“Dân thụ hưởng” - Giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội

“Dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới rất quan trọng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (1). Đảng ta bổ sung thành tố “dân thụ hưởng” bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. “Dân thụ hưởng” là giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là đích đến cuối cùng, mục tiêu tối thượng của một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

Nội hàm “dân thụ hưởng”

Lấy “dân làm gốc” là bài học truyền thống trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” (2). Đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã bổ sung một nội dung mới, quan trọng và có ý nghĩa vô cùng nhân văn, nhân bản - đó là “dân thụ hưởng”, trong nội hàm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Như vậy, có thể khẳng định, Đảng luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào vị trí trung tâm mọi chủ trương, đường lối, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của nhân dân, với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển. Đây là một điểm mới, mang tính đột phá, đồng thời, thể hiện nền dân chủ ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với quan điểm xuyên suốt “nước lấy dân làm gốc”. Đây là mối quan hệ biện chứng, tương hỗ giữa thụ hưởng và cống hiến, tạo xung lực mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, tạo nền tảng hoàn thiện và hiện thực hóa thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nội hàm “dân thụ hưởng” có thể khái quát trên một số nội dung cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, “dân thụ hưởng” là người dân được nhận, được hưởng những thành quả của sự phát triển. “Dân thụ hưởng” nhấn mạnh nhân tố lấy “dân làm gốc”, trọng dân, tin dân, để nhân dân được thụ hưởng đầy đủ những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (3). Đất nước phát triển nhanh và bền vững tạo nền tảng bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân được quan tâm, nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội giúp nhân dân, đặc biệt là bộ phận yếu thế trong xã hội, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội. “Dân thụ hưởng” hướng đến quyền cơ bản của con người, bảo đảm công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không có sự loại trừ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội” (4). Các thành tựu phát triển chỉ thực sự vẹn toàn ý nghĩa khi mang lại lợi ích thiết thân cho người dân, đó chính là mục tiêu đúng đắn và chân chính của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thứ hai, “dân thụ hưởng” là việc thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội của nhân dân, biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển. “Dân thụ hưởng” nhấn mạnh việc thực hiện hóa nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, “có làm có hưởng” - đây là quy luật thực tiễn khách quan. Động lực chính cho sự phát triển là lợi ích - hài hòa tổng thể lợi ích của cá nhân, tập thể và xã hội. Đồng thời, “dân thụ hưởng” không đơn thuần hướng đến ý nghĩa sâu xa, bao quát, mà đó chính là việc thỏa mãn những lợi ích chính đáng, đa dạng, phong phú, có chiều sâu trong xã hội của người dân, biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển. “Các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (5). “Dân thụ hưởng” thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của người dân, nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp, tiến bộ của sự phát triển. “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần... Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (6). Khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn những lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. “Dân thụ hưởng” về bản chất chính là việc biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển. Đây là sự phát triển trong nhận thức của Đảng, là động lực hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng trong tiến trình phát triển, lãnh đạo đất nước.

Thứ ba, “dân thụ hưởng” là mọi chủ trương, chính sách phải tạo ra sự thay đổi tích cực trong đời sống của nhân dân. Đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn và từ chính nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân. “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (7). Khi đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật đúng ý dân, hợp lòng dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”, nhân dân sẽ tham gia hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào sâu rộng, nhanh chóng hiện thực hóa trong cuộc sống. “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người... Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (8). Như vậy, việc thụ hưởng của nhân dân không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách chăm lo, đảm bảo cuộc sống của nhân dân mà còn được nâng lên thông qua sự chủ động của nhân dân khi tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được quyền bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, được quyền kiểm soát thực thi các chính sách mà còn được quyền thụ hưởng những thành quả tốt đẹp, tiến bộ của sự phát triển đó. Đó là những quyền lợi hết sức sát sườn, thiết thực, từ sự phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường sống lành mạnh, trong sạch, an toàn. Đó là việc không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá mà là sự hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa phát triển kinh tế với xã hội, văn hóa, an sinh xã hội; là sự thụ hưởng của người dân cả về vật chất và tinh thần. Đây cũng là biểu hiện sinh động của ý Đảng hợp với lòng dân, là quá trình tiếp tục củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ tư, “dân thụ hưởng” là đại đa số nhân dân lao động, mọi giai cấp, mọi tầng lớp, không phải là của số ít những tầng lớp, những nhóm xã hội đặc biệt. “Dân thụ hưởng” nhấn mạnh tính bao trùm, đến đa số nhân dân, mọi giai cấp, mọi tầng lớp đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển; không phải là một số nhóm xã hội hay những tầng lớp có ưu thế hơn. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (9). Đây là động lực to lớn thúc đẩy việc bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong tiến trình lãnh đạo cách mạng. “Dân thụ hưởng” biểu hiện sự quan tâm đến đời sống, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu, quyền lợi chính đáng được hưởng của người dân. “Dân thụ hưởng” thể hiện quan điểm rất thực tiễn của Đảng - thụ hưởng vật chất và thụ hưởng tinh thần đều rất quan trọng đối với mọi người dân. “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;... con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (10). Phát triển kinh tế không chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người mà phải là mang lại lợi ích cho toàn dân, mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho con người. Việt Nam hướng đến một xã hội phát triển không chỉ giàu có và thịnh vượng về mặt kinh tế, không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn là một xã hội cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội - một xã hội hài hòa theo hướng đoàn kết, hợp tác, hướng đến sự cân bằng.

