Kỷ luật là khả năng mỗi người tự kiểm soát và duy trì sự chủ động về tính cách, tinh thần trong cuộc sống. Kỷ luật được xây dựng dựa trên cơ sở pháp luật, đạo đức, xã hội do cơ quan tổ chức hoặc do cá nhân tự đặt ra nhằm duy trì sự ổn định, trật tự, hiệu quả trong tập thể, trong quản lý, công tác, lao động, rèn luyện, đạt được mục tiêu tốt nhất trong rèn luyện, sinh hoạt, học tập.
Ảnh minh họa - Nguồn: lyluanchinhtri.vn
“Kỷ luật phải nghiêm với bất kỳ ai”, mọi đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Dù là đảng viên, quân đội, cán bộ công nhân viên chức hay người lao động, học sinh, sinh viên, cá nhân bất kỳ… “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, cá nhân cũng phải có “nguyên tắc kỷ luật bản thân”. Tính kỉ luật có sức mạnh vô cùng lớn lao đối với mỗi người.
Kỉ luật là công cụ quan trọng để giải quyết những vấn đề khó khăn, đau khổ của con người. Người kỷ luật luôn nghiêm khắc và có ý thức tự rèn luyện bản thân. Họ có bản lĩnh vững vàng, tinh thần quyết tâm kiên định với mục tiêu đã lựa chọn. Họ hiểu bản thân, vì thế luôn chủ động và kiểm soát được cuộc sống. Họ cũng nhận thức được giới hạn và khả năng của bản thân, từ đó tự lên kế hoạch, sắp xếp quản lý thời gian một cách hiệu quả thay vì chờ đợi sự đốc thúc từ người khác.
Người có tính kỷ luật thường ít khi mắc sai sót trong công việc và cuộc sống. Bởi họ luôn đề cao nguyên tắc sống và làm việc. Họ luôn cẩn thận, tỉ mẩn từ những điều nhỏ nhất. Họ linh hoạt và mềm dẻo chứ không cứng nhắc, độc đoán. Họ luôn biết cách tạo ra năng lượng tích cực cho chính mình. Bên cạnh sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, họ coi trọng sức khỏe, tinh thần, niềm vui, đồng thời biết tự loại bỏ những thói quen lười biếng, trì hoãn ra khỏi cuộc sống. Bởi thế, họ luôn được mọi người tin tưởng, tôn trọng và yêu mến.
Nghiêm khắc và rèn cho mình tính kỷ luật, đồng nghĩa chúng ta đang tự hoàn thiện bản thân mình. Kỷ luật là sức mạnh nên “Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”. Trong bài thơ Nghe tiếng giã gạo, Bác Hồ đã viết “Gạo mang vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/ Sống ở trên đời, người cũng vậy/ Gian nan, rèn luyện mới thành công”. Có thể thấy, kỷ luật là chìa khóa, là thước đo mang đến thành công cho mỗi người trong cuộc sống.
Kỷ luật là tốt nhưng nhiều người vẫn không hoặc chưa nhận ra được sức mạnh của đức tính tốt đẹp này. Người lười biếng, không tuân theo giờ giấc cụ thể: đi họp trễ, bỏ làm việc, hoặc giờ này việc nọ. Người sống tự do, tùy tiện, không có lý tưởng, hoài bão. Không có tính kỷ luật, họ sẽ rơi vào thế bị động, lúng túng, hụt hẫng. Đúng như Lou Holtz đã nói “Không có kỷ luật tự giác thì thành công là điều không thể”.
Điều quyết định thành bại của mỗi con người trong cuộc sống chính là tính kỷ luật. Vì vậy, kỷ luật là sức mạnh.
LÊ THỊ XUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025