Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU gắn với thực hiện công tác quy hoạch, quản lý di sản trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tại địa phương, đơn vị. Đến hết tháng 9 năm 2024, trong 10 chỉ tiêu của của Nghị quyết 04-NQ/TU, đã có 3 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025. Điển hình là có 70% di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Hòa Bình nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn và phát huy, vượt 20% so Nghị quyết đề ra. Việc triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Các nghệ nhân thực hiện phần nghi lễ trong Lễ hội Khai hạ ở huyện Tân Lạc - Nguồn:giaoducthoidai.vn
Các cấp, các ngành đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa, ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND, ngày 26/4/2022 triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 5/5/2022 về việc triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2026; Kế hoạch số 88/KHUBND, ngày 20/5/2022 thực hiện Chương trình đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Quyết định số 2571/QĐ-UBND, ngày 2/11/2022 về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 44/KH-UBND, ngày 6/3/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030; Quyết định số 2742/QĐ-UBND, ngày 24/11/2023 về việc ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND, ngày 21/12/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình… Công tác tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và nhận thức người dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc được tăng cường. Việc xây dựng và triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện và đạt được kết quả quan trọng.
Các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể đạt được kết quả quan trọng. Từ năm 2021 - 2024, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTTDL tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức lập hồ sơ di sản trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, đã hoàn thiện 2 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là: “Hát Thường đang, Bộ mẹng dân tộc Mường” và “Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” trình Bộ VHTTDL xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. Trong năm 2022 – 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiến hành kiểm kê 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại huyện Tân Lạc và Yên Thủy; tổ chức tập huấn, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống Truyện cổ dân gian dân tộc Mường tại huyện Lạc Sơn, góp phần cụ thể hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc theo Nghị quyết đề ra.
Từ 2021 đến nay, đã lựa chọn lập hồ sơ xếp hạng 11 di tích cấp tỉnh. Công tác tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh gắn với giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh các cấp học thông qua di sản văn hóa được các nhà trường trên địa bàn tỉnh chú trọng. Tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê các di tích khảo cổ học "Văn hóa Hòa Bình" trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. Ngày 16/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694/QĐTTg xếp hạng di tích Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn và di tích quốc gia đặc biệt. Trên cơ sở đó, chỉ đạo triển khai công tác lập quy hoạch và thực hiện các giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị của các di tích; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình. Năm 2024, tỉnh tiếp tục tiến hành các bước lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có 73 lễ hội được đăng ký tổ chức, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian của các dân tộc. Thông qua các lễ hội, nhiều sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian gắn với các di tích lịch sử - văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân như: Chiêng Mường, ẩm thực, trang phục truyền thống, giao lưu văn nghệ dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, thi trò chơi dân gian,… Giai đoạn 2021 - 2024, công tác phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Một số lễ hội mang bản sắc dân tộc đã được nâng tầm tổ chức với quy mô cấp tỉnh như: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); Lễ hội chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; một số lễ hội được khôi phục và duy trì như: Lễ hội Xên Mường của người Thái, huyện Mai Châu; Lễ hội Cấp sắc của người Dao huyện Đà Bắc và Kim Bôi; Lễ hội Gầu Tào của người Mông, huyện Mai Châu; Lễ hội Đình Khênh, Lễ hội Đình Cổi, Lễ hội Đu Vôi, huyện Lạc Sơn;… Thông qua các hoạt động lễ hội đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch.
Công tác trưng bày, giới thiệu giới thiệu các giá trị di sản văn hóa dân tộc được đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện; công tác phân loại, xử lý, kiểm đếm các hiện vật khai quật tại 2 di chỉ khảo cổ học quốc gia Mái đá làng Vành, xã Yên Phú; Hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn được tiếp tục thực hiện. Cung cấp các tài liệu, hiện vật, mẫu vật cho các đoàn nghiên cứu trong nước và quốc tế như: Viện Khảo cổ học Việt Nam, các đoàn chuyên gia nghiên cứu đến từ Nga, Úc, Nhật; kiểm kê hiện vật định kỳ, 100% hiện vật trong kho bảo đảm an toàn. Tiến hành phục dựng được 6 trống đồng cổ đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật, phục vụ công tác bảo quản, lưu trữ, nghiên cứu khoa học và trưng bày. Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã tiếp nhận bàn giao 139 đơn vị hiện vật từ các tổ chức, cá nhân, gia đình; tổ chức Hội nghị thẩm định hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng, chuyển giao, đủ điều kiện là hiện vật Bảo tàng tiến hành nhập kho bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và trưng bày; nâng tổng số hiện vật tại Bảo tàng tỉnh đến nay là 18.050 tài liệu hiện vật.
Lễ hội Xên bản xên mường ở Mai Châu - Nguồn: hoabinhtourism.vn
Có thể nói, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Nhiều mô hình câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc được thành lập và nhân rộng tại các địa phương và cơ sở. Các thành tố văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư, ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định về nếp sống văn hoá ở khu dân cư ngày càng được nâng cao. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở và khu dân cư được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng,… Việc lập hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân cho người nắm giữ và thực hành di sản được quan tâm thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, qua đó tạo động lực thúc đẩy, khích lệ nhân dân thi đua xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên chính quê hương của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương, đơn vị. Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh theo quy định; nhiều di tích có tiềm năng đã huy động các nguồn lực để tiến hành tu bổ, tôn tạo và khai thác trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Một số di tích lịch sử cách mạng sau khi được tu bổ khang trang phục vụ công tác đối ngoại của tỉnh và trở thành địa chỉ đỏ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
ĐOÀN CẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024