Những thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh từ năm 1804 đến trước năm 1974

    1. Không gian đô thị Vinh dưới thời quân chủ (1804 -1884)

    Trong chuyến Bắc tuần lần thứ nhất vào năm 1803, hoàng đế Gia Long quyết định chuyển dời lỵ sở trấn Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên và Yên Trường, thuộc huyện Chân Lộc (tức thành phố Vinh ngày nay). Quốc sử quán triều Nguyễn, khi biên soạn Đại Nam nhất thống chí, phần Nghệ An tỉnh, mục Thành trì, cho biết: “Thành tỉnh Nghệ An ở địa phận hai xã Yên Trường và Vĩnh Yên, huyện Chân Lộc, chu vi 603 trượng, cao 1 trượng 1 thước 5 tấc, mở ba cửa, hào rộng 7 trượng, sâu 8 thước. Đời Lê, lỵ sở Thừa ty và Hiến ty ở huyện Hưng Nguyên gọi là Lam Thành (vì ở đó có rú thành và sông Lam), lỵ sở trấn thủ ở huyện Kỳ Anh gọi là Dinh Cầu, sau dời đến xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc. Bản triều năm Gia Long thứ 3 dời đến chỗ hiện nay và đắp thành bằng đất; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi xây đá ong” (1).

    Công cuộc chuyển dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên và Yên Trường, được thực hiện vào tháng 5-1804. Chỉ trong một thời gian ngắn, một tòa thành đắp bằng đất có hào bao quanh để bảo vệ cùng với nhà cửa dựng tạm bằng tranh, tre, nứa lá dành cho Tổng đốc và bộ máy quan lại dưới quyền đã hoàn thành. Công cuộc chuyển dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên và Yên Trường kéo theo sự chuyển dời phần lớn thương nhân ở Phù Thạch (nay thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) về định cư, buôn bán tại phía Đông Nam trấn thành.

     Nhằm bảo vệ cho trấn thành Nghệ An trước mọi nguy cơ từ lực lượng khởi nghĩa nông dân ở lưu vực sông Lam và những lực lượng đối địch khác, ngay từ khi chuyển dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên và Yên Trường, ngoài lực lượng quân đội chốt giữ ngay tại trấn thành Nghệ An, nhà Nguyễn còn huy động quân đội để Tổng đốc Nghệ An tăng cường lực lượng đồn trú tại cảng sông Bến Thủy và lực lượng bộ binh đóng tại núi Dũng Quyết.

    Như vậy, ngay từ đầu TK XIX, không gian đô thị Vinh đã bao gồm hai phần là nội thành và ngoại thành, giống như cấu trúc của các trấn, tỉnh thành khác. Ngay cả khi cuộc cải cách hành chính triệt để được hoàng đế Minh Mạng thực thi trên toàn bộ lãnh thổ nước ta (1830 - 1832), tòa thành bằng đất xây đắp từ thời Gia Long được thay thế bằng tòa thành hết sức kiên cố và vững chãi với nguyên liệu chính là đá ong từ làng Thành (nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn), đá sò phủ Diễn… dinh thự, nhà cửa làm việc của quan lại, kho tàng trong tòa thành được xây dựng kiên cố, nguy nga, không gian đô thị Vinh cũng không có những thay đổi đáng kể (2).

 

Một đường phố ở Vinh đầu TK XX - Ảnh tư liệu

    Rõ ràng, từ năm 1804 đến năm 1884, mặc dù được các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức chọn làm lỵ sở của trấn (1804 - 1831), tỉnh Nghệ An (1832 - 1884), nhưng không gian đô thị, kiến trúc, dân cư… ở Vinh không có nhiều thay đổi và có nhiều nét tương đồng so với các đô thị khác trên lãnh thổ của vương quốc Đại Nam. Trấn thành/tỉnh thành Nghệ An bị lọt thỏm giữa biển làng xã ở trung du đồng bằng, bản mường ở các châu phủ, có diện tích Đông, Tây, Nam, Bắc đều cách nhau 500 dặm, theo ghi chép của Bùi Dương Lịch trong sách Nghệ An ký. Yếu tố địa chính trị - quân sự lấn át yếu tố địa đô thị và trấn thành/tỉnh thành Nghệ An không đủ khả năng làm thay đổi đời sống kinh tế cũng như trật tự xã hội vốn tồn tại từ nhiều thế kỷ trước ở lưu vực sông Lam là: sĩ, nông, công, thương.

