Chan hòa là một biểu hiện tình cảm, một cách sống vui vẻ, hòa đồng không xa lạ, cách biệt với người khác. Sống chan hòa là biết rung động, thấu cảm, yêu thương, giúp đỡ mọi người; sẵn sàng tham gia và tham gia tích cực vào các hoạt động chung của tập thể, cộng đồng. Người sống chan hòa luôn gần gũi, cởi mở, chào hỏi mọi người. Họ luôn biết chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ người khác. Một trong những tấm gương tiêu biểu nhất cho lối sống chan hòa, phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, dù cương vị là Chủ tịch nước nhưng đi đâu, làm gì, với ai, Bác cũng đều sâu sát, gần gũi, chan hòa, không bao giờ tự tách biệt mình kể cả trong sinh hoạt lẫn trong công tác.
Ảnh minh họa
Chan hòa là lối sống tốt đẹp thể hiện phẩm chất cao quý mà mỗi người cần hướng tới. Lối sống chan hòa giúp mỗi người tự điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của bản thân sao cho phù hợp với cộng đồng. Mỗi cá nhân không thể nào có cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc nếu như tách mình ra khỏi tập thể. Vì vậy, dù ở bất kỳ môi trường, phạm vi, mối quan hệ nào, lối sống chan hòa cũng cần thiết được lan tỏa để xây dựng và kết nối mối quan hệ tập thể thêm bền chặt.
Trong phạm vi gia đình, sống chan hòa là thước đo của hạnh phúc. Điều này được thể hiện qua sự tôn trọng, nhường nhịn, yêu thương, sẻ chia giữa nhiều thế hệ khác nhau cùng chung sống dưới một mái nhà. Với ông bà, cha mẹ thì quan tâm, hỏi han, trò chuyện. Với anh chị em thì đùm bọc, đoàn kết, nâng đỡ lẫn nhau. Khi mỗi người biết sống và nghĩ cho mọi người, tất yếu mọi người cũng sẽ sống và nghĩ cho mình. Gia đình vì thế sẽ luôn thuận hòa, ấm áp, an vui.
Ngoài xã hội, chan hòa là cầu nối để mỗi người nhận lại sự yêu thương, tin tưởng, đồng thời gắn kết tình người nhằm tạo dựng một xã hội văn minh, giàu tình người. Chỉ cần một cử chỉ, lời nói bình dị: mời ngồi hoặc hỏi thăm, giúp đỡ ai đó; chỉ cần một hành động chung tay, hòa mình tham gia vào hoạt động phong trào chung của tập thể, chúng ta cũng sẽ khiến mọi người trân trọng, yêu mến và nể phục. Thực hành lối sống chan hòa giúp mỗi người nhận lại sự bình an và hạnh phúc, giúp xã hội trở nên nhân văn, tốt đẹp.
Trong tình yêu, tình bạn, đồng nghiệp hay bất kỳ mối quan hệ nào khác,… lối sống chan hòa cũng đều quan trọng và cần thiết. Không phải chỉ có tình yêu mới cần sự chan hòa. Cũng không phải bạn bè hay đồng nghiệp mới cần sống chan hòa. Mối quan hệ nào cũng cần sự gần gũi, nhường nhịn, tương trợ, thấu hiểu, bao dung,… giữa người với người. Bởi khi sống trong tập thể, chúng ta không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho những người xung quanh. Khi chúng ta sống vì nhau, cho nhau thì hạnh phúc mới được sinh ra, mới thực sự ý nghĩa.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều người sống vô tâm, ích kỉ, vô cảm trước nỗi đau, bất hạnh của mọi người. Họ chỉ biết nghĩ cho lợi ích của bản thân mình. Có nhiều người lại chọn cách sống khép mình, ít giao lưu, ít quan tâm đến người khác. Họ không tham gia vào các hoạt động tập thể, hoặc nếu có tham gia thì miễn cưỡng hoặc thẳng thừng né tránh, tìm cách từ chối. Họ ngại va chạm, ngại góp ý vì sợ mất lòng người khác. Thiết nghĩ, chẳng ai có một cuộc đời ý nghĩa khi chỉ sống một mình. Vậy nên, nếu chúng ta không sống chan hòa, cuộc đời sẽ tẻ nhạt, vô vị và chẳng còn gì ý nghĩa.
Mỗi người chỉ sống một lần trong đời. Vì vậy, hãy thực hành lối sống chan hòa. Hãy đem sự tử tế, chân thành đối đãi với mọi người, với cuộc sống, chắc chắc bạn sẽ hạnh phúc và sống một cuộc đời ý nghĩa.
LÊ THỊ XUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024