Chương trình OCOP: Nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề huyện Thanh Trì (Hà Nội)

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018. Với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Sau hơn 4 năm triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút các địa phương chủ động tham gia và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thanh Trì là huyện ngoại thành phía Nam Thủ đô Hà Nội - nơi tập trung các tuyến giao thông huyết mạch và nhiều công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Với tổng diện tích tự nhiên 6.349,11ha và dân số hơn 270.000 người. Vùng đất trù phú, giàu đẹp với địa thế thuận lợi nằm ven sông Hồng, có nền sản xuất nông nghiệp phát triển cùng nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, cung cấp nguồn lương thực dồi dào cho TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, bằng sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người dân, các sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng nơi đây như: dệt Triều Khúc (xã Tân Triều); bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (xã Duyên Hà); miến, bánh đa Phú Diễn (xã Hữu Hòa); nón lá Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng);… cũng được thị trường tiêu thụ đón nhận, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước cả về chất lượng, mẫu mã, số lượng sản phẩm.

Phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương là nguồn sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, huyện Thanh Trì đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, coi đây là mục tiêu chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, trên toàn huyện đã có 58 sản phẩm được đánh giá, phân hạng của 10 chủ thể tham gia, trong đó có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 26 sản phẩm đạt 3 sao; phần lớn thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, điểm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng. Riêng năm 2021, huyện có 9 sản phẩm của 3 chủ thể được đánh giá, phân hạng với 5 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao.

Như vậy, các sản phẩm OCOP của huyện bước đầu đã được thị trường biết đến, đảm bảo uy tín về chất lượng tạo điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản xuất.

Các đại biểu, khách tham quan, gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Thanh Trì tại Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022 - Ảnh: cổng thông tin điện tử huyện Thanh Trì

Phát triển sản phẩm OCOP - huy động mọi nguồn lực

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế - xã hội có bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Nối tiếp thành quả đạt được, huyện Thanh Trì đã tích cực triển khai chương trình OCOP đến các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất), tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm quê hương, gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, khích lệ phong trào khởi nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó góp phần quan trọng thay đổi tư duy, cách làm truyền thống, bồi dưỡng năng lực, ý thức trách nhiệm cho các chủ thể, nhất là các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tập trung vào chiều sâu ý nghĩa, giá trị của chương trình để xây dựng niềm tin, dẫn dắt người dân thực hiện, huyện đã tuyên truyền các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP tới từng cơ sở, HTX; phối hợp với các đơn vị như: Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện… tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ huyện, xã và HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất; hỗ trợ các chủ thể, công ty, HTX thiết kế logo, mẫu mã bao bì, đăng ký nhãn hiệu, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép vào các hội nghị, tờ rơi, pano;… giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện đến toàn thể người dân.

Ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Thanh Trì đã triển khai phổ biến Chương trình OCOP, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, trang trại và các hộ sản xuất rà soát, nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời, chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự Chương trình OCOP, khảo sát các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn đánh giá, phân hạng. Đến nay trên địa bàn huyện đã đăng ký được 80 sản phẩm với 12 chủ thể tham gia chương trình; trong đó năm 2021 là 15 sản phẩm với 3 chủ thể tham gia. Nhờ đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP, thương hiệu sản phẩm của huyện Thanh Trì đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây cũng là cơ hội giúp các HTX, doanh nghiệp phát triển, tạo đầu ra ổn định cho nhiều loại nông sản của địa phương mà các đơn vị đang liên kết sản xuất với nông dân.

Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (xã Yên Mỹ), có 30ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hécta rau, củ, quả của các xã: Đặng Xá (Gia Lâm), Nam Phương Tiến (Chương Mỹ), Duyên Hà (Thanh Trì), Bắc Hồng (Đông Anh). Hiện nay, 7 sản phẩm (bao gồm: su hào, bắp cải, súp lơ, rau muống, cà chua, giá đỗ và đậu phụ) của HTX được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm đều được ký hợp đồng với nhiều siêu thị, công ty chế biến suất ăn công nghiệp,... cung ứng số lượng khoảng 10 tấn rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết nhóm và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với 151 hộ dân. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tiếp tục được duy trì mang lại hiệu quả tối ưu như: trồng rau an toàn ở xã Duyên Hà, xã Yên Mỹ; chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đại Áng; nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hình thức “sông trong ao” tại xã Đại Áng; trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc;...

Hoạt động tại các làng nghề có thêm nhiều khởi sắc, phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm, với 4 làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận (Làng nghề Dệt Triều Khúc xã Tân Triều; Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh xã Đại Áng; Làng nghề bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc xã Duyên Hà; Làng nghề miến dong, bánh đa thôn Phú Diễn xã Hữu Hòa); 1 làng nghề (Làng nghề rượu Ngâu, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp) và 3 làng có nghề (Làng có nghề mây tre đan xã Vạn Phúc; Làng có nghề may mặc Vĩnh Trung, xã Đại Áng; Làng có nghề sản xuất bánh Nội Am, xã Liên Ninh), khẳng định được thương hiệu, đóng góp không nhỏ vào việc gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa làng nghề, đặc biệt tạo ra bộ mặt đô thị mới cho nông thôn giúp người dân không phải ly hương và có thể làm giàu trên chính quê hương mình.

Theo ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: “Việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn Thanh Trì đã được thực hiện khá đồng bộ, bài bản, khoa học. Từ đó, mang lại hiệu quả thực chất, góp phần tạo động lực gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời tạo điều kiện mở rộng và phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh, từng bước thúc đẩy khởi nghiệp ở khu vực nông thôn”.

Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022, kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Thanh Trì - Ảnh: Minh Hằng

Quảng bá, xúc tiến thương mại - mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Xác định OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Thanh Trì đã có nhiều chương trình cụ thể, thiết thực hỗ trợ đẩy mạnh phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua: Hội chợ Xuân, Chương trình bán hàng bình ổn giá, Chương trình Tuần hàng Việt,… để kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá, giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu, vinh danh sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông sản an toàn của địa phương.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì - Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, trong quá trình triển khai, địa phương đã chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Đặc biệt, việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP được huyện rất quan tâm, bởi chỉ khi sản phẩm tiêu thụ tốt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực thì mới thu hút được sự tham gia của các chủ thể.

Năm 2022, huyện Thanh Trì dự kiến kinh phí trên 300 triệu đồng để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm tiềm năng, xây dựng thương hiệu, tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại để kết nối tiêu thụ. Trong 10 tháng đầu năm, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức thành công 4 sự kiện, gồm: Tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản gắn với Hội chợ thương mại, bình ổn giá năm 2022; Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP chào mừng Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA GAMES 31); Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống TP Hà Nội năm 2022”; và Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022 kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Thanh Trì, phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội tổ chức để dịp kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954 - 6/10/2022) và Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các kênh thương mại truyền thống, phối hợp với các sở, ngành tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, tham gia Festival sản phẩm làng nghề, sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền,… huyện cũng nhanh chóng nắm bắt, tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để mở rộng quảng bá. Thiết kế, chuyển giao 3 website làng nghề truyền thống: banhchungbanhdaytranhkhuc.com, miendongthanhtri.com và ruoutruyenthonglangngau.com cho UBND các xã trực tiếp vận hành hoạt động để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Đồng thời duy trì, phát triển số lượng sản phẩm tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản của thành phố tại trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP.

Kết hợp khảo sát tình hình thực tế, trên địa bàn huyện đã lựa chọn xây dựng và khai trương 1 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP (thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp) với không gian gần 200m2. Từ đó, hình thành nên địa điểm tin cậy giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc chất lượng có nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ, được công nhận sản phẩm OCOP, thu hút đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài huyện tìm đến tham quan, mua sắm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Trì dự định mở thêm 3 - 5 điểm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; giúp cho chủ thể, HTX, doanh nghiệp có thêm động lực thúc đẩy sản xuất.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022 - Ảnh: Minh Hằng

Tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra

Sức lan tỏa của chương trình OCOP trên địa bàn huyện Thanh Trì với nhiều thành tựu quan trọng là kết quả từ sự nỗ lực của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các chủ thể trong suốt thời gian qua. Quy mô, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX) dần được kiện toàn và đầu tư, trang bị đã khơi dậy tiềm năng sản phẩm truyền thống, nông sản, dịch vụ có lợi thế tại địa bàn; hình thành các vùng sản xuất trọng điểm; góp phần tái cơ cấu nền kinh tế huyện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, so với tiềm lực, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, làng nghề truyền thống của địa phương, số lượng sản phẩm OCOP được nêu trên vẫn còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm đặc trưng dù đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng nhưng vẫn chưa đăng ký tham gia chương trình. Kiến thức về OCOP của một bộ phận doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất còn hạn chế, lúng túng trước và sau khi tham gia vào OCOP. Trên thực tế còn thiếu cán bộ phụ trách có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu để phổ biến, hướng dẫn các chủ thể kinh tế, HTX, doanh nghiệp ở cơ sở. Công tác xúc tiến thương mại diễn ra nhỏ lẻ, chưa tạo nên điểm nhấn nổi bật làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP...

Đồng hành cùng người dân phát huy kinh tế cộng đồng, từng bước đưa kinh tế khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu và bền vững, cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, huyện Thanh Trì đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 tổ chức đánh giá, xếp hạng 20 - 40 sản phẩm và có từ 20 sản phẩm được thành phố đánh giá, xếp hạng từ 3 - 4 sao; triển khai ít nhất 1 mô hình làng nghề gắn với du lịch;…

Để tháo gỡ khó khăn, tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Trì cần tích cực triển khai, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên, trọng điểm như sau:

Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, thường xuyên phân công cán bộ bám sát địa bàn tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của chương trình OCOP, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố về việc thực hiện, phát triển sản phẩm OCOP để các cơ sở biết tham gia. Trong đó tập trung chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế, chủ trang trại, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, mở rộng tuyên truyền trên các cổng thông tin điện tử huyện, mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...).

Tích cực chỉ đạo, triển khai các nội dung Chương trình OCOP; phối hợp với các đơn vị chức năng của TP Hà Nội để khảo sát, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng OCOP trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ minh chứng để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo kế hoạch; hướng dẫn các chủ thể cải tiến chất lượng, mẫu mã, nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng sao.

Phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới, các đơn vị của thành phố tổ chức thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, bỗi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và các chủ thể, nâng cao năng lực quản lý - quản trị và kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất khi tham gia Chương trình OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ, củng cố phát triển các vùng sản xuất tập trung, các làng nghề truyền thống trên địa bàn; xây dựng, phát triển mở rộng các mô hình sản xuất mới, mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao tham gia Chương trình OCOP. Duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại xã Duyên Hà, xã Yên Mỹ, xã Tứ Hiệp là các xã dự kiến theo Kế hoạch hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do thành phố và Trung ương tổ chức; chủ động và cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cập nhật, nắm bắt thông tin, đăng ký tham gia chương trình.

Cùng với đó, tranh thủ được sự đồng lòng, đồng thuận của các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, kênh bán hàng Online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

MINH HẰNG

;