc mái chèo, đưa cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, cũng được Thành Chương khắc họa với lòng kính trọng, cảm phục. Đằng sau những nhân vật ấy là ngọn cờ bách chiến, bách thắng. Ở vị trí trang trọng bên trên ngọn cờ gắn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Người sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Những mặt phía dưới chân tượng đài là các phù điêu phản ánh những hoạt động của toàn quân, toàn dân trong thời kì kháng chiến.
Ảnh trái: Tác phẩm điêu khắc Mở đường thắng lợi
Ảnh phải: Kéo phà.Tượng Thành Chương, 1969
Thời gian yêu cầu phải thực hiện trong vòng 1 tháng là không đủ cho kết cấu xi măng có thể đông cứng lại. Nên họa sĩ lựa chọn sử dụng vật liệu thay thế là thạch cao. Bên ngoài có tráng một lớp thủy tinh để tăng tính bền vững cho công trình. Toàn thể bức tượng đài được tạo thành nhiều mảnh, và lắp ghép lại với nhau. Cuối cùng, bức tượng được hoàn thành vào đúng sáng ngày 22/12/1969 với tổng chiều cao lên tới 14,5m. Khi lãnh đảo Đảng, Nhà nước và quân đội đến cắt băng khánh thành, cũng là lúc ông gục xuống bất tỉnh sau một tháng làm việc đến quên ngủ. Từ lúc tỉnh lại trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Quân đội 103 cho đến bây giờ, người thanh niên khi ấy vừa tròn 20 tuổi không hiểu bản thân mình tạo nên kì tích như vậy bằng cách nào. Đáng tiếc thay, công trình ấy không may bị phá hủy vào đợt Mỹ dội bom ra miền Bắc tiếp theo vào năm 1972.
Sau ngày đất nước thống nhất, họa sĩ xin chuyển vào Báo Văn Nghệ công tác. Từ đó đến nay, ông không sáng tác bất kì tác phẩm nào về đề tài chiến tranh nữa. Bởi nhìn lại những cuộc chiến mình đã đi qua, ông cảm thấy rất sợ hãi, đau thương trước những mất mát mà nhân dân mình phải trải qua. Vậy nên, ông tâm niệm, chỉ dùng nghệ thuật để ca ngợi về cuộc sống thái bình, hạnh phúc, cuộc sống ngày hôm nay có được đã phải đánh đổi bằng biết bao nhiêu xương máu đồng bào. Phải chăng, tinh thần yêu chuộng hòa bình đã thổi vào trong các bức vẽ sau này của Thành Chương những mảng màu tươi sáng, ngập tràn sức sống. Hiện giờ, ông chỉ giữ lại những bức kí họa làm kỉ niệm để hoài niệm về tinh thần nghệ sĩ quấn quyện trong màu áo lính, về một thời gian khó nhưng đầy lãng mạn, hào hoa.
Kì tích điêu khắc của Thành Chương khi làm trợ giảng cho lớp điêu khắc trong quân đội
NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025