    2. Không gian đô thị Vinh từ 1885 - 1945

    Ngày 20-7-1885, thương biện tỉnh vụ Nghệ An là Võ Trọng Bình đã mở cổng thành Nghệ An dâng cho Pháp, chấm dứt chặng đường hình thành và phát triển của đô thị Vinh dưới thời nhà Nguyễn. Trên thực tế, từ năm 1885 đến năm 1896, mặc dù lỵ sở Nghệ An đã nằm dưới sự cai quản trực tiếp của chính quyền thuộc địa, song sự thay đổi về mặt không gian đô thị ở Vinh chưa rõ nét. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đó là chính quyền thuộc địa phải huy động toàn bộ binh lực để dập tắt phong trào Cần Vương chống Pháp diễn ra khắp các huyện, phủ từ đồng bằng trung du đến miền núi thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

    Khi chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa thực thi chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914), lần thứ hai (1919 - 1929), các công ty tư bản Pháp ồ ạt đổ vốn đầu tư vào độc chiếm cảng Bến Thủy, xây dựng nhà máy cưa xẻ gỗ và sản xuất diêm ngay tại Bến Thủy để cung cấp cho thị trường Đông Dương và xuất khẩu đi nhiều nước thuộc địa của Pháp; xây dựng Nhà máy sửa chữa đầu máy toa xe lửa Trường Thi, tuyến đường sắt nối Vinh - Hà Nội, đường số 8 nối Vinh - Bến Thủy với Hà Tĩnh sang tận Viên Chăn… Dáng vóc của một đô thị hiện đại theo kiểu châu Âu từng bước được hình thành ngay tại địa bàn thành phố Vinh ngày nay.

    Ngày 12-7-1899, vượt ra ngoài mong đợi của các đại thần trong Cơ mật viện của triều đình Huế, vua Thành Thái đã ban hành Đạo dụ thành lập 6 trung tâm đô thị (Centre Urbaines) ở Trung kỳ là: Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết với nguồn ngân sách riêng. Đạo dụ này khẳng định rõ, giới hạn của các trung tâm đô thị ở Trung kỳ sẽ do Khâm sứ Trung kỳ quyết định. Sau đó, Khâm sứ Trung kỳ chính thức phê duyệt Đạo dụ của của vua Thành Thái, hợp thức hóa về mặt pháp lý sự ra đời của 6 trung tâm đô thị ở Trung kỳ. Sự ra đời của trung tâm đô thị Vinh tạo bàn đạp hết sức thuận lợi để các công ty tư bản Pháp đổ vốn vào vùng Vinh - Bến Thủy - Trường Thi, nhanh chóng biến vùng đất này trở thành một trong những đầu mối giao thông vận tải - thương mại - công nghiệp tập trung, quy mô lớn bậc nhất ở Trung kỳ và cả vùng Trung Lào trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Diện mạo đô thị Vinh có nhiều thay đổi cả về cơ sở hạ tầng, kiến trúc đô thị, dân cư, kinh tế, văn hóa, xã hội… nhất là sự hình thành 2 trung tâm đô thị mới: Trung tâm đô thị Bến Thủy, vào ngày 11-3-1914, bởi Đạo dụ của vua Duy Tân và Trung tâm đô thị Trường Thi, vào ngày 18-2-1916, bởi Đạo dụ của vua Khải Định, được toàn quyền Đông Dương chuẩn y vào ngày 18-12-1917.

