Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển ở tỉnh Khánh Hòa hiện nay

Khánh Hòa nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên: 5.197 km2, có 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện đảo Trường Sa, với 44 xã, phường, thị trấn ven biển; trong đó có 4 xã, 1 phường và 1 thị trấn đảo. Vùng biển Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa - vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của Tổ quốc, là tiềm năng phát triển kinh tế biển của tỉnh, cũng là nơi dễ xảy ra tranh chấp quốc tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định đến tình hình an ninh, chính trị vùng biển, đảo. Vì vậy, xây dựng dân quân tự vệ biển tỉnh Khánh Hòa vững mạnh, rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp bách, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh trên biển trong tình hình hiện nay.

     Dân quân tự vệ biển là một bộ phận của lực lượng dân quân tự vệ, được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và các cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển, là lực lượng vừa lao động sản xuất, phát triển kinh tế biển, vừa có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân khu 5, Luật Dân quân tự vệ, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về dân quân tự vệ. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện công tác dân quân tự vệ sát với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện, khả năng của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ biển.

     Lực lượng dân quân tự vệ biển của tỉnh Khánh Hòa được tổ chức sớm và khá vững chắc trong cả 3 thành phần kinh tế: quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân. Tính đến tháng 6-2018, tỉnh Khánh Hòa có tổng số dân quân tự vệ biển là 637 người (đạt tỷ lệ đạt 0,43% so với tổng số lao động), tổ chức thành 7 trung đội, 42 tiểu đội, trong đó 5 trung đội dân quân biển với 42 tiểu đội, 2 trung đội tự vệ biển. Hằng năm, địa phương đã chủ động nghiên cứu quy luật đánh bắt của ngư dân, lập kế hoạch và tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ biển theo Thông tư số 02/2016TT-BQP ngày 08-01-2016 của Bộ Quốc phòng về quy định chương trình tập huấn, huấn luyện và tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao dân quân tự vệ. Thường xuyên nắm tình hình trên biển, thông báo cho cơ quan chức năng xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản bằng vật liệu nổ trái phép giao cho lực lượng chức năng xử lý, bảo vệ an toàn tài sản, môi trường sản xuất đánh bắt trên biển vùng nội thủy; tổ chức phối hợp với các lực lượng tuần tra trên biển mỗi trung đội 2 đợt/năm, mỗi đợt 5 ngày, góp phần trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển, đảo thuộc địa bàn tỉnh, đồng thời luyện tập sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi được triệu tập. Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ biển được thực hiện theo đúng Luật Dân quân tự vệ, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh về các chế độ, quy định mức trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng dân quân biển bằng hệ số 0,12 nhân với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

     Tuy nhiên, trong xây dựng và hoạt động của dân quân biển tỉnh Khánh Hòa còn gặp nhiều khó khăn như: cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến xây dựng dân quân tự vệ; công tác tuyên truyền chưa thật sâu rộng nên ngư dân, thuyền viên chưa tự nguyện vào lực lượng dân quân tự vệ biển; trình độ văn hóa còn thấp, tuổi đời lớn nên việc tiếp thu kiến thức huấn luyện rất khó khăn, nhất là về công nghệ hiện đại, kiến thức quân sự quốc phòng; số lượng thuyền viên thường xuyên biến động, chuyển đổi tàu liên tục, đánh bắt các ngư trường xa, neo đậu ở các địa phương khác nên rất khó trong kết nạp và tập trung huấn luyện; nhiều địa phương ngư dân chưa tự nguyện vào lực lượng dân quân biển, sợ trách nhiệm, chủ phương tiện thì không muốn ràng buộc bởi các quy phạm, pháp luật; quá trình hoạt động còn lúng túng trong tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng hoạt động trên biển; cơ chế chính sách hỗ trợ còn thấp chưa đáp ứng với điều kiện thực tế khi triệu tập để tham gia huấn luyện, hoạt động. Để đảm bảo cho xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển của tỉnh Khánh Hòa đạt được hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc cần phải thực hiện tốt các giải pháp chính sau đây:

