Du lịch, du lịch thông minh: Thực trạng và giải pháp phát triển đến năm 2030

Tóm tắt: Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển đến năm 2030, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, luật… tạo hành lang phát lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó, du lịch được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn, là trọng tâm cho sự phát triển của mọi ngành nghề khác. Bài viết làm rõ về du lịch, du lịch thông minh, thực trạng, qua đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản, góp phần xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Từ khóa: du lịch, du lịch thông minh, giải pháp, phát triển.

Abstract: In order to promote socio-economic development in the period 2021-2025 and to set development orientations towards 2030, our Party and State have issued numerous resolutions, decrees, and laws to create a legal framework aimed at boosting the country’s development in all fields. Among these, tourism is considered a key economic sector and a focal point for the development of all other industries. This article aims to explore and clarify the concept of tourism, smart tourism, and the current situation, thereby proposing several fundamental solutions to contribute to building and developing Vietnamese tourism into a key economic sector, in line with the country’s development orientation towards 2030 as outlined by the Party and State.

Keywords: tourism, smart tourism, solutions, development.

Một điểm tương tác thông minh tại khu vực điện Kiến Trung - Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

1. Một số quan điểm chung

Quan điểm, chính sách về du lịch

Trước hết, để hiểu tổng thể du lịch, tại Điều 3, Luật Du lịch 2017 giải thích thuật ngữ du lịch: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Nhằm đẩy mạnh khai thác, phát huy mọi tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quyết định số 201/QĐ-TTg về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nêu rõ: 1) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. 2) Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. 3) Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng du lịch quốc tế đến; tăng cường quản lý du lịch ra nước ngoài. 4) Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. 5) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng các vùng, miền trong cả nước; tăng cường liên kết phát triển du lịch.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 08-NQ/TW “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” nêu rõ: 1) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát trỉển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. 2) Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm/ trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch. 3) Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường. 4) Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. 5) Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Quyết định số 147/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” chỉ rõ: 1) Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. 2) Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 3) Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. 4) Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 5) Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Quan điểm, chính sách về du lịch thông minh

Trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, nhà quản lý cần có những chiến lược thích hợp, đưa du lịch đến với mọi người dân, khách hàng, doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất thông qua công nghệ. Quyết định số 1671/QĐ-TTg về “Phê duyệt đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” nêu rõ: 1) Ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu, giải pháp đột phá để tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 2) Huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 3) Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng đóng góp, chia sẻ, khai thác hệ thống thông tin chung, cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch.

Nhằm ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL về việc “Phê duyệt đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Quyết định số 553/QĐ-TCDL về việc “Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21-12-2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Mục đích, yêu cầu kế hoạch là cụ thể hóa và tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21-12-2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch, du lịch thông minh

Thực trạng

Để nhìn nhận thực trạng du lịch Việt Nam cho đến năm 2023 một cách chính xác nhất, Nghị quyết số 82/NQ-CP về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” nhận định, từ tháng 11-2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3-2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục:

 Hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá; chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực.

Sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương.

Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch của các địa phương.

Hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo... còn thiếu, chưa đồng bộ để tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Chính sách thị thực dành cho khách du lịch còn có điểm chưa phù hợp, về thời hạn tạm trú còn ngắn...

Công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao... còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành Du lịch với các ngành khác; chưa tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực đối với khách lẻ.

Giải pháp phát triển du lịch, du lịch thông minh

Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, du lịch thông minh thành ngành kinh tế mũi nhọn, thiết nghĩ cần quan tâm đến những yếu tố chính sau:

Cần nhận thức đầy đủ về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và môi trường, góp phần phát triển bền vững toàn diện.

Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể thế, chính sách, hoàn thiện về pháp luật về du lịch, chính sách xuất/ nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế; ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển. Thúc đẩy hợp tác công/ tư, các mô hình quản trị khu vực công/ tư, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Đồng thời, ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch về mọi mặt.

Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không, cảng biển/ cảng thủy nội địa, phục vụ cho phát triển du lịch. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, số hóa thông tin, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Thu hút mọi nguồn lực, đầu tư công nghệ hiện đại, hình thành trung tâm tổ chức hội nghị đa chức năng với quy mô lớn.

Cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường, đa dạng mô hình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng du lịch cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và hỗ trợ khách du lịch về mọi mặt. Thường xuyên nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ về thị trường du lịch nội địa cũng như thị trường du lịch quốc tế; qua đó, nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu, thị hiếu ngày một cao cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng nhưng chứa nét đặc trưng sản phẩm mang tính chất riêng biệt của từng địa phương. Khai thác các giá trị di sản giàu bản sắc văn hóa truyền thống/ lịch sử của dân tộc Việt Nam, gắn với phát triển du lịch nông thôn, đô thị, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm du lịch một cách toàn diện nhất.

