Chu Văn An (1292 – 1370), tên thật là Chu An, quê thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, Hà Nội). Ngay từ khi còn bé, Chu Văn An đã nổi tiếng là một người cương trực, biết giữ mình trong sạch, tiết tháo, không cầu danh lợi. Ông thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Điểm nổi bật trong công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của ông là việc sáng lập trường học trong nhân dân và đã đạt được rất nhiều kết quả tốt. Uy tín của ông vang dội, được cả nước biết đến, có cả học trò từ Kinh Bắc, Sơn Nam, Châu Hồng, Châu Hoan đến học chật cửa. Có người đỗ đạt cao như Lê Quát đỗ Tiến sĩ đời Trần Dụ Tông và Phạm Sư Mạnh đỗ Tiến sĩ đời Trần Minh Tông, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, tức Tể tướng… và đã trở thành cái mốc quan trọng trong lịch trình tiến hóa nền giáo dục của nước ta.
Thầy Chu Văn An là người học rộng, biết nhiều nhưng không tham công danh, phú quý, ông dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp giáo dục. Ông giáo dục học sinh bằng cái tâm của mình với tấm lòng yêu thương học sinh bẳng cả trái tim nhiệt huyết để truyền đạt đến từng học trò. Đức độ, tài năng của ông vang tiếng khắp gần xa, bởi thế nến đến đời vua Trần Minh Tông, ông được mời vào làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta. Ở đây ông đã dạy học cho thái tử Trần Vượng, đồng thời ông còn chăm lo việc mở mang Quốc Tử Giám. Ông cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, tham gia việc củng cố triều đình lúc đang khủng hoảng và suy thoái. Ông đã nhiều lần can ngăn Dụ Tông mà không được. Sau ôngi bỏ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, thuộc Kiệt Đắc, huyện Chí Linh, Hải Dương. Mặc dù ông về ở ẩn nhưng học trò tìm đến học ông không hề giảm, thế mới biết tầm ảnh hưởng của ông vô cùng lớn. Ngoài việc dạy học, ông còn tìm và trồng cây thuốc nam, nghiên cứu y học để chữa bệnh cho nhân dân, làm thơ, viết sách. Thầy giáo Chu Văn An là một ẩn sĩ sống thanh cao, không vướng tham, sân, si ở đời, là một nhà sư phạm gương mẫu một thầy giáo đức cao, vọng trọng, suốt cuộc đời của mình ông không lúc nào sao nhãng sự nghiệp giáo dục. Dù là lúc làm thầy giáo ở quê nhà, hay làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, ông đều dốc tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Sau khi ông mất, Vua Nghệ Tông đã sai quan đến tế lễ ban tặng tên Chu Văn Trinh nhằm biểu dương một con người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức, đó là bên ngoài thuần nhã hiền hòa, bên trong chính trực, kiên định. Sự nghiệp và cuộc đời của thầy giáo Chu Văn An có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi tầng lớp trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức Việt Nam. Một nhà giáo kết tinh truyền thống văn hóa giáo dục và tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Người ta đánh giá nhà giáo Chu Văn An là “Sao Bắc Đẩu”, là “Sao Khuê” mãi mãi chiếu sáng. Đúng như lời nhận xét của nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú khi nói về ông: “Làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời”.
Thời gian đã trôi qua hơn 600 năm nhưng những gì mà nhà giáo Chu Văn An để lại cho hậu thế là một nhà giáo mẫu mực về nhân cách và về cả khí phách. Ông đã để lại tấm gương sáng cho muôn thế hệ mai sau.
HOÀNG BÍCH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024