Diễn An phát huy giá trị lịch sử văn hóa

Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản quý giá. Sự tồn tại của di tích lịch sử - văn hóa không chỉ là dấu mốc về thời gian đã qua của vùng miền, của dân tộc mà còn là những dấu son của nền văn hóa hiện tại, thể hiện đỉnh cao giá trị chân - thiện - mỹ qua từng thời kỳ. Phần lớn các công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước, thân thế và sự nghiệp của các anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước, sự kiện lịch sử tiêu biểu trên địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) đều được các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân sở tại quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị.

Diễn An hiện có 4 di tích lịch sử, trong đó có 2 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia là: Đền thờ Thục phán An Dương Vương và Đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài; hai di tích được xếp hạng cấp tỉnh là: di tích Đình Xuân Ái và di tích Đình Nguyệt Tiên. Ngoài ra, còn có Đền Tuần, Đình Tập Phúc, Ao Vạn Binh, Giếng Mơ, Giếng Đình, Giếng Bùi, Giếng Mặn, Giếng Sung... Điều đáng trân trọng và tự hào là trong suốt chặng đường dài của lịch sử đất nước, phần lớn những công trình, địa điểm di tích của cha ông để lại đều được bao thế hệ người dân địa phương gìn giữ như bảo vật linh thiêng gắn bó với đất và người Diễn An xưa và nay.

Tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Diễn An luôn chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn xã, tập trung truyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về giá trị của các di tích lịch sử để mọi người biết trân trọng, gìn giữ; đưa nội dung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử vào nghị quyết của Đảng bộ, giao cho chính quyền hằng năm xây dựng kế hoạch trùng tu, bảo vệ và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhằm phát huy các giá trị của di tích. Với phương châm “phát huy nội lực, tranh thủ tận dụng tối đa mọi nguồn lực” để tu sửa, nâng cấp bảo vệ các di tích, trong nhiệm kỳ qua, xã đã tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn xã. Ngoài nguồn hỗ trợ trên, xã còn phối hợp vận động doanh nghiệp, con em xa quê và các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp ủng hộ kinh phí, ngày công, góp phần bảo vệ, tôn tạo di tích: vận động tu bổ, nâng cấp Đền Cuông trị giá gần 4 tỷ đồng; làm đường, trồng cây, tạo cảnh quan khuôn viên di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, Đình Nguyệt Tiên Đình Xuân Ái và sân vận động thể thao của xã... trị giá gần 1 tỷ đồng; nâng cấp tu sửa các đình làng, khôi phục giếng làng, ao làng hơn 500 triệu đồng.

Được sự quan tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu và các cấp, các ngành, năm 2019, quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể, tạo nên dấu ấn nhiệm kỳ cho việc thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và nâng tầm vị thế Đền Cuông, xứng đáng là một di tích lịch sử cấp quốc gia (được phong tặng năm 1975).

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, xã đã đưa ra một số giải pháp như: tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di tích lịch sử văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ và tổ chức các hoạt động tại các di tích lịch sử văn hóa; lập quy hoạch, đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, xây dựng kế hoạch 5 năm, 10 năm, kế hoạch cụ thể hằng năm về tu bổ, tôn tạo, phục hồi, phát huy để các di tích không bị mai một và xuống cấp; giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong quá trình thực hiện khai thác và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử như một tài nguyên du lịch, cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường và việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di tích lịch sử; thực hiện việc nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di tích lịch sử văn hóa có trên địa bàn, ý nghĩa việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử trong đời sống văn hóa xã hội hiện tại và tương lai. Thực hiện tốt việc tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ giá trị di tích, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức tham gia vào việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy của mỗi người về các di tích lịch sử văn hóa đó; phát huy lợi ích khi thực hiện gắn kết các di tích lịch sử văn hóa, coi di tích lịch sử văn hóa là tài nguyên du lịch thì phải bảo vệ, giữ gìn để di tích là tài nguyên bền vững, có giá trị sử dụng vĩnh viễn. Do vậy, cần sử dụng hợp lý nguồn lợi nhuận từ du lịch. Để bảo vệ di tích, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực của nhiều cấp, nhiều ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài huyện để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa. Được UBND tỉnh Nghệ An và huyện Diễn Châu cho phép, hằng năm, vào dịp rằm tháng 2 âm lịch, huyện Diễn Châu và xã Diễn An tổ chức lễ hội Đền Cuông trong hai ngày 14 và 15. Ngoài phần lễ, phần hội có thi nét đẹp Đền Cuông, đu quay, vật, cờ tướng, chọi gà, kéo co, thi giọng hát hay. Đông đảo du khách ở thành phố Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương về dự. Nhiều nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đã được xây dựng để đón tiếp du khách.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

;