Phát triển mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển du lịch, du lịch thông minh, nhằm quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương một cách chuyên nghiệp, gắn với hợp tác trong khu vực và trên toàn thế giới.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Phối hợp liên ngành, liên vùng, nâng cao hoạt động chỉ đạo của nhà nước về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch, du lịch thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia về mọi mặt trên tất cả các lĩnh vực. Giảm nhẹ tác hại của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn hiện nay và định hướng đến năm 2030.

Một số nhiệm vụ chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm: Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: một, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; hai, tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khác du lịch quốc tế đến Việt Nam; ba, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch quốc gia; bốn, phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; năm, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; sáu, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; bảy, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch thông minh

Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh trong thời đại công nghệ 4.0. Đồng thời, luôn đổi mới và đa dạng hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho việc phát triển du lịch thông minh. Đồng thời, xây dựng các chỉ số đánh giá hoạt động du lịch thông minh bao gồm điểm đến, các sản phẩm du lịch, mô hình quản trị và các công cụ hỗ trợ khác phục vụ cho hoạt động du lịch thông minh.

Mở rộng hệ thống dữ liệu, thu thập tổng hợp, số hóa và cung cấp danh mục dữ liệu bao gồm di tích, bảo tàng, nhà hát và biểu diễn văn hóa nghệ thuật…

Phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin nhằm cung ứng phục vụ khách du lịch cũng như công tác điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ứng dụng công nghệ số, xây dựng các sản phẩm công nghệ phục vụ quảng bá du lịch. Phát triển ứng dụng thống kê tự động liên thông với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, báo cáo đến các cơ quan nhà nước về du lịch. Xây dựng nền tảng số quốc gia quản trị kinh doanh du lịch, đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến.

Luôn duy trì, cập nhật thông tin tự động dữ liệu số ngành Du lịch; phát huy tối đa có hiệu quả cơ chế kết nối giữa đơn vị của bộ chủ quản và các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan khác. Phát triển đồng bộ hệ thống du lịch sinh thái thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du lịch. Tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ mới trên thế giới phục vụ cho phát triển du lịch thông minh. Đồng thời tổng kết, đánh giá, đề xuất định hướng và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch cho giai đoạn tiếp theo.

3. Kết luận

Ngành Du lịch đóng góp GDP cho đất nước hằng năm ngày một tăng trưởng mạnh; bên cạnh đó, với tài nguyên quý giá của Việt Nam chúng ta cần được khám phá, khai thác, quảng bá ra thế giới, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, nghề khác trong giai đoạn hiện nay và chiến lược phát triển đến năm 2030.

Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và bản sắc dân tộc, chuyên nghiệp, chất lượng; ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động du lịch, phát triển, mở rộng du lịch nội địa gắn với du lịch quốc tế, phát triển tối đa sản phẩm du lịch nhằm cung ứng xuất khẩu, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch với các quốc gia phát triển trên thế giới. Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tính đến năm 2023, du lịch Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần không nhỏ cho sự phát kinh tế, xã hội của đất nước, song vẫn còn nhiều hạn chế cần bổ sung, khắc phục như: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, định hướng đến năm 2030 theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

________________________

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 08-NQ/TW Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16-1-2017.

2. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 24-1-2022.

3. Bộ VHTTDL, Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL Phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ngày 21-12-2022.

4. Chính phủ, Quyết định số 201/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vệt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 22-1-2013.

5. Chính phủ, Nghị quyết số 82/NQ-CP Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ngày 18-5-2023.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.

8. Nguyễn Bá Lâm, Giáo trình tổng quan về du lịch và phát triển du lịch bền vững, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2007.

9. Quốc hội, Luật số: 09/2017/QH14, Luật Du lịch.

10. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 622/QĐ-TTg Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngày 10-5-2017.

11. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1671/QĐ-TTg Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, ngày 31-11-2018.

12. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 147/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngày 22-1- 2020.

13. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 841/QĐ-TTg Ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, ngày 14-7-2023.

14. Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Sinh, Giáo trình tổng quan du lịch, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014.

15. Tổng cục Du lịch, Quyết định số 553/QĐ-TCDL Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21-12- 2022 của Bộ VHTTDL, ngày 11-4-2023.

16. Trường Đại học Sài Gòn, Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia), Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2023.

17. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Du lịch thông minh và phát triển bền vững: tiềm năng, cơ hội và thách thức (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế), quyển 2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2024.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.

TS TRẦN VĂN THÀNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;