Thực tiễn thực hiện “dân thụ hưởng” trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay

76 năm qua, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân luôn là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta nêu quan điểm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình. Các Đại hội VII, VIII, IX, X tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển nội hàm phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là về điều kiện, cơ chế bảo đảm và môi trường thực hiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục nhấn mạnh: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” (11). Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” (12). Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (13).

“Dân thụ hưởng” là một trong những điều mới quan trọng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

Thời gian qua, thực tiễn thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nói chung, bảo đảm và phát huy “dân thụ hưởng” trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta giành được nhiều kết quả rất quan trọng và tích cực. “Thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân... Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân... Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân” (14). Đảng ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của nhân dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối, với mục đích tối thượng là người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển đất nước. “Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển” (15). Đảng và Nhà nước luôn hướng tới phát triển kinh tế vì con người, phát triển văn hóa, giáo dục, xã hội vì con người, xây dựng thiết chế chính trị, hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý đất nước, xã hội mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Như vậy, con người là trung tâm, động lực của xã hội, đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật” (16). Ở một số nơi, việc thực hiện dân chủ vẫn còn hình thức, nhân dân không được biết những vấn đề, nội dung liên quan đến quyền lợi thiết thân của mình. “Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp” (17). Việc thực hiện “dân thụ hưởng” còn những khiếm khuyết, thiếu thực chất và chưa đầy đủ, tạo thành rào cản lớn đối với sự phát triển của đất nước. “Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân” (18). Đó còn là sự lãng phí nguồn lực nội sinh - không thể mở rộng cơ hội để huy động một cách triệt để, hiệu quả các nguồn lực, trước hết là trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một số giải pháp cơ bản bảo đảm và phát huy “dân thụ hưởng” ở nước ta hiện nay

Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. “Dân thụ hưởng” chính là sự phát triển về chủ trưởng, quan điểm của Đảng, có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, bổ sung, cụ thể thêm một bước tư tưởng phục vụ nhân dân. “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm” (19). Để thực hiện tốt, bảo đảm và phát huy “dân thụ hưởng” ở nước ta hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ.

Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc thực thi, phát huy dân chủ, nhất là “dân thụ hưởng” ở cơ sở địa phương, cơ quan, đơn vị. Động viên, khuyến khích nhân dân chủ động, tích cực thực thi, sử dụng các quyền dân chủ và đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ; chủ động học dân chủ, nâng cao trình độ hiểu biết về dân chủ, đồng thời, phấn đấu, rèn luyện phương pháp thực hành dân chủ và có bản lĩnh thực hành dân chủ. “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” (20).

Chú trọng nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của nhân dân, về nhà nước phục vụ, kiến tạo và ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đẩy mạnh mở rộng, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, thường xuyên sâu sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết thấu đáo những kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền những thành quả cách mạng mà đất nước đã giành được, nhằm củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.

Tăng cường, khuyến khích vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, các thiết chế bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. “Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển” (21). Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa để nhân dân ngày càng phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy định quản lý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;... lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(22).

Chú ý tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kiên quyết phê phán nhận thức và biểu hiện của “tự do vô chính phủ”, “dân chủ vô kỷ luật”, gắn việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội. Coi trọng gắn kết chặt chẽ thực hiện công bằng xã hội với chính sách kinh tế và chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo hành lang pháp lý để kiến tạo mô hình hệ thống an sinh xã hội.

Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương về thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phòng chống tình trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu... Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng” (23). Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, giáo dục, củng cố, phát huy năng lực, tư duy hiện đại và thái độ vì nhân dân phục vụ, tận tụy và cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức phải thực sự cầu thị, coi trọng ý kiến, phản ánh của người dân, gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của người dân để đối thoại, tiếp thu, phản hồi, xử lý nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả.

“Dân thụ hưởng” phải được bắt đầu từ việc trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” (24). Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ cơ sở. “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên” (25). Kiên quyết phòng, chống hiện tượng xa dân, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng; đồng thời, chống thái độ mị dân, lừa dân, dọa nạt dân, chạy theo lợi ích tầm thường, song cũng không theo đuôi quần chúng. Mỗi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phải thật sự là người đại diện, là điểm tựa để nhân dân phát huy quyền làm chủ trong quá trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Bốn là, chú trọng thực hiện có hiệu quả, thực chất quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các chính sách của Nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, làm cho mọi người dân thực sự được thụ hưởng quyền lợi về dân chủ. “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” (26).

Phát huy vai trò của chính quyền trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy việc phục vụ nhân dân là trên hết, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để nhân dân thực sự chủ động trong phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân kết hợp với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước, và của cán bộ, công chức, viên chức để mọi người dân đều được thụ hưởng công bằng, bình đẳng. Tăng cường phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt, cảnh giác với những luận điệu, chiêu trò chống phá bằng “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo,... của các thế lực thù địch nhằm chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kết luận

“Dân thụ hưởng” là mục tiêu tối thượng, khẳng định và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự phát triển không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình đưa chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Đây cũng chính là động lực cốt lõi để hiện thực hóa định hướng và tầm nhìn trong giai đoạn mới - khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

_______________

1, 13, 14, 16, 17, 18, 20, 22, 23, 24, 25, 26Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27, 27-28, 71, 89, 86-87, 89, 165-166, 96-97, 183-184, 187, 192, 118.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.434.

3, 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64, 64-65.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.402.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.232.

4, 6, 8, 10, 15, 19, 21. Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân dân Điện tử, ngày 16-5-2021.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.84-85.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.170.

 

NGUYỄN QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

;