Nghệ thuật tập hợp lực lượng toàn xã hội của Đảng thời kỳ 1945-1946

Cấu kết chặt chẽ trong cộng đồng dân cư, đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nét truyền thống đặc sắc của văn hóa người Việt. Đại đoàn kết đã tạo ra sức mạnh to lớn giúp dân tộc Việt Nam trường tồn cùng lịch sử. Vào những hoàn cảnh khác nhau, không hẳn ai cũng có chung một suy nghĩ, một chí hướng; tuy nhiên, “năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay; trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta” (1), đã là con dân đất Việt thì đều thấm đẫm truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết một lòng.

Trong thời kỳ 1945 - 1946, tuy chính quyền đã về tay nhân dân nhưng vận mệnh dân tộc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chưa bao giờ trên đất nước ta lại có nhiều kẻ thù cùng lúc như vậy, “các quân đội nước ngoài từ bốn phương cũng dồn dập kéo tới; bọn ở gần, bọn ở xa; chúng khác nhau về màu da, về tiếng nói nhưng rất giống nhau ở một dã tâm: muốn thôn tính đất nước ta, muốn đẩy chúng ta trở về với cuộc sống nô lệ” (2). Tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc, với quan điểm đem sức ta mà giải phóng cho ta, Đảng ta cùng Hồ Chủ tịch đã đề ra chủ trương tập hợp lực lượng đoàn kết đúng đắn, phù hợp.

Thành công trong tập hợp lực lược toàn dân tộc thời kỳ 1945 - 1946 đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trở thành những kinh nghiệm quý để Đảng vận dụng sáng tạo trong giai đoạn tiếp theo. Có thể khái quát sự đặc sắc trong nghệ thuật tập hợp lực lượng của Đảng trên một số vấn đề cơ bản sau.

Thứ nhất, phát động các phong trào để bồi dưỡng, huy động sức dân cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Thế lực của cách mạng trước hết phải dựa chính vào sức mạnh vật chất, tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân; tuy nhiên, đây là thời kỳ đất nước phải đối mặt với nhiều thử thách hiểm nghèo bởi thù trong, giặc ngoài; đặc biệt là giặc dốt, giặc đói, sự thiếu thốn, kiệt quệ của nền kinh tế. Vì vậy, phát động các phong trào nhằm bồi dưỡng, huy động sức dân nhằm giải quyết các khó khăn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Chính phủ lâm thời.

Để giải quyết nạn đói, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Hồ Chủ tịch đã phát động chiến dịch tăng gia sản xuất. Chính phủ đưa ra khẩu hiệu Tấc đất tấc vàng, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với những diện tích mới được khai hoang, phục hóa; động viên nhân dân tận dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp để xen canh gối vụ, canh tác các loại cây ngắn ngày… Cùng với đó, Đảng, Chính phủ phát động phong trào Hũ gạo cứu đói, Ngày đồng tâm nhịn ăn. Trong thư gửi cho đồng bào toàn quốc kêu gọi chung tay cứu đói, Người viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói” (3). Hồ Chủ tịch luôn cho rằng, người trên phải làm gương để người dưới học theo nên Người gương mẫu thực hiện trước. Nhờ có chính sách đúng, sự gương mẫu, tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đã dấy lên phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách với các hình thức phong phú trong nhân dân.

Đặc biệt, với quyết tâm chính trị cao, Đảng, Chính phủ đã mở chiến dịch Bình dân học vụ để giải quyết nạn mù chữ cho hơn 90% dân số. Hồ Chủ tịch khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” (4). Phong trào bình dân học vụ phát triển khắp ở cả thành thị, nông thôn. Nhân dân khắp nơi không chỉ say sưa học tập mà còn truyền tai nhau về tấm gương tự học của Hồ Chủ tịch để thấy việc học chữ không chỉ để cho mình mà cao hơn là để cùng chấn hưng dân tộc. Chỉ trong một năm, riêng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có hơn 2 triệu người thoát nạn mù chữ.

Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, Đảng, Chính phủ còn phát động toàn thể nhân dân tham gia Tuần lễ vàng, ủng hộ gây Quỹ Độc lập, Quỹ Đảm phụ quốc phòng nhằm huy động sức dân cùng tham gia giải quyết những khó khăn trước mắt. Trong thư gửi cho đồng bào ngày 17-9-1945, Hồ Chủ tịch đã viết: “Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào, cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự tổ quốc” (5). Nhiều cá nhân, tổ chức đã tích cực tham gia đóng góp, chỉ trong một thời gian ngắn, “nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu đồng, 370 kg vàng. Sự hưởng ứng nhiệt liệt, tự nguyện ấy của nhân dân đã góp phần giải quyết những khó khăn về tài chính của đất nước lúc bấy giờ” (6).

Thứ hai, có thái độ đúng, cách hành xử phù hợp với từng giai tầng, từng lực lượng trong xã hội.

Ngay sau khi cách mạng thành công, ngoài vấn đề bồi dưỡng, phát huy sức dân, thì việc tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia kháng chiến kiến quốc là đòi hỏi cấp bách. Vì vậy, ngay khi giành được độc lập, nhất quán quan điểm dân tộc Việt Nam là một, lấy lợi ích quốc gia dân tộc là nét tương đồng, tôn trọng những khác biệt, Đảng đã sớm đề ra chủ trương thực hiện đoàn kết các lực lượng trong Mặt trận Việt Minh.

Trong thư gửi đồng bào nhân dịp Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Hồ Chủ tịch đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xơ đăng hay Banna và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” (7). Với uy tín của Đảng, Hồ Chủ tịch đã tạo ra sức cảm hóa to lớn, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam cùng nhận thức trách nhiệm, đoàn kết, có những đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Nhằm làm thất bại âm mưu của kẻ thù, chia rẽ các tôn giáo bằng những luận điệu sai trái; ngay trong phiên họp đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã đề ra quan điểm về vấn đề tôn giáo: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” (8). Viết trên báo Cứu quốc ngày 15-1-1946, Người cho rằng dù công giáo hay không công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Được lời như mở tấm lòng, số đông giáo dân, các chức sắc, chức việc tôn giáo đã gạt bỏ những thành kiến cũ, đề cao lợi ích của dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp chung của nước nhà.

Thứ ba, có chính sách phù hợp, động viên những nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia đóng góp cho cách mạng.

Trọng dụng người hiền tài, có tâm với nước, với dân là một nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Khi cách mạng Tháng Tám thành công, “nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân” (9). Vì vậy, Đảng đề ra chủ trương: “Cần giới thiệu những vị thân hào có tài, có đức ra ứng cử, cùng đứng chung một quyển sổ quốc gia liên hợp với những người ứng cử của Việt Minh” (10). Bằng sự cởi mở, chân thành mà Đảng, Hồ Chủ tịch đã cảm hóa, trọng dụng được nhiều nhân sĩ, trí thức như Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Giám… Sự tham gia tích cực của những cá nhân nêu trên đã góp phần to lớn cho thành công của sự nghiệp cách mạng.

Không dừng lại ở đó, việc kêu gọi những người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng hướng về đất nước, đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung được Đảng, Hồ Chủ tịch rất quan tâm. Trong thư chúc tết kiều bào nhân dịp năm mới 1946, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổ quốc, Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế” (11). Đặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Người đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào, thông qua đó để bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ nền độc lập, thống nhất cho đất nước, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Uy tín, ảnh hưởng của Hồ Chủ tịch, chính sách đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh đã có tác động to lớn, thu hút nhiều trí thức về nước một lòng tận tâm phục vụ nhân dân như Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa…

Thứ tư, tỏ rõ thái độ chân thành, đoàn kết, bỏ qua những thành kiến để trọng dụng, phát huy vai trò của một số cá nhân trong chính quyền cũ.

