Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích hệ thống nguồn lực du lịch cho phát triển du lịch bền vững thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) trên cơ sở tổng hợp quan điểm về nguồn lực du lịch của các nghiên cứu trước và quan điểm về nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội được thể hiện trong các văn kiện qua các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, hệ thống nguồn lực bao gồm: tài nguyên du lịch, con người, tài chính, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ chế, chính sách. Đây là yêu cầu cần thiết, là căn cứ quan trọng để các nhà quản lý xây dựng chiến lược khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nguồn lực của địa phương. Đánh giá đúng vai trò của mỗi nguồn lực và kết hợp phát huy các nguồn lực là con đường đúng đắn đưa ngành kinh tế du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, khắc phục những thiếu sót trong cách thức tổ chức, phục vụ, xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch Sầm Sơn.
Từ khóa: du lịch, phát triển du lịch, du lịch bền vững, nguồn lực du lịch, Sầm Sơn.
Abstract: The article focuses on analyzing the tourism resource system for sustainable tourism development in Sam Son City (Thanh Hoa) based on synthesizing views on tourism resources from previous studies and views on resources for economic development - society is expressed in documents through the Congresses of the Communist Party of Vietnam. Accordingly, the resource system includes: tourism resources, human resources, financial resources, infrastructure resources and technical facilities, mechanism and political resources, policy. This is a necessary requirement and an important basis for managers to build strategies to effectively exploit the potential and strengths of local resources. From there, tourist areas and tourist attractions will continue to create unique and highly competitive sustainable tourism products to “stimulate” tourism and attract more and more tourists to Thanh Hoa. Therefore, properly assessing the role of each resource and combining to promote resources is the right path to develop the tourism economy in a professional and sustainable direction, overcoming shortcomings in the way of organization, serve, and build its own brand for Sam Son tourism.
Keywords: tourism, tourism development, sustainable tourism, tourism resources, Sam Son.
Quần thể nghỉ dưỡng FCL Sầm Sơn - Ảnh: baothanhhoa.vn
Nguồn lực cho phát triển du lịch được hiểu rộng hơn, là những yếu tố tạo nên “cung” trong du lịch. Trên cơ sở xác định các loại nguồn lực du lịch tác động đến phát triển du lịch, vai trò của từng yếu tố đến sự phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn, bài viết đưa ra 5 loại nguồn lực (được gọi tắt là 5M), bao gồm: Nguồn lực tài nguyên (materials); Nguồn lực con người (men); Nguồn lực tài chính (money); Nguồn lực cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật (machines); Nguồn lực cơ chế, chính sách (mechanisms). Đây được coi là điều kiện cho phát triển loại hình du lịch tại điểm đến.
1. Thực trạng nguồn lực trong không gian phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn
Khái quát về không gian phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn
Trước khi nổi tiếng là một thành phố du lịch của tỉnh Thanh Hóa, địa danh Sầm Sơn đã được biết đến theo truyền thuyết và tư liệu khảo cổ học, cho thấy sự tồn tại lâu đời của mảnh đất này.
Sầm Sơn, theo tư liệu sử học của cuốn Địa chí Thanh Hóa, xưa vốn có tên gọi Gầm Sơn hay Gầm thôn, là xóm cổ mà cư dân ngày xưa đã sinh sống ở dưới chân núi, cách ngày nay 2.000-3.000 năm. Nơi đây bắt đầu phát triển du lịch là năm 1906, khi người Pháp tiến hành khai thác và nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương. Sầm Sơn được xem là bãi tắm tốt nhất, đẹp nhất xứ Đông Dương thời thuộc Pháp.
Sầm Sơn là một vùng đất ven biển, nằm giữa 19-200 vĩ Bắc, 104-1050 kinh Đông, cách thành phố Thanh Hóa 16km về phía Đông. Phía Bắc giáp huyện Hoằng Hóa, ranh giới là con sông Mã oai hùng; phía Nam có ngọn núi Trường Lệ chắn giữ, giáp huyện Quảng Xương ngăn cách bởi con sông đào tên gọi là sông Đơ; phía Đông giáp biển với chiều dài khoảng 15km.
