Độc đáo nghề làm gốm truyền thống của người M’Nông

Hình ảnh những người dân tộc M’Nông đến từ buôn Dơng Bắk (thuộc xã Yang Tâo, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) phô diễn quá trình chế tác chiếc bình gốm bằng đất sét tại sự kiện Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 khiến cho du khách vô cùng thích thú và ấn tượng.

Chị H'Huyền đang vẽ hoa văn trang trí cho chiếc bình gốm 
 

Trong chuyến công tác tại sự kiện này, cũng là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến sản phẩm gốm độc đáo được tạo ra như thế nào từ những người thợ lành nghề đến từ một buôn làng Tây Nguyên. Quy trình sản xuất gốm của người M’Nông hoàn toàn thủ công, không cần bất kỳ một loại máy móc hay thiết bị hỗ trợ nào, không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và người làm sẽ vừa tạo hình vừa di chuyển xung quanh nguyên liệu để tạo ra sản phẩm.

Buôn Dơng Bắk là nơi duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk duy trì và còn lại khá ít nghệ nhân người M’Nông biết làm gốm. Từ lâu, nơi đây đã được biết đến là địa chỉ của những sản phẩm gốm tuy thô mộc nhưng vô cùng tinh tế và đẹp mắt.

Từ xa xưa, khi cuộc sống của bà con các buôn làng dân tộc thiểu số hầu như tự cung tự cấp, từ thực phẩm cho đến các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt đời thường đều được người dân nuôi trồng, chế tạo ra để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi người dân đều biết đan những chiếc gùi, dệt trang phục, làm cối gỗ, chế tác nhạc cụ, làm ra chiếc bầu đựng nước, trong số đó có việc dùng đất sét tự nung thành những chiếc nồi để nấu cơm, xoong, chén bát, bình đựng nước... dùng trong ăn uống hằng ngày. Các sản phẩm gốm từ làng đôi khi còn được mang đến các vùng lân cận để trao đổi lúa, gạo hay những vật dụng cần thiết.

Ngày nay, cuộc sống có đã nhiều biến đổi, đời sống vật chất và tinh thần có sự giao lưu, tiếp cận với bên ngoài, mọi thứ dường như đều có sẵn trên thị trường, tuy vậy những tộc người thiểu số sống trên các buôn làng vẫn còn giữ gìn và trao truyền những giá trị truyền thống cha ông để lại, trong đó có nghề làm gốm. Việc làm này hầu như do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm.

Trao đổi cùng chị H’Huyền Bhŏk (49 tuổi), nghệ nhân lành nghề nhất ở buôn Dơng Bắk hiện nay về quy trình từ khi chuẩn bị nguyên liệu cho đến lúc hoàn thiện sản phẩm, chị cho biết phải trải qua khá nhiều công đoạn tew mất thời gian, từ 2 đến 3 ngày. Nguyên liệu chính và duy nhất được sử dụng để tạo ra những sản phẩm gốm là đất sét. Đất sét được lấy dưới ruộng lúa, từ khu vực xã Yang Lắk thì chất lượng đẹp và đạt tiêu chuẩn hơn. Sau đó ngâm đất sét trong nước khoảng 4 giờ cho đất mềm ra. Tiếp theo, sẽ cho đất sét đã ngâm, không bị pha trộn với bất kỳ nguyên liệu nào khác vào một chiếc cối gỗ và dùng chày giã cho nhuyễn mềm, tầm 15 phút sẽ xong công đoạn chuẩn bị nguyên liệu.

Công đoạn tạo hình cho sản phẩm chính là quá trình sáng tạo độc đáo của người dân bản địa. Không có khuôn mẫu hay sự định hình trước, họ thoả sức sáng tạo theo bản năng và tùy vào mục đích sử dụng để tạo ra sản phẩm theo ý muốn. Đất sét sau khi đã sơ chế, được đặt trên chiếc cối gỗ úp ngược lại, các nghệ nhân di chuyển chậm rãi quanh chiếc gối, sử dụng tay để tạo ra sản phẩm. Điều này đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và sự sáng tạo từ phía nghệ nhân để tạo nên sự độc đáo và nét riêng của sản phẩm gốm buôn Dơng Bắk.

Du khách rất thích thú khi được trải nghiệm thưởng thức quy trình làm gốm thủ công của người M'Nông

 

Hiện nay, những mẫu mã thường được làm ra là các vật dụng dùng trong nhà như nồi hấp, ấm sắc thuốc, bình đun nước... Ngoài ra, để phục vụ cho nhu cầu làm quà lưu niệm bán cho người dân và du khách, bà con còn tạo thành các mẫu lọ hoa, các con vật đặc trưng, đặc biệt là con voi, con rùa rất được khách ưa chuộng.

