Nhà hát Kịch nói Quân đội - 70 năm một chặng đường

Vừa qua, ngày 10-1-2025, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đây cũng là dịp để đơn vị nhìn lại thành tựu cũng như khẳng định xu hướng phát triển trong bối cảnh mới.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Trương Thiên Tô - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba cho Nhà hát Kịch nói Quân đội

Trong diễn văn kỷ niệm do Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương - Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội nêu rõ: Ngày 10-1-1955, Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị (tiền thân của Nhà hát Kịch nói Quân đội) được thành lập trên cơ sở Đội Kịch chiến thắng thuộc Tổng đoàn Văn công Quân đội. Nhà thơ Hoàng Cầm làm Đoàn trưởng, đồng chí Lê Khang làm Chính trị viên, nòng cốt là các diễn viên tiêu biểu như: Thùy Chi, Song Linh, Xuân Thức… được bổ sung về từ các đoàn Văn công quân khu và các sư đoàn, với quân số hơn 70 người, đóng quân tại khu nhà thờ Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Nhiệm vụ chính trị trung tâm của Đoàn là bằng hình tượng sân khấu chuyên nghiệp kịch nói, bám sát chủ đề “Chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang, ca ngợi, tuyên truyền trong bộ đội và nhân dân về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, tư tưởng độc lập dân tộc - chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước”.

Trung thành với nhiệm vụ được giao, đơn vị kịch nói của các chiến sĩ - nghệ sĩ đã luôn có những thành tựu đáng ghi nhận trong suốt chặng đường lịch sử của quân và dân Việt Nam. Đó là những vở diễn của thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy khó khăn gian khổ nhưng cũng hết sức hào hùng. Không khí bừng bừng lửa cách mạng khiến những vở diễn ngày đó có sự cảm thụ, đồng cảm giữa người diễn và người xem, đem lại thành tựu hết sức ấn tượng. Đó là các vở diễn như Chị NhànNổi gió của tác giả Đào Hồng Cẩm, đạo diễn Thành Ngọc Căn, đã ghi nhận được bước tiến của sân khấu kịch nói Quân đội, đồng thời góp phần quan trọng, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nền sân khấu kịch nói cách mạng Việt Nam.

Nhiều vở diễn được đánh giá là những mốc son tiêu biểu, dấu ấn không phai mờ trong truyền thống của Đoàn và đi vào lịch sử của sân khấu kịch nói cách mạng Việt Nam như: Em bé giao liên; Sang xuân; Bước theo anh; Đôi mắt. Nhất là vở Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm được đánh giá là “vở xuất sắc nhất của kịch nói về đề tài quân đội, là một trong những vở tiêu biểu của sân khấu thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước”. Đây cũng là thời kỳ rực rỡ vàng son của sân khấu quân đội cũng như sân khấu cả nước khi cả người diễn và người xem “cùng nhìn về một hướng”. Và phẩm chất người lính cũng được khẳng định rõ ràng cùng với những chuyến lưu diễn tới tận nơi phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên tuyến lửa các tỉnh vùng Nam Quân khu 4, các chiến trường ác liệt. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đoàn đã đến mặt trận B5 (Bắc Quảng Trị) phục vụ liên tục trong 9 tháng là sự cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với bộ đội, góp phần tạo nên sức mạnh của Quân đội.

Sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị có tên gọi mới là Đoàn Kịch nói Quân đội, vẫn giữ vững truyền thống và nhiệm vụ chính trị là phản ánh chân thực, đậm nét hình tượng người lính trong chiến tranh và trong hòa bình. Đoàn đã dàn dựng thành công nhiều vở diễn, để lại nhiều nét khắc họa về phẩm chất anh hùng, tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam, của người lính.

Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội ôn lại chặng đường 70 xây dựng và phát triển của Nhà hát

Bước vào thời kỳ đổi mới, hòa chung với sự khởi sắc của sân khấu cả nước, Đoàn Kịch nói Quân đội có nhiều trăn trở nghiên cứu, tìm tòi mở rộng đề tài và đội ngũ cộng tác viên để khai thác sâu hơn về người lính với cái nhìn sâu lắng, trải nghiệm; các sự kiện chiến tranh từ góc độ lùi xa được nhìn nhận toàn diện và biểu đạt những giá trị nhân văn sâu sắc; phản ánh chân thực, đậm nét sắc thái sân khấu Quân đội trong nền sân khấu đương đại nước nhà. Điều này thể hiện qua các vở diễn rất thành công: Tiếng hát cuộc đời (Sỹ Hanh), Lời thề thứ 9, Điều không thể mất (Lưu Quang Vũ); Mười đóa phong lan, Đồng quê âm vang (Tất Đạt); Nửa ngày về chiều (Xuân Trình)...

Giữ vững phẩm chất người lính - nghệ sĩ, đơn vị tiếp tục vượt qua những khó khăn để khẳng định thương hiệu đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, có định hướng chính trị và bản lĩnh nghệ thuật rõ ràng, tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ đạt chất lượng cao cả về số lượng vở diễn và hiệu quả biểu diễn. Nhiều vở diễn của đơn vị được giới chuyên môn khẳng định về chất lượng nghệ thuật qua những tấm huy chương xứng đáng như Thông điệp từ Điện Biên (Nguyễn Khắc Phục), Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2004; Lũ quét được tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012; các vở: Bài ca đường Trường Sơn; Bản hùng ca linh thiêngRừng quả đắng được tặng Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Toàn quân...

Trước những yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa trong Quân đội, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; ngày 2-2-2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định thành lập Nhà hát Kịch nói Quân đội trên cơ sở Đoàn Kịch nói Quân đội. Ở vị thế, vai trò mới, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã dàn dựng các chương trình, vở diễn có quy mô hoành tráng, có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt, giành được nhiều giải thưởng cao quý.

70 năm  qua, với những thành tích, công lao đóng góp trong lao động nghệ thuật, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Quân công hạng Ba; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhì, Ba... Và trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Nhà hát Kịch nói Quân đội rất vinh dự, tự hào được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba lần thứ ba.

NGỌC BẢO

;