ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NỮ CÔNG NHÂN TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Trong quá trình phát triển của đất nước ta, các khu công nghiệp (KCN) bao hàm cả khu kinh tế, khu chế xuất, đã góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi diện mạo cấu trúc cơ bản của nền kinh tế. Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh toàn cảnh nêu trên thì đời sống văn hóa, tinh thần của phần lớn công nhân trong các KCN còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là đối với nữ công nhân. Nhằm mục tiêu giúp các KCN phát triển theo hướng bền vững, trong giai đoạn trước mắt các nhà quản lý, quy hoạch cần có những giải pháp quan tâm về vật chất, xây dựng những hoạt động công đoàn, nữ công hiệu quả để giúp nữ công nhân có được đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú hơn.

Những vấn đề xoay quanh đời sống văn hóa tinh thần của nữ công nhân tại các KCN

Trong thời gian qua, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân nói chung, nữ công nhân nói riêng đã được các cơ quan, ban ngành quan tâm chú ý, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh khá nhiều. Một số vấn đề trọng tâm được đề cập như: nhu cầu của công nhân về đời sống văn hóa tinh thần; thực trạng tình hình nghèo nàn, đơn điệu trong đời sống văn hóa tinh thần của giai cấp công nhân hiện nay; những nguyên nhân tác động đến tình trạng này từ phía doanh nghiệp, công nhân; hậu quả, kiến nghị, giải pháp... đã được nêu ra. Riêng với đối tượng nữ công nhân, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, đơn điệu của họ cũng đã được các nhà nghiên cứu, báo chí đề cập bằng góc nhìn tương tự.

Nhìn chung, cả nam, nữ công nhân đều có nhu cầu được học tập, giao tiếp, đọc sách, xem truyền hình, giải trí, nâng cao nhận thức về cuộc sống. Tất cả công nhân nam, nữ đều cần được trang bị kiến thức về pháp luật lao động hay công đoàn. Sự hiểu biết về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… sẽ giúp công nhân trong quá trình bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, riêng nữ công nhân, vì có những đặc điểm đặc thù về giới tính, nên với đối tượng này, họ còn rất cần được tìm hiểu một số thông tin về chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, nghỉ ốm... Thông qua những tài liệu, sách báo, sinh hoạt văn hóa nữ công nhân sẽ thu nạp được những kiến thức khác nhau.

Xét về lĩnh vực sức khỏe, ngoài những kiến thức về rèn luyện thể chất, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm thì nữ công nhân còn đặc biệt cần được cung cấp thêm những kiến thức, kinh nghiệm về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục, kế hoạch hóa gia đình hay chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Xét về lĩnh vực xã hội, nữ công nhân rất dễ sa vào cạm bẫy tình ái, con đường mại dâm, dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bạo hành gia đình.

Đáng báo động hơn hết là số ca nạo phá thai trong nữ công nhân đang ngày một tăng mạnh, bên cạnh đó là tình trạng sinh con rồi vứt bỏ tại quanh các KCN cũng xảy ra; số lượng công nhân nữ gặp phải các bệnh về tinh thần như trầm cảm, cũng ngày một tăng. Tiếp đến là thực trạng thiếu hiểu biết trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ, ảnh hưởng xấu tới con cái của các đối tượng này. Đặc biệt là vẫn xảy ra tình trạng nữ công nhân bị lừa vào các ổ mại dâm hay bán, lấy chồng nước ngoài không theo ý muốn… Nếu không được giao tiếp, học tập, đọc sách, xem TV… để mở mang kiến thức thì nữ công nhân khó có thể tự mình trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho bản thân.

Cơ hội tiếp xúc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các nữ công nhân tại các KCN

Tại hầu hết các KCN, đều có từ 70 - 90% công nhân nữ đang sinh sống, làm việc. Đặc biệt có nhiều nhà máy với hàng ngàn công nhân làm việc, nhưng tỷ lệ công nhân nam chỉ ở mức 2- 3%. Những nghiên cứu gần đây về giới tính của đội ngũ công nhân tại các KCN, cho thấy, vấn đề tình yêu, hôn nhân, sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái… đều là những vấn đề thực sự lo ngại. Hầu hết nữ công nhân không có thời gian, điều kiện để giao tiếp, tìm bạn do cường độ lao động nặng nhọc. Nếu có thời gian, họ cũng không có địa điểm, môi trường để giao lưu gặp gỡ, tỏ tình. Kết cục là tình trạng hôn nhân tạm bợ, nạo, phá thai trở nên phổ biến, dẫn đến những hệ lụy về mặt xã hội.

