Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển

Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm -Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tham dự, chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

 

Trước khi diễn ra Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ do các nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước nghiên cứu, phát triển, được thương mại hóa ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới -  Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự ở các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương…

Tham dự Hội nghị ở điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp về khoa học công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, giảng viên, sinh viên xuất sắc tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương - Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tại hội nghị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; công bố Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 229 ngày 10-1-2025 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua- Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phát phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nêu rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm. Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường.

"Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành với quan điểm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới" - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia  có sự gắn bó khách quan, là yêu cầu tất yếu, Thủ tướng khái quát khoa học công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển đổi số là kết nối và con người là trung tâm, chủ thể...

"Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.

Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gồm 13 nhiệm vụ cụ thể).

Nhóm thứ hai là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. “Tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới, tạo khuôn khổ pháp lý để huy động nguồn lực…” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nhóm thứ ba là tăng cường đầu tư hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (34 nhiệm vụ cụ thể), là một chiến lược mang tính nền tảng, trong đó hạ tầng đóng vai trò 1 yếu tố cốt lõi đề tạo đà bứt phá cho đất nước...

Nhóm thứ tư, cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó tổ chức nào hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập hoặc giải thể để tập trung nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu mạnh; có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Nhóm thứ năm là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng  khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh (27 nhiệm vụ)… 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Chuyển đổi số để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa số chất lượng cao, thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa, di sản văn hóa số, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ văn hóa thông qua nền tảng số…

Nhóm thứ sáu là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong doanh nghiệp (16 nhiệm vụ cụ thể). Trong đó, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Nhóm thứ bảy là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (9 nhiệm vụ). "Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển  khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số  giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế..." -Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu với chủ đề: Chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để thúc đẩy phát triển  khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia quốc gia- Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu với chủ đề "Chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có 4 Luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ; ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 Luật liên quan đến nội dung này... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có những hạn chế do: thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sẽ phối hợp tổ chức rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xoá bỏ; thống nhất nhận thức về nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”, trong đó cần đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể...

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển  khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc...

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.

Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và làm sâu sắc thêm một số quan điểm, định hướng.

Trước hết về quan điểm, luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm...

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức và hành động: Xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia  là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động, với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý…

Thứ hai, phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách: trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

“Chúng ta khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm…” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thứ ba, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ: Trong Quý I-2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học công nghệ. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc... 

Thứ tư, ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá.

Thứ năm, nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc...

Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số: Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hạ tầng như đã nêu trong Nghị quyết 57. Đặc biệt, cần chuẩn bị hạ tầng năng lượng cho 5-10 năm tới, với trọng tâm là năng lượng sạch, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển bằng hành động cụ thể…

Thứ bảy, tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải. Cần ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển, tránh dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí… 

Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo…

"Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa. Tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL - Ảnh: Trần Huấn

NGỌC BÍCH

;