Theo Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH có hiệu lực từ 1-1-2025 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn sẽ có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường và 2 xã. Sầm Sơn có lợi thế về tự nhiên không thể phủ nhận, lại có những ưu thế nổi trội trong tỉnh về nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đặc trưng. Nếu biết gắn kết, khai thác những ưu thế trên, Sầm Sơn sẽ không chỉ là trung tâm của không gian du lịch Thanh Hóa, mà còn là của cả vùng Bắc Trung Bộ.
Hiện tại và tương lai, Sầm Sơn là điểm du lịch trọng điểm nhất của Thanh Hóa, được biết đến nhiều hơn. Đây là một điểm đến đại diện cho du lịch Thanh Hóa trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì du lịch Sầm Sơn cũng cần phải thay đổi và có mô hình du lịch phù hợp.
Nguồn lực tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch tự nhiên: Bãi biển Sầm Sơn chạy dài từ Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ với bãi cát rộng, bằng phẳng, nước biển ấm, xanh trong. Phía Nam dãy Trường Lệ là bãi biển cát trắng dài khoảng 5km thuộc địa phận xã Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại (trước đây thuộc địa phận huyện Quảng Xương, nay thuộc thành phố Sầm Sơn). Trong tương lai, khi lượng khách đến Sầm Sơn tăng nhanh, đặc biệt vào thời gian mùa hè, việc khai thác bãi biển Nam Trường Sơn trong một quy hoạch thống nhất sẽ tạo cho Sầm Sơn thành một điểm du lịch hấp dẫn có vị trí quan trọng không chỉ của Thanh Hóa mà còn của vùng du lịch Bắc Bộ và du lịch cả nước.
Ở Sầm Sơn trên núi Trường Lệ, bên đồi thông có một di tích tự nhiên rất độc đáo và đẹp mắt là hòn Trống Mái. Thực chất đó là khối đá grannit khổng lồ, một khối làm nền còn hai khối rất giống hình một đôi gà trống - mái quấn quýt bên nhau.
Bên cạnh cảnh quan tự nhiên biển và núi, Sầm Sơn cũng có cảnh đẹp dọc theo hai bên bờ sông Mã, sông Đơ. Theo dòng chảy của sông Mã, có thể mở rộng tuyến du thuyền “Ngược xuôi sông Mã” hiện nay kéo dài thêm từ Cửa Hới đến Hòn Mê hoặc ngược dòng sông Mã đi tham quan di tích Hàm Rồng và các di tích khác trong tỉnh. Sông Đơ chảy dọc thành phố từ phía Bắc đến cống Trường Lệ phía Nam, nơi có đầm sen rộng, đẹp phía Nam đền An Dương Vương khá thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái.
Tài nguyên du lịch văn hóa: Sầm Sơn có lợi thế về tự nhiên không thể phủ nhận, lại có những ưu thế nổi trội trong tỉnh về nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đặc trưng với hơn 30 di tích đã xếp hạng, được phân bố tương đối đều ở các xã, phường. Một số di tích cấp quốc gia tiêu biểu là: đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, đền Cá Lập (đền Làng Trấp)…
Các di tích lịch sử đều gắn với nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội ở Sầm Sơn rất phong phú và đa dạng, mang nhiều màu sắc đặc trưng của từng tập tục, lề thói riêng biệt, tiêu biểu là: lễ hội tưởng niệm bà Triều, lễ hội Cầu ngư, lễ hội đền Tô Hiến Thành, lễ hội đền Hoàng Minh Tự, lễ hội bánh chưng - bánh dày… Đây là các lễ hội thường được tổ chức công phu, nhưng chưa thực sự có tác dụng thu hút khách du lịch trên phạm vi toàn quốc. Lễ hội ở Sầm Sơn rất phong phú và đa dạng, mang nhiều màu sắc đặc trưng của từng tập tục, lề thói riêng biệt, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội sau: Lễ hội tín ngưỡng, lễ hội văn hóa lịch sử, lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết…
Làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Sầm Sơn trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, thế mạnh này chưa được khai thác đúng mức để tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng cho địa phương này. Sầm Sơn hiện có 20 làng nghề tiểu - thủ công nghiệp. Trong số này, nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời đang được các thế hệ nghệ nhân có tâm huyết bảo tồn, phát huy. Đó là các cơ sở dệt xăm tơ (xã Quảng Cư), chiếu cói (xã Quảng Tiến), hàng mỹ nghệ ốc, trai (phường Trường Sơn), nước mắm Tân Hưng (xã Quảng Tiến)...
