Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở Bình Giang (Hải Dương): thực trạng và giải pháp

Trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cho văn hóa thẩm thấu vào mọi mặt của đời sống xã hội, từng cá nhân, tập thể và cộng đồng, mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ của con người. Huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có 1 thị trấn và 17 xã; diện tích tự nhiên là 10.478,72 ha; dân số: 117.435 người (số liệu năm 2017). Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa của huyện đã đạt được nhiều thành tích trong xây dựng nếp sống văn hóa và các phong trào văn hóa ở cơ sở, có ý nghĩa đối với việc phát triển đời sống văn hóa của người dân. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xây dựng nếp sống văn hóa và xây dựng các phong trào văn hóa tại địa phương.

1. Quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Bình Giang hiện nay

 Đối với xây dựng nếp sống văn hóa

Về việc cưới: Theo kết quả điều tra trên địa bàn huyện trong những năm qua, trung bình hằng năm có trên 2000 đám cưới được tổ chức, trong đó có đến 98,8% đám cưới được tổ chức theo hình thức tiết kiệm. 100% các làng, khu dân cư trên địa bàn huyện đều đưa việc cưới vào điều khoản quy ước của làng, khu dân cư, đồng thời tuyên truyền để người dân triển khai thực hiện. Trên địa bàn huyện không có trường hợp tảo hôn; nhiều địa phương đã bỏ được tục thách cưới, lễ đen, hút thuốc lá… trong đám cưới. Việc tổ chức ăn uống trong đám cưới đã được hạn chế, tùy theo kinh tế của các gia đình; các đám cưới trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến theo hướng đơn giản, tiết kiệm như: thu hẹp trong nội tộc, bạn bè thân thích; dùng tiệc trà, tiệc ngọt thay cho tiệc mặn; không che rạp cản trở giao thông; trang phục cô dâu, chú rể theo truyền thống dân tộc.

Về việc tang: Thực hiện công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc cử hành tang lễ được tiến hành nghiêm trang, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng được quy chế tang lễ, gắn với hương ước của thôn, khu dân cư. Đặc biệt, hiện nay, việc hỏa táng cũng được người dân tổ chức theo chiều hướng tăng dần lên. Theo số liệu báo cáo của các ngành chức năng, năm 2015 tỷ lệ người dân tham gia hỏa táng đạt 24,3%, năm 2016 đạt 26,4%, năm 2017 đạt 26,9% (1).

Về lễ hội: Hằng năm trên địa bàn huyện diễn ra khoảng hơn 80 lễ hội, trong đó chủ yếu là các lễ hội quy mô nhỏ, đặc biệt trên địa bàn có 3 lễ hội lớn diễn ra đó là lễ hội đình Mộ Trạch thờ thành hoàng làng Vũ Hồn, là dịp gặp gỡ của dòng họ Vũ - Võ trên toàn quốc, lễ hội đình Châu Khê - trong lễ hội có nhiều hình thức tế lễ và các hoạt động hội phong phú. Các lễ hội đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong quản lý và tổ chức lễ hội; tổ chức mang đậm nét văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và sinh hoạt văn hóa lành mạnh của người dân và các du khách thập phương.

Đối với xây dựng các phong trào văn hóa:

Xây dựng gia đình văn hóa: Trong những năm qua, huyện Bình Giang đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ từ việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều phương thức khác nhau, tổ chức tuyên truyền từ huyện đến các thôn, khu dân cư. Việc bình xét gia đình văn hóa có tác động rất lớn đến phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa. Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, số gia đình văn hóa tăng hằng năm.

Bảng 1: Kết quả xây dựng gia đình văn hóa

(Nguồn: Phòng VHTT huyện Bình Giang)

Đây là minh chứng cho sự nỗ lực chỉ đạo xây dựng phong trào xây dựng gia đình văn hóa của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bình Giang và nhận thức của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Xây dựng làng, khu dân cư văn hóa: Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các tiêu chí cụ thể và sát thực về xây dựng làng, khu dân cư văn hóa. Công tác tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng danh hiệu và duy trì danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ. Phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa trên địa bàn huyện đạt được kết quả như sau:

Biểu 2:  Kết quả xây dựng làng, khu dân cư văn hóa

(Nguồn: Phòng VHTT huyện Bình Giang)

Kết quả này thể hiện cho sự quan tâm và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng tình hưởng ứng của người dân trên địa bàn trong việc xây dựng và thực hiện phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa của huyện Bình Giang- Hải Dương.

 Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa: Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nếp sống văn hóa được đẩy mạnh gắn với mục tiêu cụ thể, thiết thực như: xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn minh, sạch đẹp, an toàn đi đôi với cải cách hành chính, thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Đến nay, đã có 82 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Bảng 2.3. Kết quả xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

(Nguồn: Phòng VHTT huyện Bình Giang)

2. Đánh giá công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở huyện Bình Giang

Trình độ nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, nhu cầu giải trí được mở rộng. Tình làng nghĩa xóm được củng cố, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được người dân thực hiện tốt, an ninh chính trị được đảm bảo, tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; người dân có ý thức chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả xây dựng nếp sống văn hóa và phong trào văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi địa phương trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương cũng như của dân tộc, xây dựng những giá trị văn hóa mới. Tích cực đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực cho người dân thi đua hăng hái lao động sản xuất, làm giàu chính đáng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên: ở một số làng, khu dân cư còn có tâm lý hài lòng với những gì mình có, nên trong chỉ đạo dẫn đến hoạt động xây dựng đời sống văn hóa có phần chững lại, còn hiện tượng vi phạm vào các tiêu chí văn hóa như: vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; một số làng, khu dân cư có số người nghiện ma túy tăng; công tác vệ sinh môi trường chưa được duy trì thường xuyên; cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm nâng cấp. Ở một số làng, khu dân cư, một số bộ phận nhân dân chưa nhiệt tình tham gia thực hiện các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, còn vi phạm vào hương ước, quy ước, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ còn hạn chế, còn biểu hiện né tránh, nể nang, ngại va chạm, chưa thực sự sâu sát với công tác văn hóa và khi có vi phạm xảy ra thì chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa cơ sở huyện Bình Giang hiện nay

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong đẩy mạnh công tác xây dựng nếp sống văn hóa

Phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể người dân về thực hiện lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm tạo sự đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia của quần chúng nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng nếp sống văn hóa. Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án của tỉnh trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Nâng cao nhận thức của thanh niên về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, về xây dựng gia đình hạnh phúc để góp phần xây dựng gia đình văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Các cơ sở tổ chức lễ hội phải thực hiện nghiêm các văn bản quản lý cấp trên và các quy định của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào văn hóa tại địa phương

Xây dựng các phong trào văn hóa phải gắn liền với kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới các thành viên và mọi tầng lớp nhân dân thấy được tầm quan trọng của công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa, mỗi gia đình, làng, khu dân cư là một phần trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay. Xây dựng các hương ước, quy ước có lồng ghép các nội dung tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chế độ khen thưởng và xử phạt. Xây dựng đội ngũ cán bộ yêu nghề, lấy công chức văn hóa xã hội cấp xã làm nòng cốt, tập trung tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng cán bộ hoạt động bán chuyên trách về văn hóa ngay tại địa bàn các thôn, khu dân cư. Ngoài việc xin kinh phí cấp trên, cần phải tìm thêm nhiều nguồn kinh phí khác từ nguồn xã hội hóa của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Có như vậy thì mới có đủ kinh phí cho phong trào hoạt động.

 

_______________

1. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Giang, Báo cáo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, năm 2016 - 2017.

Tác giả: Nguyễn Thị Hải Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;