    Cả 3 trung tâm đô thị này đều nằm dưới quyền quản lý, điều hành trực tiếp của công sứ Nghệ An chứ không thành lập Hội đồng quản lý đô thị riêng biệt. Việc song song tồn tại 3 trung tâm đô thị với những đặc trưng khá nổi bật: Trung tâm đô thị Vinh thiên về chức năng địa chính trị, quân sự, hành chính, văn hóa, giáo dục. Đô thị Trường Thi thu hút hàng ngàn công nhân làm việc tại 4 phân xưởng của nhà máy sửa chữa đầu máy toa xe lửa lớn nhất Đông Dương. Trung tâm đô thị Bến Thủy trở thành thương cảng xuất nhập khẩu hàng hóa có tổng sản lượng hàng hóa qua cảng mỗi năm đứng thứ hai ở Trung kỳ (chỉ sau cảng biển Đà Nẵng). Đây cũng là nơi đóng trụ sở của Công ty Rừng và Diêm Đông Dương, cũng như nhà máy cưa xẻ gỗ, sản xuất diêm có công suất và sản lượng lớn nhất ở nước ta thời thuộc Pháp.

    Quan trọng và rõ nét nhất chính là sự thay đổi về thành phần dân cư trên địa bàn các trung tâm đô thị Vinh, Bến Thủy, Trường Thi. Ngay cả lực lượng nông dân làng xã ở Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ, An Trường, Phan Xá, Yên Lưu… không còn tập trung vào việc đồng áng như trước mà có thể trở thành những người lao động tự do hay những người buôn bán nhỏ, phu khuân vác, phu kéo xe… Bên cạnh hàng ngàn công nhân, tầng lớp trí thức Tây học và tầng lớp tiểu tư sản người Việt từng bước được hình thành. Chính sự thay đổi cả về không gian đô thị theo chiều rộng và chiều sâu cũng như về cơ cấu ngành nghề kinh tế, kiến trúc đô thị, dân cư, văn hóa… là nhân tố quyết định dẫn tới sự ra đời của thành phố Vinh - Bến Thủy vào năm 1927.

     Ngày 10-12-1927, toàn quyền Đông Dương Mông-ghi-giô ký Nghị định sáp nhập 3 trung tâm đô thị Vinh, Bến Thủy, Trường Thi, thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy với diện tích 20km2 và 2 vạn dân nội thành. Quản lý thành phố Vinh - Bến Thủy là một hội đồng thành phố (Conseil Municipal) gồm: Công sứ Nghệ An, Phó sứ, Tổng đốc An Tĩnh và 4 ủy viên người Pháp cùng một số ủy viên người Việt phụ trách các công việc cụ thể về trật tự, trị an, thuế… Công sứ Nghệ An kiêm luôn cả chức Chủ tịch hội đồng thành phố Vinh - Bến Thủy và Thị trưởng thành phố (3). Điều đặc biệt là phải đến ngày 18-1-1930, toàn quyền Đông Dương Pat-xki-ê, mới ban hành một nghị định phân chia thành phố Vinh - Bến Thủy thành 10 khu phố, đặt tên từ phố đệ nhất cho đến phố đệ thập, các khu phố này tồn tại cho đến trước khi toàn quốc kháng chiến.

     Hai mốc lịch sử quan trọng đó khẳng định không gian đô thị Vinh - Bến Thủy không chỉ được mở rộng về mặt địa giới hành chính bởi Đạo dụ của các vị vua nhà Nguyễn hay các Nghị định của toàn quyền Đông Dương mà điều quan trọng hơn cả chính là sự thay đổi về cơ cấu kinh tế ngành nghề, dân cư, kiến trúc đô thị, cách quản lý, điều hành, văn hóa, giáo dục, y tế… trên địa bàn thành phố. Hai yếu tố: thành - thị phát triển song song, đồng thời, nhưng yếu tố thị lấn át yếu tố thành. Tính chất địa đô thị phát triển nhanh, mạnh sớm đưa thành phố Vinh - Bến Thủy trở thành một trong những thành phố công nghiệp - thương mại - tài chính và là một trung tâm đầu mối giao thông vận tải có quy mô lớn, hiện đại bậc nhất ở Trung kỳ và Lào.