Là thành phố du lịch giáp biển, nhưng vốn văn hóa và dấu ấn đời sống Sầm Sơn gắn với vùng đất cổ Quảng Xương trước kia (nay tách ra là huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Vùng đất đó là dải đất ven biển, đời sống sinh hoạt gắn với môi trường sông nước, vốn văn học, nghệ thuật dân gian vừa có nét chung với các vùng biển khác, vừa mang sắc thái địa phương riêng.
Nguồn nhân lực
Sầm Sơn là địa phương có số lượng nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch khá lớn, tăng nhanh về số lượng và dần nâng cao về chất lượng. Đặc biệt, từ năm 2015, lao động trong ngành Du lịch tăng nhanh, chiếm khoảng 32% trong tổng số lao động trên địa bàn Sầm Sơn, tương đương với 33.000 người. Nguồn lao động này được thành phố chú trọng đầu tư về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức lịch sử văn hóa, phong cách ứng xử… để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Hằng năm, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động tham gia phục vụ trong lĩnh vực du lịch theo hướng chuyên sâu, cập nhật kiến thức, kỹ năng, thông tin nghề nghiệp. Tuy nhiên, áp lực từ lực lượng lao động chịu ảnh hưởng lớn của tính thời vụ trong du lịch biển cũng là một bài toán khó cho chính quyền địa phương.
Nguồn lực tài chính
Khoảng 10 năm trở lại đây, Sầm Sơn là địa phương nhận được sự đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.
Nguồn tài chính cho du lịch từ ngân sách Trung ương thường được tỉnh ưu tiên cho việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa có giá trị khai thác phục vụ du lịch, như: tôn tạo, sửa chữa cụm di tích núi Trường Lệ.
Nguồn tài chính từ doanh nghiệp, nổi bật nhất là việc rót vốn từ Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và Sungroup. Năm du lịch Thanh Hóa 2015 được coi là một năm ghi nhận kết quả đột phá trong việc thu hút đầu tư vào du lịch là 20,333 tỷ đồng với các dự án của Tập đoàn FLC. Năm 2019, thành phố thông qua dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Sungroup có tổng vốn đầu tư lên đến gần 25.000 tỷ đồng, góp phần đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực.
Nguồn lực cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật
Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến đầu năm 2024, thành phố Sầm Sơn có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác, công suất sử dụng phòng nghỉ năm sau cao hơn năm trước.
Để thay đổi bộ mặt của một đô thị du lịch, việc quy hoạch chung thành phố đã và đang được tiến hành lập điều chỉnh đến năm 2040 để đảm bảo tính thống nhất từ quy hoạch đến các công trình, dự án đầu tư đang triển khai. Một số công trình hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhận được sự đánh giá cao của khách du lịch và dư luận xã hội tại địa phương, như: dự án Quảng trường biển và Trục cảnh quan lễ hội và một số dự án khác (khoảng 310 ha) thuộc quy hoạch Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn do Sungroup làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Nguồn lực cơ chế, chính sách
Phát triển du lịch Sầm Sơn nằm trong các đề án, chiến lược để phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói chung, như Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030... Hướng đi cho du lịch Sầm Sơn cũng định hình rõ nét hơn từ giai đoạn này khi tỉnh có các quyết định ban hành về việc: xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa, xây dựng sản phẩm du lịch mũi nhọn, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn ở các khu du lịch, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động du lịch… Qua các văn bản trên, cho thấy thành phố Sầm Sơn đang nỗ lực đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời, đó là cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư theo định hướng của tỉnh. Nhiều dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn quy mô lớn hoàn thành đã được đưa vào sử dụng, làm thay đổi bộ mặt du lịch biển của thành phố Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, như quần thể nghỉ dưỡng và sân golf FLC, quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Flamingo Hải Tiến...