Khi đã định hình sản phẩm, đối với lọ hoa sẽ được dùng một chiếc vòng nhôm cạo cho rỗng ruột bên trong, sau đó dùng một viên sỏi chà cho nhẵn bề mặt lọ hoa. Việc này làm sản phẩm có độ mịn, láng, không bị sần sùi. Tiếp đó, dùng một cây que nhỏ để vẽ những hoa văn đơn giản lên lọ hoa hay con voi khiến cho sản phẩm đẹp, có hồn và mang giá trị cao hơn nhiều. Hoa văn được vẽ thường là các mẫu truyền thống trên trang phục, họa tiết vòng tròn, ký hiệu, hay cỏ cây hoa lá cách điệu... Đây cũng là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay của nghệ nhân, cần có sự nhẫn nại của người làm.

Sản phẩm hoàn thiện sẽ được mang phơi khô ngoài trời từ 2 đến 3 ngày tùy vào kích thước lớn/nhỏ. Sau khi phơi khô hoàn toàn sẽ mang đi nung. Quá trình nung thủ công được thực hiện khá đơn giản, củi đốt lên, dựng xung quanh thành một vòng tròn, cho gốm vào khoảng trống chính giữa và nung trong gần 1 giờ. Lúc này, sản phẩm hoàn thiện cho ra một màu đen tuyền, có độ bóng nhất định, tự nhiên và rất đẹp mắt, là biểu tượng văn hóa độc đáo của người M’Nông. Mỗi sản phẩm kỳ công, tỉ mẩn như vậy có giá bán ra thị trường dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng, tùy vào kích thước, hình dáng.

Chị H'Huyền và H'Thuyên tạo ra chiếc bình hoa và con voi từ đất sét

 

Chị H’Thuyên Uông (48 tuổi) cũng là một trong những nghệ nhân chính của buôn Dơng Bắk. Chị H’Thuyên cho biết, chị làm gốm từ năm 18 tuổi và người thầy đầu tiên của chị và cũng chính là người thổi vào chị niềm đam mê làm gốm là người mẹ H’Phiết Uông, năm nay đã hơn 70 tuổi. Tuy đã lớn tuổi nhưng những sản phẩm mẹ chị làm ra rất chân thật, có độ tinh xảo và đẹp hơn hẳn thế hệ chị bây giờ, vẫn giữ được nét truyền thống nguyên bản cổ xưa.

Nghề làm gốm của người M’Nông tuy chưa đem lại thu nhập cao cho bà con nhưng mang giá trị tinh thần to lớn. Tuy nhiên, hiện ở buôn Dơng Bắk chỉ còn có ít nghệ nhân biết làm nghề gốm, thế hệ trẻ thì chưa mặn mà và còn thờ ơ  bởi quá trình làm mất khá nhiều thời gian mà mang lại giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, sự nỗ lực để bảo tồn và truyền dạy nghề gốm cho thế hệ tiếp theo, nhằm giữ nét đẹp và giá trị văn hóa của nghề truyền thống không bị lãng quên của những nghệ nhân còn lại vô cùng quý giá.

Chị H’Huyền Bhŏk cho biết thêm: nghề làm gốm của buôn ngày càng được du khách biết đến nhiều hơn, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên đưa khách đến trải nghiệm cùng làm gốm, được người dân hướng dẫn cùng tạo ra những sản phẩm họ ưa thích và mua về làm quà. Chính vì vậy, sản phẩm bán ra với số lượng nhiều hơn, cải thiện đời sống, bà con rất phấn khởi. Trong nhóm, ngoài các chị H’Huyền, H’Thuyên còn có cô H’Luôm Uông chỉ tập trung làm gốm mà không còn lên rẫy nữa.

Mỗi khi tỉnh Đắk Lắk tổ chức những lớp tập huấn, các chị cũng được chính quyền địa phương mời đến truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, để họ được tiếp cận và học nghề, đó cũng là một cách để giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này. Các nghệ nhân buôn Dơng Bắk cũng thường xuyên được tạo điều kiện tham gia những sự kiện về du lịch ngoài tỉnh, đưa sản phẩm gốm của người M’Nông tiếp cận và đến gần hơn với du khách.

Những sản phẩm gốm được làm hoàn toàn bằng thủ công từ đất sét có độ tinh xảo được du khách ưa chuộng

 

VÕ THANH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;