Ông Sư Tùng, Bí thư chi bộ ấp Nước Mặn II, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng), không những nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2017 - 2023), thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao mà còn hết lòng chăm lo cho người nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, xây dựng phum, sóc ngày càng no ấm, giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Sư Tùng, Bí thư Chi bộ ấp Nước Mặn II tận dụng thời gian rảnh để chăm sóc hoa
Tham gia công tác tại địa phương từ năm 1995, qua nhiều chức danh, từng là cán bộ Đoàn của xã, rồi Phó Bí thư chi bộ ấp, đến năm 2017, ông Sư Tùng, được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ ấp Nước Mặn II cho đến nay. Ấp Nước Mặn II, hiện có 524 hộ, trong đó có gần 90% là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Khi làm Bí thư chi bộ, toàn ấp còn hơn 50 hộ nghèo và 45 hộ cận nghèo nên công tác giảm nghèo và chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là hộ bà con Khmer luôn là vấn đề mà ông Tùng trăn trở. Với vai trò người đứng đầu tại địa phương, ông Tùng luôn tận tâm với công việc được giao và thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho bà con. Ông cho biết: “Muốn cải thiện đời sống cho bà con, tôi cùng các đồng chí trong chi bộ tiến hành rà soát, tìm hiểu nguyên nhân nghèo, cận nghèo của các hộ. Đa số hộ nghèo và hộ cận nghèo của ấp rơi vào trường hợp thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn, không có việc làm ổn định hoặc già yếu, bệnh tật,… Từ đó, tôi cùng các đồng chí trong chi ủy tìm nhiều giải pháp giúp đỡ phù hợp, từng bước giảm nghèo cho bà con” - như trường hợp gia đình ông Huỳnh Khêl (sinh năm 1966) ở ấp Nước Mặn II, xã Long Phú, trước đây thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, gia đình nuôi và chăm sóc đến 6 miệng ăn (4 đứa con và ông bà ngoại). Vào vụ lúa, vợ chồng ông và các con đi làm thuê, từ sạ lúa, làm cỏ, bón phân, xịt thuốc, vác lúa mướn, … khi hết đồng thì tìm đến các công trình xin làm phụ hồ. Cuộc sống cứ như thế, tháng này rồi qua năm nọ, gia đình ông Khêl vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Chi bộ ấp Nước Mặn II, làm cỏ, vệ sinh và chăm sóc tuyến đường hoa
Biết hoàn cảnh gia đình ông Khêl gặp khó khăn, trực tiếp Bí thư chi bộ đến tận nhà vận động các con của ông đăng ký học nghề tại địa phương. Chỉ sau 3 tháng học nghề, 4 đứa con của ông Khêl đã tìm được việc làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh (từ sau đại dịch COVID – 19). Hiện nay, các con của ông đã là thợ, là công nhân lành nghề, với mức lương ổn định mỗi tháng từ 8 – 15 triệu đồng. Còn vợ chồng ông Khêl, Chi bộ làm hồ sơ đề nghị xét cho vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, để thực hiện mô hình chăn nuôi heo. Ngoài ra, gia đình ông Khêl còn được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hiện, đàn bò của ông đang bước vào mùa sinh sản và đàn heo chuẩn bị xuất chuồng đợt thứ 3. Chưa hết, vào cuối năm 2023, niềm vui, phấn khởi và bao mơ ước bấy lâu nay của gia đình ông đã trở thành hiện thực, khi chính quyền địa phương xét hỗ trợ cho gia đình ông 44 triệu đồng từ Dự án 1 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) hỗ trợ xây nhà ở. Ông Huỳnh Khêl chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ cùng với tiền dành dụm, tiết kiệm bấy lâu nay các con tôi gửi về, tôi đã xây dựng được căn nhà mới này. Cuộc sống ổn định từng ngày, tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước. Gia đình tôi đã viết đơn xin được thoát nghèo bền vững”. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa, vốn vận động từ các Mạnh Thường Quân, ấp Nước Mặn II đã hỗ trợ xây dựng được 47 căn nhà ở cho hộ nghèo, mỗi căn trị giá từ 44 – 50 triệu đồng. Hiện, toàn ấp chỉ còn 10 hộ nghèo (diện bảo trợ xã hội) và 5 hộ cận nghèo, chi bộ phấn đấu sắp tới, sẽ xóa trắng hộ cận nghèo.
