Tấm lòng thơm thảo của cựu chiến binh

Mặc dù đã 77 tuổi, nhưng suốt nhiều năm qua, Cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4, Nguyễn Văn Tỷ (Chín Tỷ), ở ấp 6, xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), luôn tiên phong, gương mẫu trong phong trào thiện nguyện tại địa phương.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tỷ chăm sóc, cắt tỉa hàng cây trên tuyến đường ở ấp 6 (xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy), góp phần diện mạo nông thôn xã Vĩnh Trung thêm khởi sắc

 

Ông Chín cho biết sau khi xuất ngũ về địa phương, ông công tác tại xã Vĩnh Trung. Đến năm 1995, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Trong suốt những năm gắn bó công tác, ông Chín Tỷ đã nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, sự quý mến của người dân bởi tấm lòng rộng mở, từ tâm và sự nhiệt tình hiếm có. Nhờ vậy, ông đã làm cầu nối giúp đỡ rất nhiều trường hợp khó khăn của xã, họ được tham gia các chương trình mổ tim miễn phí, hỗ trợ vốn và có trên 40 hộ được cất hoặc sửa nhà tình thương.

Dù đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng thấy địa phương có nhiều người bị bệnh tim không có tiền chữa trị, người khuyết tật có nghề nhưng không có vốn phát triển nên ông giới thiệu cho họ tham gia các chương trình Khát vọng sống, Thần tài gõ cửa, Trái tim nhân ái...của các Đài truyền hình trong khu vực.

Theo đó, xã có 1 gia đình tham gia chương trình “Khát vọng sống” tại Hậu Giang; 2 người khuyết tật tham gia chương trình “Thần tài gõ cửa”; 2 người tham gia chương trình “Trái tim nhân ái”. Mỗi trường hợp sau khi tham gia đều nhận được hỗ trợ từ khoảng 40 – 100 triệu đồng.

Ông Chín Tỷ nói: “Khi nghe, thấy được hoàn cảnh khó khăn của dân thì phải trực tiếp tìm hiểu; phải biết dân đang cần gì mà giúp đỡ”.

Dẫn chúng tôi đến nhà chị Đào Thị Hà, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy) cách nhà hơn cây số khi biết chúng tôi muốn gặp lại một số nhân vật mà ông Chín Tỷ đã từng giúp đỡ. Trong ngôi nhà tình thương được ông Chín Tỷ và Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Trung vận động mạnh thường quân hỗ trợ, chị Hà xúc động khi nhắc về ân tình của ông Chín Tỷ dành cho. Không chỉ nhà, ông còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng cho đứa con của chị đi học suốt 3 năm liền; rồi hỗ trợ máy may để chị Hà có sinh kế. Nhờ vậy mà chị mới có đủ sức nuôi 2 đứa con bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1 đứa dù đã 18 tuổi nhưng vẫn như 1 đứa trẻ lên 5.

Những năm gần đây, ông tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, thường xuyên đi vận động kinh phí hỗ trợ địa phương sửa đường, bắc cầu…Ông Chín Tỷ cho biết: “Do mình làm đâu ra đó đàng hoàng nên người ta tin tưởng, xin dễ lắm!”. Ngoài làm công tác xã hội, thiện nguyện, ông Chín Tỷ còn cùng với Chi hội Cựu Chiến binh ấp 6 vận động người dân trồng hoa kiểng xây dựng tuyến đường đẹp.

Trên con đường thẳng tắp vào ấp 6 (xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy), không khỏi bắt gặp hình ảnh hàng cây cảnh dọc hai bên đường; chúng được chăm tỉa khéo léo, mang trong mình sức sống mới điểm tô thêm cho quê hương cách mạng. Ít ai biết được, để có được những hàng cây đẹp như vậy là nhờ có sự góp sức không nhỏ của Câu lạc bộ Hoa kiểng xã Vĩnh Trung, đặc biệt qua bàn tay khéo léo của ông Chín Tỷ, Chi hội phó Câu lạc bộ Hoa kiểng xã Vĩnh Trung.

Ông Chín Tỷ thăm hỏi chị Đào Thị Hà ở ấp 6, xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy) và nắm tình hình cuộc sống những hộ mình giúp đỡ

 

Làm điều tốt đẹp ấy, theo ông, xuất phát từ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn mong muốn góp sức xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp. Là người lính trở về đời thường, ông Nguyễn Văn Tỷ luôn nhớ về ngày tháng hào hùng.

Ông Chín Tỷ chia sẻ: “Làm bất kỳ việc gì, nhất là liên quan công tác vận động cần có sự phối hợp nhiều phía. Thường khi làm việc gì tôi cũng đều báo cáo với Đảng ủy, UBND xã rồi kết hợp với các đoàn thể. Khi vận động nhân dân phải làm sao để dân thấy việc mình làm là đúng đắn và công tác dân vận không phải để mình làm mà là làm cho dân cùng làm”.

Vì sao chú Chín tận tâm, tận lực với việc làm thiện nguyện?. Ông Chín Tỷ nói: “Trong chiến tranh, cũng nhờ ơn của nhân dân che chở, dân đùm bọc, của Đảng và Nhà nước nên tôi mới sống được cho tới hôm nay, cho nên việc gì giúp cho dân, cho nước được thì tôi làm, không suy nghĩ thiệt hơn”.

Chia tay ông, tôi vẫn nhớ mãi lời bộc bạch: “Giờ cầu, đường trong xã khang trang hết rồi, gạo thì Mạnh Thường Quân cho hộ nghèo thường xuyên; chú chỉ ước mình còn khỏe để làm cầu nối vận động các nhà hảo tâm làm cái gì đó xem như là sinh kế để bà con nghèo có được “cần câu” tự lo cho cuộc sống. Không được như vậy lại thấy không yên trong lòng!”.

Suốt thời gian làm công tác thiện nguyện, Ông Chín Tỷ đã nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ; Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh; và nhiều bằng khen và kỷ niệm chương cao quý khác.

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;