Theo Hồ Chủ tịch, muốn cách mạng thành công cần phải xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc; đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc, nhưng phải có lòng khoan dung, độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù là nhỏ nhất ở mỗi con người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Bắc kỳ của Đảng ngày 11-9-1945, về vấn đề chính quyền đã xác định: “Huy động các hạng nhân tài và chính trị phạm ra giúp việc” (12). Đặc biệt, khi đề cập đến vấn đề này, Hồ Chủ tịch cho rằng: “Chỉ sợ lòng mình không rộng, chứ không sợ người ta không theo mình” (13).

Trên tinh thần đó, đối với những quan lại cũ: “Chúng ta không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý” (14). Tư tưởng coi trọng những người có đức, có tài cùng tham gia xây dựng chính quyền cách mạng như ngọn lửa thắp sáng niềm tin cho mọi người dân Việt Nam. Trước hết, phải kể đến sự kiện cựu hoàng Bảo Đại, khi đó là công dân Vĩnh Thụy được mời ra Hà Nội làm cố vấn Chính phủ lâm thời vào tháng 9 - 1945. Rất nhiều trí thức, quan lại trong chế độ cũ đã nhiệt tình tham gia, có đóng góp cho cách mạng như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng… Nhiều cá nhân có uy tín trong xã hội tham gia chính quyền đã xóa đi sự nghi kỵ, lo lắng của những người trong chế độ cũ với thể chế dân chủ; đồng thời, phá tan âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của kẻ thù.

Thứ năm, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, đồng thời cảm hóa, thu phục những người trong hàng ngũ địch về với cách mạng.

Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù vừa là yêu cầu khách quan, vừa là một nghệ thuật chỉ đạo cách mạng; nhằm phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tạo ra sự thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng. Do sớm xác định kẻ thù chủ yếu của cách mạng là thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã đề ra chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng với Tưởng. Chính sách Hoa - Việt thân thiện đã tỏ rõ thiện chí của Việt Nam trong hợp tác với đồng minh; đồng thời, chúng ta còn sử dụng sức mạnh của Tưởng ngăn cản quân Pháp tiến quân ra miền Bắc.

Sau này, khi Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết ở Trùng Khánh ngày 28-2-1946, những mâu thuẫn mới giữa Tưởng và Pháp lại nảy sinh. Đảng đã quyết định chọn giải pháp hòa hoãn, dàn xếp với Pháp, vì “vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước, ngoài nước mà chủ trương cho đúng” (15). Giải pháp này buộc quân Tưởng rút ngay về nước, bảo toàn thực lực. Việc hòa với Tưởng rồi chuyển sang hòa với Pháp thể hiện sự nhạy bén, uyển chuyển trong chỉ đạo chiến lược của Đảng nhằm tận dụng mọi cơ hội, tránh được tình thế bất lợi khi phải đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, không ngừng tăng cường lực lượng cho cách mạng.

Trên thực tế, các tổ chức chính trị phản động như Việt Quốc, Việt Cách… đều do quân Tưởng bảo trợ, có chung mục tiêu chống phá chính quyền cách mạng; Đảng chủ trương chỉ cho quần chúng thấy bọn lãnh tụ các tổ chức đó “chẳng qua là một bọn cơ hội đê hèn vì chúng chỉ biết vâng lệnh nước ngoài và đặt quyền lợi riêng lên trên quyền lợi dân tộc” (16); việc phân hóa, giác ngộ những phần tử trung thực, có tinh thần yêu nước là cốt lõi. Trong nội bộ Việt Cách có sự chia rẽ thành hai phái; trong đó, “phái tiến bộ, yêu nước do Bồ Xuân Luật đứng đầu đã sớm nhận ra chân lý, trách nhiệm quốc gia, nên tìm cách về nước hướng theo ngọn cờ độc lập của Hồ Chí Minh” (17), có đóng góp nhất định trong quá trình xây dựng chế độ mới.

_______________

1, 3, 5, 6, 7, 9, 11, 14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.280, 33, 16, 600, 249, 504, 161, 19.

2. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.42.

4, 8, 10, 12, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.2, 3, 33, 7, 43, 53.

13. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.180.

17. Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Chính phủ Việt Nam, Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.47.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Trường - Phạm Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

;