Công nhân phải làm tăng ca, tăng giờ đang là chuyện hết sức phổ biến trong các doanh nghiệp. Đối với người lao động, bên cạnh tác động tích cực là tăng thu nhập thì hiện tượng làm thêm giờ này cũng gây ra những áp lực nặng nề, tác động không tốt đến thể chất, tinh thần của công nhân, khiến cho việc giải trí đối với họ là quá xa xỉ. Nữ công nhân, do những đặc điểm thể chất của mình, mệt mỏi hơn nam giới nhiều. Trường hợp nữ công nhân đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ thì mức độ này còn tăng cao hơn.

Tất cả những hình thức giải trí của công nhân nam đều không được công nhân nữ lựa chọn bởi vì không phù hợp với tâm lý, sức khỏe của phái nữ. Thực tế là hầu hết nữ công nhân đều ở nhà, trong những phòng trọ sơ sài, chật chội, tồi tàn, không có TV, đài, sách, báo… Việc đi chơi cũng hiếm hoi vì thời gian, sức khỏe, tiền bạc không cho phép.

Hàng năm, các doanh nghiệp đều tổ chức một vài hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân như liên hoan văn nghệ, hội thi thể thao, tham quan… Tuy nhiên, những hoạt động này còn ít về số lượng, mang tính hình thức về chất lượng. Những hoạt động thiết thực dành riêng cho nữ công nhân hay cho từng đối tượng nữ công nhân (thanh niên, mới lập gia đình, trung niên...) thì còn hiếm hoi hơn nữa.

Do là dân nhập cư, không có hộ khẩu nên công nhân nói chung, nữ công nhân nói riêng ít được hưởng các chế độ đãi ngộ xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần rất nghèo nàn. Hơn thế, đa số lao động xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo, trình độ học vấn thấp, nhu cầu hưởng thụ văn hóa không cao. Nhiều người không quan tâm đến những vấn đề chính trị, xã hội, chưa theo kịp lối sống công nghiệp, tự ti, kỷ luật lao động, ý thức tự giác lỏng lẻo... dẫn đến gia tăng các tệ nạn xã hội ở các khu nhà trọ đông người. Những nguyên nhân trên làm cho người lao động ở các KCN không an tâm làm việc lâu dài.

Để khắc phục những hạn chế trên, việc nâng cao đời sống văn hóa cho đội ngũ công nhân nói chung, nữ công nhân nói riêng hiện nay hết sức cần thiết vì đây là một lực lượng hùng hậu, có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo đó, phải được tiến hành ở nhiều cấp độ khác nhau, từ văn hóa cá nhân, gia đình, cộng đồng. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô nhà nước cho đến cấp vi mô chính quyền địa phương, nơi có KCN.

Hoạt động công đoàn nói chung, công tác nữ công nói riêng cần đặt người nữ công nhân làm trung tâm. Chỉ khi nào xuất phát từ chính những nhu cầu bức thiết của công nhân, từ tâm tư nguyện vọng chính đáng, thực trạng đời sống của họ thì những hoạt động công đoàn mới đạt được hiệu quả thiết thực. Chỉ khi nào hiểu rõ những đặc thù riêng (sức khỏe, tâm lý, sinh lý, thiên chức…) của từng đối tượng nữ công nhân (mới từ nông thôn ra, chưa lập gia đình, mới lập gia đình, đang mang thai, đang nuôi con nhỏ...) thì hoạt động nữ công mới thực sự hữu ích. Vì vậy, rất cần có những cuộc điều tra xã hội học, những đề tài nghiên cứu bám sát thực tiễn đời sống của nữ công nhân, những phóng sự báo chí phản ánh một số góc khuất trong tâm tư hay trong cuộc sống của họ… Hoạt động công đoàn, nữ công các cấp cần dựa trên những kết quả nghiên cứu này để đề ra chương trình hành động cho thiết thực, tránh tính hình thức, lãng phí.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các KCN; trong đó cần đảm bảo huy động 3 nguồn lực: sự đầu tư của chính quyền địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp, nguồn xã hội hóa, tổ chức công đoàn, toàn xã hội. Trong các dự án quy hoạch tổng thể các KCN, phải chú ý đến việc xây dựng, phát triển dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí… Để làm được việc này, trung ương, địa phương cần dành nhiều kinh phí, quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao. Tổ chức công đoàn doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương nơi có KCN tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí vui tươi, thân thiện giữa chính quyền, nhân dân địa phương với tổ chức doanh nghiệp, công nhân. Các ban quản lý KCN cần sớm đưa vào lộ trình phát triển các vấn đề quy hoạch, nhằm có một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh cũng như tính pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một chỉnh thể văn hóa đa dạng, giàu tính tương tác, thu hút người lao động.

Các cơ quan chức năng nên thúc đẩy, có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các viện nghiên cứu tổ chức các đề tài, điều tra, khảo sát… để tìm ra những hình thức hoạt động công đoàn, nữ công hiệu quả, giúp nữ công nhân có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng giai cấp công nhân hiện nay.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tác giả : VŨ HỒNG TỨ

;