2. Một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực trong phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn
Theo Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030, thành phố Sầm Sơn được xác định là khu du lịch chuyên đề biển - Đô thị du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch chính: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan du lịch, hội nghị hội thảo, thể thao dưới nước... Theo đó, định hướng đầu tư là mở rộng không gian khu du lịch theo hướng Bắc - Nam và phía Tây. Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại hóa các dịch vụ công cộng, bưu chính viễn thông, cung cấp điện, nước, hệ thống giao thông đô thị, hệ thống thoát nước, các dịch vụ vui chơi giải trí, hội nghị, hội thảo, nâng cấp hệ thống các khách sạn đảm bảo đạt chất lượng tương đương với các khách sạn của các trung tâm du lịch trong nước.
Để chiến lược hiệu quả, cần có cơ chế đảm bảo cho việc quy hoạch các khu di tích gắn với tuyến điểm du lịch biển một cách văn hóa, khoa học, hợp cơ chế; chính sách khuyến khích phát triển du lịch văn hóa Sầm Sơn. Cụ thể:
Một là, khai thác nguồn lực tài nguyên du lịch cần kết hợp cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa, trên cơ sở khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của thành phố Sầm Sơn để tập trung phát triển sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Sầm Sơn dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Đồng thời, phát huy các giá trị di sản nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững.
Hai là, cần có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội. Hơn thế nữa, cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp, cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực đóng vai trò quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Để phát huy vai trò của cộng đồng, cần làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Phải đặt lợi ích mà cộng đồng nhận được từ việc phát huy giá trị di sản được bảo tồn thông qua phát triển du lịch.
Ba là, nguồn lực tài chính, các nguồn vốn cho đầu tư phát triển du lịch có 3 loại chính: nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn của địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Giải pháp về nguồn vốn là phải huy động, sử dụng, phân bổ hiệu quả các nguồn vốn một cách hợp lý, thông minh. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng phát triển nguồn vốn làm du lịch từ người dân địa phương để cùng chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch, tạo sinh kế du lịch bền vững.
Bốn là, hiện đại hóa, đa dạng hóa hệ thống cơ sở lưu trú để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Đối với đô thị du lịch biển như Sầm Sơn, phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, cần khảo sát để đánh giá yêu cầu phát triển hệ thống khách sạn, các khu nghỉ dưỡng theo hạng sao. Đồng thời, cần hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng, kinh doanh homestay. Các cơ sở lưu trú cần áp dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, đẩy mạnh việc hợp tác với các trang web kinh doanh dịch vụ để thuận tiện cho khách du lịch đặt phòng, thanh toán online. Hệ thống cơ sở lưu trú phải đảm bảo về số lượng, chất lượng, hiện đại và đa dạng về loại hình.
Năm là, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực - nhân tố đầu tiên trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, về xúc tiến, quảng bá du lịch, về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch... Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, nước, đường sá, y tế, mạng lưới bưu chính viễn thông... phục vụ không chỉ du lịch mà còn cho các ngành kinh tế khác, cũng cần có cơ chế, chính sách cụ thể để vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tích cực giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch tiêu biểu của Sầm Sơn để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch mạnh mẽ. Kết hợp nhiều biện pháp mang tính đồng bộ theo định hướng chung về kinh tế, xã hội của tỉnh mới đem lại kết quả tốt.
Trong lộ trình phát triển du lịch bền vững, Sầm Sơn phải đón đầu xu thế, nắm bắt và vận dụng triệt để các “giá trị mới” để làm một cuộc chuyển mình căn bản, trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Từ những nguồn lực hiện có, Sầm Sơn cần tập trung đẩy mạnh đánh giá, khai thác hiệu quả. Có như vậy, nguồn lực mới thể hiện đúng vai trò là thế mạnh, nền tảng trong phát triển du lịch bền vững.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, tulieuvankien.dangcongsan.vn, 15-1-2019.
2. Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 2020.
3. Nam Nguyễn, Sầm Sơn: Hướng đến hiện thực hóa định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch quốc gia, nguoilambao.vn, 17-1-2024.
4. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa, Tập 1: Lịch sử và địa lý, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001.
5. UBND thành phố Sầm Sơn, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm 2011, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, 2023.
6. Sở VHTTDL Thanh Hóa, Báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2015.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 28-11-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 3-1-2025; Ngày duyệt đăng 8-1-2025.
TS NGUYỄN NHIÊN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025