Bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội hiện nay

Bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị, nhằm trang bị tri thức, bồi dưỡng tình cảm; xây dựng thái độ, hành vi đúng đắn; giúp mỗi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội là một bộ phận trong tổ chức biên chế, được tuyển chọn, tuyển dụng và đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp. Những năm qua, trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò của ý thức pháp luật trong hoàn thành nhiệm vụ của mỗi quân nhân nói chung, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng nói riêng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị ở các nhà trường quân đội đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, vận dụng khá linh hoạt các hình thức, phương pháp bồi dưỡng ý thức pháp luật cho họ. Vì vậy, hệ thống tri thức, hiểu biết về pháp luật, thái độ, trách nhiệm, hành vi pháp luật và kỷ luật quân đội của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội không ngừng được nâng lên, góp phần xây dựng các nhà trường chính quy, mẫu mực, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở một số nhà trường quân đội vẫn còn những hạn chế nhất định, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội, thậm chí là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của các nhà trường quân đội trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản:

Một là, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, có vị trí và ý nghĩa quyết định đến kết quả bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ chủ trì các cấp ở các nhà trường quân đội cần có nhận thức sâu sắc về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như phương hướng xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trên cơ sở đó, giáo dục cho các tổ chức, lực lượng trong cơ quan, đơn vị nhận rõ sự cần thiết và phân rõ trách nhiệm trong bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung bồi dưỡng ý thức pháp luật phù hợp với từng từng đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Ý thức pháp luật được cấu thành bởi các yếu tố: tri thức, tình cảm, niềm tin, do vậy, nội dung bồi dưỡng phải đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển các yếu tố cấu thành; đặc biệt, coi trọng trang bị và nâng cao tri thức pháp luật, khơi dậy sự giác ngộ và tình cảm tốt đẹp của quân nhân đối với pháp luật. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, người chỉ huy cùng cơ quan chuyên trách các cấp ở các nhà trường quân đội phải luôn bám sát vào nội dung các văn bản, chỉ thị và hướng dẫn của cơ quan cấp trên về pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; căn cứ vào đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ đơn vị để xác định nội dung bồi dưỡng cho phù hợp. Cần chú trọng đến các nội dung có liên quan đến quốc phòng, an ninh, hoạt động quân sự; các văn bản liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ công dân nói chung và quân nhân nói riêng, nhằm giúp đỡ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và góp phần xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Ba là, kết hợp nhiều hình thức, phương pháp bồi dưỡng ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng phù hợp, dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Ngoài việc bồi dưỡng pháp luật theo chương trình, kế hoạch hằng năm của cơ quan chính trị, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cùng cán bộ cơ quan chuyên trách ở các nhà trường quân đội còn cần phải thường xuyên lồng ghép bồi dưỡng ý thức pháp luật với các hình thức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về pháp luật; giữ nghiêm kỷ luật trong các ngày nghỉ cuối tuần, hoạt động dã ngoại và hoạt động ngoại khóa; tổ chức các hoạt động thi đua đột kích trong các tháng cao điểm về chấp hành pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật theo từng chủ đề một cách sinh động; ngoài ra phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đọc báo, nghe đài, xem truyền hình về các chuyên mục tìm hiểu, giải đáp pháp luật…

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kết hợp quản lý, duy trì thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ luật ở các nhà trường quân đội. Để nâng cao ý thức pháp luật cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội đòi hỏi bên cạnh giáo dục nhận thức, trách nhiệm thì cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác quản lý, duy trì thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội và chế độ quy định tại các nhà trường. Hoạt động này cần xác định những nội dung, yêu cầu và cách thức thực hiện cụ thể, sâu sát nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đề xuất phương hướng, biện pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Năm là, coi trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các nhà trường quân đội trong tự học tập, bồi dưỡng ý thức pháp luật. Nhằm phát huy vai trò tích cực, tự giác của mỗi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong tự học tập, bồi dưỡng ý thức pháp luật đòi hỏi cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong nhà trường quân đội cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục chính trị - tư tưởng với duy trì nghiêm kỷ luật; giữa giáo dục thuyết phục với các biện pháp hành chính và hướng dẫn hành động để tích cực hóa hoạt động tự học tập, nghiên cứu về pháp luật của họ. Mặt khác, mỗi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng cần luôn nỗ lực tự giác cao trong lựa chọn nội dung, xác định cho mình hình thức, biện pháp học tập, nghiên cứu về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.

Tác giả: Đoàn Hồng Duẩn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;