Việc quan tâm chăm lo đời sống cho người dân, nhất là về nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội, việc học hành, bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc,… chi bộ ấp Nước Mặn II, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn về giải pháp phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân, ông Tùng phấn khởi nói: “Ấp thành lập được 1 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 2 – 3 Tổ hợp tác, mỗi thành viên có diện tích canh tác từ 10 – 100 công đất ruộng, đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu. 47 hộ chăn nuôi bò sinh sản, với gần 500 con; 33 hộ chăn nuôi heo, mỗi hộ nuôi từ 10 đến 100 con, trong đó có khoảng 70 con heo nái; 2 hộ nuôi vịt đẻ hơn 15.000 con; các hộ còn lại là những hộ tiểu thương, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Cuộc sống của người dân ngày càng phát triển”. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chi bộ ấp Nước Mặn II nghiêm túc thực hiện quy định nêu gương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, từ đó củng cố niềm tin với nhân dân, xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng. Lộ đal nông thôn thuộc Khu 3, ấp Nước Mặn II có chiều dài gần 1.000m, rộng 3m, nối liền tỉnh lộ 933B, trước đây chỉ là một bờ ruộng. Để cùng chung sức xây dựng Nông thôn mới, nhất là tạo điều kiện cho bà con nông dân đi lại, vận chuyển hàng nông sản, trẻ em đến trường được thuận tiện hơn, đồng thời đóng góp công sức để xã Long Phú sớm đạt chuẩn nông thôn mới... chi bộ đã vận động đảng viên và bà con nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động xây dựng nên tuyến đường này. Sau khi tuyến đường đưa vào sử dụng, chi bộ còn đăng ký với Đảng ủy xã Long Phú, xây dựng “Tuyến đường hoa kiểu mẫu”. Tập thể chi bộ cùng bà con nhân dân trồng và chăm sóc hoa hai bên lề lộ, vận động đóng góp dựng trụ và gắn bóng đèn chiếu sáng được 92 trụ, xã hội hóa làm cổng chào của ấp, trị giá hơn 100 triệu đồng. Hiện, chi bộ thành lập được 1 đội trồng và chăm sóc hoa, với 16 thành viên. Mỗi ngày, từng thành viên và định kỳ thứ Sáu hằng tuần, tất cả đảng viên cùng bà con nhân dân ra quân trồng, chăm sóc hoa. Tuyến đường hoa này không chỉ rất đẹp, mà còn lan tỏa đến các ấp khác thực hiện theo.
Bà Huỳnh Thị Xiêm, người dân ở Khu 3, ấp Nước Mặn II, xã Long Phú, chia sẻ: “Mỗi ngày, dù mưa hay nắng tôi đều dành một ít thời gian ra đây để xem và chăm sóc hoa. Nếu ai có dịp đi qua đây, sẽ được tận hưởng không khí trong lành của miền quê, tận mắt nhìn thấy cánh đồng xanh mướt, pha lẫn cành hoa, cỏ dại, dọc theo tuyến đường đal thẳng tắp. Không chỉ riêng tôi, mà bà con ở đây đều cảm thấy rất vui và có ý nghĩa khi được đóng góp chút công sức của mình để làm thay đổi diện mạo quê hương”. Riêng đối với Bí thư chi bộ, mỗi buổi sáng, hay lúc hoàng hôn, thay vì đi tập thể dục như mọi người thường làm thì ông Tùng xách từng thùng nước tưới hoa và xem đó cũng là một biện pháp để ông rèn luyện, nâng cao sức khỏe. “Học theo Bác, đối với tôi là việc làm rất thiêng liêng, mà hằng ngày ai nấy cũng có thể làm được. Mỗi ngày làm một việc tốt, dù chỉ là nhỏ nhất, dần dần thì sẽ thành việc lớn và mang lại sự thành công tốt đẹp. Điển hình như tuyến đường hoa này mỗi ngày, mỗi người chỉ dành một chút thời gian chăm sóc, sẽ cho một đường hoa đẹp. Và tuyến đường hoa này, chính là động lực lớn để giúp bản thân tôi tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt công việc được giao trong thời gian tới” - ông Tùng tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Long Phú, nhận xét: “Anh Tùng là một đảng viên có tinh thần trách nhiệm, luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình và luôn phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn một lòng phấn đấu cho lý tưởng, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Những giải pháp, cách làm cụ thể của tập thể chi bộ ấp đã giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nêu gương, đưa sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, việc làm tự giác. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực. Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Tự đi học lớp Trung cấp Thú y, mục đích để giúp bà con không đất sản xuất, thực hiện mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ; hỗ trợ vốn; vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bà con nghèo, mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn để có cơ hội tìm việc làm, tránh đi làm ăn xa... ông Tùng luôn nêu gương, tinh thần đi đầu, trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên trong các phong trào tại địa phương, như hiến đất, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Đặc biệt, khi có lợi nhuận từ canh tác lúa, nuôi bò, ông Tùng còn trích một phần dành để mua quà cho hộ nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, già neo đơn, tích cực đóng góp tiền của tham gia xây dựng Nông thôn mới,… đó là tất cả những gì ông Tùng học và làm theo Bác, bằng những việc làm đơn giản, cụ thể, thiết thực nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xứng đáng để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.
Bài và ảnh: SÓC CA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025