     3. Không gian đô thị Vinh từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước năm 1974

     Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Nhưng chỉ 5 tháng sau đó, hàng chục triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, đã xóa bỏ mọi gông xiềng nô lệ, giành chính quyền về tay mình. Công cuộc chuẩn bị và tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Vinh - Bến Thủy diễn ra nhanh chóng, không đổ máu. Ngày 24-1-1946, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra sắc lệnh số 2 với nội dung: “Cho đến khi có lệnh mới, các thành phố Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng đều tạm coi là thị xã”. Tên gọi thành phố Vinh - Bến Thủy không còn, nhưng sắc lệnh này không dẫn đến việc thay đổi địa giới hành chính của thị xã Vinh so với thành phố Vinh - Bến Thủy trước đó. Nhưng khi Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung, thị xã Vinh nói riêng thực hiện triệt để lệnh: “Tiêu thổ để kháng chiến”, tình hình hoàn toàn đổi khác. Chỉ trong vòng 5 tháng thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, có hàng nghìn ngôi nhà, cùng toàn bộ máy móc thiết bị đã được tháo dỡ, vận chuyển lên các huyện Nam Đàn, Thanh Chương… Toàn bộ dân cư sống trong nội thành cũng tản cư về các huyện trung du miền núi trong tỉnh, chỉ còn lại lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bám trụ trên địa bàn thị xã Vinh (4).

     Từ năm 1952 - 1953, mặc dù Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An chưa có chủ trương nhưng nhiều gia đình ở thị xã Vinh đi tản cư ở các huyện trong tỉnh đã trở về dựng nhà cửa, khai phá đất đai, từng bước ổn định cuộc sống trên địa bàn thành phố. Từ năm 1954 - 1960, công cuộc tái thiết lại thị xã Vinh được tiến hành với những nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung, thị xã Vinh nói riêng. Kết quả là diện mạo đô thị Vinh có nhiều khởi sắc với sự hiện diện của nhà máy điện Vinh, Trường Đại học Sư phạm Vinh, bệnh viện, công sở, trường học, sân vận động trung tâm, chợ Vinh…

     Theo đó, không gian thành phố Vinh được mở rộng cả về phía Tây Bắc, phía Bắc và phía Đông. Cảng sông Bến Thủy, nhà máy điện Vinh, nhà máy xi măng Cầu Đước, nhà máy gỗ Vinh, nhà máy xay xát lúa gạo Vinh… cùng nhiều nhà máy, cửa hàng hợp tác xã mua bán, cửa hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa… lần lượt được xây dựng. Vinh nhanh chóng vươn mình trở thành một trong những thành phố công - thương nghiệp, đầu mối giao thông vận tải quy mô lớn, tập trung của hậu phương miền Bắc. Nhưng, từ ngày 5-8-1964 cho đến ngày 29-12-1972, thành phố Vinh trở thành một trong những mục tiêu đánh phá mang tính hủy diệt của không quân và hải quân Mỹ. Tất cả những thành tựu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… trong công cuộc tái thiết, xây dựng thị xã Vinh của Đảng bộ, nhân dân thành phố Vinh đều bị bom đạn Mỹ phá hủy. Thành phố Vinh chỉ còn lại là một đống gạch vụn với hàng vạn hố đạn bom lớn nhỏ. Mãi đến ngày 1-5-1974, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa dân chủ Đức là Đi-tơ Đuêring và trưởng đoàn chuyên gia xây dựng thành phố Vinh chính thức đặt viên gạch đầu tiên để tái thiết lại thành phố từ đổ nát hoang tàn của chiến tranh.

     Không chỉ thay đổi về không gian đô thị mà trong suốt 170 năm hình thành và phát triển (1804 - 1974), tên gọi, kiến trúc, dân cư, kinh tế, văn hóa cho đến vai trò, vị thế của thành phố Vinh đều lần lượt thay đổi. Có những thay đổi ở thành phố Vinh được bắt nguồn từ những nhân tố mang tính đặc thù của địa phương, nhưng cũng không ít thay đổi mang những đặc điểm, tính chất của quá trình đô thị hóa với những hình thái kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau.

_______________

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa - Huế, 1992, tr.146-147.

2. Nguyễn Quang Hồng - Hoàng Văn Lân, Nguyên liệu xây thành Nghệ An dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1840), Tạp chí Thông tin Khoa học - Công nghệ và Môi trường Nghệ An, số 3-4, 1997.

3, 4. Ban chấp hành Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam thành phố Vinh, Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh (1930 - 2005), Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr.12-16.

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Sang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

;