     Một là, quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng dân quân tự vệ biển phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh

     Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), hướng biển có thể sẽ là hướng tiến công chủ yếu của địch. Tỉnh Khánh Hòa có vị trí chiến lược quan trọng, là khu vực trọng yếu án ngữ hướng biển của Quân khu 5, với đặc điểm địa hình trải dài ven biển, trong khi chiều ngang lại hẹp, hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đều nằm trong phạm vi cách bờ biển không xa, nên việc phòng thủ từ hướng biển luôn mang tính chiến lược. Để có chủ trương, giải pháp đúng đắn trong lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, quan điểm về chiến lược biển đến năm 2020 của Đảng và Nhà nước. Xác định chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển phù hợp với thực tiễn của địa phương theo hướng: chú trọng xây dựng dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp, có chất lượng cao, số lượng hợp lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

     Hai là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và nhân dân trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển

     Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ đảng viên, các tổ chức, doanh nghiệp, chiến sĩ dân quân tự vệ và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ biển trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng tại địa phương. Cấp ủy Đảng các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự quốc phòng; Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, chiến lược kinh tế biển và Luật biển của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về chiến lược biển đến năm 2020 và các văn bản của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Dân quân tự vệ; các nội dung cơ bản các hiệp định, hiệp ước, quy chế ứng xử trên biển; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, đặc biệt là tình hình biển Đông, tình hình vùng biển, đảo thuộc quản lý của tỉnh.

Biển Nha Trang - Ảnh: Thanh Hà

     Ba là, làm tốt công tác tuyển chọn, quản lý, huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, chủ quyền biển, đảo của lực lượng dân quân tự vệ biển

     Các tổ chức, lực lượng ở địa phương đặc biệt là Ban chỉ huy quân sự huyện, Hội đồng nghĩa vụ quân sự nắm vững các quy định tiêu chuẩn dân quân tự vệ theo luật định, chỉ tiêu trên giao và tình hình địa phương, xác định rõ trách nhiệm trong quá trình tuyển chọn, đăng ký, quản lý lực lượng dân quân tự vệ biển. Làm tốt việc đăng ký, quản lý, kiểm tra sức khỏe, lệnh tập trung huấn luyện, diễn tập, lệnh tập trung sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, chế độ sinh hoạt dân quân tự vệ biển, lệnh huy động làm nhiệm vụ chiến đấu. Đổi mới công tác tuyển chọn, quản lý lực lượng dân quân tự vệ biển; nắm vững phương châm, mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu huấn luyện quân sự hằng năm, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch huấn luyện. Giữ vững sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy, quản lý điều hành theo pháp luật của chính quyền, sự chỉ huy trực tiếp của Ban Chỉ huy quân sự cơ sở và cơ quan quân sự cấp trên, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Vùng 4 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và các lực lượng nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ tuyến biển, đảo, chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ.

     Bốn là, thường xuyên chăm lo bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ biển

     Chính sách đãi ngộ đối với lực lượng dân quân tự vệ biển cần được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tình hình cụ thể của tỉnh, bảo đảm luôn có mức cao hơn so với thu nhập ngày công lao động phổ thông ở địa bàn. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở cần làm tốt việc quán triệt, giáo dục nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, nhất là Ban Chỉ huy quân sự huyện chỉ đạo thực hiện công tác chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ biển; tranh thủ sự giúp đỡ cơ quan chức năng cấp trên và phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, nhằm thực hiện kịp thời chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ biển. Tổ chức sơ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; kịp thời phản ánh, đề đạt lên cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ biển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

     Tóm lại, xây dựng dân quân tự vệ biển là nội dung cơ bản của công tác quân sự, quốc phòng địa phương, một nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp thiết hiện nay. Trước tình hình yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi các cấp ủy, cơ quan quân sự các cấp và cả hệ thống chính trị tỉnh phải thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp, hoạt động có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tác giả: Phan Thế Hùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

;