Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông từ năm 1960 - 1968: Một số kinh nghiệm rút ra

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhất là trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1968, bên cạnh quá trình lãnh đạo các nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng. Đây là khâu then chốt nhằm góp phần đào tạo những thế hệ con người Việt Nam mới “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ cần thiết đáp ứng yêu cầu sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.

Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục phổ thông trong sự nghiệp cách mạng, những năm 1960 - 1968, được Đảng, Nhà nước quan tâm cùng với sự vận dụng sáng tạo, có những bước đi thích hợp, đúng đắn, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông đạt được nhiều kết quả to lớn. Hình thành nên một hệ thống giáo dục phổ thông hoàn chỉnh, toàn diện từ việc mở rộng quy mô đến nâng cao chất lượng giáo dục; bước đầu gắn kết tương đối chặt chẽ giữa giáo dục văn hóa với giáo dục lý tưởng cách mạng, lao động sản xuất. Những kết quả đó được biểu hiện cụ thể trên các nội dung:

Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về giáo dục. Trên cơ sở nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục phổ thông, Đảng bộ đã vận dụng những quan điểm về giáo dục của Đảng vào điều kiện địa phương như: chấp hành Chỉ thị của Trung ương, Ty Giáo dục từng bước tiến hành sáp nhập hệ thống giáo dục 9 năm và hệ thống giáo dục 12 năm thành hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm. Việc tổ chức nhà trường, bố trí lớp, sắp xếp đội ngũ giáo viên đều được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành ủy.

Trong giai đoạn từ năm 1965 - 1968, trước bối cảnh cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của đế quốc Mỹ, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quán triệt và vận dụng đúng đắn đường lối chiến tranh nhân dân, phát động phong trào phòng không nhân dân, chỉ đạo công tác sơ tán vẫn đảm bảo điều kiện dạy và học, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng quy mô trường, lớp cùng với số lượng giáo viên và học sinh vẫn tiếp tục có sự tăng lên.

Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong thành phố Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phát triển giáo dục phổ thông trong toàn thành phố. Đồng thời, tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của giáo dục phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục như: quy hoạch, mở rộng, sắp xếp và ổn định quy mô giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới cơ chế quản lý nhà trường, quản lý giáo viên và học sinh...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực phát huy những thắng lợi của năm 1960 và truyền thống hiếu học của dân tộc để đem hết tinh thần nỗ lực phát triển giáo dục phổ thông. Sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng ở thành phố Hà Nội còn được thể hiện ở việc đề ra những kế hoạch phát triển trường lớp cũng như kế hoạch quản lý các bậc học.

Trong giai đoạn từ năm 1960 - 1964, giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội bao gồm hai hệ thống giáo dục, chủ trương của thành phố là giữ vững các trường lớp sẵn có và phục hồi các trường lớp do chiến tranh phá hoại để con em nhân dân có chỗ học tập. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các trường tiểu học kháng chiến được phục hồi ở các huyện và thành lập trường tiểu học ở một số xã. Bên cạnh trường học, số lớp học, giáo viên, học sinh cũng tăng lên đáng kể; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên được quan tâm, chú trọng toàn diện. Ty Giáo dục thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thường xuyên rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, giáo viên trong quy hoạch. Toàn ngành tích cực đẩy mạnh việc bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, tổ chức phong trào hội giảng, hội học sâu rộng, khuyến khích phong trào tự học, tự bồi dưỡng trình độ chuyên môn và năng lực nghiệp vụ sự phạm của giáo viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do tác động của chiến tranh, giáo dục phổ thông ở Hà Nội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cùng với đó là sự tồn tại dai dẳng của nền giáo dục cũ đã tác động đến sức ỳ, những quan niệm thiếu đúng đắn trong tư tưởng, nhận thức của một số cấp ủy đảng cũng như một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về giáo dục phổ thông. Trong hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra còn mang tính hình thức, chậm phát hiện và thiếu kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm... Những vấn đề này đã trở thành những trở lực không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội nói riêng. Do vậy, đòi hỏi Đảng bộ thành phố Hà Nội cần đi sâu đánh giá, rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm đưa sự nghiệp giáo dục phổ thông thành phố Hà Nội từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Theo đó, những kinh nghiệm chủ yếu được rút ra như sau:

Một là, luôn nhận thức và quán triệt sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục phổ thông

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu nhằm thống nhất giữa ý chí và hành động trong mọi hoạt động lãnh đạo sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung cũng như trong lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông nói riêng. Vì vậy, các cấp ủy đảng, mỗi đảng viên cần nêu cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục phổ thông đối với quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách của mỗi con người cũng như đối với vận mệnh, sự phát triển và tồn vong của dân tộc, đất nước. Phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, một chiến lược then chốt giữ vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, chủ động xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ quan truyền thông đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành động của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối giáo dục của Đảng và Đảng bộ thành phố.

Hai là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và tổng kết thực tiễn để đề ra chủ trương lãnh đạo kịp thời, phù hợp

Cấp ủy đảng cùng các cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục để đảm bảo cho các chủ trương giáo dục phổ thông được thực thi có hiệu quả trên thực tế một cách cao nhất. Cùng với đó, tổ chức đảng các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục phổ thông các cấp tổng kết thực tiễn một cách nghiêm túc, làm tốt công tác tham mưu với Đảng và Nhà nước về các chiến lược, chính sách, chủ trương, biện pháp phát triển giáo dục. Đồng thời, chủ động trong việc kiểm tra, giám sát để phát huy những ưu điểm, hạn chế những nhược điểm.

Ba là, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông

Đây là kinh nghiệm hết sức quý báu nhằm đảm bảo cho quá trình lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông một cách thông suốt, toàn diện của Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn 1960 - 1968. Sự thống nhất và đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục phổ thông của Đảng bộ thành phố Hà Nội thể hiện qua các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và của Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn được quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các đề án, nghị quyết chuyên đề, các kế hoạch, chương trình... về giáo dục phổ thông. Từ các chủ trương chung của Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cho từng năm học.

Trong giai đoạn từ năm 1960 - 1968, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định chiến lược và các giải pháp phát triển giáo dục phổ thông đúng đắn, sát hợp và được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình. Sự nhanh nhạy, năng động trong lãnh đạo giáo dục phổ thông của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã mang lại những kết quả hết sức to lớn, góp phần cùng nền giáo dục cả nước đào luyện những thế hệ trẻ có phẩm chất, có năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Nghiên cứu, đánh giá quá trình Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ năm 1960 đến 1968 đã cho phép khái quát về những kết quả đạt được và rút ra những kinh nghiệm quý báu. Đó là nguồn tư liệu giá trị để Đảng bộ thành phố Hà Nội cùng các địa phương khác tham khảo, nghiên cứu, vận dụng phát triển giáo dục phổ thông có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Lê Thị Tám

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019

 

;